Thẩm quyền của Tòa án trong xét xử theo kiến nghị của bản án

  Thẩm quyền xét xử vụ án hình sự của Tòa án quân sự là chế định quan trọng. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, thì thực tiễn xét xử vẫn gặp phải những vướng mắc, bất cập về thẩm quyền trong đó có bất cập về thẩm quyền của Tòa án quân sự trong việc xét xử theo kiến nghị của bản án.

Tòa án quân sự cấp Quân khu xét xử vụ án hình sự với 4 bị cáo (trong đó có 1 bị cáo là quân nhân trong quân đội) thì trong quá trình xét xử phát hiện ra 3 trường hợp khác có dấu hiệu tội phạm. Vì thế trong bản án có kiến nghị khởi tố đối với 3 trường hợp kể trên.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 144 BLTTHS năm 2015 thì "Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm". Như vậy, bất kỳ cơ quan nhà nước nào, qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm đều có quyền kiến nghị khởi tố. Và Tòa án quân sự cấp Quân khu kiến nghị khởi tố đối với 3 trường hợp trên là có cơ sở.

Đối với 3 trường hợp bị kiến nghị khởi tố theo bản án của Tòa án quân sự lại không có bị cáo nào là quân nhân, và hành vi của các bị cáo này cũng không xâm phạm đến tài sản hay danh dự uy tín của quân đội. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận kiến nghị khởi tố thì Viện kiểm sát cho rằng, thẩm quyền xét xử vụ án hình sự đối với 3 bị can này thuộc Tòa án quân sự cấp quân khu với lý do: Vụ án hình sự có 4 bị cáo thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự vì có quân nhân là bị cáo trong vụ án. Trong vụ án đối với 3 bị can này có nhiều tình tiết liên quan đến vụ án trước, vì vậy, vụ án này có thể có các tình tiết liên quan đến Quân đội nên vụ án này phải thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự.

Tuy nhiên, quan điểm trái chiều cho rằng, vụ án này không thuộc thẩm quyền của Quân đội. Bởi mặc dù là vụ án hình sự được khởi tố theo kiến nghị của bản án một vụ án nhưng đây lại là một vụ án được khởi tố và xét xử độc lập. Vì vậy, việc xác định thẩm quyền phải được xác định theo đúng pháp luật hiện hành là tòa án nhân dân vì không liên quan đến quân đội.

Quan điểm tác giả cho rằng, vụ án này không thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự vì theo Điều 272 BLTTHS 2015 thì thẩm quyền của Tòa án quân sự là xét xử các vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân; hoặc xét xử vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.

Trong tình huống này, mặc dù là khởi tố theo kiến nghị của bản án trong vụ án có liên quan đến quân nhân trong Quân đội nhưng vụ án khởi tố 3 bị can này không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 272 BLTTHS nêu trên, nên cần xác định thẩm quyền như theo một vụ án độc lập.

Trên đây là một số ý kiến của tác giả mong độc giả đóng góp thêm.

 

Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Đinh Quý

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Tòa án quân sự Quân khu 4)