Tuyên án vụ Đồng Tâm

Chiều 14/9, TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối 29 bị cáo trong vụ án "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.

Sau hơn 1 tuần xét xử,15 giờ hôm nay (ngày 14/9), tại trụ sở TAND TP Hà Nội,  HĐXX đã tuyên án sơ thẩm đối 29 bị cáo trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.

Theo nhận định của HĐXX, về tố tụng, các cơ quan chức năng đã thực hiện đúng quy định, đúng thẩm quyền, các bị cáo không khiếu nại về hành vi do đó quyết định tố tụng được thực hiện hợp pháp, đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi, lời khai phù hợp với lời khai tại CQĐT, những lời khai của các bị cáo khác cũng như các vật chứng đã thu thập được trong vụ án.

Theo đó, mặc dù biết rõ đất cánh đồng Sênh ở xã Đồng Tâm là đất Quốc phòng đã được Thanh tra TP.Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận, các cơ quan chức năng đã tổ chức đối thoại với nhân dân xã Đồng Tâm để người dân hiểu và yêu cầu nhân dân thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng từ năm 2013, ông Lê Đình Kình (SN 1936, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm) đã cùng Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và một số người tại xã Đồng Tâm thành lập “Tổ Đồng thuận” với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau.

Các bị cáo thường xuyên lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân khiếu kiện phức tạp về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm; sử dụng mạng xã hội tuyên truyền đất đồng Sênh là của xã Đồng Tâm; đồng thời kêu gọi người dân xã Đồng Tâm “đấu tranh để giữ đất”.

Ngoài ra, từ năm 2017 đến đầu năm 2020, ông Lê Đình Kình đã chỉ đạo “Tổ Đồng thuận” và nhiều người gây ra nhiều vụ việc phức tạp đến an ninh, trật tự địa bàn.

Khi biết thông tin Công an Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, ông Lê Đình Kình đã cùng các bị cáo góp tiền mua lựu đạn, làm bom xăng, mua tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm, nhặt gạch đá, làm bùi nhùi, mua pháo…nhằm tấn công lực lượng chức năng.

Ngày 9/1/2020, khi lực lượng Công an đến chốt cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm (cách nhà ông Kình khoảng 50 m) để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch, đã bị các bị cáo dùng bom xăng, lựu đạn, hung khí tấn công. Trong quá trình kiên quyết trấn áp hành vi đặc biệt nguy hiểm của các bị cáo, 3 cán bộ chiến sỹ công an đã hy sinh.

Trong vụ án này, HĐXX nhận định bị cáo Lê Đình Công là người chủ trì các cuộc họp, kích động, lôi kéo mọi người chống lại lực lượng chức năng. Bị cáo Bùi Viết Hiểu dù biết rõ nguồn gốc đất xã Đồng Tâm những vẫn tham gia xuyên tạc thông tin, cùng bị cáo Công bàn bạc và là người trực tiếp ném chai xăng về lực lượng chức năng. Bị cáo Lê Đình Chức tham gia họp bàn tại nhà ông Lê Đình Kình, ném gạch, bom xăng, lưu đạn về lực lượng công an…để ngăn cản lực lượng chức năng trấn áp tội phạm.

Qua đó, HĐXX xét thấy hành vi của các bị cáo vô cùng tàn ác, dùng các hung khí nguy hiểm tấn công lực lượng chức năng khiến 3 chiến sỹ công an bị tử vong; các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, hành vi mất hết tính người của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”.

Đối với 19 bị cáo mà VKS đề nghị chuyển tội danh từ “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ”, theo HĐXX, qua điều tra và qua phiên tòa xét xử công khai đã cho thấy các bị cáo này bị lôi kéo, nhận thức không đúng nên đã đi theo ông Kình và bị cáo Công, nhận sự chỉ đạo để họp bàn, góp tiền mua xăng, lưu đạn.

HĐXX nhận thấy, hầu hết các bị cáo đều có mặt tại nhà ông Kình để bàn bạc về cách thức chống đối lực lượng công an. Tất các các bị cáo đều thực hiện hành vi rất tích cực, chuẩn bị công cụ, phương tiện nhằm trực tiếp chống đối lực lượng chức năng nhưng các bị cáo đều bị xúi giục, lôi kéo, hứa hẹn; các bị cáo thực hiện hành vi giúp sức ở vị trí, vai trò nhất định và không trực tiếp gây ra cái chết cho 3 nạn nhận.

Tại tòa, các bị cáo trên đã khai báo thành khẩn, phù hợp với tài liệu và chứng cứ có trong vụ án; từ đó, HĐXX nhận thấy quyết định chuyển tội danh của VKS cho 19 bị cáo là có cơ sở, đúng người, đúng pháp luật.

Đây là vụ án hình sự nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, coi thường sức khỏe của người khác, hành vi vô cùng tàn bạo, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với các bị cáo bị truy tố về tội “Giết người”: Bị cáo Công giữ vai trò chủ mưu cầm đầu, tổ chức các cuộc họp bàn, chuẩn bị công vụ, phương tiện và phân công các bị cáo khác thực hiện hành vi; trực tiếp ném bom xăng, lưu đạn về lực lượng chức năng. Hành vi của bị cáo là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; dù khai báo thành khẩn nhưng vẫn cần loại bỏ bị cáo ra khỏi xã hội.

Bị cáo Lê Đình Doanh tích cực thực hiện hành vi phạm tội, trực tiếp ném gạch đá, bom xăng về lực lượng chức năng, gây nên cái chết của 3 chiến sỹ công an. Hành vi của bị cáo là vô cùng quyết liệt, bản thân bị cáo có nhân thân xấu nhưng không lấy đó làm bài học mà lại tiếp tục phạm tội. Xét tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, HĐXX xét thấy bị cáo thành khẩn khai báo nên không nhất thiết loại bỏ bị cáo ra khỏi đời sống xã hội nhưng cần có bản án nghiêm khắc – không thời hạn mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Đối với các bị cáo còn lại, HĐXX cũng phân tích và căn cứ vào đúng tính chất, mức độ hành vi của các bị cáo, xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đưa ra bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đối với các bị cáo bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”: Các bị cáo là người thực hiện hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện để chống đối lực lượng chức năng bằng hung khí nguy hiểm, cần phải xử lý nghiêm theo đúng tính chất, mức độ và hậu quả. Các bị cáo thành khẩn khai báo, xem xét giảm nhẹ 1 phần hình phạt cho bị cáo.

Hình phạt cụ thể đối với các bị cáo như sau:

Mức án cụ thể của 6 bị cáo bị kết án về tội “Giết người”:

– Lê Đình Công (SN 1964): Tử hình.

– Bùi Viết Hiểu (SN 1943): 16 năm tù.

– Nguyễn Văn Tuyển (SN 1974): 12 năm tù.

– Lê Đình Chức (SN 1980): Tử hình.

– Lê Đình Doanh (SN 1988): tù chung thân.

– Nguyễn Quốc Tiến (SN 1980): 13 năm tù.

Mức án cụ thể của 23 bị cáo bị kết án về tội “Chống người thi hành công vụ”:

– Nguyễn Văn Quân (SN 1980): 5 năm tù.

– Lê Đình Uy (SN 1993): 5 năm tù.

– Lê Đình Quang (SN 1984): 5 năm tù.

– Bùi Thị Nối (SN 1958): 6 năm tù

– Bùi Thị Đục (SN 1957) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

– Nguyễn Thị Bét (SN 1961): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

– Nguyễn Thị Lụa (SN 1956): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

– Trần Thị La (SN 1978): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

– Bùi Văn Tiến (1979): 5 năm tù.

– Nguyễn Văn Duệ (SN 1962): 3 năm tù.

– Lê Đình Quân (SN 1976): 5 năm tù.

– Bùi Văn Niên (SN 1980): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

– Bùi Văn Tuấn (SN 1991): 3 năm tù.

– Trịnh Văn Hải (SN 1988): 3 năm tù .

– Nguyễn Xuân Điều (SN 1952): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

– Mai Thị Phần (SN 1963): 30 tháng nhưng cho hưởng án treo.

– Đào Thị Kim (SN 1983): 24 tháng nhưng cho hưởng án treo.

– Lê Thị Loan (SN 1966): 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

– Nguyễn Văn Trung (SN 1988): 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

– Lê Đình Hiển (SN 1989): 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

– Bùi Viết Tiến (SN 2000): 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

– Nguyễn Thị Dung (SN 1963): 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

– Trần Thị Phượng (SN 1984): 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Ngoài ra, HĐXX còn tuyên về trách nhiệm dân sự, án phí đối với các bị cáo; thời gian thử thách đối với các bị cáo được hưởng án treo và quyền kháng cáo đối với các bị cáo, đại diện gia đình các bị hại…

XUÂN HÀ