Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2021 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 08 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học nội dung tiếp theo của văn bản giải đáp số 01/2021/GĐ-TANDTC ngày 01/7/2021 của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

Trong bài viết: “Một số vấn đề về quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp của Tòa án” , tác giả Phạm Minh Tuyên nêu nhận định: Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định: So với tất cả các bản Hiến pháp trước đây thì Hiến pháp 2013, lần đầu  tiên đã giao cho Tòa án nhiệm vụ “thực hiện quyền tư pháp” và “bảo vệ công lý”. Điều đó đã khẳng định và nâng cao vị thế của hệ thống Tòa án nhân dân. Trong bài viết này, tác giả đưa ra một số vấn đề lý luận về quyền tư pháp và thực hiện quyền tư pháp của Tòa án để các bạn đồng nghiệp cùng tham khảo và có ý kiến góp ý.

Với bài viết: Quyền hưởng dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Đặng Thị Thu Phương cho rằng: Bộ luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII thông qua ngày 24/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Bộ luật Dân sự năm 2015 ra đời trên cơ sở kế thừa, phát huy các quy định tiến bộ, phù hợp của các Bộ luật Dân sự trước đây, đồng thời tiếp thu có chọn lọc quy định của pháp luật dân sự nước ngoài để sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đảm bảo tính phù hợp trong điều chỉnh các quan hệ dân sự phát sinh trong thực tế. Với vai trò là luật chung trong hệ thống pháp luật tư, đạo luật này tạo ra cơ chế điều chỉnh các quan hệ dân sự, ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự, từ đó góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ hội nhập quốc tế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ luật Dân sự năm 2015 có bố cục gồm 6 phần với 27 chương và 689 Điều, chứa đựng nhiều sửa đổi, bổ sung mới, tiến bộ, góp phần hoàn thiện một số bất cập trong Bộ luật Dân sự năm 2005, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống đặt ra. Trong đó, với việc sửa đổi, bổ sung nội dung Phần thứ hai quy định về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản, nhà làm luật đã bổ sung thêm hai quyền mới trong Chương XIV quy định về quyền khác đối với tài sản là quyền hưởng dụng và quyền bề mặt, hai quyền này trước đây chưa được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2005. 

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 đối với quyền hưởng dụng, từ đó chỉ ra một số vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.

Trong bài viết: Những vụ việc dân sự không tiến hành hòa giải tại Tòa án theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ”, tác giả Nguyễn Vinh Hưng cho rằng: Quá trình giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án chính là nhằm mục đích “xác định sự thật khách quan của vụ việc, khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức”. Tuy vậy, “khởi kiện tại Tòa án chỉ là một trong số nhiều con đường giải quyết tranh chấp… thậm chí, một biện pháp hy hữu, bất đắc dĩ, hầu như là biện pháp cuối cùng”. Sở dĩ như vậy là vì, quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án thường kéo dài, khó khăn và luôn bắt buộc phải tuần tự trải qua rất nhiều thủ tục tố tụng phức tạp. Do vậy, để đơn giản hóa, kịp thời và rút ngắn quá trình giải quyết vụ việc dân sự, bằng cách tiến hành hòa giải, Tòa án đã có thể nhanh chóng giải quyết vụ việc dân sự. Chính vì hòa giải có nhiều ưu điểm và phù hợp với truyền thống “dĩ hòa vi quý” của dân tộc Việt Nam, từ lâu, hòa giải trong tố tụng dân sự đã trở thành một trong những nguyên tắc và là thủ tục bắt buộc phải tiến hành trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm. …Hòa giải theo quy định của Luật Hào giải đối thoại tại Tòa án năm 2020 được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự . Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án năm 2020 quy định vụ việc dân sự sẽ không tiến hành hòa giải. Do vậy, việc nhận biết đầy đủ về các trường hợp vụ việc dân sự không tiến hành hòa giải có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với những người tiến hành tố tụng, mà còn đối với những người tham gia tố tụng. Từ đó, bài viết nghiên cứu về các trường hợp vụ việc dân sự không tiến hành hòa giải trong Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án năm 2020, qua đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về hòa giải và nâng cao hiệu quả thực hiện hòa giải vụ việc dân sự.

Với bài viết: “Những vấn đề bất cập cần sửa đổi về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, tác giả Đinh Ngọc Huân nêu quan điểm: Hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người trái pháp luật, luôn được pháp luật Việt Nam cũng như thế giới nghiêm cấm. Kế thừa những quy định của Bộ luật Hình sự  năm 1985, năm 1999 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có nhiều tiến bộ về kỹ thuật lập pháp và tổng kết thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác vẫn còn gặp một số vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Trong bài viết này, với việc tập trung phân tích cụ thể các quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, tác giả làm sáng tỏ thêm nội dung luận điểm trên.

 Trong bài viết: Hành vi vi phạm pháp luật về việc cho vay và nhận bảo đảm nghĩa vụ trả nợ bằng hình ảnh, phim khỏa thân của người vay và các chế tài có liên quan”, tác giả Nguyễn Kiên Bích Tuyền cho rằng: Việc cho vay và nhận bảo đảm bằng ảnh, phim khỏa thân của chính người đi vay đã bắt đầu xuất hiện nhiều tại Việt Nam. Thực trạng này vừa có liên quan đến việc cho vay lãi nặng, vừa có những đặc thù riêng (nhận bảo đảm bằng ảnh, phim khỏa thân của người đi vay) và những hệ lụy phát sinh từ cách xử lý những hình ảnh, phim khỏa thân đó của người cho vay. Chính vì vậy, để nhận diện và xử lý các hành vi có liên quan, chúng ta cần xem xét dưới nhiều khía cạnh như dân sự, hành chính, hình sự cho tương ứng với từng hành vi của người cho vay. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý hiện hành (hình sự, hành chính) là hết sức cần thiết, để việc phòng, chống phù hợp với thực tế hơn, đủ sức răn đe, giáo dục và đạt được hiệu quả cao trong việc phòng, chống vi phạm và tái phạm.

Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích quy định pháp luật có liên quan đến hành vi cho vay và nhận bảo đảm nghĩa vụ trả nợ bằng hình ảnh, phim khỏa thân của người vay; từ đó chỉ ra một số quy định cần được điều chỉnh trong việc xử lý vi phạm liên quan đến việc cho vay, nhận phim ảnh, khỏa thân để bảo đảm và một số kiến nghị có liên quan.

Với bài viết: “Áp dụng Án lệ số 04/2016/AL trong giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình”  , tác giả Trương Thị Ánh Nguyệt nêu nhận định: Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Ngày 06/4/2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua Án lệ số 04/2016/AL về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Tranh chấp trong án lệ liên quan đến quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng. Đáng chú ý, thực tiễn xét xử cho thấy, Án lệ này cũng đang được áp dụng cho cả tranh chấp về tài sản chung của các thành viên trong hộ gia đình, mặc dù số lượng bản án đã áp dụng còn khiêm tốn. Các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của hộ gia đình thường rất phức tạp, bởi có nhiều thành viên tham gia. Trong bối cảnh đó, án lệ được áp dụng để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ thực tiễn mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh là cần thiết. Bài viết này nghiên cứu Án lệ số 04/2016/AL, quy định pháp luật về quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình và việc xem xét đến sự áp dụng tương tự giữa tình huống pháp lý trong Án lệ số 04/2016/AL đối với các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, nhà là tài sản chung của hộ gia đình.

Trong bài viết: “Một số nghiên cứu về khía cạnh nạn nhân của các tội phạm xâm phạm tình dục người dưới 16 tuổi, tác giả Lê Thị Anh Nga nhận định: Trẻ em được bảo vệ tuyệt đối bởi hệ thống các quy phạm pháp luật của cả Việt Nam và trên toàn thế giới. Hiện tại, nước ta có 07 đạo luật trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại tình dục. Từ Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước cho tới Bộ luật Hình sự  - đạo luật mang tính trừng trị nghiêm khắc nhất - đều thể hiện rõ ý chí của Nhà nước đối với nạn nhân của các tội phạm mất nhân tính này.

Theo Luật Trẻ em năm 2016Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, Việt Nam quy định 17 cơ quan có nghĩa vụ bảo vệ quyền trẻ em, bao gồm: 1. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; 2. Chính phủ; 3. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; 4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 5. Bộ Tư pháp; 6. Bộ Y tế; 7. Bộ Giáo dục và Đào tạo; 8. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 9. Bộ Thông tin và Truyền thông; 10. Bộ Công an; 11. Bộ Thông tin và Truyền thông; 12. Ủy ban nhân dân các cấp; 13. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; 14. Các tổ chức xã hội; 15. Tổ chức kinh tế; 16. Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em; 17. Quỹ Bảo trợ trẻ em. Trên thế giới có Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc là cơ quan thường trực bảo vệ trẻ em tại Việt Nam.

Ở Việt Nam, báo chí và dư luận trong nước nhiều lần đề cập đến các chủ đề phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, nhưng các bài viết chỉ dừng lại ở mức độ vụ việc đơn lẻ. Các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến chủ đề bảo vệ trẻ em đang được thực hiện nhiều hơn, nhưng chủ yếu đi theo hướng phòng ngừa tội phạm. Có lẽ vì tính chất nhạy cảm của vấn đề, cộng với sự khó khăn trong tiếp cận nạn nhân, đến thời điểm này, vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân của nhóm tội phạm này nhìn từ góc độ người bị hại.

Bài viết này tập trung phân tích một số kết quả khảo sát khía cạnh nạn nhân của các tội phạm xâm phạm tình dục người dưới 16 tuổi. Tác giả sử dụng kết hợp các phương pháp điều tra xã hội học, phân tích vụ án hình sự và hỏi ý kiến chuyên gia để làm rõ khía cạnh nạn nhân ở các góc độ khác nhau. Từ đó, tổng hợp và đúc kết được chân dung nạn nhân của các tội phạm xâm phạm tình dục người dưới 16 tuổi.

Trong bài viết: “Một số vướng mắc trong giải quyết vụ việc phá sản và đề xuất, kiến nghị”, tác giả Phan Thị Thu Hà nhận định: Chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị tác động rõ rệt, điều này thể hiện qua số liệu thống kê 8 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34.300, tăng đến 70,8% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam ghi nhận 30.600 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong số những doanh nghiệp này, không ít doanh nghiệp thực sự làm ăn thua lỗ, chủ doanh nghiệp có mong muốn được thực hiện thủ tục phá sản nhanh chóng và tạo cơ hội cho việc khởi đầu lại sớm nhất có thể. Tuy nhiên, quy định về thủ tục phá sản trong Luật Phá sản hiện hành chưa thực sự tạo cơ chế hữu hiệu giải quyết trong một số trường hợp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc làm chậm quá trình giải quyết phá sản và một số đề xuất, kiến nghị để đẩy nhanh việc giải quyết phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2021.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK