Không cần hòa giải đối với vụ án ly hôn trong trường hợp không đăng ký kết hôn

Tạp chí Tòa án nhân dân số 07/2019 có đăng bài viết: “Tòa án có phải tiến hành hòa giải đối với vụ án ly hôn trong trường hợp không đăng ký kết hôn?” của tác giả Huỳnh Xuân Tình. Chúng tôi xin trao đổi về vấn đề bài viết đặt ra.

Bài viết đưa ra tình huống nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (trừ trường hợp hôn nhân thực tế), không có tranh chấp quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng, chỉ yêu cầu không công nhận vợ chồng thì Tòa án có tiến hành hòa giải hay không?

Bài viết đưa ra hai quan điểm khác nhau về vấn đề này:

– Quan điểm thứ nhất cho rằng: Pháp luật quy định nếu nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn thì không có giá trị pháp lý. Do đó, Tòa án không phải tiến hành hòa giải.

– Quan điểm thứ hai cho rằng: Tòa án phải tiến hành hòa giải theo quy định pháp luật. Bởi vì, trường hợp này không thuộc trường hợp không được hòa giải theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015, cụ thể là không thuộc trường hợp vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Và bài viết đặt ra vấn đề cần trao đổi ý kiến là trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có thuộc trường hợp không được hòa giải theo Điều 206 BLTTDS 2015 hay không?

Về vấn đề này, chúng tôi có ý kiến trao đổi như sau:

Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HNGĐ) không cấm việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Tuy nhiên, Điều 14 Luật HNGĐ 2014 quy định về xử lý hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, tại khoản 1 có quy định: “1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.

Đồng thời, khoản 2 Điều 53 Luật HNGĐ 2014 cũng quy định rõ: “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.

Với các quy định nêu trên của Luật HNGĐ 2014, tôi nhất trí với quan điểm thứ nhất, khi giải quyết yêu cầu ly hôn, Tòa án không phải tiến hành hòa giải, nếu các bên không có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng (Tuy nhiên, chúng tôi có cách lập luận khác về việc Tòa án không tiến hành hòa giải). Còn quan điểm thứ hai cho rằng, Tòa án phải tiến hành hòa giải vì việc nam, nữ chung sống như vợ chồng không vi phạm điều cấm của Luật, không trái đạo đức xã hội nên không thuộc trường hợp những vụ án không được hòa giải theo quy định tại Điều 206 BLTTDS 2015 là không đúng.

Qua nghiên cứu các quy định của Luật HNGĐ 2014 và BLTTDS 2015, chúng tôi thấy rằng để trả lời câu hỏi Tòa án có phải tiến hành hòa giải hay không cần phải làm rõ trong trường hợp nêu trên được thụ lý, giải quyết theo thủ tục nào? Thủ tục giải quyết vụ án dân sự hay thủ tục giải quyết việc dân sự khi một bên có yêu cầu ly hôn?

Chúng tôi thấy rằng, trong thực tiễn, trường hợp nam, nữ chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn, việc một bên yêu cầu ly hôn, một bên không đồng ý thì các Tòa án thường nhầm lẫn, cho rằng đây là tranh chấp về hôn nhân và gia đình, từ đó thụ lý vụ án nên mới đặt ra vấn đề đây có phải là trường hợp vụ án không được hòa giải theo quy định tại Điều 206 BLTTDS 2015 hay không?

Quy định tại Điều 206 BLTTDS 2015 là quy định về những vụ án không được hòa giải bao gồm yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội. Đây là quy định cho thủ tục giải quyết vụ án.

Chúng tôi cho rằng, nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, khi một trong hai bên hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn mà không có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng thì phải được giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự theo quy định tại khoản 11 Điều 29 BLTTDS 2015 (Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật).

Luật HNGĐ 2014 quy định hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn[1] và kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật HNGĐ về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn[2]. Nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, mặc dù một bên yêu cầu ly hôn, một bên không đồng ý cũng cần phải xác định đây không phải là tranh chấp. Vì vấn đề được coi là có tranh chấp chỉ đặt ra giữa các bên có quyền và nghĩa vụ đối với nhau nhưng không thống nhất được việc giải quyết. Và việc hòa giải chỉ đặt ra giữa các bên có quyền và nghĩa vụ đối với nhau mà giữa các bên có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ hoặc không có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ nhưng pháp luật quy định phải hòa giải (ví dụ như yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn). Ở đây, giữa nam, nữ tuy chung sống với nhau như vợ chồng nhưng do không đăng ký kết hôn nên giữa họ không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng (khoản 1 Điều 14 Luật HNGĐ 2014). Do đó, vấn đề hòa giải không đặt ra nếu một trong hai bên hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn.

Vì vậy, khi một trong hai bên hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn mà hai bên không có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng, theo chúng tôi, trong trường hợp này, Tòa án phải thụ lý, giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự chứ không phải thụ lý, giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Khi giải quyết việc dân sự này, Tòa án không tiến hành hòa giải và tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng.

Tuy nhiên, trong thực tiễn còn có những ý kiến khác nhau trong việc giải quyết như trên. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, trước mắt, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần sớm hướng dẫn về vấn đề này.

Theo chúng tôi, việc thiết kế Điều 53 Luật HNGĐ 2014 như hiện nay là không hợp lý, thiếu logic và tính thống nhất ngay trong Luật này. Bởi lẽ, khoản 14 Điều 3 đã quy định Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án;  khoản 7 Điều này giải thích “chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”; khoản 1 Điều 14 đã quy định “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồngvà khoản 2 Điều 53 lại quy định “…tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng…”. Việc quy định thụ lý và giải quyết tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng trong điều luật quy định về thụ lý đơn yêu cầu ly hôn là không phù hợp. Do đó, về lâu dài, khi có điều kiện sửa đổi Luật HNGĐ 2014 cần tách khoản 2 Điều 53 thành một điều luật riêng để điều chỉnh đối với trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu chấm dứt quan hệ như vợ chồng hoặc thu hút khoản này vào khoản 1 Điều 14 (Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn) cho phù hợp.

Đồng thời, khi có điều kiện sửa đổi, bổ sung BLTTDS 2015, cần bổ sung một khoản vào Điều 29 BLTTDS 2015 (Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án), đó là: “Yêu cầu tuyên bố không công nhận là vợ chồng, công nhận quan hệ vợ chồng đối với nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn”.

Hòa giải tại TAND thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc – Ảnh Lê Thảo

[1] Khoản 1 Điều 3 Luật HNGĐ 2014.

[2] Khoản 5 Điều 3 Luật HNGĐ 2014.

BÍCH PHƯỢNG - NGỌC TRÂM