Vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự

Trao đổi về tình huống mà tác giả Nguyễn Thành Giang đưa ra trong bài viết “Tòa án nào có thẩm quyền xét xử vụ án?” đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 15/3/2020, tác giả cho rằng vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự.

Trước tiên chúng ta cần thấy rằng hậu quả của vụ án là anh M (dân) tử vong và anh Q (quân nhân) bị thương tích 31%; phải xem đây là hậu quả chung của vụ án; căn cứ để truy tố bị can phải dựa vào hậu quả chung đó và việc xác định tư cách tố tụng trong vụ án phải xác định cả anh Q với tư cách là bị hại (bên cạnh Đại diện hợp pháp của bị hại M).

Tuy nhiên trong vụ án này, hậu quả chung có anh M bị thiệt hại tính mạng, do đó đã đủ căn cứ để kết luận hành vi của bị can đã vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015. Đặt trường hợp anh M không bị chết mà chỉ bị thương tích 30% thì rõ ràng hậu quả chung của vụ án là làm bị thương 02 người với tổng thương tích là 61%, sẽ vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 260 BLHS 2015. Trong trường hợp này, sự thiệt hại tính mạng của anh M là hậu quả cao nhất làm hậu quả chung thì vẫn phải tính anh Q là bị hại. Bởi thực tế anh Q vẫn bị thương tích do hành vi trái pháp luật của bị can gây ra, hậu quả thương tích của anh Q có mối quan hệ nhân quả với hành vi của bị can.

Vì vậy xét về mặt lý và tình, anh Q phải được bị can bồi thường thiệt hại. Việc xác định anh Q là bị hại trong vụ án sẽ giải quyết được vấn đề bồi thường thiệt hại này. Hành vi của bị can gây ra hậu quả một người thương tích, một người chết nhưng hai người này là một chủ thể, hai người đi trên cùng một chiếc xe mô tô, đều bị hành vi trái pháp luật của bị can xâm phạm, do đó hậu quả là hậu quả chung, không thể tách rời, càng không thể tách vụ án ra được.

Thẩm quyền của Tòa án quân sự quy định rõ tại Điều 272 BLTTHS 2015, cụ thể như sau:

Điều 272. Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự 

Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử: 

a) Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân; 

b) Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ. 

Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.

Vì bị hại Q là Quân nhân tại ngũ nên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 nêu trên thì vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự.

Điều 273 BLTTHS 2015 quy định việc tách vụ án nhưng chỉ là trong trường hợp “Bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự”. Trường hợp vụ án này không thể xem là “Bị cáo phạm nhiều tội” được bởi như đã phân tích trên, hậu quả xảy ra là hậu quả chung của một vụ án với một bị can và một tội danh là “Vi phạm quy dịnh về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS 2015. Hậu quả chết người là hậu quả cao nhất lấy làm cơ sở để truy tố bị can nhưng anh Q vẫn là bị hại, và điều này sẽ có ý nghĩa khi lượng hình và tuyên phần dân sự khi giải quyết vụ án.

 

 

Một phiên xét xử của Tòa án quân sự Quân khu 7 – Ảnh: Trịnh Anh Tuấn – TTo

Th.s NGUYỄN ANH CHUNG ( Tòa án quân sự Quân khu 5)