Tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” cần có hướng dẫn để áp dụng thống nhất

Hướng dẫn của Nghị quyết về "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" được hiểu là người phạm tội cố ý 05 lần thực hiện tội phạm trở lên và người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Trong thực tế, chứng minh được bị cáo 05 lần phạm tội là không khó nhưng chứng minh bị cáo lấy các lần phạm tội đó làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính là rất khó.

Về tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 và một số điều luật trong Phần các tội phạm của BLHS năm 1999 đã được hướng dẫn cụ thể tại tiểu mục 5 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC (viết tắt là Nghị quyết số 01/2006) như sau:

“5. Về tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 và một số điều luật trong Phần các tội phạm của BLHS

5.1. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a. Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;

b. Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Ví dụ: A là một người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu thập từ việc phạm tội. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện năm vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

5.2. Khi áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, cần phân biệt:

a. Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

Ví dụ: B đã bị kết án về tội “trộm cắp tài sản”, nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian, B lại liên tiếp thực hiện bốn vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

b. Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS. Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS.”

Theo hướng dẫn của nghị quyết trên thì “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” được hiểu là người phạm tội cố ý 05 lần thực hiện tội phạm trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Việc hướng dẫn như trên để xử lý người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là rất khó khăn vì chứng minh được bị cáo 05 lần phạm tội là không khó nhưng chứng minh bị cáo lấy các lần phạm tội đó làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính là rất khó.

Theo BLHS năm 2015 thì tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 và một số điều luật trong Phần các tội phạm. Sau khi BLHS năm 2015 có hiệu lực cho đến nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn thay thế Nghị quyết số 01/2006 trong đó có quy định thế nào là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.

Tuy nhiên tại điểm 3 Điều 5 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (Nghị quyết 03/2019) hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS 2015 về tội rửa tiền thì tình tiết “Có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 324 BLHS 2015 được hướng dẫn như sau:
“3. Có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi rửa tiền từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc rửa tiền làm nguồn thu nhập.”

So sánh với hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2006 với Nghị quyết số 03/2019, ta thấy điểm giống nhau là người phạm tội phải cùng thực hiện một tội phạm 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích); điểm khác nhau là Nghị quyết số 01/2006 thì người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính còn theo Nghị quyết số 03/2019 thì chỉ cần người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập.
Nghị quyết số 01/2006 đã hết hiệu lực thi hành (theo khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản), tuy nhiên việc hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2019 thì chỉ hướng dẫn về tội “rửa tiền” quy định tại Điều 324 BLHS 2015; cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn về tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 và một số điều luật trong Phần các tội phạm.

Do đó rất mong liên ngành tư pháp trung ương sớm có hướng dẫn về tình tiết này để các cơ quan pháp luật áp dụng thống nhất.

PHẠM THÀNH TRUNG ( TAND huyện Lý Nhân, Hà Nam)