Thủ tướng: Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp; bố trí đủ kinh phí, chi trả cho người nghỉ việc
Kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp vào sáng 9/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo khẩn trương bố trí đủ kinh phí, hướng dẫn tạm ứng kinh phí để chi trả "càng sớm càng tốt" cho người xin nghỉ theo chế độ và dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng 9/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.
Thủ tướng đánh giá cao ý kiến của các đại biểu; thống nhất hoàn thiện các tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Giảm 6.714 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp
Theo Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Chính phủ, với tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngay sau khi kết thúc Hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Tất cả các địa phương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân với tỉ lệ đồng thuận đạt trung bình gần 96%; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong cả nước đã ban hành Nghị quyết thông qua các Đề án với tỉ lệ đồng thuận đa số đạt 100%.
Đến ngày 8/5/2025, đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ, đề án để tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính của 63 tỉnh, thành phố (thuộc 34 tỉnh, thành phố mới) và hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo đó, sau sắp xếp, dự kiến cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, giảm tương ứng 29 đơn vị hành chính cấp tỉnh và 6.714 đơn vị hành chính cấp xã.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự kiến sau sắp xếp giảm 18.449 công chức viên chức cấp tỉnh; 110.000 công chức, viên chức cấp xã
Dự kiến sau sắp xếp, số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh khoảng 91.784 người, giảm 18.449 người; biên chế cán bộ, công chức cấp xã bố trí khoảng hơn 199.000 người, giảm khoảng 110.000 người; kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước là hơn 120.000 người.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cũng dự kiến kinh phí tiết kiệm chi tiền lương và định mức chi hành chính trong giai đoạn từ 2026-2030 của cả nước nhờ sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; dự kiến chi trả chế độ, chính sách cho đối tượng nghỉ; kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỉ lệ lương hưu.
Các đại biểu cho rằng, việc sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là vấn đề lớn, khó, liên quan nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực, thời gian gấp, cùng với việc hoàn thiện đề án trình Quốc hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện Đề án tại địa phương.
Trong đó, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trụ sở, tài chính, tài sản công, phương án sắp xếp, bố trí nhân sự... để triển khai ngay khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.
Đồng thời chủ động xây dựng phương án kiện toàn các cơ quan, tổ chức của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương sau sắp xếp.
Theo chinhphu.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào và Chủ tịch nước Lương Cường dự lễ khánh thành Bến số 3, Cảng quốc tế Lào – Việt
-
Người khởi kiện có bắt buộc xác nhận địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện hay không?
-
Thanh Hóa: Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày được nâng cao
-
Nhất trí cùng nhau nỗ lực đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững
-
Kiên Giang: Đưa Tết đến cùng cán bộ, chiến sĩ vùng biển đảo Tây Nam
Bình luận