Tạp chí Tòa án nhân dân số 14 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 14 năm 2021 xuất bản ngày 25 tháng 7 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 07 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

         Trong bài viết: “Bàn về tư duy pháp lý của Thẩm phán ở Việt Nam”, tác giả Phí Thành Chung nêu nhận định: Tư duy pháp lý của Thẩm phán, được hiểu là những hoạt động nhận thức, đánh giá, phân tích của Thẩm phán, trong việc xác định về khía cạnh sự kiện, pháp luật và áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ án thuộc thẩm quyền. Tư duy pháp lý của Thẩm phán ở Việt Nam, ngoài các đặc điểm chung của tư duy nghề luật, còn có những đặc điểm riêng, thể hiện tính chuyên môn và tính chính trị - pháp lý trong hoạt động. Những đặc điểm riêng biệt này, cũng đồng thời quy định tính đặc thù trong phương pháp tư duy của Thẩm phán ở Việt Nam.

Bằng việc tập trung phân tích những vấn đề khái quát về tư duy pháp lý của Thẩm phán ở Việt Nam, tác giả chỉ ra phương pháp tư duy pháp lý của Thẩm phán ở Việt Nam, từ đó, đưa ra một số đề xuất nhằm tiếp tục nâng cao tư duy pháp lý của Thẩm phán ở Việt Nam.

Với bài viết: “Một số bất cập về doanh nghiệp “ma” và giải pháp hoàn thiện pháp luật”, tác giả Lê Thị Hằng - Vũ Ngọc Huyền cho rằng: Hiện tượng doanh nghiệp “ma” là vấn đề đã và đang gây “nhức nhối” trong xã hội, đặc biệt là đối với việc quản lý ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, tình trạng này hiện chưa có dấu hiệu giảm đi, thậm chí, ngày càng nhiều và càng gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bởi những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của doanh nghiệp “ma” tới mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, nên Nhà nước đã dự liệu và ban hành một số văn bản pháp luật để điều chỉnh những vấn đề liên quan tới doanh nghiệp “ma” trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật chưa có quy phạm nào trực tiếp điều chỉnh vấn đề này, cũng như chưa có biện pháp giải quyết triệt để, mà mới chỉ có một số quy định pháp luật điều chỉnh, xử phạt doanh nghiệp, sau khi đã thực hiện vô số hoạt động vi phạm pháp luật, thậm chí, có những trường hợp không thể xử phạt được, do thời gian xử lý chậm trễ của cơ quan chức năng. Bởi vậy, trên cơ sở phân tích các dấu hiệu cơ bản để nhận biết doanh nghiệp “ma” trong quá trình thành lập và hoạt động, đánh giá những bất cập, vướng mắc còn tồn tại trong quy định pháp luật hiện hành, tác giả đề xuất một số giải pháp, nhằm hoàn thiện pháp luật để loại bỏ tình trạng doanh nghiệp “ma”.

Trong bài viết: “Pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng cấm - bất cập và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Huỳnh Phi Hữu nêu và phân tích về một nội dung hiện đang rất được xã hội quan tâm hiện nay, đó là hành vi buôn bán hàng cấm và việc xử lý hành chính đối với hành vi này được thực hiện như thế nào trong thực tiễn. Trong bài viết này, với việc tập trung phân tích một cách khái quát quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng cấm; tác giả chỉ ra một số bất cập trong quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng cấm; từ đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng cấm.

Với bài viết:“Bàn về việc áp dụng án lệ trong xét xử các vụ án dân sự và một số đề xuất, kiến nghị”, tác giả Nguyễn Như Hiển nêu nhận định: Thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy, hệ thống pháp luật thực định chưa theo kịp các quan hệ dân sự phát sinh trong thực tiễn phong phú. Yêu cầu tất yếu là cần có thêm những nguồn bổ trợ khác được pháp luật thừa nhận, giúp Tòa án kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, nhất là trong tình hình những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đang gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp; nhiều quy định của pháp luật còn mang tính định tính, chưa rõ, còn có những cách hiểu chưa thống nhất. Vì vậy, án lệ ra đời chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch và tính đoán định trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với cả cộng đồng xã hội.

Trong bài viết của mình, tác giả tập trung phân tích quy định của pháp luật và thực trạng áp dụng án lệ trong xét xử các vụ án dân sự, từ đó chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc trong áp dụng án lệ khi xét xử các vụ án dân sự và đưa ra kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

    Với bài viết: “Một số bất cập trong quy định về thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Lê Thị Hồng Vân- Đặng Thái Bình cho rằng: Hiện nay, khi người tiêu dùng bị thiệt hại do hàng hóa không bảo đảm chất lượng gây ra thì có thể tự thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án hay yêu cầu Trọng tài bảo vệ quyền lợi của mình. Giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án là một phương thức hữu hiệu bảo đảm khắc phục những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người tiêu dùng bị xâm phạm. Tuy nhiên, để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, người tiêu dùng phải tiến hành khởi kiện trong thời hiệu khởi kiện theo luật định. Các quy định về thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do hàng hóa không đảm bảo chất lượng gây ra cho người tiêu dùng được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 chỉ quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà không quy định về vấn đề thời hiệu. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích các quy định pháp luật về thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường do hàng hóa không đảm bảo chất lượng gây ra cho người tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay, chỉ ra những bất cập và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định trên.

Với bài viết: “Minh bạch thông tin trong lựa chọn nhà đầu tư dự án đối tác công tư - tham khảo hướng dẫn lập pháp của uncitral”, tác giả Cao Thị Thùy Như nêu nhận định: Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt PPP) là mô hình đặc thù với sự hợp tác giữa Nhà nước và nhà đầu tư . Trong sự hợp tác này, nếu mục tiêu mà Nhà nước hướng đến là sản phẩm/dịch vụ công, thì mục tiêu mà nhà đầu tư hướng đến chính là lợi nhuận. Sức hấp dẫn của khoản lợi nhuận thu được từ dự án thông qua khoản phí do người sử dụng dịch vụ chi trả hoặc do Nhà nước thanh toán, có thể là yếu tố làm phát sinh những vấn đề tiêu cực trong quá trình lựa chọn nhà đầuv tư, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư chân chính và của người sử dụng dịch vụ. Để hạn chế tình trạng trên, cần triển khai rất nhiều giải pháp đồng bộ, theo đó, ngoài việc thiết kế hình thức lựa chọn nhà đầu tư minh bạch, cạnh tranh, thì cũng cần phải xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ, nhằm minh bạch hóa quá trình lựa chọn nhà đầu tư.

Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ trình bày một khía cạnh nhỏ được nêu trong Hướng dẫn lập pháp về PPP của UNCITRAL, đó là việc minh bạch thông tin trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Song song đó, tác giả sẽ so sánh, đối chiếu với những quy định tương ứng của pháp luật Việt Nam và đóng góp một số quan điểm cá nhân về vấn đề này. Cũng cần nhấn mạnh rằng, UNCITRAL đưa ra khá nhiều khuyến nghị liên quan đến vấn đề minh bạch thông tin trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP, nhưng tập trung vào hai nội dung chính đó là: (1) đảm bảo việc ghi chép và lưu trữ thông tin trong suốt quá trình lựa chọn nhà đầu tư; và (2) đảm bảo việc cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về quá trình lựa chọn nhà đầu tư cho nhà đầu tư và công chúng. Do vậy, để thuận tiện cho việc so sánh, đối chiếu song song giữa khuyến nghị của UNCITRAL và pháp luật Việt Nam, nội dung bài viết sẽ phân tích theo hai nhóm khuyến nghị trên.

          Trong bài viết: “Chế định thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) – những khuyến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Vam”, tác giả Nguyễn Thị Châm nêu nhận định: Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (gọi tắt là UNCAC) là văn kiện quốc tế đầu tiên có hiệu lực đối với các thành viên ở phạm vi toàn cầu trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Lời mở đầu của UNCAC nhấn mạnh rằng, các quốc gia thành viên Công ước quyết tâm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn một cách hiệu quả hơn việc chuyển giao quốc tế các tài sản có được một cách bất hợp pháp và các quốc gia thành viên sẽ dành cho nhau biện pháp hợp tác và hỗ trợ rộng rãi nhất trong vấn đề này. Với ý nghĩa đó, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng được UNCAC dành một sự quan tâm đặc biệt. Đây cũng là một trong những nội dung sẽ được đưa vào Chương trình đánh giá lần thứ hai về việc thực thi Công ước này của các quốc gia thành viên. Vượt ra ngoài khuôn khổ của các Công ước khu vực và quốc tế trước đó, UNCAC đã có bước tiến đột phá khi xây dựng chế định liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng khi nó không chỉ dừng lại ở những nỗ lực phòng ngừa và hình sự hóa hành vi tham nhũng, mà còn yêu cầu các quốc gia thành viên phải có nhiều thay đổi trong hệ thống pháp luật và thể chế trong nước để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế quy định tại Công ước trong công tác thu hồi tài sản. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích, đánh giá chế định thu hồi tài sản tham nhũng theo UNCAC, đồng thời chỉ ra thực trạng công tác thu hồi tài sản ở Việt Nam và đưa ra một số kiến nghị tăng cường hiệu quả công tác này ở nước ta.

    Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 14 năm 2021.

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BTK