Bất cập trong quy định về tội môi giới mại dâm và một số kiến nghị hoàn thiện

Tệ nạn mại dâm còn diễn biến phức tạp, nhưng phòng chống và đấu tranh ngăn chặn, xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn đó là quy định của pháp luật, trong bài viết này tác giả bàn về quy định về tội môi giới mại dâm.

1. Quy định về tội môi giới mại dâm

Quy định của BLHS 2015 về tội môi giới mại dâm có nhiều điểm mới so với các BLHS trước đó.

Trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội danh quy định tại khoản 1 Điều 328 BLHS năm 2015 thì nhà làm luật đã bổ sung thêm các thuật ngữ pháp lý để làm rõ hơn hành vi khách quan của tội môi giới mại dâm “... làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm” thay vì chỉ quy định “... dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm”. Mức độ phạm tội được giảm xuống, đồng thời với đó là mức độ hình phạt cho tội này cũng giảm xuống. Khung hình phạt cơ bản tại khoản 1 Điều 328 BLHS năm 2015 hiện đã được giảm xuống còn “từ 06 tháng đến 03 năm”, điều này đồng nghĩa với việc theo qui định của BLHS năm 2015 tội môi giới mại dâm thuộc khung cơ bản đã chuyển thành tội ít nghiêm trọng.

 Trong cấu thành tội phạm tăng nặng thứ nhất quy định tại khoản 2 Điều 328 BLHS năm 2015 thì nhà làm luật cũng đã giảm mức hình phạt tù tối đa đối với người phạm tội xuống còn 07 năm chuyển thành tội nghiêm trọng, có lợi cho người phạm tội hơn so với khoản 2 Điều 255 BLHS năm 1999. Sửa đổi một số cách diễn đạt như: Phạm tội “đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi”, “phạm tội nhiều lần”, “đối với nhiều người " được sửa lại thành trường hợp phạm tội “đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi”, “phạm tội hai lần trở lên”, “đối với hai người trở lên”. Bỏ tình tiết định khung tăng nặng “gây hậu quả nghiêm trọng khác” và bổ sung tình tiết “thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.

Trong cấu thành tội phạm tăng nặng thứ hai quy định tại khoản 3 Điều 328 BLHS năm 2015 thì nhà làm luật đã đã bỏ tình tiết tăng nặng “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và bổ sung tình tiết “thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên”.

Việc bổ sung tình tiết tăng nặng định khung thu lợi bất chính với số tiền thu lợi được qui định cụ thể là phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, tạo cơ sở pháp lí để các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng áp dụng nhằm xử lí người phạm tội tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà người đó đã thực hiện.

2. Những bất cập

Qua hơn 03 năm áp dụng, bên cạnh những điểm mới tiến bộ của BLHS năm 2015 đối với tội phạm nói chung và tội môi giới mại dâm nói riêng, thực tiễn cho thấy còn nhiều nội dung đã phát sinh những điểm hạn chế, chưa thống nhất gây không ít khó khăn trong việc áp dụng BLHS để truy cứu trách niệm hình sự đối với người phạm tội. Vì vậy việc sửa đổi, hướng dẫn cần được chú trọng với những vấn đề sau:

2.1. Tại khoản 1 Điều 328 BLHS năm 2015 theo tác giả nên thay dấu phẩy bằng liên từ “hoặc”- “dụ dỗ hoặc dẫn dắt” như tại khoản 1 Điều 255 BLHS năm 1999 để phù hợp với thực tiễn cũng như việc xử lí hành vi môi giới mại dâm từ trước đến nay, nghĩa là người môi giới chỉ cần thực hiện một trong hai hành vi “dụ dỗ” hoặc “dẫn dắt” là đã thỏa mãn dấu hiệu hành vi của tội môi giới mại dâm chứ không bắt buộc người đó phải thực hiện cả hai hành vi “dụ dỗ” và “dẫn dắt”. Vì vậy, tác giả đề xuất thay thế cụm từ “dụ dỗ, dẫn dắt” tại khoản 1 Điều 328 BLHS năm 2015 bằng cụm từ “dụ dỗ hoặc dẫn dắt” và sửa lại cách quy định của điều luật như sau:

“1. Người nào làm trung gian dụ dỗ hoặc dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

2.2.Mặc dù còn nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm môi giới mại dâm nhưng nhìn chung các quan điểm trên mới chỉ thể hiện được mặt khách quan của tội môi giới mại dâm mà chưa thể hiện đầy đủ các dấu hiệu về khách thể của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm hay chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, các quan điểm trên có những điểm chung đó là: Môi giới mại dâm đều là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt mại dâm. Do đó, theo tác giả có thể đưa ra khái niệm về môi giới mại dâm: Tội môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt của người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cố ý thực hiện, xâm phạm đến trật tự công cộng.

- Trong cấu thành tội phạm theo khoản 1 Điều 328 BLHS năm 2015  quy định: “1. Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm thì bị phạt…;

2. Phạm tội thuộc một rong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 03 năm đến 07 năm: …đ) Đối với 02 người trở lên”.

Vậy tình tiết định khung “đối với 02 người trở lên” cần được hiểu thế nào cho đúng để vận dụng trong thực tiễn.

Theo đó, “02 người trở lên” được hiểu bao gồm cả người mua dâm và người bán dâm hay chỉ là người bán dâm vì hành vi mại dâm theo nghĩa của từ “mại dâm” trong Từ điển tiếng Việt là hành vi bán dâm, còn từ “mãi dâm” trong Từ điển tiếng Việt là hành vi mua dâm. Như vậy tội “Môi giới mại dâm” là tội môi giới hành vi bán dâm. Cách hiểu này phù hợp với hướng dẫn tại Thông báo số 64/TANDTC-PC ngày 19/4/2019 về kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính. Tình tiết “đối với 02 người trở lên” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 328 của BLHS được hiểu là đối với 2 người bán dâm.

Tuy nhiên, theo tác giả thì cần hiểu tình tiết định khung tăng nặng trên theo hướng “02 người trở lên” được hiểu bao gồm cả người mua dâm và người bán dâm cách hiểu này phù hợp với quy định của Pháp lệnh Phòng chống mại dâm năm 2003 “Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm”, “Môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt của người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm”, người bán dâm có thể là nữ hoặc nam, nhiều người bán dâm cho một người hoặc nhiều người mua dâm với một người vv... nhưng người nào môi giới cho 2 người bán dâm hoặc cho 2 người mua dâm để họ thực hiện việc mua dâm, bán dâm với người thứ 3 thì phạm vào điểm đ khoản 2 Điều 328 BLHS, và nếu chỉ môi giới cho 1 người mua dâm và 1 người bán dâm để họ thực hiện việc mua bán dâm với nhau thì phạm vào khoản 1 Điều 328 BLHS (vì bản chất của hành vi môi giới mại dâm là hành vi làm trung gian, môi giới cho người mua dâm và người bán dâm để họ thực hiện việc mua,bán dâm). Do vậy, cần phải hiểu quy định tại các điểm a, đ khoản 2 tội “Môi giới mại dâm” phải được hiểu là người mua dâm và người bán dâm. Có như vậy mới đảm bảo phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Ngược lại theo cách hiểu thứ hai là “Môi giới mại dâm đối với 2 người trở lên” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 328 phải hiểu là môi giới cho 2 người bán dâm trở lên. Điểm a khoản 2 Điều 328 BLHS: “Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi” phải hiểu là quy định độ tuổi của người bán dâm. Tuy nhiên ở cách hiểu này sẽ dẫn đến trường hợp rất bất cập.

Ví dụ: H là người có hành vi môi giới cho M và K để M, K bán dâm cho X và Y thì H sẽ bị truy cứu TNHS theo điểm đ khoản 2 Điều 328 BLHS còn Z có hành vi chứa chấp việc mua, bán dâm của 4 người gồm M, K, X, Y thì Z chỉ bị truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều 327 BLHS (vì chỉ có 2 người bán dâm là M và K). Rõ ràng vẫn cùng là những người mua dâm, bán dâm này, hành vi của Z so với H nguy hiểm hơn cho xã hội nhưng mức hình phạt của Z chỉ từ 1 năm đến 5 năm (khoản 1 Điều 327 BLHS) còn mức hình phạt của H lại từ 3 năm đến 7 năm (khoản 2 Điều 328 BLHS).

Việc giải quyết theo quan điểm này trong cùng một vụ án tạo ra sự mâu thuẫn và rất bất hợp lý.

Do vậy trong thời gian tới nhà làm luật cần có quy định và hướng dẫn, giải thích luật cụ thể để không có sự xung đột về pháp luật, đáp ứng được tình hình xảy ra trong thực tiễn cuộc sống.

2.3. Theo cấu thành tội môi giới mại dâm quy định tại khoản 1 Điều 328 BLHS năm 2015 thì hành vi khách quan của tội này là trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc môi giới mại dâm diễn ra rất đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau, bằng nhiều hành vi khác nhau. Nếu chỉ giới hạn ở hai hành vi dụ dỗ người mại dâm và dẫn dắt người mại dâm thì quá hẹp, không bao quát được hết các hành vi khác có liên quan đến việc làm trung gian, môi giới giữa người mua dâm và người bán dâm, và do đó, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm hiện nay.

Ngoài ra, theo hướng dẫn tại điểm 1 mục II của Nghị quyết số 02/2003/NQ- HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS: “Người chủ hoặc người quản lý khách sạn, nhà trọ… phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội chứa mại dâm” nếu họ gọi gái mại dâm đến cho khách và để khách mua bán dâm ngay tại khách sạn, nhà trọ… thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình”. Như vậy, theo hướng dẫn này thì dường như hành vi “gọi gái mại dâm đến cho khách” được coi là hành vi “chứa mại dâm” chứ không phải là hành vi “dẫn dắt người mại dâm”. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc phân biệt tội chứa mại dâm và tội môi giới mại dâm.

Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm pháp luật về mại dâm chưa được quy định tại BLHS. Thực tiễn cho thấy, hành vi mua bán dâm thường được tổ chức trong đường dây, có kẻ đứng ra tổ chức, chỉ huy, điều hành mạng lưới hoạt động mại dâm, thông qua hoạt động mại dâm trá hình để kiếm lời, có kẻ chỉ huy, phân công, điều hành từng khâu, từng công đoạn trong hoạt động mại dâm và cũng có những người trực tiếp thực hiện các công đoạn cụ thể trong các công đoạn đó, như: chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa diểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi tiến hành việc mua bán dâm); tìm kiếm, dẫn dắt người mua dâm, người bán dâm, bảo kê, bảo vệc cho hoạt động mại dâm…

Đây là hoạt động hết sức nguy hiểm cho xã hội, gây khó khăn cho việc điều tra, phát hiện và xử lý mại dâm cần phải bị xử lý nghiêm bằng biện pháp hình sự.

+ Thực tiễn đấu tranh nhóm tội về môi giới mại dâm và tội phạm liên quan cho thấy còn thiếu một số tình tiết tăng nặng, như “Lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới mại dâm.

+ Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi môi giới mại dâm dẫn đến việc truyền bệnh cho người khác. Như trường hợp người thực hiện hành vi môi giới mại dâm biết rõ người mua - bán dâm bị nhiễm bệnh như lậu, giang mai, HIV-AIDS... nhưng vẫn thực hiện hành vi môi giới cho họ thực hiện hành vi mua bán dâm dẫn đến việc làm lây truyền các loại bệnh dịch xã hội, gây tổn hại nặng cho sức khỏe của người mua - bán dâm...

3.Kiến nghị

Theo tác giả, đối với cấu thành tội phạm cơ bản của tội môi giới mại dâm:

+ Cần mở rộng đến nhiều hành vi khác như làm trung gian, môi giới giữa người mua dâm và người bán dâm vì trên thực tế, việc môi giới mại dâm diễn ra rất đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau, bằng nhiều hành vi khác nhau. Nếu chỉ giới hạn ở hai hành vi dụ dỗ người mại dâm và dẫn dắt người mại dâm thì quá hẹp, không bao quát được hết các hành vi khác có liên quan. Do vậy, theo tác giả cần được quy định bao quát chung là hành vi làm trung gian tạo điều kiện để bên mua dâm và bên bán dâm (hoặc ngược lại), có thể theo yêu cầu của bên mua dâm hoặc bên bán dâm, thỏa thuận việc mua và bán dâm. Người môi giới mại dâm có hành vi cố ý giới thiệu hoặc giúp cho bên mua dâm và bán dâm gặp nhau để thỏa thuận việc mua bán dâm (như chọn địa điểm, thời gian, chuyển lời đề nghị, yêu cầu… giữa hai bên), kể cả chuyển hoặc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho bên mua và bán dâm.

+ Đối với trường hợp môi giới mại dâm đối với người dưới 13 tuổi thì xử lý thế nào? Trong cấu thành tội phạm tội môi giới mại dâm không quy định tình tiết này là tình tiết định khung tăng nặng, mà chỉ quy định đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Vậy trường hợp này cần xử lý thế nào? Là đồng phạm của tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo điểm b khoản 1 Điều 142 BLHS hay tội danh khác.

Theo tác giả, trường hợp này nhà làm luật chỉ cần nghiên cứu bổ sung tình tiết tăng nặng định khung đối với tội môi giới mại dâm đối với người chưa thành niên dưới 13 tuổi hoặc cần hướng dẫn: Nếu môi giới mại dâm người dưới 13 tuổi thì có thể bị xử phạt về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 142 BLHS.

+ Bổ sung tình tiết lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ để môi giới mại dâm.

Do vậy, tội môi giới mại dâm cần được quy định theo hướng:

BLHS năm 2015

BLHS sửa đổi

Điều 328 Bộ luật hình sự quy định:

“1. Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 03 năm đến 07 năm:

a) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; …

đ) Đối với 02 người trở lên”

 

Điều …. Bộ luật hình sự quy định:

“1. Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 03 năm đến 07 năm:

a) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; 

đ) Đối với 02 người mua dâm hoặc 02 người bán dâm trở lên;…

h) Lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ để môi giới mại dâm.

 

Ngoài ra, một số văn bản pháp luật khác cũng cần được sửa đổi để thống nhất với BLHS. Ví dụ: Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 quy định: “Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm trong đó giải thích: “1. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác; 2. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”.

Giải thích như vậy là chưa đủ vì ngoài hành vi giao cấu còn có thể có các dạng hành vi khác để thoả mãn tình dục, hoặc hành vi đồng tính luyến ái... các hành vi nói trên sẽ không chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh Phòng chống mại dâm năm 2003 và cũng không thể xử lý hình sự.

 

TAND Tp Đà Nẵng xét xử các bị cáo trong đường dây môi giới mại dâm -  Ảnh: Q.L 

LÊ MINH (Công an tỉnh Bắc Ninh)