A phạm tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Bùi Thế Vinh “A có phạm tội trộm cắp tài sản?” đăng ngày 06/11/2021, tôi cho rằng A phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 172 BLHS.

Thứ nhất: A không thể phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 BLHS 2015. Như bài viết trước tác giả đã phân tích: Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút lấy tài sản của người khác với mục đích chiếm đoạt. Đặc điểm nổi bật của tội trộm cắp tài sản so với các tội xâm phạm quyền sở hữu khác là người phạm tội có hành vi lén lút, bí mật di chuyển bất hợp pháp tài sản của người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản này. “Lén lút” được xem là đặc điểm mang tính riêng biệt của tội tội trộm cắp tài sản. Đối chiếu với hành vi của A thì chúng ta thấy rằng không đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015. Vì A chiếm đoạt tài sản trước sự chứng kiến của C (là người quản lý tài sản) mà không hề có hành vi “lén lút”.

Thứ hai: A có thể phạm tội “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 168 BLHS nếu hành vi của A là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cứ được nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc A có thể phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 BLHS, nếu hành vi của A đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Thực tiễn trong cuộc sống thì khi siết nợ, chủ nợ thường thực hiện các hành vi như cướp tài sản, dùng vũ lực đe dọa để lấy tài sản của con nợ… Với các hành vi trên, tùy vào tính chất, mức độ và tình huống cụ thể mà chủ nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội “Cướp tài sản” hoặc “Cưỡng đoạt tài sản”.  Trong tình huống này, A không có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần đối với C.

Thứ ba: Theo tác giả, A phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 172 BLHS 2015 vì: Công nhiên chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản mà không dùng đến vũ lực hay bất cứ thủ đoạn nào nhằm đe dọa, uy hiếp để chiếm đoạt tài sản. Chủ sở hữu hay người quản lý tài sản biết rõ người chiếm đoạt và hành vi chiếm đoạt đó nhưng không thể làm gì hay ngăn chặn hành vi đó. Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản người bị hại biết ngay người lấy tài sản của mình nhưng không thể giữ được… A đến nhà B và thấy trong kho có bộ bàn ghế gỗ nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt và công khai chiếm đoạt tài sản trước sự chứng kiến của C (là người quản lý tài sản). Lỗi của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản là lỗi cố ý của người thực hiện hành vi này. Thể hiện ở ý chí của người thực hiện, A mong muốn đạt được và tự bản thân thực hiện hành vi này một cách dứt khoát và quyết đoán.  Như vậy, căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 172 BLHS 2015 và đối chiếu với nội dung vụ việc nói trên thì hành vi của A đã đủ yếu tố cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.         

Trên đây là quan điểm của cá nhân tác giả, rất mong nhận được sự phản hồi của các độc giả.

Toà án nhân dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, xét xử vụ án hình sự - Ảnh: ĐTT

 

A có phạm tội trộm cắp tài sản?

A không phạm tội trộm cắp tài sản

 

ĐINH THỊ THUỲ (Toà án nhân dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai)