Vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật để xử lý hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Hành vi cho vay nặng lãi là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, là nguyên nhân làm gia tăng tội phạm khác như: Cố ý gây thương thương tích, cướp tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản làm ảnh hưởng xấu, gây mất trật tự trị an ở địa phương. Việc xử lý bằng biện pháp hình sự thời điểm hiện nay đối với tội phạm "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự" là hết sức cần thiết và có tác dụng giáo dục dăn đe phòng ngừa.
Trước tình hình xã hội hiện nay, hành vi cho vay nặng lãi đang lan rộng ở thành thị và vùng nông thôn, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động núp dưới bóng Công ty tư vấn tài chính, Hiệu cầm đồ đã phát tờ rơi, dán giấy quảng cáo “cho vay không cần thế chấp” đã làm cho người dân mắc phải vay tiền “tín dụng đen” với mức lãi suất cao. Đây là một thực tế đã đưa nhiều người dân lâm vào cảnh phải bán nhà, bán nhiều tài sản có giá trị để trả nợ, nhiều người phải rời bỏ quê hương để trốn nợ… Hành vi cho vay nặng lãi là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, là nguyên nhân làm gia tăng tội phạm khác như: tội như Cố ý gây thương thương tích, tội Cướp tài sản hoặc tội Cưỡng đoạt tài sản làm ảnh hưởng xấu; gây mất trật tự trị an ở địa phương. Việc xử lý bằng biện pháp hình sự thời điểm hiện nay đối với tội phạm “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” là hết sức cần thiết và có tác dụng giáo dục dăn đe phòng ngừa.
Tuy nhiên, việc xử lý hình sự đối với loại tội này hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do Điều 201 BLHS 2015, quy định cấu thành cơ bản của Tội này là: “…lãi suất cao gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng… “. Điều luật quy định như vậy có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau chưa thống nhất, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xử lý về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trao đổi về cấu thành cơ bản của tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015.
Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 – Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự:
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất cao gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính một trăm triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ hai trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba mươi trệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015:
1. Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Có thể thấy tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự của BLHS năm 2015 được xếp ở nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Người phạm tội dùng tiền để kinh doanh bất hợp pháp. Hành vi cho người khác vay tiền dưới nhiều hình thức khác nhau như: Vay, mượn hoặc ký nợ, thông qua hình thức hợp đồng viết hoặc thỏa thuận bằng miệng với mức lãi suất vi phạm quy định.
Cụ thể: Khoản 1 của Điều 201 BLHS 2015 quy định cấu thành cơ bản của loại tội này là: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất cao gấp năm lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lời bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…” Như vậy, theo quy định trên thì người cho người khác vay với lãi suất cao với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự. Trong đó, Khoản 1 Điều 468 BLDS 2015 quy định các bên có thỏa thuận về lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản vay. Ngoài điều kiện về lãi xuất, hành vi phạm tội trên còn phải có đủ một trong các điều kiện sau: Một là, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; hai là, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này nhưng trong thời hạn là mười hai tháng; ba là, đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Đối với các điều kiện “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, thì quy định của pháp luật rõ ràng, cách hiểu đều thống nhất. Riêng điều kiện thu lợi bất chính thì còn cách hiểu thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên chưa được thống nhất. Trên thực tế, khi chứng minh số tiền thu lợi để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, các đối tượng cho vay thường dùng các thủ đoạn tinh vi để trốn tránh, lách luật như: Hợp đồng vay nợ không ghi thỏa thuận về lãi suất, bên cho vay khâu trừ luôn tiền lãi và gộp cả lãi và gốc thành số tiền nợ ghi trong hợp đồng, vì vậy khó khăn trong việc xác định lãi xuất vi phạm quy định và số tiền thu lợi bất chính để xử lý; hoặc bên cho vay yêu cầu người vay viết giấy vay nhận tiền với số lượng tiền từ 10 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng, thời gian phải thanh toán tiền vay từ 30 ngày đến 40 ngày, giấy viết không ghi mức lãi suất mà mức lãi suất các bên thỏa thuận bằng miệng với mức 05 nghìn đồng/01 triệu đồng/01 ngày; trường hợp cho vay số lượng tiền lớn thì thời gian thanh toán không nhiều ngày. Trong khi đó điều kiện để cấu thành tội phải là thu lời bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, do vậy số tiền thu lợi bất chính đều dưới 30 triệu.
Mặt khác cách hiểu quy định thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng có nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên là số tiền này được tính của tất cả các hợp đồng cho vay cộng lại để làm căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử, không được trừ phần tiền thu lợi từ 20% của giá trị tài sản vay.
Quan điểm thứ hai cho rằng số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên được tính trên cơ sở tiền thu lợi từ 20% của giá trị tài sản vay và được tính trên từng hợp đồng vay để xác định cấu thành tội phạm.
Quan điểm thứ ba cho số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên được tính trên cơ sở đã trừ phần thu lợi từ 20% của giá trị tài sản vay được pháp luật bảo vệ và được tính trên từng hợp đồng vay để xác định cấu thành tội phạm, không được tính trên tổng các hợp đồng vay để xác định cấu thành tội. Bởi lẽ trong khi áp dụng pháp luật người tiến hành tố tụng có thể được áp dụng biện pháp tương tự, như xác định cấu thành cơ bản của tội Trộm cắp tài sản, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (trường hợp chưa có tiền sự, tiền án về hành vi chiếm đoạt tài sản) mà tài sản trộm cắp, tài sản lừa đảo phải có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên. Đối với lần trộm cắp tài sản, lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 02 triệu đồng thì không cấu thành tội.
Thực tế hiện chưa có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hoặc hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ của Quốc hội nên việc áp dụng xử lý đối với loại tội này gặp nhiều vướng mắc. Theo quan điểm của tác giả, khi xác định hành vi cho vay lãi có cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự hay không thì phải dựa trên căn cứ số tiền thu lợi bất chính của từng hợp đồng vay sau khi đã được trừ phần thu lợi từ 20% của giá trị tài sản vay được pháp luật bảo vệ để làm căn cứ xác định cấu thành tội; không được tính số tiền thu lợi bất chính trên tổng số các hợp đồng cho vay; cần phải áp dụng biện pháp tương tự về cách tính từng lần như tội trộm cắp tài sản hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn của xã hội, kịp thời ngăn ngừa hành vi cho vay nặng lãi và thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, giúp địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc xử lý hành vi cho vay nặng lãi. Đề nghị các cơ quan pháp luật Trung ương có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ của Quốc hội, Hội đồng Thẩm phán TAND cao sớm có văn bản hướng dẫn việc áp dụng pháp luật đối với tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo hướng: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất cao gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, tiền thu lợi bất chính của từng hợp đồng vay sau khi đã được trừ phần thu lợi từ 20% của giá trị tài sản vay được pháp luật bảo vệ để làm căn cứ xác định phạm tội hay không phạm tội;
Trên đây là một số vướng mắc và quan điểm giải quyết trong việc áp dụng đối với tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp, trao đổi của bạn đọc và đồng nghiệp.
Theo kiemsat.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận