Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2020 xuất bản ngày 25 tháng 9 năm 2020. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý độc giả 10 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau.

Trong nội dung của bài giới thiệu, chúng tôi xin tóm tắt một số vấn đề cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến:

            Với bài viết: “Bảo vệ quyền đời sống riêng tư cá nhân của người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 – thực trạng và giải pháp hoàn thiện”, tác giả Trần Linh Huân cho rằng: Quyền đời sống riêng tư cá nhân là một trong những quyền cơ bản của con người được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Mỗi người đều có quyền đời sống riêng tư cá nhân riêng, cũng giống như các cá nhân khác trong xã hội, người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 cũng có đầy đủ các quyền đời sống riêng tư cá nhân được pháp luật bảo vệ và các chủ thể khác phải có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và không được xâm hại. Tuy nhiên, trên thực tế, trong khoảng thời gian qua, tình trạng đời sống riêng tư cá nhân của người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 bị xâm hại diễn ra khá phổ biến. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19, làm suy giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, việc đưa ra các giải pháp để góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ quyền đời sống riêng tư cá nhân của người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 là điều rất quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, bởi đây là một trong những yếu tố cốt lõi quyết định đến sự thành công trong công cuộc đấu tranh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Với việc tập trung phân tích các quy định pháp luật Việt Nam về quyền đời sống riêng tư của cá nhân và thực trạng bảo vệ quyền đời sống riêng tư của người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19, tác giả chỉ ra những chế tài xử phạt hành vi vi phạm quyền đời sống riêng tư của cá nhân của người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19; từ đó đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền đời sống riêng tư của cá nhân của người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.

        Trong bài viết: “Vướng mắc về giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản”, tác giả Võ Trung Kiên nhận định: Sự phát triển của nền kinh tế thị trường, cùng với sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế khu vực và thế giới đã làm gia tăng nhanh chóng số lượng các doanh nghiệp mới ra đời. Như một sự tất yếu, hoạt động chuyển nhượng phần vốn góp trong các doanh nghiệp ngày càng diễn ra phổ biến. Dẫn đến, các tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp ngày càng nhiều, bao gồm tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

    Các điều khoản về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản tạo điều kiện để bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp phân chia rủi ro, đảm bảo khả năng tiếp tục thực hiện thỏa thuận góp vốn hoặc hạn chế tối đa tổn thất khi thực hiện thỏa thuận góp vốn do sự thay đổi của hoàn cảnh. “Điều khoản này thiết lập một cơ chế điều chỉnh hợp đồng phù hợp với lợi ích của các bên. Khi gặp hoàn cảnh thay đổi, bên gặp bất lợi có quyền đàm phán lại và trong trường hợp đàm phán không thành, một trong hai bên có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết”. Tuy nhiên, quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự 2015 đang tồn tại một số bất cập, vướng mắc cần được nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung phân tích một số vướng mắc, bất cập trong giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản; từ đó đưa ra một số kiến nghị, giải pháp cụ thể để việc hiểu và áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thuận lợi và thống nhất.

            Với bài viết:Bàn về giới hạn của việc bổ sung kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm bản án hình sự”, tác giả Nguyễn Văn Lam cho rằng: Kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là quá trình đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Khi có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm vụ án hình sự  thì Tòa án cấp phúc thẩm sẽ xét lại bản án, quyết định sơ thẩm theo trình tự là cấp xét xử thứ hai được thể hiện trong luật tố tụng hình sự. Bản chất của việc kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm được thể hiện thông qua việc bị cáo, đương sự và Viện kiểm sát cho rằng, bản án, quyết định được Tòa án tuyên hoặc quyết định không đúng với bản chất thực của vụ việc, từ đó, đề nghị Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét lại theo trình tự, thủ tục tố tụng với tính chất khắt khe hơn. Việc kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm vụ án hình sự được luật tố tụng hình sự quy định cụ thể và chỉ tiến hành trong khoảng thời gian nhất định, hết thời gian quy định, thì không có quyền kháng cáo, kháng nghị.

Với việc phân tích cụ thể các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về bổ sung kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm bản án hình sự sơ thẩm, tác giả chỉ ra một số bất cập còn tồn tại; từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định về giới hạn bổ sung kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm bản án hình sự sơ thẩm.

Trong bài viết: “Một số vướng mắc, bất cập khi áp dụng biện pháp cầm giữ tài sản quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và đề xuất, kiến nghị”, tác giả Nguyễn Trung Kiên nhận định: Việc sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có sự ảnh hưởng và tác động mang tính chất chi phối đến cơ chế điều chỉnh pháp luật và nhận thức pháp luật trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm. Một điểm mới trong nội dung về giao dịch bảo đảm đó là, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung thêm 02 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mới so với Bộ luật Dân sự 2005, một trong hai biện pháp đó là cầm giữ tài sản.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số quy định về cầm giữ tài sản, từ đó chỉ ra những vướng mắc, bất cập và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

       Với bài viết: Một số vấn đề về tội “mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người” quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự năm 2015”, các tác giả Đỗ Thanh Xuân – Phạm Thị Mai nêu nhận định: Tội “mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người” là một trong những tội danh mới lần đầu tiên được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong bối cảnh hiện nay, các hành vi mua bán bộ phận cơ thể người đang diễn ra tràn lan và gây tác động tiêu cực đến sức khỏe con người thì việc bổ sung quy định về loại tội phạm này là cần thiết; tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý loại tội phạm này cũng như góp phần phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm đạt hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và thực tiễn giải quyết các vụ án về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, chúng tôi thấy rằng, vẫn có cách hiểu khác nhau về một số vấn đề từ quy định của tội phạm này. Trong bài viết của mình, các tác giả phân tích cụ thể các quy định của pháp luật về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, từ đó chỉ ra một số vấn đề còn có cách hiểu khác nhau để độc giả cùng nghiên cứu, luận bàn.

        Trong bài viết: “Bàn về chế tài xử phạt vi phạm hành chính và chế tài hình sự đối với hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm”, tác giả Dương Thị Thúy Kiều nhận định: Những hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm được coi là hành vi trái pháp luật và phải chịu những chế tài được quy định trong pháp luật hành chính, hình sự, dân sự.

      Dưới góc độ pháp luật hành chính,“xúc phạm danh dự, nhân phẩm” là hành vi trái pháp luật, xâm phạm phẩm chất, giá trị của một con người, nhưng chưa đến mức bị coi là tội phạm và theo quy định sẽ phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Dưới góc độ pháp luật hình sự, “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” là hành vi trái pháp luật, xâm phạm phẩm chất, giá trị của một con người, cấu thành tội phạm hình sự và theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ đó, tác giả đi sâu vào phân tích các quy định của pháp luật đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm để chỉ ra những vướng mắc, bất cập và đưa ra một số kiến nghị cụ thể.

    Trong bài viết: Xem xét dấu hiệu có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu theo pháp luật hoa kỳ và Liên minh Châu Âu– một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam”, tác giả Phạm Thị Diệp Hạnh có nhận định: Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, những tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp thì họ có quyền thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình phù hợp với pháp luật[1], cũng như thực hiện các biện pháp tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền hoặc nhờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp.

      Pháp luật của nhiều nước đã xây dựng rất nhiều tiêu chí để đánh giá dấu hiệu xem xét có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ hay không trước khi đưa ra kết luận về hành vi vi phạm, nhằm cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan. Trong bài viết này, tác giả phân tích các quy định của pháp luật Hoa Kỳ, EU – những nước có hệ thống pháp luật tương đối phát triển, toàn diện về nội dung này; từ đó so sánh và đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật hiện hành của Việt Nam.

     Trên Tạp chí số này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc nội dung tiếp theo của bài viết “Tội hối lộ công chức nước ngoài trong luật hình sự của một số quốc gia – liên hệ với quy định của Bộ luật hình Sự Việt Nam và đề xuất của tác giả Đào Lệ Thu.

        Trong chuyên mục Trao đổi ý kiến, chúng tôi đăng tải hai bài viết: “Các bị cáo phạm tội theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015”, của tác giả Nguyễn Quang Lộc và bài viết: Một số vấn đề về tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” trong thực tiễn áp dụng pháp luật”, của nhiều tác giả để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi để việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn được thống nhất.

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2020!

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Giá 01 cuốn Tạp chí là: 20.000đ. Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được hướng dẫn đặt mua.

BTK