Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ họ, thành viên khi có tranh chấp

Thực tế hiện nay số lượng các vụ án liên quan đến tranh chấp về hụi họ rất lớn, để đảm bảo đúng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch họ khi giải quyết tranh chấp là vấn đề hết sức cần thiết. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ nêu thực tiễn quan điểm về đường lối xét xử các vụ án tranh chấp họ hiện nay, từ đó đưa ra ý kiến của tác giả và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hụi họ.

Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật[1]. Nguyên tắc tổ chức họ, điều kiện làm thành viên, chủ họ, gia nhập, rút khỏi họ, văn bản thỏa thuận về họ, thứ tự lĩnh họ, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ họ được quy định tại Nghị định số: 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 về hụi, họ, biêu, phường. Trong bài viết này, tác giả chỉ bàn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ họ, thành viên khi có tranh chấp họ hưởng hoa hồng có lãi.

1.Quy định của pháp luật

Theo khái niệm về họ nêu trên, thì chúng ta có thể hiểu việc tổ chức họ do một người đứng ra làm chủ họ mở dây họ, tập hợp một số người tham gia chơi họ (thành viên) và cùng thỏa thuận với nhau về số tiền, thời gian và hình thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong dây họ. Theo đó, họ hưởng hoa hồng là họ có lãi hoặc họ không có lãi mà thành viên được lĩnh họ phải trả một khoản hoa hồng cho chủ họ theo mức do những người tham gia dây họ thỏa thuận[2].

Ví dụ: A là chủ họ, B, C, D, E, F là thành viên cùng thỏa thuận tham gia 01 dây họ loại 5.000.000 đồng, 01 tháng mở 01 lần, hình thức khi đến kỳ mở họ các thành viên bỏ thăm với số tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng, ai bỏ số tiền cao nhất trong khi bỏ thăm thì được lĩnh họ và phải trả hoa hồng cho chủ họ 1.000.000 đồng, thành viên bỏ thăm sau khi được lĩnh họ phải góp lại các kỳ họ (trong đó có lãi) cho đến khi thành viên cuối cùng được lĩnh họ. Ngoài ra, chủ họ và các thành viên còn thỏa thuận nếu thành viên nào vi phạm nghĩa vụ thì phải thanh toán một lần tiền họ được lĩnh và lãi theo thỏa thuận để chủ họ tiếp tục xoay vòng các kỳ họ cho đến khi kết thúc họ.

1.1. Quyền và nghĩa vụ của chủ họ

– Chủ họ trong họ có lãi có các quyền: Thu phần họ của các thành viên, yêu cầu thành viên không góp họ của mình phải trả phần họ trong trường hợp chủ họ đã góp thay cho thành viên đó, lĩnh các phần họ trong kỳ mở họ đầu tiên và không phải trả lãi cho các thành viên khác trong trường hợp chủ họ đồng thời là thành viên, được hưởng hoa hồng từ thành viên lĩnh họ[3].

– Chủ họ có các nghĩa vụ: Thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi; thông báo đầy đủ về số lượng dây họ, phần họ, kỳ mở họ, số lượng thành viên của từng dây họ mà mình đang làm chủ họ cho người muốn gia nhập dây họ; giao các phần họ cho thành viên lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ; nộp thay phần họ của thành viên nếu đến kỳ mở họ mà có thành viên không góp phần họ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; để các thành viên xem, sao chụp sổ họ và cung cấp các thông tin liên quan đến dây họ khi có yêu cầu; các quyền nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật[4].

Căn cứ quy định trên, thì thấy rằng bản chất chủ họ chỉ là người trung gian đứng ra tổ chức dây họ và được hưởng hoa hồng qua các kỳ mở họ, nhưng trách nhiệm pháp lý ở đây đặt ra với chủ họ là rất lớn, bởi lẽ nếu các thành viên đã lĩnh họ mà không góp phần họ theo thỏa thuận sau khi đã lĩnh họ thì chủ họ phải nộp thay phần tiền đó cho thành viên không góp để giao cho thành viên khác được lĩnh họ. Như vậy, vấn đề đặt ra là chủ họ có quyền yêu cầu thành viên không góp họ phải trả tiền họ và nghĩa vụ của thành viên như thế nào nếu vi phạm thỏa thuận góp họ. Chúng ta sẽ bàn về vấn đề này ở phần thực tiễn để thấy rõ hơn.

1.2. Quyền và nghĩa vụ của thành viên

– Thành viên trong họ có lãi có các quyền: Góp một hoặc nhiều phần họ trong kỳ mở họ; lĩnh họ; chuyển giao một phần hoặc toàn bộ phần họ cho người khác theo quy định tại Bộ luật dân sự; chuyển giao một phần hoặc toàn bộ phần họ cho người khác theo quy định tại BLDS; yêu cầu chủ họ hoặc người giữ sổ họ cho xem, sao chụp sổ họ và cung cấp các thông tin liên quan đến dây họ; yêu cầu chủ họ trả phần họ của thành viên không góp phần họ đúng hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; đưa ra mức lãi trong mỗi kỳ mở họ; được lĩnh họ trước các thành viên khác nếu đưa ra mức lãi cao nhất tại kỳ mở họ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; hưởng lãi từ thành viên lĩnh họ; thỏa thuận về mức hưởng hoa hồng của chủ họ[5].

– Thành viên trong họ có lãi có nghĩa vụ: Góp phần họ theo thỏa thuận; thông báo về nơi cư trú mới trong trường hợp có thay đổi cho những người tham gia dây họ; tiếp tục góp các phần họ để các thành viên khác được lĩnh cho đến khi thành viên cuối cùng lĩnh họ trong trường hợp đã lĩnh họ trước thành viên khác; trả lãi cho các thành viên chưa lĩnh họ khi được lĩnh họ; trả khoản hoa hồng cho chủ hụi khi lĩnh họ theo thỏa thuận[6].

Thực tế thành viên đã lĩnh họ thì phải góp họ lại theo các kỳ mở họ cho đến khi thành viên cuối cùng được lĩnh họ và phải trả lãi cho các thành viên khác, như vậy thành viên sau khi đã lĩnh họ phải có nghĩa vụ với thành viên khác vì thực tế đã lĩnh họ từ các thành viên khác góp vào, nhưng nếu vi phạm nghĩa vụ góp họ thì chủ họ phải góp thay để giao cho các thành viên khác, vấn đề đặt ra là thành viên đã lĩnh họ vi phạm nghĩa vụ phải có nghĩa vụ một lần đối với tổng số tiền đến khi kết thúc họ (theo thỏa thuận ban đầu) hay chỉ từng lần theo kỳ mở họ (theo quy định của pháp luật).

1.3. Trách nhiệm của chủ họ và thành viên

– Trách nhiệm của chủ họ do không giao hoặc giao không đầy đủ các phần họ cho thành viên được lĩnh họ khi đến kỳ mở họ: Trả lãi đối với số tiền chậm giao cho thành viên được lĩnh họ; chịu phạt vi phạm trong trường hợp dây họ của thỏa thuận phạt vi phạm[7].

– Trách nhiệm của thành viên không góp phần họ: Hoàn trả số tiền mà chủ họ đã góp thay cho thành viên; trả lãi đối với số tiền chậm góp họ; chịu phạt vi phạm trong trường hợp những người tham gia dây họ có thỏa thuận phạt vi phạm[8].

Trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành, chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu và trao đổi về thực tế xét xử các vụ án tranh chấp về họ để thấy rõ hơn quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ họ, thành viên khi có tranh chấp và phải xử lý như thế nào để đảm bảo quyền và lợi ích giữa các bên.

2.Thực tiễn quan điểm về đường lối xét xử các tranh chấp họ 

Thực tế các tranh chấp họ được giải quyết tại Tòa án là khi chủ họ hay thành viên đã vi phạm theo thỏa thuận của dây họ được mở, khi chủ họ không giao đủ số tiền cho thành viên được lĩnh họ theo kỳ mở họ thì chủ họ phải có trách nhiệm với thành viên được lĩnh họ, trường hợp này nếu thành viên khởi kiện thì Tòa án sẽ xem xét buộc chủ họ thanh toán một lần cho thành viên được lĩnh họ; khi thành viên không góp họ theo kỳ khi đã lĩnh họ, chủ họ khởi kiện thì Tòa án sẽ xét như thế nào, xem xét nghĩa vụ của thành viên từng kỳ không góp (chủ họ đã góp thay) hay xem xét nghĩa vụ của thành viên đến khi kết thúc hụi.

Tác giả xin dẫn chiếu tiếp ví dụ nên ở phần trên để phân tích:  A là chủ họ, B, C, D, E, F là thành viên cùng thỏa thuận tham gia 01 dây họ, loại họ 5.000.000 đồng, 01 tháng mở 01 lần, dây họ gồm có 06 phần, hình thức khi đến kỳ mở họ các thành viên bỏ thăm với số tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng, ai bỏ số tiền cao nhất trong khi bỏ thăm thì được lĩnh họ và phải trả hoa hồng cho chủ họ 1.000.000 đồng. Ở kỳ mở họ đầu tiên B là người bỏ thăm số tiền 500.000 đồng và được lĩnh họ. Thực tế, số tiền B được lĩnh họ là 4.500.000 đồng X 5 phần – 1.000.000 đồng (tiền hoa hồng) = 21.500.000 đồng. Sau khi lĩnh họ thì B phải có nghĩa vụ góp họ lại mỗi kỳ với số tiền 5.000.000 đồng X 5 kỳ = 25.000.000 đồng, nhưng sau khi được lĩnh họ thì B không thực hiện việc góp họ ở 3 kỳ họ, chủ họ đã xuất ra 3 kỳ họ đóng thay cho B để giao cho các thành viên khác được lĩnh họ. Do B sau khi lĩnh họ đã chây ì không góp họ là đã vi phạm thỏa thuận trong dây họ, nên A khởi kiện B đến Tòa án. Trong phạm vi yêu cầu khởi kiện A yêu cầu B phải thanh toán số tiền 25.000.000 đồng (cho đến khi kết thúc họ).

Quan điểm thứ nhất: Tòa án chỉ xem xét nghĩa vụ và trách nhiệm của B ở 3 kỳ họ chưa góp là 3 kỳ X 5.000.000 đồng = 15.000.000 đồng, vì thực tế A chỉ góp thay cho B ở 3 kỳ họ, do đó chỉ chấp nhận 01 phần yêu cầu khởi kiện của A ở 3 kỳ họ.

Quan điểm thứ hai: Tòa án chỉ xem xét nghĩa vụ và trách nhiệm của B ở 5 kỳ họ, vì B đã vi phạm thỏa thuận của dây họ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên tham gia trong dây họ, nên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của A ở 5 kỳ họ là 25.000.000 đồng.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ B sau khi lĩnh họ đã vi phạm nghĩa vụ góp họ theo thỏa thuận là đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các thành viên khác và chủ họ trong dây họ, thực tế A là chủ họ phải có nghĩa vụ góp thay các kỳ họ của B để giao cho các thành viên khác cho đến khi kết thúc dây họ, việc B đã cố tình không góp các phần họ là ảnh hưởng trực tiếp đến nghĩa vụ của chủ họ đối với các thành viên khác, nên việc Tòa án chỉ chấp nhận buộc B trả lại cho A 3 kỳ họ và khi nào A đã góp thay cho B 2 kỳ họ còn lại thì mới có quyền yêu cầu B trả lại là chưa hợp lý để thỏa mãn quyền lợi của các bên. Như đã phân tích trên, chủ họ là người trung gian nhưng phải chịu trách nhiệm cho đến khi kết thúc dây họ nếu có thành viên trong họ đã lĩnh họ nhưng không góp họ lại, thực tế thì B đã nhận đủ các phần họ được lĩnh với số tiền 21.500.000 đồng, mục đích của họ theo quy định của pháp luật là nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân nhưng B không thực hiện nghĩa vụ đúng theo thỏa thuận là đã ảnh hưởng đến quyền lợi các bên hướng đến trong dây họ, ở ví dụ tại bài viết này là dây họ đơn giản có ít kỳ hụi, nhưng giả sử nếu dây họ có số lượng kỳ họ nhiều thì việc B vi phạm nghĩa vụ hoặc có thêm thành viên khác vi phạm nghĩa vụ thì sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chủ họ rất lớn.

3.Kiến nghị

Thực tế nếu không xem xét trách nhiệm và nghĩa vụ của B một lần đến khi kết thúc họ thì sẽ dẫn đến một số hệ lụy như sau:

+ Chủ họ sẽ phải chịu trách nhiệm với các kỳ họ mà thành viên đã được lĩnh họ nhưng không góp lại (thực tế chủ họ không có nhận khoản tiền của các thành viên góp vào), nếu trong dây họ có nhiều thành viên không góp họ thì chủ họ sẽ mất khả năng thanh toán dẫn đến kết thúc dây họ không theo thỏa thuận ban đầu, vì đến kỳ mở họ thì chủ hụi không giao phần họ đầy đủ cho các thành viên khác được lĩnh họ;

+ Việc Tòa án chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện đối với các kỳ họ mà chủ họ đã góp thay thành viên không góp họ là đã xâm phạm đến nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận theo quy định của pháp luật giữa các bên (Vì các bên khi tham gia dây họ có thỏa thuận nếu thành viên vi phạm nghĩa vụ thì phải thanh toán một lần tiền họ được lĩnh và lãi theo thỏa thuận để chủ họ tiếp tục xoay vòng các kỳ họ cho đến khi kết thúc họ), ngoài ra các kỳ họ tiếp theo khả năng thành viên đã lĩnh họ vi phạm nghĩa vụ thực hiện việc góp họ tiếp là điều khó có thể xảy ra (dẫn đến việc khởi kiện tiếp theo);

+ Nếu dây họ có thời gian kéo dài trên 03 năm và việc Tòa án chỉ xem xét từng kỳ mà chủ họ góp thay thì chủ họ sẽ hết thời hiệu khởi kiện nếu đợi đến khi kết thúc họ mới đi khởi kiện (trường hợp bị đơn có yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện);

+ Xem xét trách nhiệm và nghĩa vụ của thành viên không góp hụi như vậy thì sự việc tranh chấp sẽ phải giải quyết bằng nhiều bản án, quyết định khác nhau (vấn đề này thực tế đã có xảy ra) làm mất nhiều thời gian và chi phí cho việc tham gia tố tụng của đương sự và tiến trình tố tụng của Tòa án.

Để đảm bảo và cân bằng quyền, lợi ích hợp pháp giữa các bên khi tham gia dây họ trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận, theo quan điểm của tác giả thì Tòa án phải xem xét trách nhiệm và nghĩa vụ của thành viên đã được lĩnh họ nhưng không góp họ phải thanh toán một lần cho chủ họ cho đến khi kết thúc dây họ thì mới phù hợp và mới đảm bảo quyền và lợi ích của chủ họ và các thành viên trong dây họ, bởi thực tế số tiền lĩnh họ là tiền của các thành viên khác góp vào và tất yếu xảy ra thì chủ họ hàng kỳ phải bỏ ra số tiền của thành viên không góp họ để giao cho các thành viên khác được lĩnh họ theo kỳ. Việc xem xét trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện theo cách tính như sau: (Lấy số tiền thực tế mà thành viên được lĩnh họ (xem như vốn vay) X cho lãi suất 20%/năm theo quy định của pháp luật X thời gian kể từ ngày thành viên lĩnh họ nhận tiền họ đến thời gian chủ họ khởi kiện; nếu thành viên đã có góp lại kỳ họ nào thì đối trừ ra).

Từ những phân tích, lập luận trên tác giả kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần quy định cụ thể nghĩa vụ và trách nhiệm của thành viên tham gia họ nếu đã vi phạm nghĩa vụ góp họ theo thỏa thuận thì phải chịu trách nhiệm pháp lý hoàn trả một lần số tiền lĩnh họ và lãi theo quy định thì mới đảm bảo quyền và lợi ích của chủ họ và các thành viên khác, đồng thời có hướng dẫn cụ thể về việc giải quyết tranh chấp họ. Ở góc độ nghiên cứu rất mong được sự đóng góp và trao đổi của quý độc giả.

 

[1] Điều 471 Bộ luật dân sự năm 2015.

[2] Khoản 8 Điều 4 Nghị định số: 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 về hụi, họ, biêu, phường.

[3] Điều 17 Nghị định số: 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 về hụi, họ, biêu, phường.

[4] Điều 18 Nghị định số: 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 về hụi, họ, biêu, phường.

[5] Điều 15 Nghị định số: 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 về hụi, họ, biêu, phường.

[6] Điều 16 Nghị định số: 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 về hụi, họ, biêu, phường.

[7] Điều 23 Nghị định số: 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 về hụi, họ, biêu, phường.

[8] Điều 24 Nghị định số: 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 về hụi, họ, biêu, phường.

Ths TRƯƠNG HUỲNH HẢI (TAND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau)