Cần Thơ: Tầm nhìn phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022

Ngày 01/8, tại Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 (AMDER 2022) với chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp” tập trung nghiên cứu mô hình chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động của quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn 2050.

Ông Nguyễn Thành Phong - UVTW Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế TW; ông Lê Minh Hoan - UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; bà Caitin Weisen - Trưởng đại diện Chương trình Phát triển LHQ tại VN; bà Carolyn Tuk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; bà Sarah Hooper - Tổng lãnh sự Úc tại TP. Hồ Chí Minh; các vị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; đại diện các Bộ, Ngành, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp và các nhà kinh tế, chuyên gia và nhiều đại biểu đến tham dự.

Báo cáo Thường niên 2022 là công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI Cần Thơ và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) với sự tham gia các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính sách, nông nghiệp, môi trường, năng lượng, giao thông, logistics… nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế ĐBSCL và những vấn đề quan trọng của Vùng. Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 là năm thứ hai được thực hiện và là báo cáo đầy đủ và duy nhất về một vùng kinh tế trên cả nước. Báo cáo năm 2022 có chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp” tập trung nghiên cứu mô hình chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động của quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn 2050 theo Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 28/02/2022.

 

TS.Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam - Đồng chủ biên và Trưởng nhóm nghiên cứu, phân tích tình hình kinh tế tại buổi lễ.

Theo TS.Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam - Đồng chủ biên và Trưởng nhóm nghiên cứu, phân tích: Năm 2020, Cần Thơ chịu tác động suy thoái kinh tế nhưng đến năm 2021, có tới 6/13 tỉnh của vùng bị suy thoái kinh tế: “Kết quả nghiên cứu cho thấy, điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Xuất khẩu nông, thủy sản của Vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam. Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ – cùng chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng – đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là –0,8% và –1,8%”.

AMDER 2022 chỉ ra: ĐBSCL đang đứng trước thử thách của ba vòng xoáy: “Vòng xoáy ngân sách” phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; “Vòng xoáy lao động” xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ; “Vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của hai vòng xoáy trên. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, khó khăn, ĐBSCL cũng có nhiều cơ hội, đó là sự quan tâm sâu sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách ban hành, triển khai nhiều hoạt động đầu tư quan trọng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, kết nối vùng và cả nước.

 

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết: “Hiện nay ĐBSCL, chúng ta đều nghĩ đến vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, nguồn lao động dồi dào, trụ cột kinh tế chính đến từ ngành nông nghiệp, hằng năm ĐBSCL sản xuất 50% sản lượng lúa gạo cả nước, chiếm 95% xuất khẩu gạo của VN,  65% sản lượng trái cây, 75% sản lượng thủy sản và đóng góp gần 20% GDP cả nước”. Đây là vùng có tỷ trọng nông nghiệp lớn chiếm với 37% GRDP trong cấu trúc kinh tế vùng, nhưng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn bởi biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm, thiếu hụt lao động do di cư, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu… trong khi đó các ngành công nghiệp chủ lực là công nghiệp chế biến phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu. Câu hỏi đặt ra là Để phát triển bền vững, ĐBSCL sẽ phát triển như thế nào nếu như tiếp tục dựa vào điều kiện tự nhiên như trước đây?”

Ông Công khẳng định thêm: “Từ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, để hiện thức hóa các chủ trương chính sách, các Bộ, Ngành và chính quyền địa phương trong vùng ĐBSCL đang rất cần các bước đi cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp cần nắm bắt và tiếp cận các định hướng, chiến lược phát triển có hệ thống và đồng bộ. Vì vậy trong vai trò của mình, VCCI đã tập hợp các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực quy hoạch, kinh tế, chính sách, nông nghiệp, biến đổi khí hậu, giao thông vận tải, logistics…”, để lựa chọn và thực hiện chuyên đề nghiên cứu “Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp”.

Cùng với đó, báo cáo được thực hiện trong bối cảnh ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… đến lựa chọn mô hình tăng trưởng khi kinh tế vùng đã phát triển đến ngưỡng. Đồng thời, quy hoạch vùng đã được ban hành, 13 tỉnh, thành ĐBSCL đang phải thiết lập lại quy hoạch, xây dựng lại chiến lược phát triển KT-XH cấp tỉnh cho phù hợp bối cảnh toàn vùng, cùng nhau nhận diện các thách thức, hạn chế để tìm tiếng nói chung… thì sự đóng góp của Báo cáo sẽ là một kênh tham vấn hữu ích. Từ Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam muốn gửi đến Chính quyền các địa phương, các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông điệp: “ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, hãy nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững!”

 

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: “Đánh giá cao nỗ lực của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tiên phong trong việc xây dựng báo cáo kinh tế của vùng. Đây là báo cáo vùng đầu tiên và duy nhất trên cả nước, được thực hiện hàng năm, cho thấy sự quan tâm không chỉ của Đảng, Nhà nước, mà giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang chú ý đến sự phát triển của ĐBSCL”.

Đặc biệt, Báo cáo năm 2022 lựa chọn chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp” tập trung nghiên cứu về chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động của quy hoạch tích hợp ĐBSCL đến năm 2030 tầm nhìn 2050 theo sát với quy hoạch tích hợp vừa qua Chính phủ phệ duyệt, sẽ rất hữu ích cho công tác rà soát và hoàn thiện lại quy hoạch chi tiết của Thành phố trong những tháng tới đây sau khi Chính phủ ban hành quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kỳ vọng “với ý nghĩa về tầm quan trọng của Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL, VCCI tại Cần Thơ và đội ngũ chuyên gia tâm huyết tiếp tục xây dựng báo cáo định kỳ, để giúp các địa phương có được đầy đủ các thông tin quan trọng, những góc nhìn thấu đáo, cùng những khuyến nghị hết sức giá trị của các chuyên gia để đóng góp cho quá trình phát triển Kinh tế ĐBSCL trong những năm sắp tới”.

Nhân dịp, cùng với Lễ công bố “Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2022”, hội thảo chính sách “Phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp” cũng được VCCI Cần Thơ tổ chức cùng ngày với sự phối hợp của Tổng Lãnh sự quán Úc tại TPHCM và Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GIZ). Hội thảo nhằm ghi nhận các ý kiến trao đổi của các nhà quản lý, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế xoay quanh những kết quả nghiên cứu từ Báo cáo Thường niên và những vấn đề đang diễn ra ở ĐBSCL để khuyến nghị với Đảng, Chính phủ Quốc hội và chính quyền địa phương về những chính sách thích ứng để ĐBSCL phát triển bền vững trong thời gian tới.

 

Các đại biểu khách mời tham dự tại buổi lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 (AMDER 2022)

TRẦN TÚ