Về tội sử dụng trái phép tài sản

Tội sử dụng trái phép tài sản quy định tại  Điều 177 BLHS năm 2015, hiện có một số bất cập, cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.

1.Quy định của luật

Tội sử dụng trái phép tài sản là hành vi sử dụng tài sản của người khác khi không được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản, do người đủ tuổi theo quy định của BLHS có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo quy định tại khoản 1 Điều 177 BLHS thì: “Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá  từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 500.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Mặt khách quan của tội phạm này thể hiện bởi hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác. Sử dụng trái phép tài sản của người khác là hành vi khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản của người khác một cách trái phép. Trong đó: hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại; lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản[1]. Theo quy định tại khoản 1 Điều 177 BLHS, thì có ba trường hợp phạm tội sử dụng trái phép tài sản sau đây:

- Trường hợp thứ nhất, phạm tội sử dụng trái phép tài sản do tài sản bị sử dụng trái phép có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Đây là trường hợp, trước đó đã có lần thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản và đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử phạt hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị kỷ luật hoặc chưa bị xử phạt hành chính nay tiếp tục thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản có giá trị từ từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 

- Trường hợp thứ hai, phạm tội sử dụng trái phép tài sản do tài sản bị sử dụng trái phép có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Đây là trường hợp sau khi bị kết án về tội sử dụng trái phép tài sản, chưa được xoá án tích, nay lại thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

- Trường hợp thứ ba, phạm tội sử dụng trái phép tài sản do tài sản bị sử dụng là di vật, cổ vật có giá trị dưới 500.000.000 đồng.

Các trường hợp nêu trên chỉ bị coi là phạm tội sử dụng trái phép tài sản khi hành vi đó không thuộc trường hợp: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Điều 219; Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự.

2. Bất cập

Về kỹ thuật lập pháp, chúng tôi cho rằng, quy định tại khoản 1 Điều 177 BLHS có một số bất cập sau đây:

- Thứ nhất, trường hợp có nhiều lần bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hành chính về hành vi sử dụng trái phép tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị kỷ luật hoặc chưa bị xử phạt hành chính nay tiếp tục thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản có giá trị  dưới 100.000.000 đồng không bị coi là phạm tội sử dụng trái phép tài sản.

- Thứ hai, trường hợp đã bị kết án về tội sử dụng trái phép tài sản, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị kết án nay tiếp tục thực hiện thậm chí là nhiều lần thực hiện) hành vi sử dụng trái phép tài sản có giá trị dưới 100.000.000 đồng không bị coi là phạm tội sử dụng trái phép tài sản.

- Thứ ba, đối với di vật, cổ vật thì mọi hành vi sử dụng trái phép tài sản là di vật, cổ vật của người khác có giá trị dưới 500.000.000 đồng đều bị coi là phạm tội sử dụng trái phép tài sản. Quy định mức giá trị tài sản bị sử dụng trái phép (dưới 500.000.000 đồng) là đánh đồng đối tượng tác động của tội phạm (là di vật, cổ vật) với đối tượng tác động của tội phạm (là tài sản thông thường). Nếu là như vậy, thì quy định tại khoản 1 Điều 177 BLHS thừa cụm từ “hoặc dưới 500.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật”.

- Thứ tư, đồng bộ với quy định tại khoản 2 thì sẽ có những trường hợp không thỏa mãn dấu hiệu định tội nhưng vẫn bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 177 BLHS.

Ví dụ: Trường hợp sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ 500.000.000 đồng nhưng chưa bị bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này vẫn bị coi là phạm tội sử dụng trái phép tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 177 BLHS.

3.Kiến nghị khắc phục

Để khắc phục những bất cập nêu trên, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều luật này như sau:

1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá  từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219 và Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị kỷ luật, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Tài sản là di vật, cổ vật.”

 

TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Sử dụng trái phép tài sản - Ảnh: PLO

 


[1] Xem: Bộ luật dân sự năm 2015, Điều 109.

TS. MAI BỘ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân)