Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự - Vướng mắc, bất cập và kiến nghị

Về thẩm quyền xét xử của TAQS, mặc dù thuận lợi là cơ bản, tuy nhiên tác giả nhận thấy còn có một số vướng mắc, bất cập, cần được hướng dẫn tháo gỡ, khắc phục.

Hiện nay, thẩm quyền xét xử của TAQS được quy định tại Điều 272 BLTTHS năm 2015 và Thông tư số 03/2023/TT-TANDTC ngày 28/12/2023 của TANDTC hướng dẫn thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, cơ bản đã khắc phục được những điểm bất cập, hạn chế của Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 và phù hợp với các nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013.

1.  Một số vướng mắc, bất cập

Một là, Điều 272 BLTTHS năm 2015 và Điều 3 Thông tư số 03/2023/TT-TANDTC chỉ quy định đối tượng dân quân, tự vệ (DQTV) là người phạm tội thì thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS nhưng không có quy định nào cho đối tượng này là người bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong thời gian họ được gọi tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu... (thời gian do Quân đội quản lý). Bởi, ngoài đối tượng do Quân đội quản lý thường xuyên như quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng,… thì hàng năm, các cơ quan quân sự ở địa phương đều có chương trình huấn luyện tập trung bắt buộc cho quân nhân dự bị và DQTV. Hơn nữa, hiện nay toàn quân đã và đang thành lập các đơn vị DQTV thường trực như Hải đội dân quân, các trung đội, tiểu đội dân quân thường trực tại các Ban Chỉ huy quân sự (BCHQS) cấp xã, huyện…; về bản chất công tác quản lý quân số, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội tác động đến hai đối tượng này cơ bản tương đồng nhưng quy định của pháp luật chỉ dừng lại ở đối tượng là quân nhân dự bị.

Hai là, về xác định thời điểm bắt đầu thời gian phục vụ trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của TAQS còn có khó khăn nhất định.

Tại điểm a khoản 4 Điều 3 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC quy định: Đối với tuyển quân hàng năm đi nghĩa vụ quân sự là thời điểm giao nhận quân, quy định này vẫn chưa rõ ràng. Bởi, công tác giao, nhận quân giữa địa phương giao nguồn với đơn vị nhận nguồn diễn ra trong một khoản thời gian nhất định, qua nhiều khâu, quy trình khác nhau như: các cơ quan quân sự ở địa phương triệu tập công dân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự (cấp phát những quân trang cơ bản); tổ chức Lễ giao, nhận quân; phối hợp với đơn vị nhận nguồn đưa công dân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đến đơn vị mới (có cả cán bộ của cơ quan quân sự địa phương và đơn vị nhận nguồn quản lý); đơn vị nhận nguồn tiến hành phúc tra sức khỏe, biên chế chiến sỹ mới đủ tiêu chuẩn về các đơn vị huấn luyện; đổi trả cho địa phương những công dân không đủ tiêu chuẩn… lúc này mới kết thúc quy trình giao, nhận quân. Vậy, thời điểm giao nhận quân được xác định là thời điểm nào trong chuỗi quy trình trên? Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định loại tội phạm, thẩm quyền xét xử thuộc Tòa án nào khi có hành vi vi phạm xảy ra.

Ví dụ: Công dân A đủ điều kiện trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, có lệnh gọi công dân nhập ngũ của địa phương. Giả sử, A có hành vi bỏ trốn; nếu A bỏ trốn từ thời điểm tổ chức Lễ giao nhận quân trở về trước thì hành vi của A phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự quy định tại Điều 332 BLHS năm 2015 và thuộc thẩm quyền xét xử của TAND; nếu A bỏ trốn sau khi đã được biên chế về đơn vị chiến sỹ mới thì hành vi của A phạm tội đào ngũ quy định tại Điều 402 BLHS năm 2015 và thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS. Tuy nhiên, nếu A bỏ trốn trong giai đoạn cơ quan quân sự ở địa phương và cán bộ đơn vị nhận nguồn đưa A lên xe ô tô về đơn vị mới và giai đoạn phúc tra sức khỏe, thì vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều. Quan điểm của địa phương: đã bàn giao A cho đơn vị nhận nguồn nên A phạm tội đào ngũ; còn quan điểm của đơn vị nhận nguồn: chưa thực hiện xong quy trình tiếp nhận, bởi còn phải phúc tra sức khỏe và đổi trả cho địa phương những công dân không đủ điều kiện, lúc này mới kết thúc quá trình nhận quân, nên A phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Từ ví dụ trên, chúng ta cũng có thể thấy, từ thời điểm tổ chức Lễ giao nhận quân trở đi, các công dân được triệu tập theo lệnh gọi nhập ngũ cũng đã phải chịu sự quản lý của cơ quan quân sự địa phương (đơn vị thuộc Quân đội); tuy nhiên, khi có cùng một hành vi vi phạm nhưng ở các thời điểm khác nhau thì phạm tội khác nhau và thẩm quyền xét xử cũng khác nhau.

Ba là, bất cập về xác định thời điểm kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của TAQS.

Thứ nhất, điểm a khoản 5 Điều 3 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC quy định: Đối với trường hợp…, xuất ngũ,… là ngày quyết định có hiệu lực thi hành, dẫn đến sự không thống nhất với quy định tại điểm a khoản 4 Điều luật này, nghĩa là việc xác định thời điểm bắt đầu thời gian phục vụ trong Quân đội là thời điểm giao, nhận quân nhưng thời điểm kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội lại là khi quyết định xuất ngũ có hiệu lực thi hành. Trong khi đó, quy trình xuất ngũ của quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ cũng trải qua nhiều khâu khác nhau, trong một khoảng thời gian nhất định như: tổ chức Lễ tiễn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ; cơ quan, đơn vị bàn giao con người, hồ sơ cho cơ quan quân sự cấp huyện và chính quyền địa phương (giai đoạn này, quân nhân vẫn thuộc quyền quản lý của Quân đội)… nếu quân nhân phạm tội trong giai đoạn này thì cơ quan nào có thẩm quyền xét xử?

Ví dụ: Nguyễn Văn A là chiến sỹ của đơn vị C đóng quân tại thành phố Đà Nẵng. Quyết định xuất ngũ của A ghi ngày có hiệu lực thi hành là ngày 28/01/2024; cũng trong ngày đó, đơn vị tổ chức Lễ tiễn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ và cử cán bộ đưa A về bàn giao cho BCHQS huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Đến 01 giờ 30 phút ngày 29/01/2024, khi đến địa bàn tỉnh Bình Định, lợi dụng lúc xe chở quân xuất ngũ dừng nghỉ, A đã có hành vi trộm cắp tài sản của dân. Như vậy, hành vi phạm tội của A thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS hay TAND?

Thứ hai, khoản 1 Điều 2 Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27/12/2023 của Bộ Quốc phòng quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam quy định: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (sau đây, gọi chung là quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (sau đây gọi chung là công chức, công nhân và viên chức quốc phòng); các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Có nghĩa là thuật ngữ quân nhândùng để chỉ cho đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, còn các đối tượng khác không gọi là quân nhân. Đồng thời, hình thức kỷ luật tước danh hiệu quân nhân được áp dụng cho đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 11 Thông tư số 143/2023/TT-BQP và hình thức kỷ luật buộc thôi việc được áp dụng cho đối tượng là công chức, công nhân, viên chức quốc phòng theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Thông tư này. Trong khi đó, điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư số 03/2023/TT-TANDTC quy định: Đối với trường hợp tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc là thời điểm bàn giao quân nhân cho cơ quan quân sự cấp huyện hoặc ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú. Như vậy, việc chỉ sử dụng cụm từ quân nhân như trên là chưa đầy đủ.

Thứ ba, đối với trường hợp bị xử lý với hình thức tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc thì thời điểm kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội là thời điểm bàn giao quân nhân cho cơ quan quân sự cấp huyện … nơi họ cư trú (điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư số 03/2023/TT-TANDTC); xét về kết quả cuối cùng cũng giống như trường hợp được quy định tại điểm a khoản 5 Điều 3 Thông tư số 03/2023/TT-TANDTC là ngày quyết định có hiệu lực thi hành, nhưng hai trường hợp này lại có thời điểm kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội khác nhau. Đồng thời, thời điểm bàn giao quân nhân bị tước danh hiệu quân nhân cho cơ quan quân sự cấp huyện thì vẫn là thời gian do đơn vị Quân đội quản lý.

Thứ tư, các đối tượng, hành vi quy định tại điểm d, đ, e, g khoản 5 Điều 3 Thông tư số 03/2023/TT-TANDTC cơ bản đều thuộc các đối tượng quy định tại Điều 392 BLHS năm 2015 và cấu thành hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội đào ngũ quy định tại Điều 402 BLHS năm 2015, nhưng lại quy định thời điểm kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội khác nhau.

Thứ năm, điểm i khoản 5 Điều 3 Thông tư số 03/2023/TT-TANDTC chỉ mới dừng lại ở quy định thời điểm kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội đối với lao động hợp đồng là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động theo thỏa thuận chứ chưa có quy định cho trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Đề xuất, kiến nghị

Trên cơ sở những vướng mắc, bất cập trong quá trình nghiên cứu, áp dụng pháp luật, tác giả đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, cần thiết đề xuất sửa đổi, bổ sung lực lượng DQTV đang trong thời gian tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu… do đơn vị Quân đội quản lý trực tiếp là đối tượng bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra vào quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 BLTTHS năm 2015, để xác định thẩm quyền xét xử thuộc TAQS. Quy định như vậy sẽ thống nhất với các đối tượng khác được quy định trong Luật.

Hai là, thời gian tới, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể hơn các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 3 Thông tư số 03/2023/TT-TANDTC theo hướng thời điểm bắt đầu thời gian phục vụ trong Quân đội là thời điểm Quyết định nhập ngũ có hiệu lực thi hành; các trường hợp quy định tại điểm a, c khoản 5 Điều 3 Thông tư số 03/2023/TT-TANDTC theo hướng thời điểm kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội là thời điểm Quyết định có hiệu lực thi hành. Bởi, các quyết định này là cơ sở pháp lý vững chắc nhất cho việc xác định thời gian phục vụ trong Quân đội. Đồng thời, quy định thống nhất thời điểm kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội trong các trường hợp quy định tại điểm d, đ, e, g, bởi có cùng tính chất về hành vi.

Ba là, bổ sung đối tượng là công chức, công nhân, viên chức quốc phòng vào quy định tại điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư số 03/2023/TT-TANDTC, để bảo đảm điều luật quy định đầy đủ, chặt chẽ hơn. Đồng thời, bỏ cụm từ “theo thỏa thuận” trong quy định tại điểm i khoản 5 Điều 3 Thông tư số 03/2023/TT-TANDTC, sẽ phù hợp hơn với các trường hợp chấm dứt hợp đồng trên thực tiễn, cụ thể:

Điều 3. Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo đối tượng

5… c) Đối với trường hợp tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc là thời điểm bàn giao quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng cho cơ quan quân sự cấp huyện hoặc ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú;

i) Đối với lao động hợp đồng là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc ghi trong biên bản thanh lý hợp đồng lao động….

Trên đây là những ý kiến, quan điểm của tác giả trong quá trình nghiên cứu, áp dụng pháp luật tại Tòa án. Rất mong nhận được những chia sẽ, đóng góp từ quý đồng nghiệp.

VÕ MINH TUẤN (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)

Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội xét xử sơ thẩm các bị cáo trong vụ án Việt Á - Ảnh: TL