Chữ nghĩa lộn xộn ở Tràng An

Trong vùng lõi di tích Tràng An, Ninh Bình ( Khu di tích đặc biệt cấp quốc gia) có ngôi đền Suối Tiên vừa được xây dựng trên nền cũ, để Kỷ niệm 1050 năm (968-2018) ngày Đinh Tiên Hoàng lên ngôi hoàng đế. Tuy nhiên, hoành phi, câu đối ở đây cần được xem xét, xử lý sai sót kịp thời.

Các công trình từ cầu đá, bia đá, trụ biểu đến ngôi đền và nội thất đều rất đẹp. Ngoài sân có những cây quý do lãnh đạo Nhà nước trồng. Đền thờ thần Quý Minh Đại vương và phu nhân.

Tượng thờ thần Quý Minh và phu nhân

 

Có điều, đại tự trên hệ thống cửa võng thì đáng thất vọng. Điều dễ nhận thấy nhất là hai chữ QUỐC – 國 đều lộn ngược. Như vậy, người làm và người thẩm định, nghiệm thu công trình đều không quan tâm đến chữ nghĩa.

Khai quốc nguyên huân, chữ Quốc ngược.

 

Điều phân vân khác là bốn chữ đại tự chính giữa ghi KHAI QUỐC NGUYÊN HUÂN, có nghĩa là bậc Công thần khai quốc hàng đầu. Trong khi đó nơi đây thờ thần Quý Minh và phu nhân, là những vị thiên thần.

Binh Ngô khai quốc, chữ quốc cũng lộn ngược

 

Theo bia dựng ở đền thì Quý Minh Đại Vương giúp Tản Viên đánh Thục Phán thời vua Hùng Duệ Vương. Thần được nhiều triều đại sắc phong “thượng đẳng thần”… Như vậy thần Quý Minh không tham gia vụ khai quốc nào.

Ngay bên phải bốn chữ trên lại ghi: BÌNH NGÔ KHAI QUỐC, [chữ Quốc cũng lộn ngược] có nghĩa là Ngài tham gia đánh giặc Ngô lập ra triều đại mới. Với áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, người dân Việt ai cũng biết, thì “bình Ngô” được hiểu là dẹp giặc Minh thì bốn chữ này thờ các cụ tham gia hội thề Lũng Nhai với Lê Lợi thì mới phù hợp, không phù hợp với thần Quý Minh vì ngài không đánh giặc Ngô ( hiểu theo nghĩa giặc Minh hoặc giặc phương Bắc).

Bia ghi sự tích Thần Quý Minh

 

Chưa kể hai đại tự liền nhau, có tám chữ thì trùng hai chữ Khai Quốc thể hiện sự nghèo nàn về chữ nghĩa quá mức.

Liệu có sự nhầm lẫn về thiết kế hay lắp đặt của người thi công hay không? Mặc dù khuôn khổ, kích thước bộ cửa võng rất vừa vặn.

Có nhiều cây quý do các vị lãnh đạo trồng ở sân đền

 

Bức đại tự thứ ba ghi BÌNH DỊ CẬN DÂN, là câu ca ngợi vị nhân thần nào đó như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan… mới phù hợp, chứ dùng cho cụ Thiên thần, em cụ Tản Viên, vị Thiên thần đứng đầu Tứ bất tử – thì cũng lạc điệu lắm. Nhìn những hoành phi, đại tự này, người biết chữ Hán có quyền nghi ngờ về sự nhầm lẫn.

Cổng phụ vào đền

 

Một đại tự khác là “Hữu công ư dân” được treo trùng lặp ở nhiều đền, một cách dễ dãi.

Ngoài ra, cũng phải nói thêm, hoành phi, câu đối ở di tích không chỉ mang tính trang trí mà còn thể hiện văn hiến, chiều sâu văn hóa, lòng tự hào dân tộc, cùng với trình độ thư pháp, nghệ thuật chạm khắc gỗ, son son thếp vàng… Với những tiêu chí đó thì chữ Hán Nôm tại Tràng An chưa đạt yêu cầu, chữ viết cẩu thả, non nớt, thể hiện sự chưa thật đánh giá đúng vai trò và ý nghĩa của hoành phi câu đối của chủ đầu tư.

Cầu đá dẫn vào đền Suối Tiên.

 

Nhân đại lễ sắp đến gần, để thể hiện sự trân trọng đối với Đinh Tiên Hoàng Đế, đề nghị cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét, xử lý cho phù hợp, đồng thời tổng rà soát toàn bộ hoành phi câu đối trong khu di tích để khắc phục sai sót.

THÁI VŨ