Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát khi chuyển hồ sơ vụ án để điều tra theo thẩm quyền

Pháp luật tố tụng hình sự có quy định về thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát nhưng hiện nay còn có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng các quy định của pháp luật.

1.Quy định của pháp luật

 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015) quy định hoạt động tố tụng hình sự bao gồm các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Trong đó, giai đoạn truy tố thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát, đây là giai đoạn quan trọng trong việc đánh giá, xem xét toàn diện các chứng cứ, tài liệu do cơ quan điều tra thu thập và được thể hiện bằng việc ban hành Cáo trạng, trả hồ sơ điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hay đình chỉ vụ án hình sự. Theo quy định của pháp luật thì vai trò của Viện kiểm sát từ giai đoạn khởi tố bao gồm giai đoạn thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra và giai đoạn thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Trong mỗi giai đoạn thì pháp luật cũng quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền cũng khác nhau.

Theo Điều 239 BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền truy tố thì:

“1. Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án.

Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.

Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo đúng quy định của Bộ luật này”.

Đây là quy định hoàn toàn mới và tiến bộ so với BLTTHS năm 2003, nó đã giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập trong giai đoạn truy tố của pháp luật trước đây. Tuy nhiên, quá trình áp dụng cũng đã xảy ra nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc vận dụng không chính xác theo tinh thần của điều luật quy định.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 169 BLTTHS năm 2015 về chuyển vụ án để điều tra quy định:

“1. Viện kiểm sát cùng cấp quyết định việc chuyển vụ án để điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Cơ quan điều tra cùng cấp xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra và đề nghị chuyển vụ án;

b) Cơ quan điều tra cấp trên rút vụ án để điều tra; 

c) Điều tra viên bị thay đổi là Thủ trưởng Cơ quan điều tra;

d) Viện kiểm sát đã yêu cầu chuyển vụ án mà Cơ quan điều tra không thực hiện.”

Tức là, trong một số trường hợp nhất định mà pháp luật quy định thì vụ án sẽ được chuyển lên cơ quan điều tra cấp trên để thực hiện hoạt động điều tra.

2.Vướng mắc trong thực tiễn

Trong một vụ án Cố ý gây thương tích xảy ra tại địa bàn huyện P, tỉnh H, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện P đã ra quyết định khởi tố vụ án, trong quá trình thu thập chứng cứ, phát hiện vụ án có nhiều đồng phạm ở nhiều huyện khác nhau và có dấu hiệu của tội giết người nên Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện P xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra và đề nghị VKSND huyện P ra quyết định chuyển vụ án để giao hồ sơ cho Công an tỉnh H tiếp tục điều tra vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 169 BLTTHS năm 2015. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì Cơ quan điều tra cấp nào tiến hành điều tra thì VKSND cấp đó thực hiện quyền công tố và kiểm sát điều tra.

Trong vụ án này, VKSND tỉnh H sẽ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Đến khi Công an tỉnh H ra Bản kết luận điều tra kết luận các bị can trong vụ án chỉ phạm tội Cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015  và chuyển hồ sơ sang VKSND tỉnh H để truy tố theo quy định. Tuy nhiên, VKSND tỉnh H cho rằng các bị can bị xét xử theo khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015, có khung hình phạt từ 05 đến 10 năm tù. Theo quy định tại khoản 1 Điều 268 BLHS năm 2015 quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án thì “Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng”. Vì lẽ đó nên VKSND tỉnh H đã ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND huyện P ra quyết định truy tố. Nên sau khi nhận hồ sơ, VKSND huyện P đã ban hành Cáo trạng và chuyển toàn bộ hồ sơ sang TAND huyện P để xét xử vụ án. Quá trình xem xét chứng cứ và qua kết quả tranh tụng tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử đã ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bồ sung, chuyển trả toàn bộ hồ sơ cho VKSND huyện P. Sau đó, VKSND huyện P đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho Công an huyện P để tiếp tục điều tra theo yêu cầu của TAND huyện P.

Sau khi, kết thúc điều tra, Công an huyện P ra bản kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang VKSND huyện P và tiếp tục chuyển hồ sơ đến TAND huyện P để xét xử vụ án.

Vấn đề đặt ra trong vụ án này, thứ nhất, VKS cấp nào sẽ ra quyết định truy tố; thứ hai, khi TAND huyện P trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì VKSND huyện P ra quyết định trả hồ sơ cho Công an huyện P để điều tra và ra bản kết luận điều tra bổ sung là có đúng quy định của pháp luật không. Hiện nay cũng có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, quá trình điều tra Công an huyện P, tỉnh H phát hiện vụ án có tính chất phức tạp, có dấu hiệu của tội giết người nên đề nghị  VKSND huyện P ra quyết định chuyển vụ án cho Công an tỉnh H để điều tra là đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 169 BLTTHS năm 2015. Sau đó, Công an tỉnh H ra bản kết luận điều tra và kết luận các bị can chỉ phạm tội Cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 134 BLHS năm 2015. Nên căn cứ theo khoản 1 Điều 268 BLHS năm 2015 thì thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện. Đồng thời, VKSND tỉnh H căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 239 BLTTHS năm 2015 là: “Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án. Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.”

Do đó, VKSND  tỉnh H ra quyết định chuyển vụ án cho VKSND huyện P để ra quyết định truy tố. Đối với việc TANDn huyện P trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho VKSND huyện P và Công an huyện P đã thực hiện việc điều tra bổ sung là đúng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự về thẩm quyền xét xử cũng như thẩm quyền điều tra, truy tố vụ án.

Quan điểm thứ hai cho rằng, việc VKSND tỉnh H, chuyển hồ sơ cho VKSND huyện P để truy tố là không đúng với nội dung quy định tại khoản 1 Điều 239 BLTHS năm 2015. Tại Điều này đã ghi nhận “Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo đúng quy định của Bộ luật này”. Vì vậy, VKSND tỉnh H đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì  VKSND tỉnh H phải tiếp tục ra quyết định truy tố và ra quyết định phân công cho VKSND huyện P thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo quy định của pháp luật.

Như vậy, từ việc xác định thẩm quyền truy tố của VKSND tỉnh H không đúng, dẫn đến việc điều tra bổ sung và ra kết luận điều tra bổ sung của Công an huyện P là không đúng thẩm quyền và không phù hợp với quy định của pháp luật.

3.Thuộc thẩm quyền cấp tỉnh

Người viết thống nhất với quan điểm thứ hai và việc xác định thẩm quyền truy tố trong vụ án này là của VKSND  tỉnh H. Bởi khi xem xét toàn bộ nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 293 BLTTHS năm 2015, nhận thấy tại đoạn 1 ghi nhận “Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án”, quy định này thể hiện sự phân cấp thẩm quyền truy tố phù hợp theo theo thẩm quyền xét xử của Tòa án. Tức là Viện kiểm sát cấp huyện thực hiện việc truy tố những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện, tương tự đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án quân sự.

Tại đoạn 2 và đoạn 3 Điều luật quy định “Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định. Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án. Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo đúng quy định của Bộ luật này”.

Để cụ thể hóa hơn quy định này VKSNDTC cũng đã ban hành Quyết định số 03/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 Quyết định về việc ban hành quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, theo đó tại Điều 49 quy định:

 “1. Sau khi kết thúc điều tra vụ án, nếu thấy vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố theo quy định tại khoản 1 Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự. Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố nhận được hồ sơ phải phân công Kiểm sát viên nghiên cứu và báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau: 

a) Nếu đồng ý với bản kết luận điều tra đề nghị truy tố của Cơ quan có thẩm quyền điều tra thì ra Cáo trạng truy tố bị can ra Tòa án có thẩm quyền xét xử. Nếu Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát đã truy tố phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra để làm thủ tục trả hồ sơ cho cơ quan đã điều tra và ra quyết định chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền; 

b) Nếu không đồng ý với bản kết luận điều tra đề nghị truy tố của Cơ quan có thẩm quyền điều tra thì chuyển lại hồ sơ cho Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra để làm thủ tục chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. 

Đối với những vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố. Việc phân công Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự, Quy chế này và quy định khác có liên quan.”

Như vậy, đối với những vụ án không thuộc thẩm quyền của mình thì ra quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền của mình đều ra quyết định chuyển vụ án. Theo những quy định nêu trên thì ta có thể hiểu rằng việc chuyển hồ sơ theo thẩm quyền chỉ áp dụng trong trường hợp giữa các VKSND cấp huyện trong cùng một tỉnh, giữa các VKSND cấp tỉnh với nhau, giữa các VKSQS khu vực trong cùng quân khu hay giữa các Viện kiểm sát quân sự quân khu với nhau và giữa Viện kiểm sát cấp dưới lên Viện kiểm sát cấp trên. Nghĩa là, việc chuyển hồ sơ theo thẩm quyền được thực hiện giữa các Viện kiểm sát cùng cấp và từ Viện kiểm sát cấp dưới lên Viện kiểm sát cấp trên. Riêng đối với trường hợp này thì việc thực hiện chuyển vụ án theo thẩm quyền chỉ áp dụng trong cùng một chiều mà không có chiều ngược lại. Tức là, Viện kiểm sát cấp trên đã thực hiện quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp này tiếp tục việc truy tố và phân công Viện kiểm sát cấp dưới thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử, mặc dù quá trình điều tra phát hiện vụ án không còn thẩm quyền điều tra của mình nhưng vẫn không được chuyển vụ án cho Viện kiểm sát cấp dưới. Đây là trường hợp quy định riêng biệt trong thẩm quyền của Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới.

Đối với việc trả hồ sơ điều tra bổ sung của VKSND huyện P và thẩm quyền điều tra bổ sung của Công an huyện P là không chính xác mà được thực hiện theo những quy định sau:

Trường hợp thứ nhất, trả hồ sơ điều tra bổ sung khi vụ án được chuyển cho Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố: Nếu đồng ý với bản kết luận điều tra đề nghị truy tố của Cơ quan có thẩm quyền điều tra thì Viện kiểm sát nhận hồ sơ ra Cáo trạng truy tố bị can ra Tòa án có thẩm quyền xét xử. Nếu Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát đã truy tố phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra để làm thủ tục trả hồ sơ cho cơ quan đã điều tra và ra quyết định chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Ngược lại, nếu không đồng ý với bản kết luận điều tra đề nghị truy tố của Cơ quan có thẩm quyền điều tra thì chuyển lại hồ sơ cho Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra để làm thủ tục chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Trường hợp thứ hai, đối với vụ án Tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi vụ án thuộc thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát cấp trên và Kiểm sát viên của VKSND cấp dưới được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm thì xử lý như sau: [1]

+  Nếu việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án có căn cứ thì báo cáo lãnh đạo VKSND cấp dưới và lãnh đạo đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra để phối hợp thực hiện các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật. Trường hợp Viện kiểm sát không thể tự bổ sung được yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án thì VKSND cấp dưới chuyển hồ sơ cho đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra để trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thực hiện điều tra bổ sung theo quy định của pháp luật;

+  Nếu việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án không có căn cứ thì báo cáo lãnh đạo VKSND cấp dưới và lãnh đạo đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra để thống nhất giữ nguyên quan điểm truy tố và chuyền lại hồ sơ cho Tòa án để xét xử;

Tóm lại, mặc dù pháp luật tố tụng hình sự có quy định về thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát nhưng hiện nay còn có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng các quy định của pháp luật. Do đó, khi giải quyết các vụ án cụ thể cần xem xét các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ một cách cẩn trọng, toàn diện cũng như cần chú ý đến các quy định pháp luật có liên quan để tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc.

Kiểm sát viên tại phiên tòa – Ảnh: kiemsat.vn

[1] Điều 10 Quyết định số 314/QĐ-VKSTC ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban  hành quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới trong việc giải quyết vụ án hình sự do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố, phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm.

Ths. NGUYỄN ĐÌNH TIẾN - Ths. VÕ VĂN TUẤN KHANH (Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang)