Xác định tư cách tố tụng của “con chung” chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên trong vụ án ly hôn

Qua đọc bài nghiên cứu của tác giả Trương Minh Tấn đăng trên Tạp chí TAND điện tử ngày 24 /6 /2020 về “Xem xét nguyện vọng của người con khi cha mẹ ly hôn”, chúng tôi thống nhất với tác giả bài viết về những nguyên nhân, hạn chế và bất cập khi giải quyết vụ án ly hôn phổ biến và rất đặc thù này.

1.Thủ tục tố tụng bắt buộc

Bài viết đưa ra tình huống “việc xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên có được xem là thủ tục bắt buộc hay không” và đưa ra hai quan điểm khác nhau và đặt ra vấn đề cần trao đổi ý kiến là “việc xem xét nguyện vọng của con khi Tòa án giải quyết vụ việc ly hôn là điều cần thiết để giải quyết vụ án được toàn diện, hợp tình và hợp lý nhưng việc quy định xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên như tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015 là còn bất cập, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc áp dụng pháp luật trong thực tế không thống nhất”.

 Về vấn đề này, chúng tôi có ý kiến trao đổi như sau: Tại đoạn 2 khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 quy định “Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên …” và khoản 26 Mục IV giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 7/4/2017 “về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ” của TANDTC cũng đã hướng dẫn “… để bảo đảm quyền lợi của người con, Tòa án phải lấy ý kiến của người con, xem xét nguyện vọng của người con từ đủ 07 tuổi trở lên…”.

Đồng thời tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.

Căn cứ vào quy định trên khi giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến con chưa thành niên thì Thẩm phán phải tiến hành lấy ý kiến, xem xét nguyện vọng của con chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên. Đây là thủ tục tố tụng bắt buộc được quy định tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015. Quy định này thể hiện tính chất đặc thù của vụ án hôn nhân và gia đình, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con… Theo chúng tôi, việc thiết kế khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 như hiện nay là logic và phù hợp với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Bởi lẽ, để phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đạt kết quả tốt thì Thẩm phán phải tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân tranh chấp, tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án, đồng thời với việc phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên…

2.Ba hướng giải quyết khác nhau

Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, một trong những lý do làm cho việc xem xét nguyện vọng của người con khi cha mẹ ly hôn chưa hiệu quả chính là bởi đối với con chung chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên trong vụ án về tranh chấp ly hôn tham gia tố tụng với tư cách như thế nào và có được xem là đương sự và có tham gia phiên hòa giải hay không, chưa được pháp luật tố tụng dân sự quy định nên trong thực tiễn giải quyết mỗi Tòa án đã có cách hiểu và vận dụng khác nhau.

2.1. Tòa án không xác định tư cách tố tụng của con chung chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên

Trong thực tiễn giải quyết, việc xác định tư cách tham gia tố tụng của con chung chưa thành niên không được minh thị nên hiện nay đa phần các Tòa án đều không xác định tư cách tham gia tố tụng của con chung chưa thành niên và thủ tục lấy ý kiến của con chung chưa thành niên từ 07 tuổi trở lên (con chung) cũng không thống nhất

Xem các ví dụ sau đây:

 Ví dụ 1: Vụ án tranh chấp xin ly hôn giữa chị Nguyễn Thị T và anh Huỳnh Phú E được TAND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thụ lý giải quyết. Tại Biên bản hòa giải ngày 13/09/2019[1] và tại Bản án số: 305/2019/HNGĐ-ST, ngày 19/12/2019[2], thì chị T anh Phú E thống nhất trình bày có hai con chung là cháu Huỳnh Gia B, sinh ngày 15/01/2011 và Huỳnh Gia H, sinh ngày 20/05/2013 hiện đang sống với chị T. TAND huyện Chợ Mới không xác định tư cách chủ thể của con chung khi tham gia tố tụng nên chỉ ghi nhận ý kiến trình bày của con chung là cháu Huỳnh Gia B bằng “Biên bản ghi ý kiến ngày 13/9/2019[3] nguyện vọng cháu B mong muốn được sống với mẹ khi cha mẹ ly hôn.

 Ví dụ 2: Tại “Biên bản ghi ý kiến ngày 03 tháng 02 năm 2020[4] của TAND huyện Chợ Mới, ghi nhận ý kiến của cháu Phạm Thành P, sinh năm 2006 theo mẫu do TAND huyện Chợ Mới lập sẵn, có cha và mẹ cháu Phúc là người đại diện theo pháp luật.

 Ví dụ 3: Tại “Biên bản lấy lời khai[5] cháu Nguyễn Trung H, sinh ngày 28/6/2019 của TAND huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, thể hiện Tòa án lấy lời khai cháu H có sự giám hộ là bà ngoại Bùi Thị Bích H, nội dung cha mẹ cháu là anh A, chị N đi làm ở tỉnh khác, cháu sinh sống với bà ngoại tên Bùi Thị Bích H, nguyện vọng của cháu mong muốn được sống với bà ngoại khi ba mẹ ly hôn vì cha mẹ không có ở nhà.

Qua thực tiễn nêu tại 3 ví dụ trên đây cho thấy, do Tòa án không xác định tư cách tố tụng của con chung và việc tiến hành ghi nhận ý kiến của con chung mặc dù đều có sự chứng kiến của cha, mẹ hoặc người đang trực tiếp nuôi dưỡng nhưng mỗi Tòa án thực hiện theo các cách thức khác nhau.

Ngoài ra, qua các thực tiễn cũng cho thấy, ý kiến của con là sống với ai đôi khi không xuất phát từ nguyện vọng của con. Ví dụ, con đang sống với mẹ mà nguyện vọng được sống với cha nhưng có mặt mẹ thì con không dám nói thật nguyện vọng của mình. Hoặc con lại có nguyện vọng ở với người thân khác chứ không phải ở với cha hoặc mẹ như tại Ví dụ 3 nên trên. Điều này làm ảnh hưởng đến nguyện vọng của con và quyết định của Tòa án.

Mặt khác, theo khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 thì việc lấy ý kiến con chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên là bắt buộc. Nhưng về cách thức thực hiện lấy ý kiến như thế nào hiện pháp luật tố tụng dân sự không quy định nên thực tiễn giải quyết mỗi Tòa án có cách thực hiện khác nhau, hoặc tham gia phiên hòa giải hoặc tham gia lấy lời khai độc lập….

Tóm lại, pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật hôn nhân và gia đình đều có quy định việc ghi nhận ý kiến của con chung là thủ tục bắt buộc, nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của con chung khi cha mẹ ly hôn. Do đó, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong việc ghi nhận nguyện vọng của con chung chưa thành niên, Thẩm phán nên ghi nhận từ việc trực tiếp nghe ý kiến của con chung tại các phiên hòa giải, khi đó Thẩm phán có thể nắm bắt được quá trình con chung sống cùng với cha hoặc mẹ cho đến khi cha, mẹ ly hôn để có phán quyết đúng đắn, hợp lý về việc giao con chung cho ai được nuôi dưỡng sau khi ly hôn. Để thực hiện được điều này, theo chúng tôi, phải xác định tư cách con chung chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên để trẻ có thể tham gia tố tụng tại buổi lấy lời khai và tham gia cả trong PHG.

 2.2. Tòa án xác định tư cách tố tụng của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên là “Người có quyền, lợi ích được bảo vệ – con chung”

Như đã phân tích, do pháp luật tố tụng dân sự không quy định tư cách tham gia tố tụng của con chung chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên trong giải quyết vụ án về tranh chấp ly hôn, nên có quan điểm xác định con chung chưa thành niên là “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”, nhưng lại xác định “vì con chưa thành niên nên việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện theo Điều 69 BLTTDS năm 2015, trường hợp này là cha mẹ thực hiện[6]. Tuy nhiên, về thực tiễn giải quyết, chúng tôi chưa tìm thấy quan điểm của Thẩm phán xác định tư cách tham gia tố tụng của con chung trong phiên hòa giải là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, mà chủ yếu nếu có thì xác định tư cách tham gia tố tụng của con chung từ đủ 07 tuổi trở lên là “Người có quyền, lợi ích được bảo vệ – con chung”. Đồng thời, con chung được tham gia vào phiên hòa giải và trình bày ý kiến, nguyện vọng của mình tại phiên hòa giải. Cụ thể:

Ví dụ 4: Vụ án tranh chấp xin ly hôn giữa chị Nguyễn Thị N và anh Nguyễn Văn K được TAND quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ thụ lý giải quyết. Theo Thông báo về việc mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải số 35/2019/TB.TA, ngày 02/ 04 /2019, thì Tòa án xác định nguyên đơn là chị Nguyễn Thị N, bị đơn là anh Nguyễn Văn K, ngoài ra không có người tham gia tố tụng khác[7]. Nhưng tại Biên bản hòa giải ngày 18 / 4 /2019[8] và tại Bản án số 21/2019/HNGĐ-ST, ngày 17 /5 / 2019[9], thì Tòa án xác định hai con chung của chị N và anh K là các cháu Nguyễn Hồng P và Nguyễn Gia H tham gia tố tụng với tư cách là “Người có quyền, lợi ích được bảo vệ – con chung”. Tại phiên hòa giải cháu Nguyễn Hồng P trình bày nguyện vọng “yêu cầu sau khi cha mẹ ly hôn thì cháu được tiếp tục sống với mẹ là Nguyễn Thị N vì cháu đã quen sống gần mẹ từ nhỏ cho đến nay. Hiện cháu đã nghỉ học (đang học lớp 8 thì nghỉ cách đây 4 tháng), cháu nghỉ học để chăm sóc em cháu vì hiện nay không ai giữ cháu H. Cháu không yêu cầu cha cháu cấp dưỡng vì mẹ cháu đang làm thuê có khả năng nuôi cháu”[10]­.

Như vậy, có thể xem cháu P là một chủ thể tham gia phiên hòa giải. Tuy nhiên, trong phiên hòa giải, Tòa án chỉ dừng lại ở mức ghi nhận lời trình bày, chứ chưa xem xét đến các yêu cầu của cháu P.

Chúng tôi cho rằng, việc TAND quận Thốt Nốt xác định tư cách tham gia tố tụng của con chung chưa thành niên là Người có quyền, lợi ích được bảo vệ – con chung”, nếu xét về ngữ nghĩa nghe có phần hợp lý. Bởi lẽ, khi cuộc sống vợ chồng không thể hòa hợp, tình cảm giữa vợ và chồng không còn dành cho nhau nữa, thì việc ly hôn để chấm dứt là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, giữa vợ chồng còn có sợi dây ràng buộc là con chung và pháp luật hôn nhân và gia đình đã dành cả một chương quy định riêng, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chung chưa thành niên[11]. Vì vậy, khi cha mẹ ly hôn thì con chung chưa thành niên là “người có quyền, lợi ích được bảo vệ” và tại mẫu đơn khởi kiện của Tòa án có quy định mục “người có quyền, lợi ích được bảo vệ”[12].

Tuy nhiên, nếu xét dưới góc độ pháp luật tố tụng dân sự, thì “người có quyền, lợi ích được bảo vệ ” không phải là đương sự, không phải là người tham gia tố tụng theo quy định của BLTTDS năm 2015[13] và do vậy, họ không có các quyền được quy định tại Điều 70 BLTTDS năm 2015 và khó cơ cơ sở pháp lý thuyết phục để con chung chưa thành niên có thể cùng tham gia PHG với cha mẹ với tư cách chủ thể tham gia hòa giải.

 2.3. Xác định con chung chưa thành niên từ 7 tuổi trở lên là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

 Chúng tôi rất đồng tình với việc xác định con chung chưa thành niên tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” trong vụ án. Việc xác định như vậy không những giúp Tòa án có cơ sở khi giải quyết vụ án về tranh chấp ly hôn xác định cụ thể tư cách người tham gia tố tụng, mà còn tạo thuận lợi cho Tòa án trong giải quyết vụ án. Vì, theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 trong vụ án về tranh chấp ly hôn mà vợ chồng có con chưa thành niên thì vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con hoặc Tòa án phải giải quyết giao con chưa thành niên cho vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi dưỡng khi Tòa án giải quyết vợ chồng ly hôn[14].

Chúng tôi cho rằng cần phải xác định tư cách tố tụng của con chưa thành niên từ 7 tuổi trở lên trong vụ án về tranh chấp ly hôn để có thể giải quyết những bất cập nêu trên và hơn hết là đảm bảo quyền lợi chính đáng của con chung một cách phù hợp và hiệu quả nhất.

Quan điểm của chúng tôi được lý giải dựa trên những cơ sở sau.

 Một. Thực tiễn giải quyết cho thấy có nghịch lý, mặc dù Tòa án không xác định tư cách tố tụng của con chung chưa thành niên từ 7 tuổi trở lên khi giải quyết tranh chấp ly hôn, nhưng lại thu thập ý kiến của con chung bằng hình thức ghi ý kiến của con hoặc để con chung tự khai tương tự như hoạt động tố tụng Tòa án tiến hành đối với đương sự.

 Hai. Trong giải quyết vụ án về tranh chấp ly hôn mà vợ chồng có tranh chấp về quyền nuôi con, về nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc trong vụ án tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, thì con chưa thành niên cũng là đối tượng tranh chấp của cha, mẹ (nguyên đơn, bị đơn trong vụ án). Do đó, nếu không xác định tư cách tham gia tố tụng của con chung nên con chung không được tham gia phiên hòa giải, không có ý kiến về việc cha mẹ ly hôn, cũng như ý kiến của con chung nguyện vọng được sống với ai khi cha mẹ ly hôn tại phiên hòa giải, thì khó có cơ sở thuyết phục để Tòa án quyết định giao con chung cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng.

 Ba. Tòa án không có cơ sở pháp lý thống nhất thể để lấy ý kiến của con chung chưa thành niên theo thủ tục nào? Tại biên bản ghi lời khai do Tòa án soạn sẵn, Tờ tự khai do trẻ tự ghi hay cho tham gia vào PHG để lấy ý kiến của họ (xem các ví dụ 1, 2 và 3). Ngoài ra, cũng do Tòa án không xác định tư cách tố tụng của con chung nên Tòa án chỉ tiến hành ghi nhận ý kiến của con chung, mặc dù ngày Tòa án ghi ý kiến con chung cùng ngày với Tòa án tiến hành mở PHG (Ví dụ 1).

 Bốn. Điều kiện xác định tư cách đương sự trong vụ án không phụ thuộc độ tuổi của cá nhân. Nói cách khác, tư cách đương sự của cá nhân trong vụ án chỉ căn cứ vào bản chất và vai trò tham gia của cá nhân đó trong vụ án dân sự. Vì vậy, việc con chung chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên vẫn có thể được xác định là đương sự trong vụ án. Điều này có nghĩa là, việc xác định tư cách đương sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự (xem các điều luật: Điều 68, 69 và 73 BLTTDS năm 2015).

**

Cuối cùng, chúng tôi cho rằng, việc thỏa thuận của vợ chồng hoặc Tòa án giao con chung cho vợ hoặc chồng nuôi dưỡng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhân cách và tương lai của con chung về sau này nên khi xem xét, giải quyết và lấy ý kiến của con chung, Thẩm phán cần nhạy bén xử lý phù hợp tùy vào hoàn cảnh mỗi một gia đình. Việc xác định tư cách tố tụng cho con chung trong vụ án tranh chấp về ly hôn là cần thiết. Điều này giúp cho Tòa án có cơ sở để thực hiện việc lấy ý kiến của con chung một cách đúng pháp luật và hiệu quả, bản đảm được quyền và lợi ích của con chung một cách tốt nhất. Do đó, TANDTC nên xem xét và sớm có hướng dẫn để thống nhất áp dụng trong thực tiễn./.

 

TAND TP Cần Thơ xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn giữa chị Đỗ Thị Kim Huê (ca sĩ, diễn viên Nhật Kim Anh) và anh Ngô Nguyễn Phúc Bửu Lộc – Ảnh: Như Anh / Báo CAND

 

[1] Biên bản hòa giải ngày 13/9/2019.

[2] Bản án số 305/2019/HNGĐ-ST ngày 19/12/2019 của TAND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

[3] Biên bản ghi ý kiến cháu Huỳnh Gia B ngày 13/9/2019.

[4] Biên bản ghi ý kiến cháu Phạm Thành P ngày 03/02/2020.

[5] Biên bản lấy lời khai cháu Nguyễn Trung H ngày 28/06/2019.

[6] https://danluat.thuvienphapluat.vn/duong-su-trong-vu-an-hon-nhan-gia-dinh-156671.aspx.

[7] Thông báo về việc mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải số 35/2019/TB.TA, ngày 02/4/2019.

[8]  Biên bản hòa giải ngày 18/4/2019.

[9]  Bản án số 21/2019/HNGĐ-ST ngày 17/5/2019 TAND quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.

[10] Biên bản hòa giải ngày 18/4/2019.

[11] Chương V, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

[12] Mẫu số 23-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

[13]   Điều 68 BLTTDS năm 2015.

[14]   Khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

TRẦN THANH BÌNH (TAND huyện Chợ Mới, Tỉnh An Giang)