Bất cập trong quy định của pháp luật về thời gian làm việc của lái xe và những đề xuất, kiến nghị sửa đổi nhằm hạn chế tai nạn giao thông

Những vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian gần đây khiến cả nước bàng hoàng, thương xót, đồng thời có cảm giác bất an khi tham gia giao thông. Vậy đâu là nguyên nhân của những vụ tai nạn giao thông thương tâm? Theo quy định pháp luật thì Lái xe ô tô là loại hình lao động đặc thù và chỉ được lái xe không quá 10 giờ trong một ngày, không được lái xe liên tục quá 4 giờ; trong một số trường hợp lái xe ô tô là công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân nên đã xảy ra hậu quả đáng tiếc...Tạp chí TAND điện tử xin mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây về chủ đề này

I. Thời giờ làm việc của người lao động theo quy định của pháp luật

 1. Giờ làm việc bình thường: (Điều 104 Bộ luật lao động 2012)

1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

 1.1. Giờ làm việc ban đêm (Điều 105 Bộ luật lao động 2012)

Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

 1.2. Làm thêm giờ: (Điều 106 Bộ luật lao động 2012)

Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

1.3. Làm thêm giờ trong những trường hợp đặc biệt (Điều 107 Bộ luật lao động 2012)

Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau đây:

Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa.

2. Thời giờ làm việc và đặc thù nghề nghiệp của lái xe ô tô

2.1. Thời giờ làm việc: Theo quy định tại Điều 65 Luật giao thông đường bộ 2008, thời gian làm việc của người lái xe ô tô được áp dụng như sau:

“1. Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.

Người vận tải và người lái xe ô tô chịu trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.”

2.2. Quy định về công việc nặng nhọc, nguy hiểm

Theo quy định tại Quyết định Số: 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996 và Quyết định Số: 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH của Bộ lao động và thương binh xã hội  thì Lái xe ô tô du lịch từ 40 chỗ ngồi trở lên; Lái xe ôtô khách từ 40 ghế đến dưới 80 ghế được liệt vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm bởi Lưu động, nguy hiểm, căng thẳng thần kinh, chịu tác động của ồn, rung.

Tại Điều 2 của Thông tư Số: 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ Lao động và thương binh xã hội quy định

Người lao động làm các nghề, công việc ban hành kèm theo Thông tư này và Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐngày 13 tháng 10 năm 1995, Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐngày 30 tháng 7 năm 1996, Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26 tháng 12 năm 1996, Quyết định số 190/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 03 tháng 3 năm 1999, Quyết định số 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2000, Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18 tháng 9 năm 2003, Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì được hưởng các chế độ về bảo hộ lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội quy định tại Bộ luật lao động, Luật an toàn, vệ sinh lao động, Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Do đó, các quy định của Quyết định Số: 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996 và Quyết định Số: 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH của Bộ lao động và thương binh xã hội về việc danh mục nguy hiểm của lái xe ô tô từ 40 chỗ ngồi trở lên vẫn giữ nguyên hiệu lực thi hành.

II. Thực trạng và nguyên nhân của một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng

1. Thực trạng, nguyên nhân: : Thời gian vừa qua cho thấy tình trạng lái xe điều khiển các xe chở khách, xe tải, xe xe conterner đã gây nên những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng, thiệt hại lớn về người và của gây nên tình trạng bất an trong quần chúng nhân dân.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông, những vụ tai nạn giao thông liên quan tới giấc ngủ của lái xe chiếm tới 30% tổng các vụ giao thông trong một năm. Điều này chứng tỏ, mất ngủ là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông.

2.  Về nguyên nhân chủ quan : Thực tế cho thấy nguyên nhân chủ yếu gây ra những vụ giao thông đặc biệt nghiêm trọng là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện gây nên, đặc biệt là xuất phát từ ý thức chủ quan của những người điều khiển phương tiện xe khách, xe tải khiến số vụ tai nạn giao thông tăng, số lượng người chết, bị thương vì tai nạn giao thông tăng cao… Những hành vi chủ quan của người lái xe gây tai nạn bao gồm: Nghe điện thoại khi lái xe; Uống rượu bia khi lái xe và buồn ngủ khi lái xe.

Theo kết quả nghiên cứu từ Ủy ban an toàn giao thông, rượu là nguyên nhân trực tiếp làm giảm độ phản ứng của lái xe từ 10 – 30%, ngoài ra rượu còn làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực. Rượu gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác, quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh tới não, gây ước tính sai về khoảng cách… dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông. Lái xe trong trạng thái say rượu, bia hoặc dùng các chất kích thích không chỉ là nguy cơ cao dẫn đến TNGT mà còn làm trầm trọng thêm chấn thương khi xẩy ra tai nạn, gây khó khăn cho việc gây mê và phẩu thuật do sự tương tác giữa thuốc và chất cồn… dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao. Tuy nhiên hiện nay Nhà nước đã có quy định về việc đo và kiểm tra lượng cồn khi lái xe nên phần nào cũng đã hạn chế được tình trạng này.
Vấn đề lo ngại nhất đó là tình trạng lái xe buồn ngủ trong khi lái xe. Lái xe buồn ngủ thông thường  do lái xe đường dài liên tục nhiều giờ (quá 4 giờ) gây ra tình trạng mệt mỏi, một số lái xe đã lái xe thâu đêm mà không có người đổi lái nên dẫn đến tình trạng ngủ gật và gây tai nạn.

          Lái xe không thuộc loại hình làm thêm giờ trong những trường hợp đặc biệt  quy định tại Điều 107 Bộ luật lao động 2012, nhưng một số cơ sở xe khách, xe tải do lợi nhuận, đã vi phạm nghiêm trọng đến các quy định của Luật lao động về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động; Vi phạm quy định của Luật giao thông đường bộ về loại hình lao động đặc thù và các Thông tư quyết định, quy định về loại hình lao động nặng nhọc. Họ đã bất chấp các quy định của pháp luật, chỉ vì lợi nhuận nên trong các ngày nghỉ tết, nghỉ lễ khi có nhiều khách hoặc nhiều hàng hóa đã ép lái xe chạy tăng ca, tăng chuyến, chạy đêm…dẫn đến tình trạng lái xe bị mất ngủ, căng thẳng về thần kinh, mệt mỏi, không làm chủ được tay lái gây tai nạn giao thông.

 3. Nguyên nhân khách quan:

Về cơ sở hạ tầng: Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng với mật độ, phương tiện giao thông: Số lượng người cũng như số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông, trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, đường giao thông xuống cấp, chưa theo kịp nhu cầu phát triển chung của xã hội. Một số quốc lộ là huyết mạch chính về giao thông chưa được mở rộng. Các tuyến tỉnh lộ, đường huyện, đường xã có được nâng cấp, cải tạo, song chưa đạt chuẩn kỹ thuật, thiếu biển báo hiệu đường bộ hoặc nhiều đoạn vạch kẻ đường bị mờ, nhiều nơi lề đường bị sạt lở, người tham gia giao thông khi gặp sự cố không còn chỗ tránh nên dẫn đến tai nạn.

Công tác quản lý hành chính nhà nước trong việc học và cấp giấy phép lái xe còn nhiều bất cập, việc học luật giao thông đường bộ và cấp giấy phép lái xe mô tô, ô tô còn bị buông lỏng quản lý khiến cho việc cấp các loại bằng lái xe dễ dàng. Việc thanh tra, tuần tra của lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông chưa nghiêm, Các xe chở quá khổ, quá tải vẫn được lưu hành… là một trong các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.

Sự mâu thuẫn trong quy định của pháp luật về thời giờ làm việc của lái xe: Theo quy định của BLLĐ thời giờ làm việc đối với người lao động bình thường cũng 8 giờ/ngày, quy định tại khoản 3 Điều 104 BLLĐ năm 2012 thì những trường hợp được liệt kê trong danh mục những lao động nặng nhọc, nguy hiểm… làm việc không quá 6 giờ/ngày nhưng quy định tại Luật giao thông đường bộ đối với lái xe nói chung là không quá 10 giờ/ ngày và không lái liên tục trong 4 giờ mà chưa có quy định riêng đối với lái xe khách, xe tải là bất cập, dẫn đến sự quản lý lỏng lẻo đối với đối tượng đặc biệt này, khiến họ làm việc nhiều hơn thời gian quy định điều đó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mệt mỏi, không đảm bảo sức khỏe, không an toàn khi lái xe. 

   III. Đề xuất, Kiến nghị

 1. Để hạn chế tai nạn giao thông, một trong những vấn đề quan trọng là phải nâng cao đạo đức, trách nhiệm của người lái xe, nhất là lái xe ô tô tải, xe ô tô khách, xe conterner…, những đối tượng chủ yếu gây tai nạn nghiêm trọng.

2. Cần bổ sung các xe ô tô chở khách từ 15 chỗ ngồi trở lên và xe conterner vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm bởi các loại xe này khi Lưu động cũng gây nguy hiểm, căng thẳng thần kinh, chịu tác động của ồn, rung. Từ đó có cơ chế đãi ngộ, có sự tuyển chọn và bảo đảm về mặt sức khỏe và sự đào tạo chuyên sâu cho người lao động khi thực hiện loại hình lao động đặc thù này.

3.  Lái xe là công việc nguy hiểm, là loại hình lao động nặng nhọc, khi tham gia giao thông người lái xe điều khiển ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ (quy định tại Điều 601 BLDS năm 2015). Lái xe khách trên 40 chỗ ngồi, xe tải trên 7,5 tấn  là chủ thể đặc biệt theo quy định tại khoản 3 Điều 104 BLLĐ năm 2012 do vậy thời giờ làm việc của các lái xe này phải là “không quá 06 giờ trong 01 ngày”. Tuy nhiên điều luật này lại mẫu thuẫn với quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Giao thông đường bộ là: “Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ”. Do đó, tác giả xin đề xuất sửa đổi quy định về thời gian làm việc của lái xe ô tô tại Điều 65 Luật Giao thông đường bộ theo hướng:

“1.Thời gian làm việc của người lái xe ô tô cá nhân dưới 09 chỗ ngồi, xe tacxi từ 04 đến 07 chỗ ngồi, xe ô tô hợp đồng từ 04 đến 09 chỗ ngồi, xe ô tô chở khách từ 15 chỗ ngồi trở xuống, xe tải từ 7,5 tấn trở xuống không được quá 10 giờ trong 01 ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.

2. “Thời gian làm việc của người lái xe ô tô hợp đồng,xe  ô tô khách từ 16 chỗ ngồi trở lên, xe ô tô tải từ 7.5 tấn trở lên và các loại xe conterner không được quá 06 giờ trong 01 ngày và không được lái xe liên tục quá 3 giờ”.

4. Cần có sự kiểm tra, thanh tra, giám sát thường xuyên và quản lý chặt chẽ các cơ sở xe khách, xe tải. Nghiêm cấm và có chế tài xử lý nghiêm khắc, xử phạt nặng những cơ sở lái xe vì lợi nhuận đã ép lái xe chạy tăng ca, tăng chuyến, chạy đêm hoặc nhồi nhét khách trong các ngày nghỉ tết, nghỉ lễ. Không chấp hành nghiêm chỉnh về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của lái xe.

HẢI HÀ