Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 09 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 09 năm 2021 xuất bản ngày 10 tháng 05 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 09 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu từ xã hội.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

 Trong bài viết: “Bàn về tính chất của xét xử phúc thẩm”, tác giả Nguyễn Thị Mai nhận định: Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, các Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã có một số thay đổi quan trọng hướng tới mục tiêu xây dựng nền tư pháp Việt Nam công bằng, dân chủ, nghiêm minh, đề cao trách nhiệm của cơ quan Nhà nước nói chung và các cơ quan tư pháp trước nhân dân nói riêng. Tuy nhiên, nghiên cứu các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính năm 2015 còn một số điểm bất cập. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu, làm rõ những điểm chưa phù hợp về thủ tục phúc thẩm và xét xử phúc thẩm liên quan đến “tính chất của xét xử phúc thẩm” được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính năm 2015.

            Với bài viết:“Bàn về tội bức cung quy định tại Điều 374 Bộ luật Hình sự năm 2015, tác giả Hoàng Ngọc Anh nêu quan điểm: Ngày nay, với sự phát triển cao về trình độ nhận thức của nhân loại, các quyền tự nhiên của con người như quyền được sống, quyền được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm ngày càng được các quốc gia, các tổ chức quốc tế chú trọng, quan tâm. Để bảo đảm hữu hiệu việc thực hiện các quyền của con người trong cuộc sống, một loạt các giải pháp được xây dựng và triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao.

Trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16/12/1966 khẳng định những quyền cơ bản của con người, cụ thể: “Không ai có thể bị tra tấn, hoặc phải chịu những hình phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp phẩm giá con người…” (Điều 7); “Những người bị tước tự do vẫn phải được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm” (khoản 1 Điều 10); Người bị buộc tội “có quyền không đưa ra những lời khai chống lại mình hoặc không bị ép buộc nhận tội” (điểm g khoản 3 Điều 14). Việt Nam chính thức gia nhập Công ước này vào ngày 24/9/1982. Để nội luật hóa các nội dung của Công ước, trong các bản Hiến pháp của Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân luôn được xác định là các quyền hiến định, được bảo vệ tuyệt đối và ở mức cao nhất.

Thể chế hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế về tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền dân sự, chính trị của con người, Bộ luật Hình sự của nước ta đã sớm ghi nhận tội bức cung, nhục hình nhằm ngăn ngừa, phòng, chống các hành vi xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người khi tiến hành các hoạt động tố tụng. Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục ghi nhận các tội phạm này trong Chương XXIV về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Trong phạm vi bài biết này, tác giả tập trung phân tích, đánh giá các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội bức cung tại Điều 374, từ đó đưa ra một số ý kiến nhằm hoàn thiện quy định của Điều luật này.

Trong bài viết: Hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất”, tác giả Nguyễn Hồng Thanh cho rằng: Trong quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường, giá trị quyền sử dụng đất biến động mạnh theo chiều hướng tăng dần, cùng với đó, các tranh chấp về đất đai nói chung, tranh chấp về hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất nói riêng diễn ra ngày càng nhiều, đa dạng về tính chất phức tạp và việc xác định hiệu lực của loại hợp đồng này có ý nghĩa rất quan trọng. Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai cũng như các văn bản pháp luật có liên quan đã quy định về điều kiện có hiệu lực, thời điểm có hiệu lực, thời điểm chuyển quyền sử dụng đất trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Do đó, cần có những kiến nghị và giải pháp phù hợp để hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Trong bài viếtCác yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa quyền tư pháp và quyền hành pháp trong thực hiện quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay”,  tác giả Nguyễn Thị Huyền cho rằng: Mối quan hệ giữa quyền tư pháp và quyền hành pháp trong thực hiện quản lý nhà nước ở Việt Nam là quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát việc thực thi quyền tư pháp và quyền hành pháp do cơ quan tư pháp và cơ quan hành pháp thực hiện, bảo đảm quản lý nhà nước là thống nhất; thực hiện quyền tư pháp, quyền hành pháp đúng pháp luật, có hiệu lực, hiệu quả; xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi vi phạm pháp luật; thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức trong xã hội. Hiện nay, có một số yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa quyền tư pháp và quyền hành pháp ở nước ta, để phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa hai nhánh quyền lực này nói riêng và quản lý nhà nước nói chung, cần thiết phải đảm bảo một cách đồng bộ. Trong đó, mối quan hệ giữa quyền tư pháp và quyền hành pháp  là vấn đề đặt ra và cần làm sáng tỏ. Bài viết phân tích, đánh giá các yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa quyền tư pháp và quyền hành pháp trong thực hiện quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

       Với bài viết: “Công ước La Hay năm 1996 về quyền tài phán, luật áp dụng, công nhận, thi hành và hợp tác liên quan đến trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em và khả năng gia nhập của Việt Nam, tác giả Nguyễn Minh Khuê - Nguyễn Thị Hà nhận định: Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới luôn coi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là nội dung cơ bản của chiến lược phát triển con người, góp phần tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế gia tăng, các vấn đề về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em có yếu tố nước ngoài cần sự chung tay hợp tác của các quốc gia trên thế giới thông qua các điều ước song phương hay đa phương. Trong khuôn khổ pháp lý quốc tế bảo vệ trẻ em, các Công ước, Nghị định thư về bảo vệ trẻ em thuộc Hội nghị quốc tế La Hay về tư pháp quốc tế là các văn bản pháp lý quan trọng.

Từ ngày 10/4/2013, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam, trong đó có nhiệm vụ “Đẩy mạnh nghiên cứu, từng bước tham gia các Công ước của Hội nghị La Hay” trong đó có Công ước năm 1996 về quyền tài phán, luật áp dụng, công nhận, thi hành và hợp tác liên quan đến trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em (gọi tắt là Công ước năm 1996).

Việc gia nhập Công ước năm 1996 sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia thành viên, không chỉ tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ trẻ em, mà còn giúp giảm thiểu xung đột giữa các quốc gia trong việc xác định thẩm quyền tài phán, luật áp dụng và tăng cường việc công nhận và thực thi các biện pháp bảo vệ người và tài sản của trẻ em trong bối cảnh xuyên biên giới.

Trong bài viết này, các tác giả tập trung giới thiệu những nội dung chính của Công ước, đối chiếu với pháp luật Việt Nam và đánh giá khả năng gia nhập Công ước này của Việt Nam trong thời gian tới.

      Với bài viết: “Hoàn thiện quy định pháp luật hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy”, tác giả Hoàng Ngọc Hạnh nêu nhận định: Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi sự áp dụng pháp luật nhanh chóng, rõ ràng và chính xác từ các cơ quan tiến hành tố tụng để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, kể từ thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 được ban hành đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, nên việc áp dụng các quy định pháp luật hình sự liên quan đến tội phạm này vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập cần hoàn thiện.

Trong bài viết, với việc tập trung phân tích quy định của pháp luật hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tác giả chỉ ra những vướng mắc trong thực tiễn trong việc định tội danh đối với tội phạm này từ đó chỉ ra những kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

             Với bài viết: Một số vướng mắc, bất cập trong quy định về giải quyết tranh chấp nội bộ trong công ty cổ phần tại Tòa án và đề xuất, kiến nghị ”, tác giả Lê Đình Ứng nhận định: Doanh nghiệp có vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước, vì vậy, việc thiết lập các cơ chế, khung pháp lý đảm bảo cho hoạt động của doanh nghiệp là đòi hỏi khách quan, trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, thời gian qua, tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp đang là vấn đề rất được quan tâm, vì vậy, bài viết tập trung nghiên cứu, nhận diện thực tế giải quyết tranh chấp nội bộ trong công ty cổ phần tại Tòa án, từ đó đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp nội bộ trong doanh nghiệp nói chung là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

        Trong bài viết: Chủ thể thống kê hình sự của Tòa án nhân dân- một số bất cập và kiến nghị hoàn hiện”, tác giả Trịnh Ngọc Thúy nhận định: Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, công tác thống kê hình sự là công cụ quan trọng trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành của các cơ quan tiến hành tố tụng. Thống kê hình sự là một bộ phận quan trọng của thống kê tư pháp, phản ánh một số chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thông qua thống kê hình sự thấy được kết quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, tìm ra nguyên nhân và điều kiện dẫn đến tội phạm, các giải pháp để đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích quy định của pháp luật về chủ thể thực hiện công tác thống kê hình sự trong hệ thống Tòa án nhân dân, chỉ ra một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện.

        Trên chuyên mục Trao đổi ý kiến, với bài viết: “Nguyễn Văn M phạm tội gì?”, là tổng hợp quan điểm của nhiều tác giả trong việc định tội danh đối với tình huống cụ thể, Tạp chí TAND mong muốn việc hiểu và áp dụng pháp luật trong thực tế được chính xác và thống nhất hơn.

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 09 năm 2021.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK