H không đồng phạm với T trong tội: “Cướp giật tài sản”

Sau khi nghiên cứu bài viết “H có đồng phạm trong vụ án cướp giật hay không?” của tác giả Văn Linh (TAQS Khu vực 2 Hải quân) đăng ngày 19/ 2/2020, tôi có quan điểm H không đồng phạm với T trong tội: “Cướp giật tài sản”.

Ngày 03/5/2018, H và T đang đi cùng nhau trên một chiếc xe máy. Khi phát hiện chị N điều khiển chiếc xe SH đi cùng chiều có đeo trên vai một túi xách, T nảy sinh ý định cướp giật túi xách của chị N. T bàn với H về ý định của mình, tuy nhiên, H không đồng ý và còn bảo “Mày thiếu tiền hay sao mà phải đi cướp giật”. Tuy nhiên, T vẫn điều khiển xe lại gần và tiến hành giật túi xách của N. Sau đó, T đưa chiếc túi cho H giữ rồi cùng nhau chạy đến một khu đất trống. Khi cả hai đang kiểm tra túi xách của N thì bị bắt giữ, cả hai bị truy tố về tội “Cướp giật tài sản” theo Điều 171 BLHS 2015.

Tại phiên tòa, H một mực khẳng định mình không có ý định cướp giật chiếc túi xách và do tâm lý căng thẳng nên không biết giải quyết thế nào khi T đưa túi xách cho mình giữ. Cuối cùng, TAND huyện TH đã kết luận T và H là đồng phạm trong vụ”Cướp giật tài sản”.

Từ nội dung vụ án như trên, theo tác giả bài viết thì hiện có hai quan điểm là H không phải đồng phạm trong vụ“Cướp giật tài sản” và H là đồng phạm với vai trò là người giúp sức.

Tôi nhất trí với quan điểm của tác giả đó là H không đồng phạm với T trong tội: “Cướp giật tài sản” với những lý do mà tác giả đã đưa ra phân tích. Đặc biệt tôi xin phép được đưa ra thêm lý do để cho rằng quan điểm hai là không có cơ sở pháp lý.

Xét ở 02 mặt khách quan và chủ quan của đồng phạm, cho chúng ta thấy:

Thứ nhất, ở mặt khách quan: Một là, về số lượng có từ 02 người trở lên và người đó đủ điền kiện chủ thể tham gia tội phạm; Hai là, những người đồng phạm cùng thực hiện một tội phạm.

Thứ hai, ở mặt chủ quan xét ở yếu tố lỗi thì: Một là, về lý trí: Trong nhận thức của những người đồng phạm đều phải biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, đồng thời họ cũng phải biết rằng người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng với mình. Mỗi người đồng phạm còn thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện. Hai là, về ý chí: Những người đồng phạm mong muốn có hoạt động chung và cùng mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 BLHS năm 1999 và khoản 1 Điều 17 BLHS năm 2015: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Ở đây luật hình sự  đưa ra giới hạn “cùng cố ý”, tức lỗi của họ đều phải là lỗi cố ý chứ điều luật không yêu cầu họ cùng có lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp.

Từ việc xét ở 02 mặt khách quan và chủ quan của đồng phạm, cho chúng ta thấy việc ngày 03/5/2018, H và T đang đi cùng nhau trên một chiếc xe máy. Khi phát hiện chị N điều khiển chiếc xe SH đi cùng chiều có đeo trên vai một túi xách, T nảy sinh ý định cướp giật túi xách của chị N. T bàn với H về ý định của mình, tuy nhiên, H không đồng ý và còn bảo “Mày thiếu tiền hay sao mà phải đi cướp giật”. Tuy nhiên, T vẫn điều khiển xe lại gần và tiến hành giật túi xách của N. Sau đó, T đưa chiếc túi cho H giữ rồi cùng nhau chạy đến một khu đất trống. Khi cả hai đang kiểm tra túi xách của N thì bị bắt giữ. Qua nội dung vụ án cho thấy chỉ có T thỏa mãn cấu thành tội: “Cướp giật tài sản” đúng như quan điểm của tác giả.

Tuy nhiên, đối với H thì không thỏa mãn dấu hiệu của đồng phạm với T trong vụ án với vai trò là người giúp sức. Bởi vấn đề mấu chốt đó là H không cùng cố ý với T thực hiện hành vi thỏa mãn dấu hiệu của đồng phạm. Xét yếu tố lỗi trong vụ án cho thấy mặc dù T có ý định và có bàn với H về ý định cướp giật túi xách nhưng H đã không đồng ý, được thể hiện, được khẳng định với T bằng quan điểm “Mày thiếu tiền hay sao mà phải đi cướp giật”. Đây là chứng cứ rất quan trọng thể hiện ý chí của H là không cùng cố ý với T trong việc thực hiện hành vi cướp giật tài sản và cũng không có có chứng cứ nào có thể khẳng định được rằng H có cùng mong muốn hay cùng thực hiện hành vi cướp giật.

Theo nội dung vụ án thì khi H trả lời T như vậy nhưng T vẫn áp sát chị N đang điều khiển chiếc xe SH đi cùng chiều và tiến hành giật túi xách của chị N. Mặc dù, sau đó T chiếc túi cho H giữ. Ở hành vi nhanh chóng tiếp cận chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát của T đã thỏa mãn cấu thành của tội cướp giật tài sản. Tội phạm hoàn thành khi T giật được túi xách của chị N, việc T đưa cho H cầm hộ trong tình huống này chưa có cơ sở khẳng định H đã tiếp nhận ý chí và mục đích cướp giật của T. Do vậy, trong vụ án này H không đồng phạm với T ở tội cướp giật tài sản. Có chăng hành vi của H trong việc cầm giữ hộ cho T trong quá trình di chuyển từ lúc T giật được túi xách của chị N tới bãi đất trống và kiểm tra túi xách. Hành vi này của H có thể phạm vào một tội độc lập với T đó có thể là tội: “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Chính vì vậy, việc Tòa án nhân dân huyên TH cho rằng T và H là đồng phạm trong vụ”Cướp giật tài sản” là chưa có cơ sở.

Trên đây là quan điểm của tôi về việc xác định đồng phạm đối với bài viết “H có đồng phạm trong vụ án cướp giật tài sản không?” xin được trao đổi với tác giả và bạn đọc./.

Tòa án huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án cướp giật tài sản – Ảnh:toaandaklak

ĐỖ NGỌC BÌNH ( TAQS Thủ đô Hà Nội)