Hội thảo Tham vấn kinh nghiệm quốc tế về tư pháp người chưa thành niên

Ngày 29/11/2021, TANDTC tổ chức Hội thảo "Tham vấn kinh nghiệm quốc tế về tư pháp người chưa thành niên" nhằm bảo đảm việc đề xuất xây dựng “Luật Tư pháp người chưa thành niên". PGS, TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì hội thảo.

Đồng chủ trì có Phó Chánh án TANDTCNguyễn Trí Tuệ. Về phía Bộ, Ban, Ngành trung ương có đại diện của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Ban dân nguyện của Quốc hội; các đại biểu của Ban Nội chính TW, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội.

Về phía các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán tại Việt Nam tham dự trực tiếp và trực tuyến tại 04 điểm cầu (Nhật Bản, Australia, Mỹ, Thái Lan) có ông Edagawa Mitsushi, Chuyên gia JICA tại Việt Nam; bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICCEF tại Việt Nam; ông  Jonathan Gandomi, Điều phối viên Chương trình Thực thi Pháp luật và Tư pháp Hình sự, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội; ông Kim Tae Joon, chuyên gia dài hạn tại Việt Nam.

Về phía TAND tham dự hội thảo có các  thành viên Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TANDTC, thủ trưởng, công chức thuộc TANDTC.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Hòa Bình cho biết trong những năm gần đây Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc xây dựng hoàn thiện hệ thống tư pháp người chưa thành niên, và có nhiều quy định đặc biệt dành cho người chưa thành niên, theo các điều chỉnh của hệ thống tư pháp hành chính. Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa có một đạo luật thống nhất, toàn diện, chuyên biệt để tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống tư pháp vị thành niên chuyên biệt và khác biệt. Thay vào đó, các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên cả về hành chính và hình sự còn nằm rải rác ở nhiều đạo luật khác nhau dẫn đến sự phân tán, khó thực thi nhất định. Việc đưa ra một đạo luật mới để hợp nhất và thay thế tất cả các quy định pháp luật hiện hành về tư pháp người chưa thành niên sẽ giải quuết được tình trạng phân tán hiện nay.

 

PGS, TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC phát biểu tại Hội thảo

Trước tình hình đó, hội đồng Thẩm phán TANDTC đã đề nghị Quốc hội và được chấp nhận chương trình xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp cho người chưa thành niên. Qua nghiên cứu cho thấy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có hệ thống pháp luật riêng dành cho người chưa thành niên, tuy nhiên còn có sự khác nhau giữa các quốc gia.

Theo số liệu tổng hợp, số lượng các quốc gia có đạo luật riêng dành cho người chưa thành niên đang tăng dần. Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia nhiều văn kiện quốc tế về quyền trẻ em, để từng bước thực hiện các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ trẻ em trong nước phù hợp với xu thế phát triển chung và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế thì việc nghiên hoàn thiện tư pháp về người chưa thành niên là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần hướng tới trong thời gian tới. Trong thời gian vừa qua triển khai chủ trương của Quốc hội, TANDTC đã nghiên cứu về Bộ luật này, đến nay đã bước đầu xây dựng đề cương Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đề cương “Luật Tư pháp người chưa thành niên" có 05 phần, 126 Điều trong đó ngoài các phần về quy định chung và điều khoản thi hành, bao gồm các nội dung chủ yếu như sau:

Quy định về các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên. Hiện nay, biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên được quy định tại Phần thứ ba của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Pháp lệnh số 09/2014/PL-UBTVQH về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND. Đây là chế định về hạn chế quyền con người, cần phải thể hiện bằng phán quyết của Tòa án. Tuy nhiên, việc triển khai thi hành chế định này trên thực tiễn chưa có sự thống nhất, dễ nhầm lẫn (giữa người trên 18 tuổi với người dưới 18 tuổi khi đặt chung tại Phần thứ ba của Luật Xử lý vi phạm hành chính), chưa có quy định về thủ tục tố tụng thân thiện với người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Do đó, phần này kế thừa, hợp nhất các quy định còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Phần thứ ba của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Pháp lệnh số 09 2014 PL UBTVQH về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND, kết cấu thành 02 Chương,

 Quy định về xử lý hình sự đối với người chưa thành niên. Hiện nay, các quy định về xử lý hình sự đối với người chưa thành niên đang được quy định tại 02 đạo luật là BLHS  và BLTTHS. Vì vậy, Đề cương Luật dự kiến hợp nhất các quy định này thành một phần gồm 05 chương bao gồm: Chương I Quy định chung; Chương II. Trình tự, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị buộc tội; Chương III. Trình tự, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng; Chương IV. Xét xử; Chương V. Giáo dục bắt buộc đối với người chưa thành niên trước khi thi hành án phạt tù.

Quy định về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên. Để hỗ trợ người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng, phần này quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ, giám sát người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, phần này bao gồm các nội dung mục đích, nguyên tắc hòa nhập cộng đồng; các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng; giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xã, chuẩn bị thả tự do; theo dõi, giám sát sau khi thả tự do; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.... Nội dung phần này kế thừa và sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có liên quan.

 

Ông Edagawa Mitsushi, Chuyên gia JICA tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Edagawa Mitsushi, Chuyên gia JICA tại Việt Nam cho biết dự án tư pháp về người chưa thành niên nhằm nâng cao chất lượng hệ thống văn bản, thi hành pháp luật về người chưa thành niên tại Việt Nam, đó cũng mục tiêu lớn của JICA tại Việt Nam nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Thời gian qua, TANDTC Việt Nam cùng 5 Bộ, Ban Ngành khác là đối tác hợp tác quan trọng của JICA.

Ông Edagawa Mitsushi cho biết Hội thảo này là một chủ đề JICA rất quan tâm, hệ thống tư pháp người chưa thành niên là một yêu cầu quan trọng. Vì vậy trên cơ sở hợp tác JICA đã chia sẻ với Việt Nam nhiều kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm. Hội thảo là cơ hội tuyệt vời để các chuyên gia trao đổi, góp ý vào dự thảo.

 

Bà Rana Flowers trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, căn cứ trên những nghiên cứu khoa học, não bộ sẽ phát triển đầy đủ khi đạt 25 tuổi, đó là lý do tại sao người chưa thành niên thông thường không có đầy đủ các kỹ năng, khả năng tự bảo vệ bản thân cũng như khả năng hiểu một vấn đề một cách đầy đủ. Việc giam giữ người chưa thành niên trên thực tế thường không có tác dụng về mặt giáo dục, thay vào đó phải áp dụng các biện pháp hướng dẫn cộng đồng. Cần chú trọng vai trò các hoạt động cải cách theo hệ thống, cần ghi nhận vai trò của công tác xã hội để tiến hành các biện pháp giám sát, quản lý người chưa thành niên thay vì áp dụng các biện pháp giam giữ. Tại Hội thảo, bà Rana Flowers  cũng đã cam kết hợp tác với TANDTC Việt Nam để có thể xây dựng hệ thống văn bảo pháp luật có chất lượng cao, tin tưởng xây dựng phù hợp vs công ước về quyền trẻ em.

Ông Kota KUROKI, Giảng viên (Thẩm phán) Phòng hợp tác quốc tế, Viện nghiên cứu pháp luật tổng hợp, Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết kinh nghiệm về Toà án gia đình chuyên xử lý các tranh chấp gia đình như các vụ việc ly hôn và thừa kế, và các vụ việc liên quan tới người chưa thành niên phạm tội. Tòa án gia đình là tòa án cấp dưới độc lập, cùng với các tòa cấp cao, tòa khu vực và tòa giản lược. So với các Toà án truyền thống, có những đặc điểm khác nhau về tính chất của các vụ việc được thụ lý và về nguyên tắc, phương pháp giải quyết các vụ việc như:  Tính cá nhân, khoa học, xã hội, giám hộ, phổ biến, không chính thức, và không công khai.

Điều tra viên Tòa án gia đình là những người có kiến thức chuyên môn về tâm lý học, sư phạm, xã hội học, phúc lợi xã hội, v.v. để thực hiện nguyên tắc đối xử cá nhân, nguyên tắc khoa học và nguyên tắc giáo dục trong xét xử các vụ án có người chưa thành niên. Điều tra viên Tòa án gia đình là những người chuyên gia về khoa học hành vi được cử về làm việc tại Tòa án gia đình. Thực hiện công tác điều tra trong các vụ việc gia đình và người chưa thành niên, có sử dụng chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với việc phạm tội của người chưa thành niên, điều tra vụ việc là nhiệm vụ chính của họ. Hệ thống Điều tra viên Tòa án gia đình là một nét đặc trưng của Toà án gia đình.

Việc xét xử và đưa ra phán quyết sẽ có 2 trường hợp: không mở thủ tục xét xử và mở thủ tục xét xử. Không mở thủ tục xét xử trong trường hợp vụ việc nhỏ và người chưa thành niên không có xu hướng tái phạm. Áp dụng biện pháp mang tính quản chế của Điều tra viên Tòa án gia đình (Biện pháp mang tính giáo dục). Mở thủ tục xét xử Không công khai đến công khai, xét xử riêng (Tương tự đối với vụ án có đồng phạm) chủ nghĩa giáo dục (Chủ nghĩa quản chế), chủ nghĩa chức quyền. Công tác xét xử và đưa ra phán quyết phải tiến hành trên tinh thần chân thành, thân thiện và khuyến khích người chưa thành niên phạm tội tự giác ngộ về hành vi phạm tội của mình.

Bà Shelley Casey, Chuyên gia UNICEF Việt Nam tại Úc cho biết UNICEF đánh giá cao sáng kiến của TANDTC Việt Nam trong việc đề xuất một đạo luật mang tính toán diện về tư pháp với người chưa thành niên. Việc xây dựng một đạo luật toàn diện là cách hiệu quả để hợp nhất và mở rộng các điều luận liên quan đến NCTN trong hệ thống tư pháp và đưa ra những cải cách mạnh dạn để làm hài hòa hệ thống tư pháp người chưa thành niên (NCTN) ở Việt Nam với chuẩn mực quốc tế và các điển hình tốt trên thế giới. Một đạo luật toàn diện về tư pháp với NCTN sẽ quy định rõ ràng hơn việc xử lý đặc biệt đối với NCTN trong tất cả các giai đoạn của quá trình xử lý vi phạm hành chính và tư pháp hình sự và đảm bảo rằng tất cả các cơ quan và tổ chức liên quan đến hệ thống tư pháp cùng hợp tác hướng tới các mục đích và mục tiêu chung.

Luật cũng cần tạo cơ hội để rà soát và hoàn thiện các chế tài hành chính và hình sự đối với NCTN nhằm tạo ra một hệ thống chế tài mang tinh tiếp nối với hậu quả pháp lý tăng dần đối với những vì nghiêm trọng, nhiều lần; Hoàn thiện quy trình thi hành các biện pháp và chế tài không giam giữ và bảo đảm tước tự do (đưa vào trường giáo dưỡng và phạt tù) chỉ được áp dụng đối với NCTN phạm tội bạo lực, có nguy cơ tái phạm cao.

 

Hội thảo nhận được nhiều sự quan tâm từ các chuyên gia quốc tế

Khuynh hướng trên thế giới hiện nay là xây dựng luật tư pháp với người chưa thành niên mang tính toàn diện thay cho việc quy định chương riêng về NCTN trong BLHS. BLTTHS. Các quốc gia tiến bộ nhất trong việc tăng cường hệ thống tư pháp NCTN là các quốc gia ban hành trong đó quy định cách tiếp cận khác biệt cơ bản so với cách xử lý các vụ án liên quan đến người đã thành niên

Ông Lucio Valerio Sarandrea, chuyên gia tư pháp người chưa thành niên, văn phòng UNICEF khu vực Đông Nam Á Thái Bình Dương cho biết dựa trên kinh nghiệm có thể thấy trước trong công tác cải cách tư pháp cho người chưa thành niên sẽ gặp một số thách thức trong đó có sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan như Toà án, Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành pháp luật, cơ sở cải tạo, Giáo dục, Y tế, Phúc lợi xã hội...

Kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới cũng cho thấy kế hoạch thi hành pháp luật dù được thết kế kỹ đến đâu thì vẫn gặp phải những lỗi không tránh khỏi do đó cần xây dựng một cơ chế linh hoạt. Một số bước cơ bản đó là cần liệt kê các văn bản dưới luật cần ban hành; Các văn bản liên ngành; Điều chỉnh cần thiết trong hệ thống tòa án (số lượng cán bộ); Đánh giá tác động văn bản pháp luật (RIA); Thực hiện thí điểm; Vận hành thử; Các nhóm đánh giá quá trình thực hiện. Ông Lucio Valerio Sarandrea nhấn mạnh cần tính đến cơ chế đảm bảo hoạt động của luật và điều phối sự hợp tác giữa các cơ quan. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến vấn đề chi phí cho quá trình vận hành.

 

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội thảo

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết các nguyên tắc tiến hành tố tụng và yêu cầu đối với người tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được BLTTHS quy định, gồm: Thân thiện, phù hợp độ tuổi và sự trưởng thành, Bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, Tôn trọng sự tham gia, Sự tham gia của người đại diện (Điều 414) và được đào tạo, có hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi (Điều 415).

Tuy nhiên, so sánh các nguyên tắc nêu trên với 10 yêu cầu bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng (Điều 70) của Luật Trẻ em cần lưu ý các nội dung như: Giảm thiểu tối đa tổn hại thể chất và (đặc biệt là) tinh thần của trẻ em trong quá trình tố tụng bằng việc ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ việc, bằng các thủ tục đặc biệt đối với trẻ em; Chủ động và ưu tiên áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, nhằm quyết các nguyên nhân, điều kiện vi phạm pháp luật để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và tái phạm, giúp trẻ em phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng; Bảo đảm sự liên kết chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, tổ chức, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, gia đình, cơ sở giáo dục, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, nhân viên công tác xã hội với các cơ quan tiến hành tố tụng; cần phải coi quá trình giáo dục, tái hòa nhập đối với trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật là một phần không tách rời của quá trình tư pháp;

PGS.TS. Đỗ Thị Phượng, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết việc xây dựng một đạo luật riêng về Tư pháp người chưa thành niên (TPNCTN) là hoàn toàn phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và giáo dục, xử lý người chưa thành niên; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với định hưởng cải cách tư pháp, phù hợp với tỉnh hình kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo sự kể thừa những yếu tố truyền thống hợp lý; tham khảo có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài; bảo đảm phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em và người chưa thành niên, phù hợp với xu hưởng chung của các nước và thế giới.

 

PGS.TS. Đỗ Thị Phượng, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Việc có một đạo luật về TPNCTN là một tư tưởng tiến bộ, nhân đạo, giúp cho việc giải quyết các vụ việc đối với người chưa thành niên được nhanh chóng và đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.

Luật TPNCTN sẽ cung cấp một một khung pháp lý thống nhất hơn, đầy đủ hơn dành cho người chưa thành niên, qua đó thể hiện được rõ chính sách nhất quán của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ và giáo dục người chưa thành niên. Bởi vì việc bảo đảm quyền của người chưa thành niên hoặc giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật không chỉ thực hiện ở một khâu nào, một giai đoạn nào mà cần nhìn nhận, đánh giá con người đó trong tổng thể, trong cả một quá trinh phát triển về tâm sinh lý của các em, ngay từ thời điểm có nguy cơ tiềm ẩn đến vi phạm pháp luật và phạm tội thì mới đạt được mục đích cao nhất trong giáo dục đối với các em.

Đại diện tổ chức KOICA, Thẩm phán Kim Tae Joon đánh giá việc xây dựng và ban hành luật tư pháp cho người chưa thành niên là vô cùng đúng đắn. Cần phải thống nhất và điều chỉnh các luật thông qua 1 đạo luật. Về nội dung giáo dục bắt buộc, ở Hàn Quốc cũng có các quy định tương tự, tuy nhiên có một số điểm khác như tuyên theo án ngắn hạn và dài hạn. Sau khi chấp hành xong án ngắn hạn, có thể xem xét chấm dứt thi hành án dài hạn. Mục đích của tư pháp với trẻ vị thành niên là giáo dục trẻ vị thành nên, do đó cần giảm các biện pháp hình sự. Ở Hàn Quốc ưu tiên áp dục các biện pháp phi hình sự, do đó có các quy định riêng về bảo vệ trẻ em. Gọi là các vụ án bảo vệ trẻ chưa thành niên, phải tìm hiểu các hoàn cảnh, tính cách, môi trường và tránh để lại tiền án, tiền sự cho trẻ vị thành niên. Tuy nhiên để triển khai cần sự chung tay của các cơ quan liên quan. Thẩm phán Kim Tae Joon Hi vọng trong thời gian tới Việt Nam sẽ có nhiều các biện pháp hành chính hơn là biện pháp đưa vào giáo dưỡng.

 

Thẩm phán Kim Tae Joon, Đại diện tổ chức KOICA phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS, TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC đánh giá hội thảo là một chương trình thiết thực, hữu ích, các chuyên gia tham dự đều mang đến trách nhiệm cao đối với tư pháp người chưa thành niên. Qua các ý kiến của các chuyên gia có thể thấy rất cần thiết phải xây dựng đạo luật về người chưa thành niên, nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên. Chánh án đánh giá cao các các ý kiến phát biểu, tham luận, các sáng kiến của các quốc gia có tính chất gợi mở, sáng tạo. Trong thời gian tới Chán án Nguyễn Hòa Bình đề nghị cơ quan tham mưu tiếp thu các ý kiến, điều chỉnh phù hợp với tình hình và mong muốn các đại biểu tiếp tục đóng góp các ý kiến để dự thảo sớm có thể trình ra Quốc hội.

CẢNH DINH