Thực trạng các vụ án mua bán người, mua bán trẻ em – Một số vướng mắc và kiến nghị
Bên cạnh những quy định được sửa đổi, bổ sung mới, tiến bộ góp phần hoàn thiện pháp luật về tội mua bán người thì thực tiễn việc áp dụng pháp luật trong các vụ án mua bán người còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong thời gian qua, tội phạm mua bán người đang có chiều hướng phức tạp, đặc biệt là nạn mua bán phụ nữ và trẻ em đang là một hiện tượng nhức nhối ở nước ta hiện nay. Vấn nạn này không chỉ xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân mà còn tác động xấu đến đạo đức, giống nòi, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước. Để đấu tranh phòng ngừa tội phạm mua bán người, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có đề cập đến vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người. Các văn bản này đã tạo dựng một khung pháp lý quan trọng làm cơ sở cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, thực tiễn khách quan luôn biến đổi không ngừng dẫn đến việc văn bản quy phạm điều chỉnh về tội phạm này tồn tại một số bất cập, hạn chế; vì vậy việc nghiên cứu các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành về tội mua bán người và thực tiễn áp dụng xử lý là cần thiết để đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm buôn bán người. Trong khuôn khổ bài viết chúng tôi xin đề cập đến quy định pháp luật hiện hành về tội phạm mua bán người, những điểm chưa rõ ràng, vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn.
1.Tình hình tội phạm mua bán người
Tính từ đầu năm 2011 đến tháng 6-2017, cả nước xảy ra 2.748 vụ mua bán người, liên quan đến 4.110 đối tượng, lừa bán 5.984 nạn nhân (trung bình mỗi năm có trên 900 người là nạn nhân của tội phạm mua bán người). Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Mua bán người được che giấu bởi các hình thức như tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới… nạn nhân của các vụ mua bán người thường chủ yếu làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê… Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những năm trước đây mà đối tượng của loại tội phạm này hướng tới còn là cả những nam giới và trẻ sơ sinh.
Đối tượng phạm tội mua bán người ở hầu hết các độ tuổi, số đối tượng có độ tuổi trên 30 tuổi chiếm tỉ lệ cao. Nhìn chung các đối tượng phạm tội mua bán người có trình độ văn hóa thấp, có nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau. Hầu hết đó là những đối tượng có kiến thức xã hội, am hiểu xã hội và thường là người thông thuộc các khu vực biên giới, cửa khẩu, đường tiểu ngạch, đồng thời am hiểu phong tục…; đối tượng hoạt động băng nhóm, có tiền án, tiền sự. Một số trường hợp đối tượng phạm tội mua bán người chính là nạn nhân của vụ mua bán người trước đó. Lợi dụng đặc điểm khó khăn kinh tế, thiếu việc làm ở nhiều địa phương; chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong xuất cảnh; sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân… các đối tượng mua bán người đã hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài bán vào các động mại dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức, trong đó trên 80% các vụ mua bán người ra nước ngoài.
2. Pháp luật về Tội phạm mua bán người
Xuất phát từ tình hình phức tạp cũng như tính đặc thù của tội phạm mua bán người, thời gian qua Đảng, Nhà nước cũng như các Bộ, ngành chức năng có liên quan đã đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống mua bán người, đồng thời nỗ lực xây dựng, bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật cho phù hợp thực tiễn phòng ngừa và đấu tranh, làm công cụ pháp lý cho các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác phòng, chống mua bán người. Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, trong đó tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về tham nhũng, tội phạm về ma túy… và tội phạm mua bán người. Ngày 29/3/2011, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người; Các Bộ, ngành chức năng cũng ký kết 2 Thông tư liên tịch trong các năm 2013 và 2014 nhằm hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử. Đặc biệt, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ các hành vi, bổ sung các tình tiết định khung … về tội mua bán người, đã tạo tiền đề pháp lý cho các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh đối với các tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết 4 Hiệp định song phương về phòng, chống mua bán người với các nước láng giềng là Thái Lan, Campuchia, Lào và Trung Quốc. Việt Nam cũng đã tham gia phê chuẩn Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo) của Liên hợp quốc.
`* Khái niệm mua bán người: Theo Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2000 đưa ra khái niệm: “Buôn bán người là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt hay lạm dụng quyền lực hoặc hoàn cảnh dễ bị tổn thương, hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người để kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột bao gồm: việc bóc lột mại dâm người khác hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hoặc dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hoặc những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy đi các bộ phận cơ thể”[1].
Khác với Nghị định thư sử dụng thuật ngữ quốc tế là “buôn bán người”; pháp luật Việt Nam sử dụng thuật ngữ “Mua bán người” để mô tả hành vi này, theo đó Mua bán người là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây:
– Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
– Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
– Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi một trong các hành vi nêu trên.
* Tội mua bán người (Điều 150 BLHS 2015)
Tội mua bán người được quy định tại Điều 150 (BLHS 2015): “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Đối với từ 02 người đến 05 người;
e) Phạm tội 02 lần trở lên.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.”.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Điều 150 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội mua bán người, ngoài việc sửa đổi trong cấu trúc điều luật; nâng mức khung hình phạt và bổ sung thêm 07 tình tiết định khung tăng nặng hình phạt (Vì động cơ đê hèn; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 150 BLHS 2015; Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân chết hoặc tự sát; Tái phạm nguy hiểm) đối với loại tội này; nội dung điều luật đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn với yêu cầu của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2000 cũng như khắc phục được những khó khăn trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm theo hướng mô tả cụ thể hành vi khách quan của tội phạm, bao gồm thủ đoạn, hành vi và mục đích, đáp ứng yêu cầu diễn biến, tình hình tội phạm thực tiễn ở Việt Nam, vừa tiếp cận gần hơn với yêu cầu của Nghị định thư.
Ảnh minh họa
* Yếu tố cấu thành tội mua bán người
– Chủ thể của tội mua bán người: Người từ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự đều là chủ thể của loại tội phạm này. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 150 BLHS 2015. Những người chưa thành niên phạm tội này thường ở vai trò đồng phạm.
– Khách thể của tội mua bán người: Xâm phạm đến quyền tự do thân thể, danh dự, nhân phẩm của con người được pháp luật bảo vệ.
– Mặt khách quan của tội mua bán người: Thể hiện ở hành vi dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác để trao đổi, mua bán người như một thứ hàng hóa. Việc mua bán người thể hiện bằng việc sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện một trong các hành vi nêu trên.
Hậu quả của hành vi mua bán người là con người bị đem ra mua bán, trao đổi như hàng hóa, danh dự nhân phẩm bị trà đạp, bị cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục. Nếu người phạm tội đã thực hiện một số hành vi như tìm kiếm người, liên hệ nơi bán, mua, thỏa thuận giá cả, nơi giao nhận… nhưng vì nguyên nhân nào đó ngoài ý muốn mà họ không thực hiện được việc mua bán người thì đó là trường hợp phạm tội chưa đạt. Người thực hiện các hành vi nêu trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người.
Đối tượng bị xâm hại: là con người từ đủ 16 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính. Trường hợp đối tượng là người dưới 16 tuổi sẽ xử theo tôi mua bán người dưới 16 tuổi quy định tại điều 151, BLHS 2015
– Mặt chủ quan của tội mua bán người: Lỗi cố ý, Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xảy ra.
– Hình phạt tội mua bán người:
Khung 1: (Cấu thành cơ bản) quy định mức hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Mức hình phạt này áp dụng cho những người phạm tội không có tình tiết tăng nặng định khung.
Khung 2: Cấu thành tăng nặng quy định mức hình phạt tù từ 08 năm đến 15 năm. Mức hình phạt này áp dụng cho những người phạm tội có tình tiết tăng nặng định khung quy định tại khoản 2 Điều 150 BLHS 2015.
Khung 3: Cấu thành tăng nặng quy định mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Mức hình phạt này áp dụng cho những người phạm tội có tình tiết tăng nặng định khung quy định tại khoản 2 Điều 150 BLHS 2015.
Hình phạt bổ sung: Có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
* Một số tình tiết định khung tăng nặng hình phạt của tội mua bán người
– Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%: Đây là trường hợp người phạm tội trong quá trình thực hiện tội phạm mua bán người đã dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. Hành vi này được thực hiện bằng nhiều phương pháp và thủ đoạn khác nhau như: Đánh đập, dọa giết nếu không nghe lời hay chống đối….
– Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trước đây, điểm đ khoản 2 Điều 119 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định tình tiết định khung tăng nặng hình phạt này là “để đưa ra nước ngoài” và khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP giải thích: “Để đưa ra nước ngoài” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật hình sự là trường hợp mua bán người để đưa nạn nhân ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, kể cả trong trường hợp nạn nhân chưa bị đưa ra nước ngoài nhưng có căn cứ xác định người phạm tội có ý định đưa nạn nhân ra nước ngoài”. Quy định như vậy hoàn toàn bất hợp lý bởi: Con người khác với mọi sinh vật ở chỗ có suy nghĩ; suy nghĩ là tiền đề để thực hiện mọi hành động bên ngoài cũng như tự do chọn làm theo ý muốn riêng của mình. Không ai có thể đọc được suy nghĩ của người khác nếu nó chưa được thể hiện bằng hành vi cụ thể ra bên ngoài, pháp luật hình sự không thể xử lý trách nhiệm hình sự được ý nghĩ phạm tội nếu nó không được thể hiện bằng hành vi; bởi vậy việc sử dụng từ “để” là tình tiết định khung tăng nặng nhằm xác định và làm căn cứ áp dụng đối với người phạm tội “có ý định” đưa nạn nhân ra nước ngoài trong tội mua bán người là rất khó để áp dụng trong thực tiễn. BLHS 2015 đã sửa đổi tình tiết định khung tăng nặng này thành “Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là hoàn toàn phù hợp. Theo đó, dấu hiệu hậu quả là nạn nhân đã bị đưa ra nước ngoài là dấu hiệu bắt buộc, chỉ được áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này khi cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được người phạm tội mua bán người đã đưa nạn nhân trót lọt ra khỏi biên giới nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam[2].
– Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân: Thực tiễn diễn ra mua bán người với mục đích lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân chủ yếu là các bộ phận như: Gan, tụy, thận, mắt… Trước đây, tại điểm d khoản 2 Điều 119 BLHS 1999 quy định tình tiết “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” là tình tiết định khung tăng nặng, chỉ cần chứng minh được mục đích của người mua hoặc người bán nhằm lấy đi bộ phận cơ thể con người là có thể áp dụng tình tiết này mà không cần xem xét hậu quả đã lấy đi bộ phận cơ thể người hay chưa. Nay, BLHS 2015 đã chuyển tình tiết định khung tăng nặng này thành tình tiết định tội tại khoản 1 Điều 150 BLHS 2015; bên cạnh đó, BLHS 2015 đã bổ sung tình tiết định khung tăng nặng: “Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” nội hàm điều luật quy định yếu tố hậu quả là dấu hiệu bắt buộc; chỉ khi hành vi lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân được thực hiện, bộ phận tách rời khỏi cơ thể nạn nhân thì mới có thể bị áp dụng tình tiết này. Trong trường hợp hậu quả mục đích lấy bộ phận cơ thể nạn nhân chưa được thực hiện thì không được áp dụng tình tiết định khung tăng nặng hình phạt này.
– Làm nạn nhân chết hoặc tự sát: Tác hại của hành vi mua bán người gây ảnh hưởng tâm lý, tinh thần nghiêm trọng đối với nạn nhân đặc biệt là mua bán người với mục đích bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động, làm nạn nhân quẫn trí, suy nghĩ tiêu cực tìm đến cái chết. Tình tiết trên dẫn đến 02 hậu quả riêng biệt:
Mua bán người làm nạn nhân chết là trường hợp hành vi mua bán người gián tiếp gây ra hậu quả nạn nhân bị chết; người phạm tội gây ra cái chết của nạn nhân với lỗi vô ý. Cái chết của nạn nhân có mối quan hệ nhân quả với hành vi mua bán người. Ví dụ: trong quá vận chuyển, nạn nhân biết mình sắp bị bán nên đã nhảy xuống xe khi xe đang chạy dẫn đến nạn nhân chết. Cần phân biệt trường hợp trên với với trường hợp người phạm tội lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân mà biết rõ nếu lấy đi bộ phận đó sẽ dẫn đến cái chết của nạn nhân thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 123 BLHS 2015. VD: Mua bán người để lấy “quả tim” của nạn nhân.
Mua bán người làm nạn nhân tự sát là trường hợp hành vi mua bán người đã dẫn đến hậu quả nạn nhân tự sát; không nhất thiết hậu quả dẫn đến nạn nhân chết chỉ cần nạn nhân tự sát là người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 3 Điều 150 BLHS. Ví dụ: Sau khi bị bán để bóc lột tình dục, nạn nhân cùng quẫn không thiết sống nữa nên đã tự sát.
3.Một số khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong thực tiễn áp dụng pháp luật về tội mua bán người
Bên cạnh những quy định được sửa đổi, bổ sung mới, tiến bộ góp phần hoàn thiện pháp luật về tội mua bán người; thực tiễn việc áp dụng pháp luật trong các vụ án mua bán người còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Thứ nhất. Khó khăn trong việc xác định, sử dụng chứng cứ chứng minh trong việc giải quyết các vụ án về tội mua bán người
Thực tiễn xét xử cho thấy, tội phạm mua bán người thường mang tính truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Do vậy, đối với các vụ án không thuộc trường hợp phạm tội quả tang thì chỉ khi người bị hại trốn được về địa phương và có đơn tố cáo thì đối tượng phạm tội mới bị phát hiện nên khi điều tra thì việc thu thập chứng cứ chỉ dựa vào lời khai của người bị hại cũng như lời khai nhận tội của đối tượng phạm tội; nếu người bị hại khai bản thân mình và nhiều người khác bị lừa bán chứ không phải chỉ một mình người bị hại đã tố giác, thì rất khó chứng minh nếu đối tượng phạm tội không thừa nhận. Chính vì vậy dễ dẫn đến việc xử lý oan cho người phạm tội hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội. Trong trường hợp xác định được người phạm tội, xác định được chứng cứ chứng minh người phạm tội thực hiện hành vi mua bán người nhưng không xác định được người bị hại do người bị hại vẫn đang ở nước ngoài, trường hợp này khi Viện kiểm sát chuyển hồ sơ sang Tòa án thì các Tòa án có cách giải quyết không thống nhất; có Tòa án thụ lý vụ án tiến hành xét xử vắng mặt người bị hại theo thủ tục chung, nhưng cũng có Tòa án cho rằng việc chưa xác định được người bị hại dẫn đến chưa làm rõ được hành vi phạm tội nên áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can Tòa đã trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu xác định và đưa người bị hại vào tham gia tố tụng; việc này là không thể thực hiện được nên các vụ án thường bị tạm đình chỉ kéo dài.
Đối với các vụ án truy xét rất khó xác định tình tiết định khung tăng nặng hình phạt tại khoản 3 Điều 150 BLHS 2015 “Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” vì trong trường hợp này, chúng ta chỉ xác định được trong trường hợp nạn nhân trở về và tố cáo với cơ quan công an thì mới xác định được còn trong trường hợp có đủ chứng cứ đề chứng minh đối tượng phạm tội có hành vi mua bán nhiều người nhưng có những người chưa trở về, chưa xác định được địa chỉ họ đang ở đâu nếu họ đã bị lấy đi bộ phận cơ thể nào đó thì xử lý thế nào? Tương tự như vậy, tình tiết làm nạn nhân tự sát cũng rất khó xác định trong trường hợp không xác định được người bị hại đang ở đâu nếu họ tự sát do bị làm nhục thì cũng không có căn cứ để xử lý đối với người phạm tội.
Việc xác định thiệt hại, giá trị vụ lợi là rất khó khăn trong thực tiễn, bởi việc mua bán được thỏa thuận thực hiện giữa người mua và người bán mà người bị hại có thể biết hoặc không thể biết được giá trị mua bán của bản thân mình, dẫn đến việc không thể xác định được giá trị của vụ lợi; đặc biệt trong trường hợp người mua ở nước ngoài thì cơ quan điều tra chỉ có thể căn cứ vào lời khai của người phạm tội để xác định, việc chỉ dựa vào lời khai của người phạm tội có giá trị chứng minh thấp và không khách quan.
Thứ hai. Một số điểm chưa rõ ràng, khó hiểu của BLHS về tội mua bán người
Một là: Hiện nay, BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định nhiều tội phạm mới có tình tiết định tội tương tự hay sử dụng tình tiết định khung hình phạt của tội mua bán người là tình tiết định tội riêng biệt. Kể từ ngày 01/01/2018, khi BLHS 2015 có hiệu lực, việc áp dụng các Điều luật này để xử lý các hành vi phạm tội được dự báo rất khó khăn, nhiều ý kiến trái chiều không thống nhất trong việc định tội danh đối với các tội tương tự như tội mua bán người như:
– Tội mua bán người (Điều 150 BLHS 2015): “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
…..
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác…..” với tội cưỡng bức lao động (Điều 297 BLHS): “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động……”;
– Tội mua bán người với tình tiết “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” (điểm b khoản 3 Điều 150 BLHS) và tội giết người (điểm h khoản 1 Điều 123 BLHS).
Ví dụ: Người phạm tội mua bán người nhằm mục đích lấy đi bộ phận là “quả tim” của nạn nhân. Như vậy, trường hợp này người phạm tội biết rõ “quả tim” là bộ phận không thể thiếu trong việc duy trì sự sống của con người, nếu không có quả tim thì nạn nhân sẽ chết; người phạm tội vẫn thực hiện dẫn đến nạn nhân chết thì việc định tội danh trong trường hợp này hiện có rất nhiều quan điểm trái chiều:
Quan điểm 1: Trong trường hợp trên chỉ được truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người với 02 tình tiết tăng nặng là đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân và làm nạn nhân chết (điểm b, d khoản 2 Điều 150 BLHS). Bởi người phạm tội trên thực hiện hành vi phạm tội với mục đích lấy quả tim nên dấu hiệu định tội về tội mua bán người được thể hiện rõ ràng xuyên suốt trong toàn bộ quá trình thực hiện hành vi phạm tội, khi xử lý hình sự về tội mua bán người với 02 tình tiết định khung tăng nặng đã làm rõ đầy đủ hành vi phạm tội của người phạm tội.
Quan điểm 2: Cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội là tội giết người và tội mua bán người. Đối với tội mua bán người thì áp dụng tình tiết “đã lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân” còn tội giết người thì không áp dụng tình tiết “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”.
Quan điểm 3: Cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội là tội giết người và tội mua bán người tương tự như quan điểm 2 nhưng đối với tội giết người thì áp dụng tình tiết “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” còn tội mua bán người thì không áp dụng tình tiết “đã lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân”. Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ ba
Một số tình tiết trong cấu thành cơ bản rất dễ nhầm lẫn đối với các tội khác như:
– Tội mua bán người với Tội chứa mại dâm (Điều 327), thực tế hiện này trong các vụ án chứa mại dâm cũng có những trường hợp họ tự nguyện làm người bán dâm nhưng cũng có những trường hợp họ bị bắt rồi đem bán vào các ổ mại dâm và bị ép bán dâm nhưng chúng ta không chứng minh được hành vi mua bán người nên chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa mại dâm;
– Tội mua bán người với Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154). Trong hành vi chiếm đoạt bộ phận cơ thể người thì người phạm tội có thể có hành vi trộm cắp, lừa đảo và cũng có thể có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để thực hiện hành vi chiếm đoạt bộ phận cơ thể người, thì truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật nào Điều 150, 151 hay Điều 154?
Hai là: BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định hậu quả của hành vi mua bán người là “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân” là một tình tiết định khung tăng nặng hình phạt mới trong nhiều tội trong đó có tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, BLHS 2015 không hề giải thích hay định nghĩa “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân” được hiểu như thế nào khiến việc vận dụng trong thực tiễn là khó khăn và thiếu thống nhất.
Ba là: Cấu thành cơ bản tại khoản 1 Điều 150 BLHS mô tả các hành vi khách quan: “a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này”. Điểm c khoản 1 Điều 150 BLHS hiện nay cũng có nhiều cách hiểu khác nhau:
Cách hiểu thứ nhất: Nội hàm điểm a, b khoản 1 Điều 150 BLHS quy định 02 nội dung chính là mô tả hành vi “Chuyển giao hoặc tiếp nhận người” và mục đích người phạm tội “để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác”. Như vậy, theo điểm c khoản 1 Điều 150 hành vi Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện Chuyển giao hoặc tiếp nhận người là đã thỏa mãn cấu thành tội mua bán người.
Cách hiểu thứ hai: Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác phải nhằm chuyển giao hoặc tiếp nhận người để thực hiện các mục đích giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác khi có đầy đủ các dấu hiệu trên mới thỏa mãn cấu thành tội mua bán người.
Bốn là: Điều 150 BLHS 2015 mô tả hành vi “đe dọa dùng vũ lực” là tình tiết định tội trong cấu thành cơ bản của tội mua bán người. Liên hệ các tội được quy định trong BLHS thì tình tiết đe dọa dùng vũ lực được sử dụng đặc trưng trong tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS) và tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS) thể hiện rõ bản chất và mức độ nguy hiểm của hành vi này. Đối với tội cướp tài sản, hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc được thể hiện dưới các dạng như bằng lời đe dọa không vũ lực (Ví dụ: Mày không nghe tao, tao sẽ giết…); bằng hành động (dí dao vào cổ, dùng tay bóp cổ); và dạng phổ biến nhất trong thực tiễn hiện nay là kết hợp giữa đe dọa và hành động (dí súng vào đầu và đe dọa không nghe sẽ bị bắn chết ngay) bằng các hành động quyết liệt trên người phạm tội đã khống chế được ý chí và làm tê liệt ý chí kháng cự lại của nạn nhân. Người phạm tội sẵn sàng thực hiện các hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng nạn nhân một cách ngay tức khắc. Đối với tội cưỡng đoạt tài sản, hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực đã thể hiện rõ được việc đe dọa không quyết liệt gay gắt như tội cướp tài sản và hành vi sử dụng vũ lực có thể sẽ được thực hiện ngay hoặc sau một khoảng thời gian nhất định, hậu quả của hành vi này làm nạn nhân lo sợ nhưng chưa đến mức tê liệt hoàn toàn ý chí kháng cự, phản kháng. Như vậy, hành vi đe dọa dùng vũ lực nêu trên với ý định chiếm đoạt tài sản đã diễn tả được mức độ nguy hiểm của hành vi này trong các tội xâm phạm sở hữu. Vấn đề đặt ra trong tội mua bán người thì hành vi đe dọa dùng vũ lực được thực hiện như thế nào? Mức độ nguy hiểm ra sao? Có phải là ngay tức khắc hay kéo dài cả quá trình vận chuyển nạn nhân? Mà khiến nạn nhân phải nghe theo dẫn đến hậu quả có thể bị xâm phạm trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của chính bản thân nạn nhân.
* Tình tiết định tội trong cấu thành cơ bản “lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”. Đây là quy định rất khó xác định, vì như đã nêu ở trên không thể xác định được ý định của người khác và không đối tượng phạm tội nào thừa nhận việc mua bán người nhằm lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; việc quy định trên là mang tính phòng ngừa nhưng lại khó áp dụng vì rất khó có chứng cứ để chứng minh làm rõ ý định của đối tượng phạm tội; nếu chỉ dựa vào lời khai nhận tội của người phạm tội thì trái với nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự là nguyên tắc suy đoán vô tội[3].
* Điểm a khoản 1 Điều 150 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định: “a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác”. Khoản 1 Điều 105 BLDS 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản” trong khái niệm tài sản đã bao gồm tiền; tiền là một loại thuộc tài sản. Việc BLHS quy định “nhận tiền, tài sản” là không cần thiết, gây trùng lặp bởi trong nội hàm tài sản đã bao gồm tiền.
Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết vụ án mua bán người; để việc áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm mua bán người, chúng tôi đề nghị các cơ quan tố tụng Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về các vướng mắc nêu trên để khi cả hai Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật hình sự có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 thì các cơ quan tố tụng không bị lúng túng trong việc áp dụng pháp luật khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người, góp phần đẩy lùi loại tội phạm này nói riêng và các loại tội phạm nói chung.
(Ảnh đầu bài: Một phiên tòa xét xử các bị cáo phạm tội buôn bán người ở Tây Ninh)
[1] Xem Điều 3 Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của liên hợp quốc năm 2000
[2] Điều 5 Luật Biên giới quốc gia năm 2003 xác định: “1. Biên giới quốc gia được xác định bằng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc do pháp luật Việt Nam quy định.
Biên giới quốc gia trên đất liền được hoạch định và đánh dấu trên thực địa bằng hệ thống mốc quốc giới.
Biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các toạ độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.
Các đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.
Biên giới quốc gia trong lòng đất là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất.
Ranh giới trong lòng đất thuộc vùng biển là mặt thẳng đứng từ các đường ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa xuống lòng đất xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.
Biên giới quốc gia trên không là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời”.
[3] Xem Điều 13 BLTTHS 2015: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận