H không phải là đồng phạm với T trong tội cướp giật tài sản

Về bài viết “H có phải đồng phạm trong vụ án cướp giật hay không?” của tác giả Văn Linh đăng trên Tạp chí Tòa án điện tử ngày 19/02/2020, tôi đồng ý với quan điểm của tác giả.

TAND huyện TH đã kết luận T và H là đồng phạm trong vụ “Cướp giật tài sản”. Tác giả Văn Linh cho rằng H không phải đồng phạm trong vụ “Cướp giật tài sản” với lý do là H không hề có hành vi nào nhằm giúp cho T thực hiện hành vi cướp giật. Mọi hành động từ khi bắt đầu nảy sinh ý định, cho đến khi T cướp được chiếc túi xách của chị N đều cho một mình T thực hiện. Việc H giữ chiếc túi xách của chị N phù hợp với dấu hiệu của tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 BLHS do H có hành vi chứa chấp chiếc túi xách do T phạm tội mà có.

Tác giả Nguyễn Thị Cẩm Tú cho rằng H là đồng phạm trong tội cướp giật tài sản với T với vai trò là người giúp sức (Tạp chí toà án điện tử ngày 20/02/2020) với lý do H đã giữ túi xách mà T cướp giật được, cả 2 nhanh chóng tẩu thoát và kiểm tra túi xách của chị N tại bãi đất trống, hành vi đó của H đã chứng tỏ mục đích của H đã thay đổi từ không cướp giật sang giúp sức cho T.

Cá nhân tôi cho rằng, TAND huyện TH kết luận T và H là đồng phạm trong vụ “Cướp giật tài sản” và quan điểm của tác giả Nguyễn Thị Cẩm Tú là chưa đủ căn cứ.

Điều 17 BLHS quy định về đồng phạm như sau: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm… người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức”. “Cố ý cùng thực hiện một tội phạm” được quy định trong nội dung điều luật thể hiện người đồng phạm phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, họ có thể tham gia từ đầu nhưng cũng có thể tham gia khi tội phạm đã xảy ra nhưng chưa kết thúc. Khi thực hiện hành vi phạm tội, mỗi người đồng phạm đều thống nhất với nhau về ý chí và mục đích, họ không chỉ cố ý thực hiện hành vi mà còn biết và mong muốn sự cố ý tham gia của những người đồng phạm khác. Tức là muốn xác định một người có phải là đồng phạm hay không thì phải xem anh ta có tham gia thực hiện các hành vi như tổ chức, thực hành, xúi giục, giúp sức khi tội phạm chưa kết thúc hay không, có cố ý và thống nhất về ý chí và mục đích với nhau hay không.

Điều 171 BLHS quy định về tội cướp giật tài sản như sau: “Người nào cướp giật tài sản của người khác thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Từ “cướp giật tài sản” được quy định trong nội dung điều luật đã thể hiện được hậu quả của hành vi là thiệt hại về tài sản của chủ sở hữu, như vậy đây là tội có cấu thành vật chất tức là tội phạm hoàn thành khi có hậu quả xảy ra nói cách khác đó là khi tội phạm đã giật được tài sản. Trong trường hợp này, hành vi của T là điều khiển xe lại gần và giật chiếc túi xách của chị N, khi T giật được chiếc túi xách của chị N thì tội phạm đã hoàn thành.

Như vậy, theo như đã lập luận ở trên, thời điểm T đưa chiếc túi xách cho H giữ thì tội phạm đã hoàn thành trước đó, T đã một mình thực hiện hành vi cướp giật chiếc túi xách của chị N một cách độc lập mà không có sự giúp sức của H. Khi T thực hiện xong hành vi giật túi thì thiệt hại đã xảy ra, tức là dù H có giữ túi xách hay không thì hậu quả cũng xảy ra, tội phạm cũng đã hoàn thành. Ngay từ đầu, khi T nảy sinh ý định cướp giật tài sản thì T và H không cùng chung ý chí và mục đích là cướp giật tài sản, điều đó thể hiện qua lời nói của H không đồng ý với ý định của T. H không tiếp nhận ý chí của T, không tạo điều kiện thuận lợi để T giật túi cho nhanh, cho trôi chảy, chỉ khi tội phạm hoàn thành, T đưa túi thì H giữ. Vì thế, không đủ căn cứ cho rằng H là đồng phạm với T trong tội cướp giật tài sản.

Xét về khía cạnh tâm lý tội phạm, khi T đưa túi cho H giữ thì H đã rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” không biết phải xử lý như thế nào vì H là bạn T và H đang thực hiện hành vi phạm tội trong khi bản thân không muốn mình và bạn thực hiện hành vi phạm tội, (như trong lời khai rằng mình do tâm lý căng thẳng nên khi H đưa túi không biết giải quyết thế nào), lúc đầu khi T nảy sinh ý định cướp giật thì câu nói của H đã mang tính can ngăn và từ chối thực hiện hành vi cướp giật. Như vậy, có thể khẳng định rằng H không phải là đồng phạm với T trong tội cướp giật tài sản, tuy nhiên hành vi kiểm tra túi xách ở bãi đất trống – tài sản từ hành vi cướp giật của T mà có của H đã có dấu hiệu của tội phạm khác.

Trên đây là ý kiến của tác giả, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các vị độc giả./.

Một vụ cướp giật trên đường phố – Ảnh: ANTD

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Tòa án Quân sự Quân khu 4)