Vướng mắc trong việc thu thập và giám định vật chứng trong vụ án hình sự
Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về vật chứng trong vụ án hình sự. Theo đó, “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội […]
Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về vật chứng trong vụ án hình sự. Theo đó, “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Trong quá trình thu thập và giám định các loại vật chứng nói trên của cơ quan tiến hành tố tụng địa phương phát sinh khó khăn, vướng mắc sau:
Vướng mắc trong việc niêm phong vật chứng
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật”. Việc niêm phong đối với vật chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng. Trong đó, đối với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được thì dán giấy niêm phong lên từng phần hoặc trên những bộ phận quan trọng của vật chứng.
Khi khám nghiệm hiện trường, phát hiện và thu giữ vật chứng là khúc cây (đoạn gỗ) dài, cồng kềnh, cây dao,… thì có cần thiết phải niêm phong không? Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ, quy định vật chứng cần niêm phong và vật chứng không cần niêm phong như sau: “Mọi vật chứng sau khi thu thập phải được niêm phong, trừ các trường hợp sau: Vật chứng là động vật, thực vật sống; Vật chứng là tài liệu được đưa vào hồ sơ vụ án; Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản. Những vật chứng khác mà cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy không cần thiết phải niêm phong”.
Nội dung Nghị định số 127/2017/NĐ-CP quy định “vật chứng xét thấy không cần thiết phải niêm phong” là mâu thuẫn với Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự là vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật. Đồng thời việc quy định như trên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau như thế nào là vật chứng xét thấy không cần thiết, không có một tiêu chí nào để đánh giá được. Quy định trên gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu thập, niêm phong vật chứng, nhất là đối với các vụ án “cố ý gây thương tích” có sử dụng hung khí như: khúc gỗ, dao để gây thương tích.
Đối với vật chứng là tiền, có bắt buộc phải giám định tất cả trong mọi trường hợp không?
Đối với các vụ án “Trộm cắp tài sản”; “Đánh bạc”… vật chứng khi thu giữ có liên quan đến vụ án là tiền thì có cần phải giám định hay không? Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự, vật chứng là “tiền”thì phải được niêm phong và giám định ngay sau khi thu thập, với quy định này thì tất cả các vật chứng là tiền thì phải giám định. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 5 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định khi cần xác định thì bắt buộc phải trưng cầu giám định như sau: “Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ”. Như vậy, khi nào cần xác định là tiền giả thì bắt buộc phải giám định, còn không cần xác định thì không phải giám định. Xác định tiền giả trong trường hợp nào? Khi các bên có tranh chấp cho rằng “tiền giả”, hay cơ quan tiến hành tố tụng nhận định, hoặc trong vụ án có liên quan đến “tiền giả”?
Thực tiễn việc giám định tiền sẽ gặp nhiều khó khăn, do khi thu giữ vật chứng là tiền phải niêm phong, khi giám định mở niêm phong thì phải đúng thành phần đã niêm phong như quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng. Ngoài ra, trong một số vụ án tội phạm ít nghiêm trọng, đơn giản, rõ ràng và bị bắt quả tang thì vật chứng là tiền xét thấy không cần thiết phải giám định. Như vậy, có phải đối với tất cả các vụ án có vật chứng là “tiền” thì có bắt buộc tất cả phải giám định hay không? Khi nào cần xác định là “tiền giả” thì phải giám định còn không cần thiết thì không phải giám định? Vấn đề ở đây là khi nào cần xác định để trưng cầu giám định vật chứng là “tiền”. Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này.
(Nguồn Coquandieutra vkstc)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận