Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đủ điều kiện trình Quốc hội
Sáng 23/4/2025, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 2 để thẩm tra các dự án luật, nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách chuẩn bị cho Phiên thứ 44 của UBTVQH 2 và Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Tại phiên họp đã thẩm tra bước đầu đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.
Dự phiên họp có Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến; Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Duy Giảng; đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam…
Quang cảnh phiên họp
Theo chương trình Phiên họp, sáng 23/4, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phá sản.
Bỏ Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp huyện
Trình bày tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đồng chí Lê Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Tòa án nhân dân tối cao) cho biết: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng không tổ chức Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp huyện; thành lập Tòa án nhân dân khu vực; chuyển các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân khu vực.
Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân khu vực (sửa đổi Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.
Về thành phần Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, Dự thảo Luật bổ sung thành phần của Hội đồng gồm 1 thủ trưởng đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân, 1 Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, 1 Chánh án Tòa án nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ định để thay cho 03 Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại điểm d khoản 1 Điều 40 Luật hiện hành.
Đồng chí Lê Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao Trình bày tờ trình
Theo đồng chí Lê Thế Phúc, trên cơ sở mô hình tổ chức hệ thống Tòa án 3 cấp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Tòa án theo hướng như sau:
1. Đối với Tòa án nhân dân tối cao, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị (sửa đổi Điều 46 Luật hiện hành).
Bổ sung quy định trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao có các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (sửa đổi Điều 47 Luật hiện hành).
Ngoài ra, bổ sung một điều luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (bổ sung Điều 49a).
2. Đối với TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo hướng Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo quy định của Luật (sửa đổi Điều 55 Luật hiện hành).
Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật (sửa đổi Điều 55, Điều 57 Luật hiện hành).
Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo hướng gồm Ủy ban Thẩm phán, các Tòa chuyên trách, bộ máy giúp việc; đồng thời, giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp tỉnh (sửa đổi Điều 56 Luật hiện hành).
3. Đối với Tòa án nhân dân khu vực, sẽ cơ cấu lại các Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thành Tòa án nhân dân khu vực.
Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân khu vực theo hướng bổ sung quy định tại một số Tòa án nhân dân khu vực thành lập Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ. Phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa chuyên trách này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
Theo mô hình tổ chức Tòa án mới, do khối lượng vụ việc về sở hữu trí tuệ, phá sản chưa nhiều nên trước mắt không tổ chức các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt như một cấp Tòa án. Tuy nhiên, đây là loại việc khó, phức tạp và ngày càng tăng theo tốc độ phát triển kinh tế của đất nước; cần có nhân lực chuyên trách là người không chỉ chuyên sâu về pháp luật mà cần được đào tạo, kiến thức, kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, kinh tế, tài chính...
Đối với vụ việc phá sản, cần phải giải quyết các mối quan hệ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu tuyên bố phá sản gồm: quan hệ hành chính, lao động, hình sự, dân sự, kinh tế, sở hữu trí tuệ, ... Việc giải quyết những loại vụ việc này đòi hỏi phải được tổ chức chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cả về bộ máy và con người. Vì vậy, cần thành lập các Tòa chuyên trách về Phá sản, Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực ở các tỉnh, thành phố lớn là trung tâm kinh tế, tài chính của đất nước.
Việc thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ, phá sản là việc làm cần thiết để hiện thực hóa cam kết và khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài của nước ta với cộng đồng quốc tế.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến các đại biểu nêu tại Phiên họp
Dự thảo luật cũng quy định chuyển tiếp về việc chuyển giao các vụ việc hiện do các Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết trước ngày Luật có hiệu lực.
Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên, dự thảo Luật còn sửa đổi, bổ sung các quy định mang tính kỹ thuật như: Thay thế các cụm từ “Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương” bằng “Tòa án nhân dân khu vực”; “Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” bằng “Tòa án nhân dân cấp tỉnh”….
Tòa án nhân dân tối cao thấy rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thuộc trường hợp cấp bách để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân.
Căn cứ điểm b khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 50 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tòa án nhân dân. Đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/7/2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp
Việc sửa đổi Luật phù hợp với chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy
Qua thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến tán thành sửa đổi, bổ sung Luật Tòa án nhân dân năm 2024 để thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, bao gồm cả Tòa án nhân dân; tán thành áp dụng thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành dự án Luật này để giải quyết vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra theo chủ trương của Trung ương.
Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, thành phần hồ sơ đáp ứng quy định tại điểm b khoản 5 Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo thủ tục rút gọn.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung và bố cục của dự thảo Luật, theo đó lần sửa đổi này tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn Tòa án nhân dân theo chủ trương của Trung ương.
Với phạm vi sửa đổi, bổ sung nêu trên, bố cục của dự thảo Luật gồm 4 điều (sửa đổi 23 điều, bổ sung 1 điều, bãi bỏ 9 điều, 2 khoản; sửa đổi, bổ sung 14 luật liên quan; quy định chuyển tiếp, hiệu lực thi hành của Luật).
Kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo là Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động, khẩn trương, phối hợp rất chặt chẽ với Ủy ban trong quá trình xây dựng Hồ sơ dự án Luật. Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 44 xem xét, cho ý kiến.
Bài liên quan
-
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 05/5/2025
-
Hoàn thiện một số quy định của dự thảo Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi)
-
Phó Chánh án Nguyễn Quốc Đoàn kiểm tra công tác đặc xá tại TP Huế
-
Khai mạc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị nhiều nội dung quan trọng cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Toà án nhân dân TP. Tam Kỳ tổ chức các phiên Toà rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến và nhiều phiên Toà trực tuyến trong năm 2025
-
Phát động Cuộc thi báo chí: “Hải Phòng – thành phố thân thiện”
-
Về người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định
-
Chuyển đổi số ngành Tòa án nhân dân năm 2025
-
Thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình
Bình luận