Hội thảo khoa học thảo luận, góp ý về những nội dung, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Ngày 12/6, TANDTC tổ chức Hội thảo khoa học thảo luận, góp ý về những nội dung, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Ts. Nguyễn Thúy Hiền, phó Chánh án TANDTC chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC, lãnh đạo và Thẩm phán TAND các cấp, đại diện các cơ quan liên quan, một số chuyên gia, nhà khoa học, các luật sư, hòa giải viên…

Trong bối cảnh án lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại ngày càng tăng về số lượng; tính chất ngày càng phức tạp, gay gắt thì việc hướng tới xây dựng một cách giải quyết các tranh chấp đó theo con đường hòa giải đối thoại là việc rất cần thiết, ý nghĩa. Thời gian vừa qua, TANDTC đã tổ chức thí điểm hòa giải ở trong nước và  khảo sát hòa giải ở nước ngoài, sơ kết, tổng kết, xây dựng các báo cáo về Luật Hòa giải và được Ban Chỉ đạo cải cách TW, Ban Dân vận TW rất ủng hộ.

Thẩm phán Đào Thị Xuân Lan phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Thẩn phán TANDTC Đào Thị Xuân Lan đã trình bày báo các dẫn đề một số nội dung cần quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án.

Cụ thể, 6 nhóm vấn đề cần hướng dẫn bao gồm: Chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong đó có đảm bảo về kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại; Trách nhiệm của TAND trong hoạt động hòa giải đối thoại; Chế định hoặc Quy chế “Hòa giải viên”; Trình tự thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả; Trình tự thử tục đề nghị kiến nghị xem xét quyết định công nhận hòa giải, đối thoại thành; Các vấn đề nội dung còn lại và các biểu mẫu cần hướng dẫn.

Ông Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng đề xuất căn cứ theo số lượng vụ việc thụ lý của từng đơn vị để có căn cứ phân bổ Hòa giải viên đối với từng đơn vị Tòa án các cấp, đồng thời để xuất bổ sung chi phí công tác cho Thẩm phán, công chức Tòa án hỗ trợ hoạt động hòa giải đối thoại. Thực tế đây cũng là mong muốn của nhiều Hòa giải viên trong quá trình công tác. Vì trong quá trình hòa giải, đối thoại nhiều vụ việc phức tạp, Thấm phán đã phải đồng hành cùng Hòa giải viên, cá biệt có những trường hợp phải chủ động xuống địa bàn, xem xét tranh chấp, xây dựng kế hoạch, phương án hợp lý nhất.

Ông Phạm Quý Tỵ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Quý Tỵ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết ông hoàn toàn đồng tình với Luật Hòa giải, đối thoại. Đồng thời đánh giá cao sự tiếp thu ý kiến của ban soạn thảo. Ông cũng nhấn mạnh về vấn đề hướng dẫn thi hành về trách nhiệm của TAND trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Quyền nghĩa vụ các bên tham gia; Điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm Hòa giải viên; Từ chối hòa giải, đối thoại, thay đổi Hòa giải viên…

Hội thảo cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ các Luật sư, đại biểu tham dự hội thảo. Đặc biệt là các ý kiến đóng góp thực tế từ các Hòa giải viên trong quá trình thí điểm. Đa số các ý kiến đều đánh giá cao Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đồng thời đề xuất những nội dung, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.

PV