Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 09 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 09 năm 2020 xuất bản ngày 10 tháng 5 năm 2020. Trên số Tạp chí này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 08 bài viết về các vấn đề, lĩnh vực mang tính thời sự nổi bật hiện nay.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số nội dung chính của các bài viết như sau:

Với bài viết: “Điều kiện công nhận hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm hình thức”, tác giả Hoàng Thị Hải Yến và Hồ Thị Hải cho rằng: Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là một trong những hợp đồng dân sự thông dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực và việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Tương tự các giao dịch dân sự vi phạm hình thức khác, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm quy định hình thức đã nêu thì vô hiệu, tuy nhiên quy định của pháp luật hiện hành đối với điều kiện có hiệu lực về hình thức của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn chưa rõ ràng, dẫn đến cách hiểu thiếu thống nhất, đặt ra vấn đề cần làm rõ trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm điều kiện hình thức có được áp dụng Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 không? Nếu có, điều kiện để công nhận một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm điều kiện có hiệu lực về hình thức do một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ là gì?. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích các quy định của pháp luật về hình thức của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; các điều kiện để công nhận hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để chỉ ra một số vướng mắc, bất cập; từ đó tác giả đưa ra các kiến nghị, đề xuất cụ thể.

Trong bài viết: “Xác định quan hệ pháp luật và thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp chuyển nhượng cổ phần giữa cổ đông, công ty và người chưa phải là cổ đông – sai sót và giải pháp khắc phục”, tác giả Nguyễn Hữu Hưng nêu nhận định: Tính đa dạng hóa chủ sở hữu và khả năng tự do chuyển nhượng cổ phần là những đặc trưng của công ty cổ phần, tạo nên khả năng thu hút vốn đại chúng rất hữu hiệu của loại hình công ty này. Nhằm thỏa mãn nhu cầu về vốn, các công ty và cổ đông thường tìm đến các giao dịch chuyển nhượng cổ phần để kêu gọi đầu tư vào công ty hoặc tìm kiếm lợi nhuận. Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường trong thời gian qua, sự gia tăng số lượng các giao dịch chuyển nhượng cổ phần kéo theo các tranh chấp liên quan đến loại giao dịch này cũng tăng lên, đặt ra áp lực cho Tòa án các cấp phải giải quyết nhanh chóng, chính xác để bảo đảm tính ổn định và phát triển của quan hệ xã hội này. Việc xác định đúng quan hệ pháp luật và thẩm quyền của Tòa án đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vụ việc, tránh tình trạng vụ án bị kéo dài hoặc phải chuyển hồ sơ qua lại giữa các Tòa án. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số thiếu sót trong việc xác định quan hệ tranh chấp và thẩm quyền của Tòa án đối với tranh chấp chuyển nhượng cổ phần giữa cổ đông công ty hoặc công ty với người chưa phải là cổ đông công ty từ thực tiễn xét xử từ đó đưa ra đề xuất hướng giải quyết.

Với bài viết: “Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 – bất cập và hướng hoàn thiện”, tác giả Hoàng Đình Dũng trên cơ sở phân tích, bình luận về cấu thành tội phạm của tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt từ đó chỉ ra một số bất cập, hạn chế của Bộ luật Hình sự 2015 về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt đồng thời kiến nghị hướng hoàn thiện cụ thể đối với tội phạm này.

Trong bài viết: “Một số ý kiến về những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”, tác giả Nguyễn Vinh Hưng cho rằng: Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, “nhiệm vụ của Tòa án là xác định sự thật khách quan của vụ việc, khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức”. Mặc dù vậy, không phải mọi vụ án dân sự Tòa án đều phải tổ chức xét xử để giải quyết tranh chấp mà các tranh chấp giữa vẫn có thể được các bên tự giải quyết nhanh chóng, đơn giản thông qua hoạt động hòa giải tại Tòa án. Vì thế, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định hòa giải là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm và hòa giải được áp dụng đối với hầu hết các vụ án dân sự. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được và việc không hòa giải được này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó còn bởi các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trong bài viết này, tác giả trên cơ sở nghiên cứu đưa ra các phân tích, lập luận về phạm vi các vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được; từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về thủ tục hòa giải trong giải quyết vụ án dân sự.

Trên Tạp chí số này, Ban Biên tập Tạp chí TAND tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc các nội dung còn lại của bài viết: “Chính sách pháp luật hình sự đối với đồng phạm trong giai đoạn phát triển mới của đất nước” của tác giả Phí Thành Chung. Trong phần này, tác giả tập trung làm rõ chính sách hình sự đối với đồng phạm trong giai đoạn phát triển mới của đất nước từ đó khẳng định chính sách pháp luật hình sự đối với đồng phạm là một nội dung quan trọng, căn cốt của chính sách pháp luật hình sự nói chung nhằm giải quyết trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội do nhiều người cùng thực hiện. Chính sách pháp luật hình sự đối với đồng phạm có nội dung, nhiệm vụ khác nhau tùy thuộc tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và thực tiễn tội phạm có đồng phạm ở từng giai đoạn phát triển của quốc gia. Trong giai đoạn phát triển mới của nước ta hiện nay, tội phạm có xu hướng quốc tế hóa cao, sử dụng triệt để thành tựu khoa học công nghệ để phạm tội, xuất hiện nhiều loại tội phạm phi truyền thống thì đòi hỏi chính sách pháp luật đối với đồng phạm phải có định hướng, nguyên tắc, nội dung chỉ đạo việc hoàn thiện pháp luật và áp dụng pháp luật hình sự về đồng phạm riêng. Việc nghiên cứu và chỉ ra những nội dung cơ bản của chính sách hình sự đối với đồng phạm sẽ có ý nghĩa dẫn đường, định hướng sự phát triển đúng đắn của pháp luật hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ở Việt Nam hiện nay.

Trong bài viết: “Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, kinh nghiệm các nước trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam”, tác giả Trần Thăng Long và Nguyễn Trần Vũ Tuân cho rằng: nhượng quyền thương mại là hoạt động kinh doanh đem lại nhiều thành công, cùng tạo ra chuỗi giá trị mang tính kết nối do có đặc điểm riêng biệt là tính đồng bộ trong toàn hệ thống kinh doanh: từ chất lượng của sản phẩm, dịch vụ đến giá thành và cả mô hình hoạt động chung. Tuy nhiên, để có được các đặc điểm riêng biệt trên thì phải dựa trên các thỏa thuận giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Tuy nhiên, việc thiết lập các thỏa thuận trong hợp đồng kinh doanh nhượng quyền thương mại lại tiềm ẩn nguy cơ vi phạm quy định các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo pháp luật cạnh tranh pháp luật cạnh tranh.

Trong bài viết này, các tác giả trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc kiểm soát các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại, quy định pháp luật Việt Nam về điều chỉnh hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong hoạt động nhượng quyền thương mại cũng như một số thỏa thuận hạn chế cạnh tranh phổ biến trong hoạt động này, từ đó đưa ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.

Ngoài ra, trên Tạp chí TAND số này còn có các bài viết: “Trách nhiệm hình sự của người bị loạn tâm thần do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác” của tác giả Phạm Văn Báu và bài viết: “Nhận thức như thế nào về “tiền án”?” của tác giả Trần Văn Hùng.

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 09 năm 2020!

BTK