Xử lý đối với trường hợp ly hôn mà bị đơn đã đi khỏi địa phương trước thời điểm thụ lý

Một trường hợp đặt ra trong thực tiễn là rất nhiều vụ án Hôn nhân và gia đình có bị đơn đã bỏ đi khỏi địa phương trước thời điểm Tòa án thụ lý. Trong bài viết này, tôi chỉ xoay quanh vấn đề “bị đơn đã bỏ đi khỏi địa phương trước thời điểm Tòa án thụ lý và không biết nơi cư trú hiện tại”.

Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai – Ảnh: gialai.toaan.gov.vn
Hiện nay, trong tổng số lượng án giải quyết của các Tòa án thì các vụ việc Hôn nhân và gia đình luôn chiếm đa số. Trong đó có những trường hợp Tòa án thụ lý vụ án do một bên (người vợ hoặc người chồng) đơn phương yêu cầu giải quyết ly hôn. Rất nhiều Tòa án, kể cả trong một Tòa án, cũng có rất nhiều ý kiến, cách xử lý khác nhau đối với trường hợp vụ án Hôn nhân gia đình có bị đơn đã bỏ đi khỏi địa phương trước thời điểm Tòa án thụ lý.

1. Tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án

Theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án, quy định:

“a) Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở”. Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 Bộ luật dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tổng đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

b) Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức theo hướng dẫn tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị quyết này thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ trụ sở”. Trường hợp cơ quan, tổ chức thay đổi trụ sở mà không công bố công khai theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Bộ luật dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

c) Trường hợp không thuộc điểm a, b khoản 2 Điều này mà Tòa án đã yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng nguyên đơn không cung cấp được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp Tòa án không xác định được địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.”

Ly hôn là quyền nhân thân của cá nhân trong hôn nhân và gia đình, quan hệ hôn nhân cũng không phải là quan hệ được xác lập bằng giao dịch, hợp đồng bằng văn bản như quy định tại điểm a nêu trên.

Như vậy, trường hợp Tòa án thụ lý vụ án về việc yêu cầu ly hôn mà bị đơn đã bỏ đi trước thời điểm thụ lý, sẽ thuộc trường hợp quy định tại điểm c nêu trên, lúc này Tòa án yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ mới của bị đơn, trường hợp nguyên đơn không cung cấp được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh địa chỉ mới của bị đơn theo quy định của pháp luật. Trường hợp Tòa án không xác định được địa chỉ mới của bị đơn thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015, trừ trường hợp đối với vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản; các trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 5 và điểm c khoản 6 Điều 477 BLTTDS năm 2015 và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật cũng quy định một cách chung chung và cũng không có bất cứ quy định gì liên quan đến trường hợp xử lý đối với bị đơn đã bỏ đi trước thời điểm thụ lý trong vụ án Hôn nhân và gia đình.

Tại Điều 32 Luật Cư trú 2006 quy định cụ thể về các trường hợp phải khai báo tạm vắng tại công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú khi cá nhân đi khỏi địa phương từ 03 tháng trở lên, bao gồm:

“- Người đi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi địa phương; Bị can, bị cáo tại ngoại; Bị kết án tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; Bị kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo; Bị phạt cải tạo không giam giữ; Đang bị quản chế;

– Đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, chữa bệnh, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành.”

Như vậy, việc khai báo tạm vắng khi đi khỏi địa phương chỉ áp dụng đối với những trường hợp nêu trên. Cá nhân đi công tác, học tập, thậm chí là chuyển nơi ở tại địa phương khác không cần khai báo tạm vắng tại địa phương mình mà phải đăng ký tạm trú với địa phương nơi chuyển đến.

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp bị đơn bỏ đi khỏi địa phương đến một nơi ở mới mà không thông báo cho Công an, chính quyền địa phương, người thân, bạn bè biết. Như vậy sẽ hoàn toàn gây bất lợi cho phía nguyên đơn nếu nguyên đơn hoàn toàn không biết thông tin gì liên quan đến nơi cư trú mới của bị đơn. Như vậy, theo một cách hiểu khác về tinh thần của Nghị quyết, thì đối với những vụ án như vậy, Tòa án rất dễ dàng “giải quyết”. Mặt khác, đối với trường hợp bị đơn bị Tòa án án tuyên bố mất tích, thì có thể “xem như” bị đơn đã bỏ đi khỏi địa phương 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết không? Liệu trong trường hợp này Tòa án có viện dẫn Nghị quyết nêu trên để đình chỉ giải quyết vụ án không?

Kiến nghị, đề xuất: Cần quy định thêm tại khoản 3 của Nghị quyết, cụ thể:

3. Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án trong các trường hợp sau đây:

… d) Đối với vụ án yêu cầu ly hôn mà nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ và Tòa án đã tiến hành các biện pháp để thu thập, xác minh địa chỉ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của người đó thì Tòa án vẫn giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.”

2. Tòa án vẫn tiến hành giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật

Trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của BLTTDS, tức là không thể cấp, tống đạt trực tiếp văn bản tố tụng cho người được cấp, tống đạt, thông báo vì họ vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ thì Tòa án tiến hành thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng. Địa điểm niêm yết công khai là tại trụ sở Tòa án, tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo và tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo. Thời hạn niêm yết công khai là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

Tuy nhiên, thực tế vấp phải rất nhiều vướng mắc trong trường hợp này, cụ thể là bị đơn đã bỏ đi khỏi địa phương, liệu việc Tòa án tiến hành niêm yết các văn bản tố tụng có đảm bảo việc bị đơn nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo.

Khoản 1 Điều 180 của BLTTDS quy định:“Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo”. Vậy đối với các trường hợp “người được cấp, tống đạt, thông báo đã bỏ đi khỏi địa phương” và “khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo”.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 180 của BLTTDS quy định: “Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng có thể được thực hiện nếu có yêu cầu của các đương sự khác. Trong trường hợp này, lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng do đương sự có yêu cầu thông báo chịu.”.

Thực tế đặt ra, có trường hợp nguyên đơn yêu cầu Tòa án tiến hành thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và nộp lệ phí để Tòa án thực hiện, đối với trường hợp này, Tòa án chỉ cần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Hết thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng không có ý kiến của bị đơn, thì Tòa án tiến hành giải quyết theo quy định của pháp luật, đối với các văn bản tố tụng phát sinh sau này thì Tòa án chỉ cần tiến hành niêm yết theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng có trường hợp nguyên đơn không yêu cầu Tòa án tiến hành thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc có yêu cầu Tòa án tiến hành thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng từ chối nộp lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Quy định tại khoản 2 Điều 180 của BLTTDS vừa mang tính “lựa chọn” cho Tòa án, vừa mang tính “không bắt buộc” đối với đương sự. “Lựa chọn” có nghĩa đây một trong các là thủ tục mà Tòa án có thể lựa chọn để cấp, tống đạt hoặc thông báo cho người được tống đạt (trong trường hợp này là bị đơn). Còn “không bắt buộc” ở đây có nghĩa là nếu nguyên đơn không yêu cầu Tòa án tiến hành thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc nguyên đơn có yêu cầu Tòa án tiến hành thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng không nộp lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (quyền của đương sự), thì Tòa án cũng không thể tự mình thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc có biện pháp gì để buộc đương sự nộp khoản lệ phí này, hiện nay cũng chưa có văn bản nào quy định về việc này.

Kiến nghị, đề xuất: Thay đổi quy định tại khoản khoản 2 Điều 180 của BLTTDS quy định như sau:

“Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện nếu có yêu cầu của các đương sự khác. Trong trường hợp này, lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng do đương sự có yêu cầu thông báo chịu. Trường hợp đương sự có yêu cầu từ chối nộp lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, thì Tòa án tiến hành việc niêm yết công khai theo quy định tại Điều 179 của Bộ luật này.”.

3. Hướng dẫn làm thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất tích

Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án mới biết được bị đơn đã bỏ đi khỏi địa phương trước thời điểm thụ lý và không biết nơi cư trú mới (thông qua việc cung cấp của nguyên đơn hoặc thông qua xác minh). Một số Thẩm phán hoặc Thư ký đã tác động cho nguyên đơn rút đơn khởi kiện và đề xuất nguyên đơn làm thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất tích, trường hợp nêu không rút đơn thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án bằng cách nêu viện dẫn tại Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Tuy nhiên, thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất tích, cần phải đảm bảo quy định như sau: “Người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm; trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó”. Liệu trong trường hợp bị đơn đã bỏ đi khỏi địa phương, nhưng thời gian bỏ đi hoặc thời điểm mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết chưa đủ 2 năm, liệu nguyên đơn phải chờ đủ 2 năm mới thực hiện được thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất tích. Chưa kể để Tòa án ra Quyết định tuyến bố một người mất tích, thì thời gian phải mất ít nhất phải 5 tháng kể từ thời điểm thụ lý, còn chưa kể việc chờ Quyết định tuyến bố một người mất tích có hiệu lực pháp luật thì người khởi kiện mới có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đối với người bị tuyên bố mất tích. Cách làm này, vừa mất thời gian, vừa gây tổn thất đến tiền bạc cho đương sự.

Một thực tế đặt ra, trường hợp ly hôn đối với người bị tuyên bố mất tích, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án hoàn toàn xác định được là có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo, vậy trường hợp này Tòa án có phải tiến hành đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng không? Chúng ta lại vấp phải vướng mắc tại trường hợp 2 nêu trên.

Kiến nghị, đề xuất: Bổ sung tại khoản 1 Điều 180 của BLTTDS quy định, cụ thể:“Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo, trừ trường hợp bị đơn trong vụ án ly hôn là người đã bị Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích”.

NGUYỄN THÁI NAM (Tòa án nhân dân huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai)