Mạch nguồn tư tưởng của Đảng và Nhà nước về bình đẳng, bình quyền trong bầu cử, ứng cử

75 năm về trước, hình ảnh những phụ nữ tự tay cầm lá phiếu đi bầu cử đã trở thành dấu ấn trong cuộc Tổng tuyển đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hình ảnh ấy, vào thời điểm năm 1946 ở Việt Nam đã đánh một dấu mốc quan trọng về tư tưởng bình đẳng, bình quyền và đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I

Ngay Tuyên ngôn độc lập Người đọc trong ngày 2/9/1945 đã khẳng định: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Trong sắc lệnh 14 về Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội được ban hành ngày 8/9/1945, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ “Tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và ứng cử trừ những người đã bị tước mất quyền công dân và người trí óc không bình thường”.

Quan điểm bình đẳng nam nữ được thể hiện rõ trong Quốc hội khoá I. Trong 333 đại biểu được bầu có: 10 đại biểu nữ; 34 đại biểu dân tộc thiểu số; 87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 43% là không đảng phái. Vấn đề bình đẳng, bình quyền này được quy định rõ trong bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa năm 1946 với Điều 9 "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện".

Mạch nguồn tư tưởng của Đảng ta về bình đẳng, bình quyền trong bầu cử, ứng cử ở các cơ quan dân chủ đã được phát huy trong suốt chiều dài xây dựng và đổi mới đất nước. Và Quốc hội Khóa XIV, đã đánh một dấu son quan trọng cho tư tưởng tiến bộ này của đất nước Việt Nam.

Xét về mặt cơ cấu, Quốc hội khóa XIV đã có cơ cấu như sau: Dân tộc thiểu số 86 người (17,30%), phụ nữ 133 người (26,80%). Ngoài Đảng, có 21 người trúng cử, (chiếm 4,20%).

 

10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV đã thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đối ngoại; thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống. Trong số 72 luật, 29 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật đã được thông qua, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; Hoạt động giám sát được tăng cường, không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Dấu ấn nghị trường sôi động rõ nét qua các phiên chất vấn “hỏi nhanh, đáp gọn”, "đi đến cùng” vấn đề được giám sát; cũng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Những đóng góp trí tuệ trong các hoạt động của Quốc hội, ghi dấu sự nỗ lực của các đại biểu Quốc hội, trong đó có sự tích cực của các nữ đại biểu Quốc hội, sự đồng lòng, đoàn kết của một khối thống nhất vì một mục tiêu chung - phát triển đất nước và hạnh phúc của nhân dân

Nhìn lại Quốc hội khóa XIV, đúng như nữ chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, mỗi đại biểu Quốc hội có quyền tự hào về những thành tựu cũng như những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của mình. Thành quả và niềm vinh dự lớn nhất đối với đại biểu Quốc hội khóa XIV, đó chính là sự ghi nhận, tin tưởng, chia sẻ, ủng hộ, đồng hành xuyên suốt của cử tri, nhân dân trong mọi hoạt động của Quốc hội thời gian qua./.
 

Chủ tịch Quốc hội và một số đại biểu Quốc hội khóa XIV

PVA