Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2019

Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2019 xuất bản ngày 25 tháng 8 năm 2019. Trong số này, Tạp chí Tòa án nhân dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 06 bài viết về các vấn đề nổi bật, được nhiều bạn đọc quan tâm hiện nay.

– Trong Chuyên mục “Nghiên cứu”, Tạp chí Tòa án nhân dân xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết: “Về quyền tư pháp và chế độ tư pháp ở nước ta” của GS.TS. Võ Khánh Vinh. Trong bài viết, tác giả đưa ra những phân tích, lập luận vô cùng sâu sắc về những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền tư pháp, thực hiện quyền tư pháp, chế độ tư pháp, kinh nghiệm nước ngoài đối với vấn đề này, từ đó đưa ra những kiến nghị để đóng góp cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta.

– Trong bài viết: “Giá trị pháp lý của biện pháp bảo đảm không được đăng ký” của ThS. NCS. Huỳnh Quang Thuận, tác giả nhận định: “Đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm. Việc đăng ký biện pháp bảo đảm đóng vai trò rất quan trọng, bởi lẽ việc này giúp thông tin về tài sản bảo đảm được công bố công khai, qua đó các bên có thể tìm hiểu được tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm trước khi ký kết, thực hiện các giao dịch có liên quan đến tài sản đó, hạn chế được các tranh chấp có thể phát sinh. Đồng thời, thông qua hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm, Nhà nước có thể quản lý quá trình lưu thông trên thị trường của các tài sản đặc thù, từ đó có những chính sách hợp lý cho sự phát triển kinh tế.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp luật có quy định và trong trường hợp được đăng ký thì biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký (Điều 298 Bộ luật Dân sự 2015). Vấn đề đặt ra ở đây, nếu biện pháp bảo đảm không được đăng ký sẽ có hiệu lực như thế nào đối với các bên trong giao dịch bảo đảm và đối với người thứ ba.”. Từ đó, Tác giả đi vào phân tích, làm rõ quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề nếu biện pháp bảo đảm không được đăng ký sẽ có hiệu lực như thế nào đối với các bên trong giao dịch bảo đảm và đối với người thứ ba, đồng thời liên hệ với thực tiễn xét xử để chỉ ra những bất cập tồn tại và đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật.

– Với bài viết “Một số vấn đề trong việc giải quyết khiếu nại về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài”, tác giả Trịnh Ngọc Anh Phương cho rằng: “Theo quy định tại Điều 44 Luật Trọng tài thương mại 2010 và khoản 4 Điều 414 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì đối với hoạt động tố tụng trọng tài, Tòa án có thẩm quyền xem xét và giải quyết khiếu nại đối với quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Theo Điều 30 Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 thì khi có khiếu nại của một trong các bên tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải mở phiên họp với sự có mặt của các bên để giải quyết vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.

Tuy nhiên, Luật Trọng tài thương mại 2010 đã không kế thừa quy định này. Điều đó dẫn đến có quan điểm cho rằng Hội đồng trọng tài có thể xem xét vấn đề về thẩm quyền tại một phiên họp chung của vụ tranh chấp mà không nhất thiết phải mở một phiên họp riêng. Trong khi đó, theo Điều 44 Luật Trọng tài thương mại 2010 và khoản 4 Điều 414 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, một trong các bên có quyền khiếu nại và Tòa án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Điều đó có nghĩa, phải có quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài trước khi một trong các bên có thể thực hiện quyền khiếu nại. Vậy, vấn đề đặt ra là: (1) Hội đồng trọng tài có phải xem xét và ra quyết định riêng biệt về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài trước khi mở phiên họp giải quyết nội dung vụ tranh chấp hay vấn đề này được xem xét và quyết định ngay tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, bao gồm cả vấn đề về nội dung tranh chấp (trong trường hợp Hội đồng trọng tài xét thấy có thẩm quyền giải quyết); (2) Tòa án thực hiện thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài trên căn cứ nào.”. Từ đó, tác giả trình bày quan điểm cá nhân về một số vấn đề trong việc giải quyết khiếu nại về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.

– Với việc đăng tải bài viết “Quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với pháp nhân thương mại phạm tội”, tác giả ThS. Đặng Thị Thu Phương phân tích các vấn đề: (1) Các tội mà pháp nhân thương mại phải chịu TNHS; (2) Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; (3) Về xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án. Cuối cùng, tác giả đưa ra kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Ngoài ra, trong số này, Tạp chí Tòa án nhân dân cũng xin giới thiệu tới bạn đọc các bài viết về tình huống pháp lý cụ thể còn nhiều quan điểm khác nhau như: “Các bị cáo phạm tội giết người hay tội cố ý gây thương tích?” của tác giả Đinh Ngọc Huân và bài viết: “Về bài viết: “Đào Trung P có phạm tội – phạm tội gì?” để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi.

Trân trọng giới thiệu và kính mời Quý độc giả quan tâm đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2019./.

BTK