Việc bà T khởi kiện, yêu cầu Tòa án hủy Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông H và cụ C là không có căn cứ

Sau khi nghiên cứu bài“Nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng” của tác giả Chu Thanh Tùng đăng trên Tạp chí Tòa án ngày 15/2/ 2023, tôi cho rằng việc bà T khởi kiện, yêu cầu Tòa án hủy Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông H và cụ C vì bà T cho rằng toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất là tài sản chung của bà và ông H trong thời kỳ hôn nhân là không có căn cứ.

Thứ nhất, mảnh đất diện tích đất 267,55m2 tại thửa đất số 65, tọa lạc tại phường A là tài sản riêng của ông H.

Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản riêng của vợ chồng bao gồm:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Ông H và bà T có đăng ký kết hôn đến ngày 26/4/2008, cụ B cụ C lập Hợp đồng tặng cho con là ông H quyền sử dụng diện tích đất 267,55m2 tại thửa đất số 65, tọa lạc tại phường A. Ngày 25/9/2008, ông H được Uỷ ban nhân dân huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, phần đất này được nhận chuyển nhượng trong thời kỳ hôn nhân của ông H và bà T, mà theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình thì: “…Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”

Theo đó, có căn cứ xác định mảnh đất diện tích đất 267,55m2 tại thửa đất số 65, tọa lạc tại phường A là tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân của ông H. Đây là tài sản riêng được xác lập quyền sở hữu riêng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Uỷ ban nhân dân huyện cấp.

Thứ hai, về việc xác định nhập tài sản riêng là mảnh đất của cụ B, cụ C cho ông H vào khối tài sản chung của ông H, bà T.

Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình:

“1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó”.

Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp về tài sản của vợ, chồng; tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp tài sản chung, riêng giữa vợ, chồng, pháp luật quy định những tài sản riêng sau nếu muốn nhập vào tài sản chung phải được thực hiện do hai vợ chồng thỏa thuận và phải được lập thành văn bản và có chữ ký của cả hai vợ chồng. Khoản 1 Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Tài sản chung của vợ chồng phải đăng ký theo quy định tại Điều 34 của Luật Hôn nhân và gia đình bao gồm quyền sử dụng đất, những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu”. Sau khi có văn bản thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung, ông H và bà T phải tiến hành đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai nơi có tài sản để sang tên cho cả ông H, bà T trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong trường hợp vụ án, ông H và bà T xây dựng 01 căn nhà và 07 phòng trọ rên đất trên mảnh đất là tài sản riêng của ông H, tuy nhiên không có thỏa thuận nhập vào tài sản chung nên xác định mảnh đất vẫn là tài sản riêng của ông H.

Thứ ba, về chia tài sản khi ly hôn

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được hiểu là việc pháp luật đề ra các hình thức xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với khối tài sản của họ. Chế độ tài sản theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật Hôn nhân và gia đình.

Ngày 22/7/2010, tại Văn phòng công chứng ông H lập Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất nêu trên cho cụ C; cụ C đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 17/8/2010. Việc này là phù hợp với quy định pháp luật vì mảnh đất được xác định là tài sản riêng của ông H, ngôi nhà được xây dựng trên mảnh đất đó mới là tài sản chung của ông H và bà T. Căn cứ vào nội dung thể hiện tại giấy “Biên nhận” ngày 12/7/2011 và ngày 20/7/2011, bà T đã  nhận 150.000.000 đồng theo thỏa thuận chia tài sản ly hôn với ông H; “Tờ cam kết” ngày 29/7/2011 có nội dung bà T và ông H đã thỏa thuận ly hôn tự chia tài sản đã xong, bà không có tranh chấp về tài sản có liên quan đến bà; đề nghị các cơ quan liên quan tạo điều kiện cho ông H, cụ C tiếp tục làm hồ sơ chuyển nhượng hoặc thủ tục có liên quan về tài sản bình thường. Nếu sau này bà có tranh chấp bà hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cơ quan và pháp luật; “Đơn xin rút đơn ngăn chặn” có cơ sở xác định đối với tài sản chung giữa bà T và ông H đã có sự thỏa thuận phân chia, nếu thỏa thuận này vô hiệu thì nhà đất mới còn là tài sản chung của ông H, bà T.

Như vậy, việc bà T khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông H và cụ C là không có căn cứ.

Trên đây là các quan điểm của tác giả, rất mong được sự trao đổi của các độc giả!

 

Tòa án nhân dân huyện Phù Ninh, Phú Thọ xét xử  vụ án dân sự - Ảnh: Trịnh Duy Phương

ĐỖ VĂN DUY (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 3)