Vướng mắc về xác định lãi suất chậm trả khi xét xử vụ án hình sự
Quy định về lãi suất chậm trả đối với người có nghĩa vụ trả tiền là một trong những chế định của pháp luật dân sự nhằm đảm bảo rằng người có nghĩa vụ phải có trách nhiệm tích cực trong việc trả tiền cho người khác. Tuy nhiên, này còn gặp vướng mắc, áp dụng khác nhau do sự nhận thức khác nhau. Tác giả đi sâu phân tích quy định về nghĩa vụ chậm trả theo quy định của BLDS năm 2015.
1.Quy định của pháp luật
Điều 357 BLDS quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền; theo đó, bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Quy định này thể hiện rõ, người nào có trách nhiệm phải trả tiền cho người khác theo quy định của pháp luật, nếu như đến hạn trả mà chưa trả hoặc trả chưa đủ thì người có nghĩa vụ trả tiền phải có trách nhiệm trả thêm phần lãi tương ứng với số tiền chậm trả cho bên được hưởng. Mức lãi suất mà người có nghĩa vụ trả tiền phải trả cho bên được hưởng, theo quy định tại Điều 357, trước tiên ưu tiên với sự thỏa thuận của các bên, nhưng không được vượt quá 20%/năm (trừ trường hợp luật có quy định khác)[1]. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì lãi suất chậm trả được xác định là 50% của mức lãi xét trong trường hợp thỏa thuận được (tùy thuộc vào thời điểm trả nợ thì mức lãi có thể là 20%/năm hoặc cao hơn hoặc thấp hơn)[2].
Điều 30 BLTTHS quy định: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”. Theo quy định này thì khi giải quyết vụ án hình sự, nếu có vấn đề liên quan đến bồi thường hoặc bồi hoàn thiệt hại thì về nguyên tắc phải giải quyết cùng chung trong vụ án; nếu những vấn đề này chưa được chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết bằng vụ án dân sự khác. Việc xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự chỉ liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự, như: thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, tài sản bị mất, hư hỏng, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, thiệt hại do mất thu nhập… Những vấn đề dân sự không liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì không xem xét giải quyết cùng vụ án dân sự. Việc phải xem xét giải quyết vấn đề liên quan đến bồi thường hoặc bồi hoàn cùng trong vụ án hình sự, theo đó, cũng phải xem xét đến vấn đề lãi suất chậm trả đối với trách nhiệm của người phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của luật dân sự.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự còn một số vấn đề mang tính chất dân sự, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật phải do cơ quan thi hành án dân sự thi hành: Hình phạt tiền (hình phạt chính và hình phạt bổ sung) áp dụng đối với bị cáo, khoảng tiền bị tịch thu do phạm tội mà có hoặc có liên quan đến tội phạm, vật chứng trong vụ án, tiền khấu trừ khi bị phạt cải tạo không giam giữ, án phí. Những vấn đề này không được xác định là phần dân sự trong vụ án hình sự, nhưng khi giải quyết vụ án hình sự thì bắt buộc phải xem xét giải quyết.
2.Các trường hợp Tòa án tuyên buộc người có nghĩa vụ phải trả lãi
Một điểm đặc thù của bản án hình sự khi có hiệu lực pháp luật, đó là cùng lúc phải có hai cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành quyết định của bản án. Theo đó, cơ quan thi hành án hình sự sẽ thi hành quyết định liên quan đến hình phạt, trừ hình phạt tiền và cơ quan thi hành án dân sự thi hành những vấn đề liên quan đến phần dân sự trong bản án và hình phạt tiền (kể cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung). Trong phần dân sự có liên quan của bản án có thể chia làm hai dạng: Thứ nhất, là phần bị cáo, đương sự phải có nghĩa vụ bồi thường, bồi hoàn cho bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự; thứ hai, là phần bị cáo hoặc đương sự có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước – tịch thu sung quỹ, tiền án phí, tiền là hình phạt, tiền là vật chứng, số tiền khấu trừ tu nhập từ hình phạt cải tạo không giam giữ, số tiền do áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tài sản.
Trong loại trách nhiệm dân sự do cơ quan thi hành án dân sự thi hành khi bản án có hiệu lực pháp luật, hiện nay có hai quan điểm khác nhau về việc tuyên lãi suất chậm trả nếu như người có nghĩa vụ chậm trả tiền cho người được hưởng:
– Thứ nhất, Tòa án phải tuyên lãi suất chậm trả đối với tất cả các quyết định có liên quan đến phần dân sự mà cơ quan thi hành án dân sự thi hành.
– Thứ hai, Tòa án chỉ tuyên lãi suất chậm trả đối với phần dân sự mà bị cáo, đương sự có nghĩa vụ bồi thường, bồi hoàn cho bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự.
Để lý giải cho quan điểm thứ nhất, những người theo quan điểm này cho rằng phải tuyên lãi suất chậm trả tất cả các khoản liên quan đến phần dân sự mà cơ qua thi hành án dân sự thi hành.
Cơ sở pháp lý là căn cứ vào Điều 357 BLDS thì tất cả các phần dân sự trong bản án hình sự đều phải tính lãi đối với khoản tiền chậm trả, trong điều luật không giới hạn khoản nào. Bên cạnh đó, theo tài liệu tập huấn của TANDTC (ngày 24/5/2017), hướng dẫn viết phần nghĩa vụ chậm trả: “Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS”. Theo đó, khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), quy định thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án đối với: Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; trả lại tiền, tài sản cho đương sự; tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước; thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; quyết định của Tòa án giải quyết phá sản. Như vậy, căn cứ theo hướng dẫn này thì tất cả các khoản tiền tuyên trong quyết định của bản án hình sự đều phải tuyên lãi suất chậm trả.
Ngoài ra, tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, TANDTC, VKSNDTC hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách nhà nước, quy định các khoản thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án, gồm: tiền phạt, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án, tịch thu sung quỹ nhà nước, các khoản thu, nộp khác cho ngân sách nhà nước được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn, giảm (nếu có). Theo Thông tư này thì cũng xác định rõ là Tòa án có thể xét miễn, giãm đối với những khoản lãi của số tiền tịch thu sung quỹ, tiền phạt… khi người có nghĩa vụ chậm thi hành án.
Tuy nhiên, để phản bác lại quan điểm trên, những người theo quan điểm chỉ tuyên lãi suất chậm trả đối với số tiền bị cáo, đương sự bồi thường, hoặc bồi hoàn cho bị hại hoặc đương sự khác, cho rằng, căn cứ vào câu từ của Điều 357 BLDS thể hiện “Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả”; điều luật dùng cụm từ “chậm trả tiền” đồng nghĩa với việc bị cáo, đương sự có nghĩa vụ phải trả tiền cho đương sự khác. Đối với những khoản tiền khác, như tiền tịch thu, tiền phạt, tiền án phí… không thuộc diện điều chỉnh của điều luật, bởi lẽ đối với những khoản tiền này bị cáo, đương sự có nghĩa vụ “nộp cho Nhà nước”, chứ không phải “trả cho Nhà nước”, nên khi tuyên án đối với những khoản tiền này thì trong bản án không phải tuyên phần lãi suất chậm trả.
Đối với hướng dẫn của TANDTC về viết phần lãi suất chậm trả trong bản án và quy định tại Điều 2 của Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC cũng không trái với quy định tại Điều 357 BLDS. Vì theo Luật Thi hành án dân sự quy định những trường hợp Cơ quan thi hành án chủ động thi hành án, có rất nhiều trường hợp, và theo hướng dẫn viết bản án, TANDTC không buộc tất cả các trường hợp có liên quan đều phải tuyên lãi suất chậm trả, mà chỉ một số trường hợp phù hợp với Điều 357 BLDS thì mới tuyên lãi suất chậm trả. Ví dụ, đối với trường hợp bị hại là cơ quan Nhà nước và bị cáo có nghĩa vụ bồi thường cho bị hại, trong trường hợp này sẽ tuyên lãi suất chậm trả; còn trong trường hợp tịch thu tiền do phạm tội mà có thì không tuyên lãi suất chậm trả (cả hai trường hợp này đều thuộc trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành). Theo đó, tại Thông tư số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC có quy định “lãi chậm thi hành án đối với khoản được miễn, giảm (nếu có)”, đây là quy định mang tính dự liệu đối với trường hợp bị cáo, đương sự bồi thường cho Nhà nước và phát sinh lãi chậm trả thì cũng có thể xem xét xét giảm.
3.Kiến nghị hoàn thiện quy định về việc tuyên lãi suất chậm trả
Do có sự nhận thức khác nhau về xác định những trường hợp phải tuyên lãi suất chậm trả khi giải quyết vụ án hình sự, nên hiện nay tồn tại hai quan điểm khác nhau; có bản án tuyên buộc bị cáo, người có nghĩa vụ thi hành phải trả lãi đối với số tiền tịch thu sung quỹ Nhà nước, số tiền phạt…; ngược lại có bản án không tuyên buộc phải trả lãi chậm trả đối với những khoản tiền này. Từ thực tiễn như vậy, dẫn đến khó khăn trong việc thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Do vậy, để đảm bảo nhận thức thống nhất trong áp dụng, TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể về Điều 357 BLDS. Theo đó, xác định rõ những khoản tiền nào khi tuyên trong quyết định của bản án thì phải tuyên lãi suất chậm trả, khoản tiền nào không tuyên lãi suất chậm trả./.
[1] Khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015.
[2] Khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
1 Bình luận
Trung nguyễn
21:10 22/12.2024Trả lời