Từ vụ xử lý người bán rau ở Quảng Ninh đến Nghị định số 19/2020/NĐ-CP

Việc xử lý người bán rau ở phường Bãi Cháy, Tp Hạ Long, Quảng Ninh là một việc nhỏ nhưng trở thành điểm nóng của dư luận, do cách hành xử trái quy định, vi phạm chuẩn mực của bà Phó Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy.

Dự liệu trước những trường hợp này cũng như qua thực tiễn xử lý vi phạm hành chính những năm qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Bà Phó Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy có gì sai?

Sau khi Clip[i] về vụ xử lý người bán rau do chính bà Phó Chủ tịch UBND phường ghi được lan rộng trên mạng, Báo Tuoitre.vn phản ánh: Đáng chú ý, trong đoạn video cho thấy vị nữ cán bộ có một số lời nói thiếu chuẩn mực, xưng hô mày tao với người dân như: “Con này mày có bị điên không, thu giữ đưa hết về phường,… không nói nhiều nữa”. Theo chỉ đạo của nữ cán bộ, lực lượng chức năng đã thu giữ rau củ quả của người bán rong chở trên chiếc xe máy cũ nát đang đổ nghiêng trên đường.

Trong đoạn video, trên tay chị bán hàng rong cũng bất ngờ xuất hiện một con dao. Ngay lập tức, chị bị lực lượng chức năng khống chế trong tiếng gào khóc lớn hơn “em không bán nữa, em đi về rồi”.  Hình ảnh trong video chưa thể hiện rõ người bán rau cầm dao với mục đích làm gì, nhưng vị nữ cán bộ cho rằng chị này “cố tình cầm dao để chém lại lực lượng chức năng”.

“Giữ mồm nó lại”, tiếng của vị nữ cán bộ phường nói và chỉ đạo “Công an khóa tay nó lại, chống đối người thi hành công vụ”. Người phụ nữ bán rong bị khóa hai tay ra sau, chị gào khóc vùng vẫy kháng cự trong bất lực. Nhiều người trong tổ công tác tập trung đưa chị lên thùng xe cho về phường.

Nhận được phản ứng bất bình, không đồng tình, nhiều người phê phán gay gắt về cách xử lý, bà Lê Thị Hiền – Phó Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy trần tình với báo chí: “Về những lời nói thiếu chuẩn mực trong quá trình chỉ đạo công vụ như gọi “con điên”, xưng hô “mày, nó” với người phụ nữ bán hàng rong, bà Hiền thừa nhận đây là lỗi của mình, và cho rằng mình đã sai khi có những lời nói như vậy”[ii].

Tuy nhiên, bà Lê Thị Hiền không nói rõ là mình đã sai so với quy định nào, so với những văn bản nào.

Chúng tôi thấy, bà Lê Thị Hiền đã vi phạm khoản 11 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012  về  những hành vi bị nghiêm cấm là “Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, người bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính”.

Vụ việc của bà Lê Thị Hiền cũng cần đối chiếu Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Điều 30 về vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ quy định: “ 1.Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: a) Làm những việc tuy pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức, cơ quan, đơn vị, của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên; vi phạm nội quy, quy chế, kỷ luật nội bộ cơ quan”.

Hành vi của bà Lê Thị Hiền liệu  có phải đã “ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức, cơ quan, đơn vị, của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên” hay không?!  Điều đáng quan tâm nữa là Ban Dân vận Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 06-KH/BDVTW ngày 19/02/2020 về thực hiện “Năm dân vận khéo” 2020, với những nội dung cụ thể, nhưng dường như trong việc này bà Hiền đã bộc lộ sự thiếu hụt kỹ năng, thái độ dân vận rất thiếu sót.

Ở góc độ khác, theo bà Hiền, trước đó vào ngày 11/4, tổ công tác của phường Bãi Cháy phát hiện bà Vũ Thị Chinh chạy xe không giấy phép, đang bán hàng rong trên địa bàn trong thời gian tỉnh Quảng Ninh thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội nên đã nhắc nhở.  Đến ngày 14/4, tổ công tác tiếp tục phát hiện bà Chinh đang bán hàng rong tại khu vực nên lại nhắc nhở mà không lập biên bản tạm giữ hàng hóa cùng phương tiện.

Ngày 16/4, tổ công tác tiếp tục phát hiện bà Chinh bán hàng rong nên đã đưa toàn bộ hàng hóa cùng phương tiện về UBND phường Bãi Cháy để lập biên bản tạm giữ tang vật nhưng không giải quyết ngay, hẹn 1 tuần sau mới giải quyết. Như vậy tính từ thời điểm hành vi vi phạm hành chính bị phát hiện Tổ công tác đã không thực hiện đúng trình tự quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

1. Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này. 

Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình.

Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.”

Công chức được giao thực thi công vụ đã vi phạm khoản 4 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm: “4. Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.”

Hơn nữa, rau là mặt hàng tươi sống nhưng không giải quyết ngay, hẹn sau một tuần mới giải quyết là không bảo đảm nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính là: “Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật”.

 

Hình ảnh người bán rau cắt từ Clip – Ảnh: Dân trí

Nhân đây cũng phải nói về ý thức chấp hành pháp luật của người bán rau rất yếu. Bà Vũ Thị Chinh đã bị nhắc nhở, lập biên bản nhưng không ký vào biên bản là sai. Đã bị nhắc nhở, xử lý nhưng lại tiếp tục vi phạm nên bị xử lý là phù hợp, nhất là trong tình hình phòng chống dịch COVID-19 căng thẳng hiện nay. Về tình có thể thông cảm nhưng với những quy định của pháp luật, công dân cần phải chấp hành nghiêm chỉnh, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

 Từ vụ việc xảy ra tại Bãi Cháy, Tp Hạ Long, Quảng Ninh chúng ta thấy Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 là rất cần thiết và đáp ứng được sự đòi hỏi khách quan của thực tiễn hiện nay: Áp dụng không đúng trình tự, bỏ lọt, che dấu hành vi vi phạm, lạm dụng chức vụ quyền hạn khi áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Đối tượng áp dụng của  Nghị định số 19/2020/NĐ-CP gồm:  Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; cơ quan quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;  Thủ trưởng cơ quan của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính;  Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính;  Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Chương IV của Nghị định này đã  quy định rất rõ về xử lý kỷ luật, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020 đã quy định chi tiết, cụ thể.

Điều 22. Các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 

Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính. Không xử phạt vi phạm hành chính; không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm theo quy định pháp luật. Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng theo quy định pháp luật. 

Áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính. Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính. Kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. 

Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực liên quan đến nội dung kiểm tra. Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra. Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra. Tiết lộ thông tin, tài liệu về kết luận kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức. Không thực hiện kết luận kiểm tra. Thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra. 

Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt; việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức thực hiện. Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính; về thẩm quyền, thủ tục, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính. Thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận kiểm tra. Không giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính. 

Điều 23. Xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 

Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại các Điều 24, 25, 26, 27, 28 và 29 Nghị định này. 

Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các nội dung khác có liên quan đến việc xử lý kỷ luật công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức. 

Thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật. 

Việc xem xét, tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật cũng được áp dụng trong trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do hoàn cảnh khách quan hoặc do lỗi của đối tượng vi phạm hành chính. 

Việc xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ có hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật. 

Điều 24. Khiển trách 

Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây: a) Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng theo quy định pháp luật; b) Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt; việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức thực hiện; c) Tiết lộ thông tin, tài liệu về kết luận kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức; d) Thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra; 

Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây: a) Tiết lộ thông tin, tài liệu về kết luận kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức; b) Thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra; c) Không giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính.

Điều 25. Cảnh cáo

 Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với cán bộ có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây: a) Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm theo quy định pháp luật; b) Áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính; c) Kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính; d) Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính; đ) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra; e) Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực liên quan đến nội dung kiểm tra; g) Thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận kiểm tra. 

Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây: a) Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm theo quy định pháp luật; c) Kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính; d) Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính; đ) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra; e) Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực liên quan đến nội dung kiểm tra; g) Không thực hiện kết luận kiểm tra. 

Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây: a) Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính;  b) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra; c) Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực liên quan đến nội dung kiểm tra; d) Không thực hiện kết luận kiểm tra;  đ) Sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. 

Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận kiểm tra.

Điều 26. Hạ bậc lương

 Hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 27. Giáng chức

 Hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi không thực hiện kết luận kiểm tra.

Điều 28. Cách chức 

Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với cán bộ có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây:  a) Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; b) Sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; c) Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính; d) Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra; đ) Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính; về thẩm quyền, thủ tục, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính; e) Không thực hiện kết luận kiểm tra; g) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính. 

Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính. 

Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với viên chức quản lý có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây:  a) Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính; về thẩm quyền, thủ tục, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính; b) Không thực hiện kết luận kiểm tra.

Điều 29. Buộc thôi việc

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức, viên chức có một trong các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính sau đây: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính;  Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.

Bí thư và Chủ tịch phường Bãi Cháy đã đến tận nhà xin lỗi người bán hàng rong là bà Chinh về phát ngôn không chuẩn mực của nữ Phó chủ tịch phường này – Ảnh: Dân trí 

 

i. https://tuoitre.vn/nu-pho-chu-tich-phuong-noi-ve-clip-tam-giu-xe-ban-hang-rong-va-xung-may-no-voi-dan-20200419152426746.htm

[ii] https://nld.com.vn/thoi-su/nu-pho-chu-tich-phuong-bai-chay-tran-tinh-vi-sao-xung-may-no-voi-chi-ban-hang-rong-2020041919540642.htm

THÁI VŨ