Cán bộ, công chức không hành động, không làm gì cả cũng là một hành vi vi phạm pháp luật

Sáng 1/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Không có lợi nên không hành động?

Phát biểu về quan điểm cán bộ sợ sai, không dám làm nên bỏ bê công việc, đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) nêu rõ, đây là vấn đề có thật trên thực tế, tuy nhiên, các ý kiến phát biểu tại phiên họp là chưa đủ hoặc chưa chỉ rõ nguyên nhân nhạy cảm nhất. 

Theo đại biểu, bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vấn đề sợ sai chưa đề cập tới mức, đã sợ sai còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì nhận vào bản thân, còn khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác và bên ngoài...

Đại biểu nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nói rõ về những biểu hiện này và chỉ rõ các nguyên nhân. Theo đó, một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh lên thì cán bộ nhụt chí, không dám làm. Đây là nguyên nhân nhạy cảm nhất mà các vị đại biểu Quốc hội chưa thấy đề cập tới.

Do đó, đề nghị từ nay, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan khác phụ trách các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của tổ chức cơ quan, đơn vị để đảm bảo mới công bằng. Đại biểu nhấn mạnh “phạt ba thẻ vàng cộng lại thành một thẻ đỏ, nếu cứ phạt thẻ đỏ như này sẽ rất nguy hiểm”.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) tranh luận với đại biểu Vũ Trọng Kim về hiện tượng một bộ phận cán bộ, công chức e ngại trong thực hiện công vụ. Theo đại biểu Lê Thanh Vân, việc cán bộ, công chức không hành động, không làm gì cả cũng là một hành vi vi phạm pháp luật. Vì trong quan hệ pháp luật, hành vi bao gồm hành động và không hành động, không hành động là một bất tắc vi, trong trường hợp này là không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ mà nhà nước giao cho, đó là hành vi vô trách nhiệm, vi phạm pháp luật, cần phải xử lý.

Đại biểu cho biết, có ba trường hợp không hành động, trường hợp thứ nhất là do thiếu hiểu biết nên không hành động, trường hợp thứ hai là do không có lợi nên không hành động, trường hợp thứ ba là biết nhưng sợ nên không hành động. Đại biểu nhấn mạnh, cả ba trường hợp này đều không thực hiện được nghĩa vụ pháp luật, nhà nước, nhân dân giao phó. Do vậy, cần phải xử lý hành vi này dựa trên tính chất, mức độ, hậu quả gây ra có hành vi này.

 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiều sai phạm xảy ra không phải do pháp luật, mà do yếu tố chủ quan từ con người. Tuy nhiên, có tình trạng khi xảy ra sự cố, khi dư luận xã hội lên tiếng mạnh mẽ, thì thường có luồng ý kiến, quan điểm rằng nguyên nhân đến từ cơ chế, pháp luật chưa chặt chẽ, từ đó tiếp tục đưa ra thêm những quy định pháp luật. Đại biểu cho rằng cần phân tích nguyên nhân từ con người, để có giải pháp căn cơ cho các vấn đề hiện nay.

Tăng lương bao nhiêu cho đủ?

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội)  tranh luận với một số ý kiến liên quan đến tăng lương, cải cách hành chính, phân cấp phân quyền đại biểu cho rằng, đề xuất giải pháp tăng lương cán bộ, công chức là chưa căn cơ và chưa giải quyết được gốc vấn đề; nếu tăng lương thì tăng bao nhiêu cho đủ khi năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng trên thế giới.

Đại biểu phân tích, ngoài tăng lương chúng ta có thể nghĩ tới những giải pháp khác căn cơ hơn về mặt an sinh cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm tăng hiệu quả năng suất lao động, như được cung cấp bằng chính sách nhà ở xã hội, con gái được học trường tốt, đi lại được hỗ trợ bằng giao thông công cộng như một số nước trên thế giới đang áp dụng, chế độ nghỉ dưỡng, nghỉ phép đầy đủ. Chính sách ưu đãi thu hút nhân lực và khu vực công khi giá cả thị trường trượt giá, lạm phát cao và tăng lương khó có thể gánh vác hết. 

 

Quốc hội thảo luận tại Hội trường

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu về việc sử dụng các quỹ tồn dư của Nhà nước đang gửi hệ thống ngân hàng. Hiện nay còn trên 1 triệu tỉ đồng và vấn đề này đã được đại biểu nhấn mạnh tại phiên thảo luận tổ vừa qua. Theo đại biểu, nguồn này có thể linh hoạt để bố trí ngay, hỗ trợ ngay cho người lao động và người mất việc làm hoặc xây dựng ngay những khu nhà ở, cho thuê nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động để kích cầu hơn thay vì chúng ta thực hiện các giải pháp hiện nay, bổ sung các thể kích cầu nền kinh tế. 

Đại biểu đề nghị cần linh hoạt nguồn vốn này nhưng linh hoạt trong sự phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa, tháo gỡ các thủ tục hành chính để đưa tiền vào những công trình quan trọng, tạo sức bật cho nền kinh tế. Hơn nữa, với những công trình phân kỳ đầu tư cần nguồn vốn này mà không có thì sẽ gây nên hệ lụy lãng phí khác. 

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu rõ, cơ chế hiện hành cho phép Kho bạc Nhà nước được tối ưu hóa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi. Do đó, đại biểu bày tỏ băn khoăn liệu chính sách tài khóa có phối hợp tốt với chính sách tiền tệ trong việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hiện nay là việc giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế hay không? Cụ thể hơn, việc ấn định mức giá chào thầu và dự kiến khối lượng tiền chào thầu có xem xét đến các mục tiêu về thanh khoản của hệ thống ngân hàng như mặt bằng giá vốn trên thị trường tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi không?

Vì vậy, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị các thành viên Chính phủ có câu trả lời thỏa đáng để gỡ khó cho nền kinh tế.

2,7 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) bày tỏ đồng tình với những nhận định trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 của Chính phủ, tuy nhiên đại biểu cho rằng hiện nay sức khỏe của các doanh nghiệp chưa tốt, một số vấn đề bất cập về cơ chế chính sách trong kiển khai thực hiện vẫn còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo thống kê, cả nước hiện có 2,7 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên, trong đó, hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hay chủ bỏ trốn.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng thủ tục đăng kiểm xe cơ giới đang trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp và người dân nói chung, nhất là các doanh nghiệp logistics bị ảnh hưởng nặng nề, đứt gãy chuỗi cung ứng; nhiều hồ sơ xin thẩm định phòng cháy chữa cháy chưa được nghiệm thu, bị tồn đọng gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động.

Do đó, trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn, đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét gia hạn phân loại doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào từ nguồn gỗ rừng trồng; chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) quan tâm đến tình hình hoạt động doanh nghiệp những tháng đầu năm 2023, đại biểu cho biết 4 tháng đầu năm có 77 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Đại biểu cho rằng con số này cho thấy một số yếu tố bất thường rất đáng quan tâm về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Đó là số doanh nghiệp gia nhập thị trường và con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tương đương nhau. Đây là điều chưa từng thấy. Số liệu thống kê từ năm 2020 khi Quốc hội sửa Luật doanh nghiệp đến nay, hằng năm số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Ngoài ra, trong số bình quân 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng là một mức tăng đột biến nếu so sánh với mức bình quân 11.900 doanh nghiệp năm 2022, 10.000 vào năm 2021... Điều bất thường thứ ba là điều này xảy ra ngay từ những tháng đầu năm, là thời điểm thông thường doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh...

Đại biểu cho rằng, trước tình trạng này cần được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, đánh giá, phân tích thấu đáo hơn để nhận diện rõ ràng, chính xác thực trạng của doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, đối mặt với những biến động khó lường, cần nghiên cứu có những chính sách ưu đãi căn cơ hơn nữa về thuế thu nhập, tiền sử dụng đất thay cho những chính sách hỗ trợ mang tính tạm thời, chưa đủ độ, tạo đà phục hồi cho doanh nghiệp.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) nêu: Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu để đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường, không bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, công khai, minh bạch, dự đoán được sự biến động giá thế giới. Cử tri đề nghị cần đánh giá kỹ thực trạng, tính hiệu quả của Quỹ bình ổn xăng dầu. Theo đó, đại biểu cho biết, nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước chỉ nên can thiệp khi có biến động lớn về giá, có khả năng ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh bằng các công cụ chính sách để bình ổn thị trường như thuế, dự trữ quốc gia. 

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên các giải pháp: Tiếp tục giảm phí, thuế cho doanh nghiệp, người dân, nhất trí việc giảm 2% thuế VAT và kéo dài tới năm 2024; đẩy mạnh phát triển du lịch; cải cách để giảm các thủ tục cho các doanh nghiệp; có phương án giải quyết các phát sinh vấn đề an sinh xã hội…

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động. Nếu không có giải pháp tổng thể, toàn diện để bảo vệ, duy trì và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng thì nước ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là Hiện Hữu và chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau. Vì vậy, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương ban hành 3 chiến lược: Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, Chiến lược phát triển giáo dục, Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức cho giai đoạn 2021- 2030.

MINH KHÔI