Một số vấn đề về thực hiện nghĩa vụ liên đới khi có người trong những người có nghĩa vụ chết theo quy định của BLDS 2015
Quy định về nghĩa vụ liên đới và thực hiện nghĩa vụ liên đới có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền khi chủ thể này có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 đã quy định về nội dung này tại Điều 288.
Tuy nhiên, khi áp dụng quy định trên trong trường hợp có người trong số những người có nghĩa vụ liên đới chết còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến một tình huống pháp lý nhưng thực tế hiện nay có nhiều cách giải quyết khác nhau. Dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
1. Quy định của pháp luật
Điều 288 Bộ luật dân sự 2015 được kế thừa từ Điều 22 Pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991, Điều 304 BLDS 1995, Điều 298 BLDS 2005, quy định về thực hiện nghĩa vụ liên đới cụ thể như sau:
1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.
3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.
4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.
Về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được quy định tại Điều 615 BLDS, cụ thể:
1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.
Thời điểm phát sinh nghĩa vụ tài sản do người chết để lại của người thừa kế kể từ thời điểm mở thừa kế theo Điều 614 Bộ luật dân sự.
2. Một số vấn đề vướng mắc khi áp dụng pháp luật
2.1. Việc quyết định người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ liên đới
Theo các quy định được viện dẫn nêu trên, trên thực tế hiện nay tồn tại một số quan điểm sau đây về việc thực hiện nghĩa vụ liên đới khi có người trong số những người có nghĩa vụ liên đới chết.
Quan điểm 1: Những người có nghĩa vụ liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ không phụ thuộc vào yêu cầu của người có quyền. Trường hợp có người có nghĩa vụ liên đới chết thì những người thừa kế của họ thực hiện phần nghĩa vụ liên đới trong phạm vi di sản mà người có nghĩa vụ liên đới chết để lại.
Quan điểm này xuất phát từ quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật dân sự: Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện. Mặc dù khi khởi kiện, người có quyền chỉ yêu cầu một hoặc một số người có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ nhưng khi giải quyết vụ án, Tòa án phải căn cứ khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS), xác định người có nghĩa vụ liên đới là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án để quyết định họ liên đới thực hiện nghĩa vụ. Chỉ như vậy mới đảm bảo quyền lợi của người có quyền và của chính những người có nghĩa vụ liên đới với lập luận theo nguyên tắc các đương sự đều bình đẳng trước pháp luật theo Điều 8 BLTTDS.
Trường hợp có người trong số những người có nghĩa vụ liên đới chết thì nghĩa vụ của người đó được thực hiện theo quy định tại Điều 615 BLDS, cụ thể Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại. Khi xác định nghĩa vụ vụ tài sản của người thừa kế trong trường hợp này cũng có những cách giải quyết khác nhau như sau:
- Cách giải quyết thứ nhất: Tòa án buộc những người thừa kế của người có nghĩa vụ liên đới đã chết chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của người chết trong phạm vi di sản do người chết để lại vì nghĩa vụ liên đới có thể phân chia được theo phần theo Điều 290 Bộ luật dân sự. Quan điểm này cho rằng khi người có nghĩa vụ chết thì chấm dứt nghĩa vụ liên đới nên khi giải quyết vụ án, Tòa án phải phân chia phần nghĩa vụ tài sản của người chết trong tổng nghĩa vụ chung. Những người thừa kế chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ đó và chỉ phải thực hiện trong phạm vi tài sản do người chết để lại.
- Cách giải quyết thứ hai: Những người thừa kế của người có nghĩa vụ liên đới đã chết phải liên đới thực hiện nghĩa vụ của người chết trong phạm vi di sản do người chết để lại. Quan điểm này viện dẫn Điều 372 Bộ luật dân sự năm 2015 về căn cứ chấm dứt nghĩa vụ để xác định đây không phải là trường hợp chấm dứt nghĩa vụ; đồng thời cách giải quyết này cũng tương tự quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình khi vợ chồng có nghĩa vụ liên đới thì “quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác”. Do vậy, khi người có nghĩa vụ liên đới về tài sản chết không làm chấm dứt nghĩa vụ liên đới của họ. Nên những người thừa kế của người có nghĩa vụ liên đới cũng phải liên đới thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi di sản của người chết để lại.
Quan điểm giải quyết trên đã được áp dụng giải quyết trong vụ án cụ thể sau:
Nội dung vụ án: Ngày 31/7/2013, ông Trần Huy C, bà Vũ Thị T đã ký hợp đồng tín dụng vay của Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh HD số tiền 1.400.000.000đ, thời hạn vay 12 tháng. Đảm bảo cho nghĩa vụ vay bằng tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất thửa số 43 tờ bản đồ số 07 diện tích 84m2 theo giấy CNQSDĐ do UBND huyện B cấp ngày 02/01/2009 cho ông C, bà T theo Hợp đồng thế chấp ngày 22/4/2013.
Sau khi ông C, bà T vay được tiền, Ngân hàng mới thu được 93 đồng từ tài khoản của ông C. Từ ngày 31/7/2013, ông C bà T không thanh toán trả nợ tiền gốc, tiền lãi vay theo quy định. Ngân hàng yêu cầu Tòa án buộc ông C, bà T phải trả nợ tiền nợ gốc là 1.399.999.907đồng cùng tiền lãi cho đến khi thanh toán xong hợp đồng và xử lý các tài sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp.
Quá trình giải quyết vụ án, năm 2016, bà T chết. Anh Trần Huy T1, Trần Huy T2 là con ông C, bà T không có lời khai, lời trình bày tại hồ sơ về quyền và nghĩa vụ liên quan.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01 ngày 30/3/2018, TAND huyện B đã căn cứ vào Điều 121, 122,129; khoản 2 Điều 138; Điều 323, Điều 342, Điều 343, Điều 348, Điều 351, Điều 355, Điều 389, Điều 471, Điều 715 của BLDS 2005; Khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010, xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của BIDV, buộc ông Trần Huy C phải trả cho BIDV số nợ gốc là 1.399.999.907 đồng, tiền lãi cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc. Trường hợp ông C không trả đủ số tiền nợ nêu trên thì BIDV có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự huyện B xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Trường hợp sau khi xử lý tài sản thế chấp mà chưa trả hết nợ thì ông C tiếp tục phải trả phần nợ còn lại.
Các đương sự kháng cáo. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 06/2018/KDTM-PT ngày 25/10/2018, TAND tỉnh H nhận định: Bà Vũ Thị T (vợ ông Trần Huy C) là một bên ký hợp đồng tín dụng vay tiền Ngân hàng và ký hợp đồng thế chấp bảo đảm cho khoản tiền vay ngày 31/7/2013. Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 19/4/2016 bà Vũ Thị T chết. Tòa án cấp sơ thẩm không xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà T (anh T1, T2, T3) tham gia tố tụng với tư cách là những người kế thừa quyền nghĩa vụ của bà T. Tòa án cấp sơ thẩm cũng không tuyên những người kế thửa quyền nghĩa vụ của bà T phải cùng ông C có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng, trong khi đó chưa có quan điểm của anh T1, anh T2 đối với nghĩa vụ và quyền về kế thừa quyền nghĩa vụ của bà T đã gây thiệt hại cho họ và Ngân hàng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do vậy, TAND tỉnh H đã hủy toàn bộ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/LDTM-ST ngày 30/3/2018 của Tòa án nhân dân huyện B. Giao hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân huyện B giải quyết lại theo thủ tục chung.
Quan điểm 2: Khi một trong số những người có nghĩa vụ liên đới chết thì chấm dứt nghĩa vụ liên đới đối với người đã chết đó. Khi giải quyết vụ án, Tòa án phải phân chia phần nghĩa vụ tài sản của người chết trong tổng nghĩa vụ chung. Những người thừa kế chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ đó và chỉ phải thực hiện trong phạm vi tài sản do người chết để lại. Những người có nghĩa vụ liên đới khác phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ còn lại.
Những người theo quan điểm này cho rằng căn cứ Điều 290 BLDS về việc thực hiện nghĩa vụ phân chia được theo phần và quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình, theo đó: Khi vợ hoặc chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết mà có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế, cụ thể những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Quan điểm này được thể hiện tại bản án cụ thể sau: Ngày 14/01/2017, vợ chồng ông Tiêu Công T, bà Phạm Thị H cho vợ chồng ông Mạc Văn B, bà Dương Thị H vay số tiền 700.000.000đ theo giấy biên nhận có đầy đủ chữ ký của hai bên. Tháng 6/2018, ông B chết. Năm 2020, ông Tiêu Công T khởi kiện yêu cầu bà Dương Thị H phải trả tổng số tiền nợ gốc mà vợ chồng bà đã vay là 700.000.000đ và lãi suất, ông không yêu cầu những người thừa kế khác của ông B phải trả.
TAND huyện T xác định hàng thừa kế, di sản thừa kế của ông B, đồng thời thẩm định, định giá những tài sản đó, xác định các khoản nợ, chi phí mai táng của ông B nên tài sản còn lại của ông B là 69.998.000đ.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 11/2020/DS-ST ngày 27/9/2020, Tòa án nhân dân huyện T đã căn cứ các Điều 116, 117, 118, 119, 275, 280, 463, 464, 465, 615, 623, 650, 651; 858; 357, 468 của BLDS…, xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Tiêu Công T, buộc bà Dương Thị H có trách nhiệm thanh toán trả ông Tiêu Công T - bà Phạm Thị H khoản tiền nợ gốc 350.000.000đ và 63.959.000đ tiền lãi, tổng là 413.959.000đ.
Buộc bà Dương Thị H có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của người chết (ông B) để lại, cụ thể: Bà Dương Thị H có trách nhiệm trả ông Tiêu Công T - bà Phạm Thị H số tiền 69.998.000đ (tài sản còn lại của ông B).
Quan điểm 3: Tùy thuộc yêu cầu của người có quyền: trường hợp người có quyền yêu cầu một trong bất kỳ người nào có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì người bị yêu cầu phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ; trường hợp người có quyền yêu cầu toàn bộ người có nghĩa vụ liên đới phải thực hiện nghĩa vụ thì người có nghĩa vụ liên đới còn sống và những người thừa kế của người có nghĩa vụ liên đới đã chết phải liên đới thực hiện nghĩa vụ tuy nhiên những người thừa kế chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm giải quyết này bởi lẽ quy định về nghĩa vụ liên đới và thực hiện nghĩa vụ liên đới hướng tới việc đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể có quyền, nếu xác định có người trong số những người có nghĩa vụ liên đới chết thì nghĩa vụ của người này không còn liên đới sẽ làm quy định về nghĩa vụ liên đới và thực hiện nghĩa vụ liên đới không còn ý nghĩa, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể có quyền. Hơn nữa theo quy định tại Điều 5 BLTTDS, đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện đó.
Điều này phù hợp với quy định tại Điều 288 BLDS: Bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Do vậy, đương sự có quyền quyết định phạm vi khởi kiện và người có quyền có quyền yêu cầu bất kể ai trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Sau khi người bị chỉ định thi hành toàn bộ nghĩa vụ, họ có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ khác thực hiện phần nghĩa vụ của họ nên quyền lợi của người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ vẫn được bảo đảm.
Thực tế, đã có vụ việc được Tòa án giải quyết theo quan điểm trên, nội dung cụ thể như sau: Ngày 01/12/2017, Vietcombank Chi nhánh H cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Đ, ông Đỗ Mạnh M vay 3.600.000.000đồng; thời hạn vay: 05 tháng và thỏa thuận về lãi suất. Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng thửa đất diện tích 161,7m2 và nhà ở, công trình trên đất (là tài sản chung của vợ chồng bà Đ, ông M đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở ngày 21/11/2017) (đã đăng ký thế chấp).
Ngày 21/10/2018 ông M chết. Bà Đ trả được 160.000.000đồng tiền gốc. Nay Vietcombank khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà Đ phải trả toàn bộ số tiền nợ gốc và lãi tạm tính đến hết ngày 10/10/2019 là 3.662.254.013 đồng và tiền lãi phát sinh theo Hợp đồng tín dụng đến khi trả hết nợ gốc cho Vietcombank và xử lý tài sản đảm bảo theo Hợp đồng thế chấp đã ký để thu hồi nợ.
Bà Nguyễn Thị Đ (đồng thời là đại diện theo ủy quyền của các con của bà và ông M là chị N, chị T và anh N) đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của Vietcombank, bà Đ đchấp nhận trả toàn bộ nợ chung của bà và ông M theo Hợp đồng tín dụng.
Tại Bản án số 01/2021/KDTM-ST ngày 24/3/2021, TAND tỉnh H căn cứ các Điều 91, 95 Luật Các tổ chức tín dụng; xử:
- Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vietcombank: Buộc bà Nguyễn Thị Đ phải trả Vietcombank toàn bộ khoản nợ chung của bà Nguyễn Thị Đ và ông Đỗ Mạnh M tổng số tiền tính đến ngày 23/3/2021 là 4.043.467.730đồng. Trường hợp bà Nguyễn Thị Đ không trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ, Vietcombank có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý tài sản đảm bảo là quyền sử dụng thửa đất và toàn bộ nhà ở, công trình xây dựng trên đất theo Hợp đồng thế chấp đã ký kết giữa Vietcombank Chi nhánh H và bà Nguyễn Thị Đ, ông Đỗ Mạnh M để thu hồi nợ. Trường hợp số tiền thu được từ việc phát mại tài sản bảo đảm không đủ để thanh toán khoản vay, bà Nguyễn Thị Đào vẫn phải có nghĩa vụ trả tiền cho Vietcombank đến khi tất toán khoản vay.
2.2. Việc quyết định phạm vi nghĩa vụ liên đới của người thừa kế của người có nghĩa vụ
Tòa án có phải xác định giá trị di sản của người chết để lại để quyết định nghĩa vụ liên đới của những người thừa kế không? Thực tế, giá trị tài sản thay đổi tùy theo quy luật cung cầu của thị trường. Do vậy, giá trị tài sản khi Tòa án giải quyết vụ án với khi thi hành án có thể khác nhau, tăng lên hoặc giảm xuống. Nếu Tòa án xác định giá trị di sản để quyết định nghĩa vụ tài sản của người có nghĩa vụ chết là không phù hợp, sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án.
Như vậy, để giải quyết vụ viêc này, Tòa án chỉ xác định di sản của người chết mà không xác định giá trị của di sản và quyết định nghĩa vụ liên đới của người thừa kế trong phạm vi di sản đó.
2.3. Việc quyết định nghĩa vụ tài sản do người chết để lại khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng tài sản của chính người có nghĩa vụ chết
Trường hợp nghĩa vụ có tài sản bảo đảm bằng chính tài sản của người có nghĩa vụ đã chết thì Tòa án phải quyết định xử lý tài sản bảo đảm để thi hành nếu người có nghĩa vụ liên đới khác không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ theo Điều 299 BLDS. Như chúng tôi đã phân tích ở trên, Tòa án không phải xác định giá trị di sản của người có nghĩa vụ chết khi giải quyết vụ án. Tòa án chỉ xác định di sản nào thuộc tài sản bảo đảm và quyết định xử lý tài sản đó khi những người có nghĩa vụ liên đới còn lại vi phạm nghĩa vụ. Đồng thời, Tòa án vẫn phải xác định những di sản còn lại khác của người có nghĩa vụ chết để làm căn cứ tuyên nghĩa vụ liên đới của người thừa kế trong phạm vi số di sản đó.
3. Đề xuất áp dụng pháp luật
Với những phân tích trên, theo chúng tôi nghĩa vụ liên đới vẫn tiếp tục ràng buộc các chủ thể có nghĩa vụ liên đới khi có người trong số những người có nghĩa vụ chết. Những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của người chết sẽ phải liên đới cùng những người có nghĩa vụ còn lại thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi di sản. Vì vậy, khi Tòa án giải quyết các tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ liên đới cần căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của người có quyền để quyết định phạm vi giải quyết vụ án.
Trong trường hợp, người có quyền yêu cầu toàn bộ người có nghĩa vụ liên đới phải thực hiện nghĩa vụ mà có người có nghĩa vụ chết thì Tòa án cần xác định di sản của người chết và buộc người thừa kế của người đó phải thực hiện nghĩa vụ liên đới trong phạm vi di sản của người chết. Trong trường hợp, nghĩa vụ được bảo đảm bằng tài sản của người có nghĩa vụ đã chết thì Tòa án cần xác định di sản của người chết, tuyên xử lý tài sản bảo đảm nếu những người có nghĩa vụ liên đới không thực hiện đúng nghĩa vụ và buộc người thừa kế của người đó phải thực hiện nghĩa vụ liên đới trong phạm vi di sản còn lại của người chết nếu tài sản bảo đảm không đủ thực hiện nghĩa vụ.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận