Ngân hàng có được nhận thế chấp đối với tài sản có bảo lưu quyền sở hữu không?

Trong bài viết này chúng tôi trao đổi trên cơ sở bài viết “Biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”” của tác giả Đặng Thanh Hoa và Nguyễn Ngọc Quỳnh đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân online ngày 25/8/2020 và mở rộng vấn đề liên quan đến việc Ngân hàng nhận thế chấp tài sản có bảo lưu quyền sở hữu là không hợp pháp.

Trước hết chúng tôi đồng tình với quan điểm của nhóm tác giả là có cơ sở để Tòa án có thể áp dụng BPKCTT “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”. Bởi vì việc áp dụng BPKCTT cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định trong trường hợp này hoàn toàn thỏa mãn các quy định pháp luật và việc áp dụng BPKCTT nêu trên giúp kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản khi quyền sở hữu đối với tài sản của họ đang bị đe dọa.

Ngoài ra, từ tình huống nhóm tác giả nêu, chúng tôi có một số ý kiến trao đổi về vấn đề Ngân hàng có được nhận thế chấp đối với tài sản bảo lưu quyền sở hữu hay không?

Tình huống thực tiễn

Trong một vụ kiện tranh chấp hợp đồng mua bán, nguyên đơn là bên bán hàng có bảo lưu quyền sở hữu với các máy móc, thiết bị cho đến khi bị đơn là bên mua hàng thanh toán đủ.

Theo quy định của hợp đồng, trong trường hợp bên mua hàng không thanh toán đủ tiền hàng, quyền sở hữu đối với hàng hóa vẫn thuộc về bên bán. Trong quá trình đòi nợ tiền hàng của hợp đồng nói trên, nguyên đơn phát hiện bị đơn đã thế chấp các máy móc, thiết bị được cung cấp theo hợp đồng nói trên cho Ngân hàng để bảo đảm cho nợ vay tín dụng...

Quan điểm thứ nhất: Ngân hàng có quyền nhận thế chấp đối với tài sản bảo lưu quyền sở hữu

Quan điểm này dựa trên những luận điểm sau đây:

Một là, căn cứ vào khoản 1 Điều 295 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: “Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu”. Như vậy, theo quy định này của  BLDS  năm 2015, tài sản bảo đảm có thể là tài sản bảo lưu quyền sở hữu.

Hai là, căn cứ vào khoản 2 Điều 13 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm và Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đăng ký biện pháp bảo đảm: “Trong trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản mua trả chậm, trả dần, tài sản thuê có thời hạn từ một năm trở lên của doanh nghiệp, cá nhân có đăng ký kinh doanh gồm máy móc, thiết bị hoặc động sản khác không thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu và hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê được đăng ký tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có thẩm quyền trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê thì bên bán có bảo lưu quyền sở hữu, bên cho thuê có thứ tự ưu tiên thanh toán cao nhất khi xử lý tài sản bảo đảm; nếu không đăng ký hoặc đăng ký sau thời hạn trên và sau thời điểm giao dịch bảo đảm đã đăng ký thì bên nhận bảo đảm được coi là bên nhận bảo đảm ngay tình và có thứ tự ưu tiên thanh toán cao nhất khi xử lý tài sản bảo đảm”.

Thông qua quy định này cho thấy, pháp luật cho phép Ngân hàng được nhận thế chấp đối với tài sản có bảo lưu quyền sở hữu. Và cho dù tài sản được thế chấp là tài sản bảo lưu quyền sở hữu nhưng nếu không đăng ký bảo lưu quyền sở hữu thì khi thế chấp các tài sản này tại Ngân hàng và Ngân hàng đã thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm thì theo quy định tại khoản 2 Điều 163 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 102/2017/NĐ-CP, Ngân hàng là bên nhận bảo đảm ngay tình và có thứ tự ưu tiên thanh toán cao nhất khi xử lý tài sản bảo đảm.

Quan điểm thứ hai: Ngân hàng không có quyền nhận thế chấp đối với tài sản bảo lưu quyền sở hữu

Quan điểm này dựa trên những luận điểm sau đây:

Một là, căn cứ vào Điều 317 BLDS năm 2015: “Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp)”. Như vậy, chỉ khi tài sản thế chấp thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp mới được đem thế chấp.

Hai là, quy định tại khoản 1 Điều 295 BLDS năm 2015 là quy định chung đối với các biện pháp bảo đảm trong dân sự. Tuy nhiên, theo nguyên tắc áp dụng pháp luật, nếu pháp luật chuyên ngành quy định phải ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành, nếu pháp luật chuyên ngành không có quy định thì mới áp dụng các quy định chung. Đối với biện pháp bảo đảm thế chấp đã được quy định rõ ràng tại Điều 317 BLDS  năm 2015: tài sản thế chấp phải thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp. Do đó, không thể áp dụng khoản 1 Điều 295 trong trường hợp này.

Ba là, khoản 2 Điều 13 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP không áp dụng đối với hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần có quy định về bảo lưu quyền sở hữu mà quy định này áp dụng và nhằm mục đích xác nhận bên bán có bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp các bên không quy định trong hợp đồng nếu đăng ký hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần. Cụ thể, điều khoản này chỉ áp dụng trong trường hợp hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần được đăng ký thì bên bán có bảo lưu quyền sở hữu và nếu không đăng ký thì bên nhận bảo đảm có đăng ký giao dịch bảo đảm được coi là bên nhận bảo đảm ngay tình. Điều khoản này không quy định về hậu quả pháp lý của việc không đăng ký hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần trong đó có quy định về bảo lưu quyền sở hữu nói chung và của việc không đăng ký bảo lưu quyền sở hữu nói riêng. Nội dung điều khoản nêu rõ: trong trường hợp hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần có đăng ký thì bên bán có bảo lưu quyền sở hữu. Như vậy, nếu hợp đồng mua bán có quy định về bảo lưu quyền sở hữu thì quyền bảo lưu đó đương nhiên được thừa nhận mà không cần phải đăng ký giao dịch bảo đảm. Điều đó có nghĩa, chỉ khi hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần không có quy định về bảo lưu quyền sở hữu thì mới cần đăng ký để được xác định bên bán có bảo lưu quyền sở hữu.

Quan điểm của người viết: Đồng ý với quan điểm thứ hai. Ngoài ra, chúng tôi muốn trao đổi thêm về trách nhiệm của Ngân hàng khi nhận thế chấp tài sản bảo lưu quyền sở hữu, hay nói cách khác, Ngân hàng không phải là bên “ngay tình” khi nhận thế chấp đối với tài sản có bảo lưu quyền sở hữu nếu đó là tài sản có bảo lưu quyền sở hữu và cần xem hợp đồng thế chấp trong trường hợp này là vô hiệu.

Một là, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, “bên nhận bảo đảm ngay tình là bên nhận bảo đảm trong trường hợp không biết và không thể biết về việc bên bảo đảm không có quyền dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Trong tình huống mà nhóm tác giả Đặng Thanh Hoa và Nguyễn Ngọc Quỳnh nêu, điều khoản bảo lưu quyền sở hữu được quy định rõ trong các hợp đồng mua bán, do đó, không thể nói Ngân hàng không thể biết về các điều khoản bảo lưu quyền sở hữu, để từ đó cho rằng Ngân hàng là bên nhận thế chấp ngay tình trong trường hợp này.

Hai là, quy định tại khoản 1 Điều 295 và Điều 317 BLDS  năm 2015 cần phải hiểu là chỉ đối với biện pháp bảo đảm “cầm giữ tài sản” và “bảo lưu quyền sở hữu” thì tài sản bảo đảm không phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, còn đối với biện pháp bảo đảm là “thế chấp tài sản” cũng như các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ khác thì tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm.

Ba là, với tư cách là bên nhận thế chấp, Ngân hàng phải có trách nhiệm phải kiểm tra tài sản thế chấp (hàng hóa mua bán theo hợp đồng) có thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp. Cụ thể, khoản 2 Điều 22 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng quy định thì: “Quy định nội bộ về cho vay của tổ chức tín dụng được thực hiện trong toàn hệ thống và phải có tối thiểu các nội dung cụ thể sau: […] d) Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay, thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay, việc quản lý, giám sát, theo dõi tài sản bảo đảm tiền vay phù hợp với biện pháp bảo đảm tiền vay, đặc điểm của tài sản bảo đảm tiền vay và khách hàng; […]”.

Từ những lập luận nêu trên, chúng tôi cho rằng, đối với tình huống đang bình luận, Ngân hàng hoàn toàn không phải là bên nhận thế chấp ngay tình mà Ngân hàng buộc phải biết tài sản thế chấp có bảo lưu quyền sở hữu thông qua việc kiểm tra và xem xét hợp đồng mua bán. Do đó, hợp đồng thế chấp đối với tài sản có bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp này cần phải xem xét và tuyên vô hiệu vì đã vi phạm điều cấm của luật.

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp, trao đổi của quý độc giả./.

Chợ Trường Xuân, Đồng Tháp – Ảnh minh họa của Thái Vũ

TS. NGUYỄN NGỌC ANH ĐÀO (GV Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM) & ThS. NGUYỄN ĐỨC TĨNH (Thẩm phán TAND Quận 1, TP.HCM)