Công nhận hôn nhân đồng giới ở Hà Lan và một số gợi mở cho Việt Nam

Nghiên cứu pháp luật Hà Lan về công nhận hôn nhân đồng giới có thể thấy rằng câu chuyện hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới là câu chuyện đáng phải đưa ra bàn luận tại Nghị trường của Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới. Vì quyền kết hôn là quyền cơ bản của con người.

1. Bối cảnh chung về công nhận hôn nhân đồng giới

Xuất phát từ giá trị cốt lõi của con người, nhân quyền là một quyền thiêng liêng được pháp luật ghi nhận và bảo vệ tại các văn bản pháp luật. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người. Để thực hiện trọn vẹn cam kết Tuyên ngôn nói chung và quyền con người nói riêng, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948 đã chỉ rõ một quan niệm chung về tự do và nhân quyền là điều tối quan trọng. Tại Điều 1 của Tuyên ngôn này cũng quy định[1]:“Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi…”, tức mọi người khi sinh ra dù ở tầng lớp, địa vị, sắc tộc nào thì cũng bình đẳng với nhau về quyền lợi như vậy thì giới tính cũng không ngoại lệ. Dù ở bất kì giới tính nào thì họ cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, kết hôn với người mình yêu một cách tự nguyện, tự do, bình đẳng và hợp pháp.

Quyền này của con người còn được quy định tại khoản 1 Điều 16 của Tuyên ngôn này[2]“Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly hôn"; Khoản 2 Điều 23 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định[3]: "Quyền kết hôn và lập gia đình của nam và nữ đến tuổi kế hôn phải được thừa nhận".

Trên thế giới, tính đến thời điểm hiện nay có khoảng trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận và hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới[4]. Nếu tính những vùng lãnh thổ ở những quốc gia có hình thức cấu trúc nhà nước liên bang (Hoa Kỳ, Mexico, Brazil) thì số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới hiện tại là 19. Bên cạnh đó, có 17 quốc gia và 13 vùng lãnh thổ thừa nhận hình thức “kết đôi có đăng ký” cho các cặp đôi cùng giới[5]. Đặc biệt có 03 quốc gia thừa nhận hình thức sống chung không đăng ký cho các cặp đôi cùng giới. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác đang trong quá trình xem xét hợp thức hóa quan hệ cùng giới hoặc “nâng cấp” từ “kết hợp dân sự” (sống chung có đăng ký) lên “kết hôn” với đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm.

Có thể nhận thấy, thời gian gần đây có khá nhiều quốc gia thừa nhận hoặc đang xem xét công nhận hôn nhân đồng giới ở quốc gia mình. Một số quốc gia khá bảo thủ (ví dụ như Cộng hòa Pháp) cũng đã chấp nhận vấn đề này. Quan điểm của các chính trị gia về vấn đề này được thể hiện mạnh mẽ hơn. Ngày 26/06/2013, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ có quyết định gỡ bỏ lệnh cấm kết hôn đồng giới tại bang California – Bang có đông dân nhất. Bên cạnh đó, Tòa cũng bãi bỏ một phần quan trọng của Đạo luật Bảo vệ hôn nhân (DOMA), nhằm đảm bảo các cặp đôi đồng tính đã kết hôn được hưởng các quyền lợi an sinh xã hội như những cặp đôi bình thường khác. Như vậy, với việc thừa nhận quyền kết hôn đồng tính tại bang California, đã có hơn 1/3 dân số Hoa Kỳ được thừa nhận quyền này. Đây có thể được xem là một thắng lợi lớn của cuộc vận động quyền của nhóm người thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới). Tổng thống Barack Obama đã phát biểu trên đường đến châu Phi như sau: "Phán quyết này là một thắng lợi cho những cặp đôi đã đấu tranh cho việc được đối xử công bằng trước pháp luật; cho những đứa trẻ mà việc kết hôn của cha mẹ chúng từ giờ sẽ được pháp luật thừa nhận; cho những gia đình mà giờ đây cuối cùng họ cũng đã nhận được sự bảo vệ và tôn trọng mà họ đáng được hưởng; và cho những người bạn, người vận động chỉ muốn được thấy những người thân của họ được đối xử bình đẳng và đã cố gắng hết sức để có thể làm quốc gia mình thay đổi theo chiều hướng tốt lên".

Bên cạnh đó, tháng 6/2011, Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết khẳng định[6]: "mọi người đều có quyền bình đẳng, bất kể thiên hướng tình dục như thế nào". Đến ngày 7/3/2012, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-Moon đã có bài phát biểu lịch sử kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới phi hình sự hóa đồng tính, chấm dứt kỳ thị với những người thuộc cộng đồng LGBT. Như vậy, lần đầu tiên, người đứng đầu tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh đã đưa ra một thông điệp rõ ràng và đầy tính ủng hộ đối với những người thuộc cộng đồng LGBT, và đây cũng là quan điểm của cả Liên Hợp quốc khi gần đây liên tiếp có những động thái để giải quyết vấn đề kỳ thị phân biệt dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới.

2. Sự điều chỉnh của pháp luật Hà Lan về công nhận hôn nhân đồng giới

Quyền của nhóm LGBT nói riêng và bình đẳng giới nói chung ở Hà Lan đã mang đến cho mọi người cơ hội tận dụng tối đa cuộc sống của họ, lựa chọn tự do và an toàn. Chính phủ Hà Lan đã nhận thấy nội dung quan trọng đó và rất ủng hộ quyền của LGBT và bình đẳng giới: Giải phóng trẻ em gái, phụ nữ, giải phóng đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới (LGBT). Tất cả mọi người có quyền được sống không có bạo lực và có quyền bình đẳng về cơ hội tham gia. Do đó sẽ chống lại sự phân biệt đối xử và bị phạt nặng hơn nếu xâm phạm quyền này. Bình đẳng theo pháp luật, cũng như sự bình đẳng giữa nam giới, phụ nữ, trẻ em, những người đồng tính luyến ái, dị tính luyến ái phải được xem là một vấn đề quan trọng trong xã hội Hà Lan, sự công bằng của các quyền cơ bản này là một trong những giá trị cốt lõi, dân chủ, tiến bộ của xã hội Hà Lan[7]..

Ngay từ những năm 1980 của thế kỷ trước, một nhóm các nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính, đứng đầu bởi Henk Krol - tổng biên tập của Gay Krant, đã yêu cầu Chính phủ Hà Lan cho phép các cặp đồng tính kết hôn. Quốc hội đã quyết định thành lập một uỷ ban đặc biệt vào năm 1995 nhằm điều tra khả năng kết hôn đồng tính. Vào thời điểm đó, đảng Dân chủ Kitô giáo không phải là thành viên của liên minh cầm quyền lần đầu tiên kể từ khi đưa ra nền dân chủ toàn diện. Ủy ban đặc biệt đã hoàn thành công việc của mình vào năm 1997 và kết luận rằng hôn nhân dân sự nên được mở rộng để bao gồm các cặp vợ chồng cùng giới tính. Sau cuộc bầu cử năm 1998, Chính phủ Hà Lan đã hứa sẽ giải quyết vấn đề này.

Tháng 9 năm 2000, dự thảo luật cuối cùng được thảo luận tại Nghị viện và được Nghị viện Hà Lan thông qua. Luật bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1 tháng 4 năm 2001, và vào ngày đó bốn người cùng giới tính đã cưới do Thị trưởng Amsterdam, Job Cohen, người đã trở thành một công ty đăng ký đặc biệt để hành lễ tại đám cưới. Một vài tháng trước đó, thị trưởng Cohen đã từng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Hà Lan và chịu trách nhiệm đưa Luật Hôn nhân mới thông qua Nghị viện. Kể từ khi Hà Lan công nhận hôn nhân đồng giới vào năm 2001 thì đã có thêm rất nhiều quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới. Điều này thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ của pháp luật dành cho cộng đồng LGBT cũng như đảm bảo nhân quyền trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, Đạo luật đối xử bình đẳng chung (GETA) ra đời, các cặp đôi đồng tính đã được kết hôn hợp pháp, có quan hệ đối tác dân sự và nhận nuôi con nuôi.

Theo quan điểm của Chính phủ Hà Lan, việc công nhận hôn nhân cho các cặp đôi đồng tính là dựa trên nguyên tắc bình đẳng được quy định tại Điều 1 Hiến pháp Hà Lan, các Điều ước quốc tế và Án lệ của Tòa án tối cao Hà Lan (Hoge Raad), không yêu cầu các cặp đồng tính phải đăng ký kết hôn, và việc đăng ký kết hôn giữa các cặp đồng tính thuộc cộng đồng LGBT là trên tinh thần tự nguyện[8] và cán bộ hộ tịch được miễn việc phải đăng ký kết hôn giữa hai người đồng giới.

Luật Hà Lan yêu cầu một trong hai đối tác phải có quốc tịch Hà Lan hoặc có nhà ở tại Hà Lan. Tuổi kết hôn ở Hà Lan là 18 tuổi, hoặc dưới 18 tuổi với sự đồng ý của cha mẹ. Hôn nhân đồng giới chỉ có hiệu lực trên lãnh thổ Châu Âu, lãnh thổ Hà Lan và trên quần đảo Caribê Bonaire, Sint Eustatius và Saba, nhưng không áp dụng cho các quốc gia thành viên khác của Vương quốc Hà Lan. Cuộc hôn nhân đồng giới đầu tiên được thực hiện trên đảo Saba vào ngày 4 tháng 12 năm 2012 giữa hai người đàn ông, một người Hà Lan và một người Venezuela[9].

Sự khác biệt hợp pháp duy nhất giữa hôn nhân đồng tính và hôn nhân dị tính là trong trường hợp cha mẹ của cả hai đối tác không phải là tự động. Người mẹ hợp pháp của một đứa trẻ là mẹ đẻ của nó (Điều 1: 198 của luật dân sự) và cha (về nguyên tắc) người đàn ông mà cô ấy đã kết hôn khi đứa trẻ chào đời. Hơn nữa, người cha phải là một người đàn ông (Điều 1: 199). Các đối tác khác có thể trở thành một người mẹ hợp pháp chỉ thông qua nhận con nuôi. Chỉ trong trường hợp cha đẻ không trở thành cha mẹ (ví dụ như trong trường hợp thụ tinh nhân tạo bởi các cặp vợ chồng đồng tính nữ), cả hai vợ chồng nữ sẽ có thẩm quyền của cha mẹ tự động (Điều 1: 253sa)[10]. Vào tháng 12 năm 2013, Nghị viện Hà Lan đã thay đổi điều này và cho phép các bậc cha mẹ đồng tính nữ làm cha mẹ tự động. Luật mới, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 4 năm 2014, cho phép người mẹ đã lập gia đình - hoặc có quan hệ đối tác đã đăng ký với - mẹ chỉ có thể được tự động công nhận là người mẹ hợp pháp nếu người hiến tặng tinh trùng ban đầu vô danh. Trong trường hợp một người hiến tặng đã biết, mẹ đẻ quyết định xem người hiến hoặc người đồng sự là người mẹ hợp pháp thứ hai của đứa trẻ.

Ở BonaireSint Eustatius và Saba, hôn nhân được mở cho các cặp đồng giới và khác giới. Sau khi luật có hiệu lực cho phép các cặp đồng giới kết hôn ở đó vào ngày 10 tháng 10 năm 2012. Việc thay đổi Bộ luật Dân sự của vùng Caribe thuộc Hà Lan (tiếng Hà Lan: Burgerlijk wetboek BES) được đề xuất bởi Hạ viện Hà Lan thay vì Chính phủ (ưu tiên đàm phán thay đổi với các đảo trước). Vấn đề này đã gây tranh cãi rất nhiều trên đảo Sint Eustatius, với nhiều người dân theo đạo Thiên chúa phản đối nguyên tắc của luật pháp và vì nhận thức "chủ nghĩa thực dân mới" của Hà Lan áp đặt luật như vậy đối với các đô thị ở nước ngoài.Cuộc hôn nhân đồng giới đầu tiên được thực hiện trên Saba vào ngày 4 tháng 12 năm 2012 giữa hai người đàn ông, một người Hà Lan và một người Venezuela, cả hai đều là cư dân của Argentina. Đám cưới đồng giới đầu tiên ở Bonaire được tổ chức vào tháng 5 năm 2013. Hôn nhân đồng giới và quan hệ đối tác đã đăng ký được thực hiện ở nơi khác đã được công nhận hợp pháp trên các đảo kể từ năm 2011. Để đảm bảo rằng các cặp đồng giới được hưởng các quyền tương tự, các quy định của Bộ luật Dân sự Hà Lan (thay vì Bộ luật Dân sự cho Caribe thuộc Hà Lan) được áp dụng cho Các cuộc hôn nhân được thực hiện bên ngoài các đảo kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2011.

Sau khi Nghị viện Hà Lan hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, Giáo hội Tin Lành Hà Lan cho phép mỗi giáo xứ tự quyết định có chúc phúc mối quan hệ như vậy không, và ở nhiều nhà thờ bây giờ có tổ chức lễ cưới. Chính quyền địa phương có nghĩa vụ thực hiện hôn nhân đồng giới cho công dân và họ có thể yêu cầu nhân viên thực hiện hôn lễ đồng giới. Tuy nhiên, nếu hợp đồng hiện tại của họ không nêu lên điều khoản này, họ không bị đuổi việc nếu từ chối. Một số hội đồng địa phương không yêu cầu những người đăng ký phản đối hôn nhân đồng giới thực hiện nghi lễ này.

Năm 2007, Chính phủ mới thông báo trong chính sách rằng các quan chức phản đối hôn nhân đồng giới có thể từ chối thực hiện loại hôn nhân này. Một số hội đồng chủ nghĩa Xã hội và Tự do chống lại chính sách này, cho rằng người làm việc ở nơi đăng ký phải áp dụng đối với tất cả mọi cặp đôi, không chống lại đồng giới. Đảng đối lập cho rằng nếu một người làm ở nơi đăng ký chống lại hôn nhân đồng giới, họ không nên giữ chức vụ đó[11]. Bên cạnh đó[12], Luật Nuôi con nuôi của Hà Lan cũng cho phép các cặp hôn nhân đồng tính được nhận trẻ em là công dân Hà Lan làm con nuôi; đồng thời có thể làm thủ tục kết hôn tại Tòa Thị chính hoặc ly hôn thông qua hệ thống tòa án như các cặp vợ chồng khác giới nếu như họ không còn tình cảm và không muốn chung sống với nhau nữa.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Lan, trong 6 tháng đầu tiên, hôn nhân đồng giới chiếm 3,6% tổng số hôn nhân: cao nhất là khoảng 6% trong tháng đầu tiên sau đó là khoảng 3% trong các tháng còn lại: tổng cộng khoảng 1.339 cặp tình nhân nam và 1.075 cặp tình nhân nữ. Tính đến tháng 6 năm 2004, đã có hơn 6.000 cuộc hôn nhân đồng giới được thực hiện ở Hà Lan. Vào tháng 3 năm 2006, Cục Thống kê Hà Lan đưa ra ước tính về số lượng các cuộc hôn nhân đồng giới được thực hiện mỗi năm: 2.500 năm 2001, 1.800 năm 2002, 1.200 năm 2004, và 1.100 năm 2005; Từ năm 2001 đến năm 2011, có 14.813 cuộc hôn nhân đồng giới được thực hiện, 7.522 giữa hai người phụ nữ và 7.291 giữa hai người đàn ông. Trong cùng khoảng thời gian đó, có 761.010 cuộc hôn nhân dị giới. Cũng có 1.078 cuộc ly hôn đồng giới; Từ năm 2001 đến năm 2015, khoảng 21.330 cặp đôi đồng giới làm đám cưới ở Hà Lan. Trong đó, 11.195 là cặp đôi nữ và 10.135 là cặp đôi nam.

Ở Hà Lan, số cặp vợ chồng đồng tính nhận trẻ em làm con nuôi chiếm tỉ lệ khá lớn, tính đến thời điểm hiện nay có khoảng 25.000 trẻ em lớn lên trong các gia đình có cha mẹ là người đồng tính và chính phủ Hà Lan muốn những đứa trẻ này có địa vị pháp lý như những đứa trẻ được sinh ra trong các gia đình có cha mẹ là những cặp vợ chồng khác giới[13].

3. Một số gợi mở có thể vận dụng cho Việt Nam

Nghiên cứu khung pháp lý của Hà Lan và đối chiếu với hệ thống luật của Việt Nam, tác giả thấy rằng ở Việt Nam từ trước đến nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ hôn nhân đồng giới của nhóm người thuộc cộng đồng LGBT. Trên cơ sở khung pháp lý của Hà Lan công nhận kết hôn đồng tính, tác giả đưa ra một số gợi mở cho việc xây dựng chính sách, pháp luật về quyền kết hôn của những người đồng tính như sau:

Trước hết, dưới góc độ của quyền con người nói chung, quyền nhân thân của cá nhân nói riêng, quyền kết hôn là quyền tự nhiên, cơ bản của con người. Điều 36, Hiến pháp năm 2013 quy định[14]: "Nam, nữ có quyền kết hôn, li hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau", khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định[15]: "Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn", việc kết hôn giữa những người cùng giới thì Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam cũng không cấm, những người cùng giới tính họ kết hôn với nhau thì cũng không thuộc một trong các trường hợp bị cấm như theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình[16] năm 2014. Chính tại Điều này cũng đã nói đến việc kết hôn là quyền của mỗi cá nhân, họ xác lập quan hệ hôn nhân dựa trên ý chí tự nguyện giữa các bên. Mỗi bên không chịu tác động của bên kia hay bất kì người nào khác khiến họ phải kết hôn trái với nguyện vọng của mình. Sự thể hiện ý chí phải thống nhất với ý chí. Tức họ có thể tự do, thoải mái kết hôn trong khuôn khổ pháp luật cho phép mà ngay tại Hiến pháp năm 2013 cũng không có quy định về việc kết hôn chỉ là việc giữa nam-nữ, Hiến pháp cũng không cấm các cặp đôi nam-nam hay nữ-nữ thì không được kết hôn; việc Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định kết hôn là việc chỉ giữa nam-nữ là chưa phù hợp với Hiến pháp, trái nguyên tắc tự nguyện trong kết hôn.

Sự mập mờ của Luật như vậy đã gây khó khăn cho các cặp đôi đồng tính khi có nguyện vọng đăng ký kết hôn. Do đó, tác giả kiến nghị nên công nhận hôn nhân đồng tính giới cho nhóm người thuộc cộng đồng LGBT. Bởi, quyền kết hôn là quyền của con người, trong khi đó quyền con người được pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế ghi nhận. Việc không thừa nhận hôn nhân đồng giới sẽ trái với nguyên tắc tự nguyện trong kết hôn, kết hôn là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc trong việc công nhận vào thời điểm thích hợp tránh gây tranh cãi trong xã hội. Bên cạnh đó hôn nhân đồng giới phải được quy định bằng một điều luật cụ thể ở trong luật (cả Luật Hôn nhân và Gia đình và Luật Hộ tịch). Quan hệ hôn nhân đồng giới đã tồn tại, tất yếu phải cần có pháp luật điều chỉnh để điều chỉnh mối quan hệ đó trong xã hội theo khuôn khổ của pháp luật, cũng như có thể thực hiện tốt công tác quản lý của Nhà nước, có thể giải quyết các mâu thuẫn hôn nhân này một cách khách quan, tốt nhất.

Thứ hai, mặc dù pháp luật Việt Nam không cấm, tuy nhiên cũng không thừa nhận hôn nhân giữa những người đồng tính, nhưng thực tế thì số cặp vợ chồng hôn nhân thực tế của những người đồng tính ở Việt Nam chiếm khá nhiều. Vậy tại sao luật lại không cụ thể hóa quan hệ hôn nhân cho họ để họ đáp ứng các điều kiện để thực hiện các giao dịch khác khi các giao dịch đó mà điều kiện lại phải có sự xác lập của cả hai bên vợ và chồng. Vì vậy, trong thời gian chờ có sự điều chỉnh (sửa đổi) Luật, thì chính sách của Việt Nam lúc này nên có một văn bản dưới luật hướng dẫn điều chỉnh quyền kết hôn của những người đồng tính để điều chỉnh việc xác nhận quan hệ hôn nhân và thủ tục đăng ký kết hôn của họ tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ ba, quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền tự nhiên của con người, bằng khả năng của mình, con người tự tìm kiếm hạnh phúc và các giá trị sống cho bản thân. Đây là một điều hiển nhân trong mọi chế độ chính trị - xã hội từ xưa đến nay. Một trong các giá trị sống đó được tạo dựng từ việc kết hôn, xây dựng gia đình hạnh phúc và được nhà nước tôn trọng, bảo vệ quan hệ hôn nhân ấy. Từ thực tiễn công nhận hôn nhân đồng giới ở Hà Lan và dẫn chiếu đến thực tiễn Việt Nam, chúng ta nên cấp cho họ giấy chứng nhận về mối quan hệ dân sự và đây chính là một thủ tục hành chính đăng ký hộ tịch từ phía cơ quan nhà nước cho những cặp kết hôn đồng tính.

Như vậy, nghiên cứu pháp luật Hà Lan về công nhận hôn nhân đồng giới có thể thấy rằng câu chuyện hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới là câu chuyện đáng phải đưa ra bàn luận tại Nghị trường của Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới. Vì quyền kết hôn là quyền cơ bản của con người, trong khi pháp luật Việt Nam hiện hành không cấm nhưng cũng không thừa nhận quan hệ hôn nhận đồng tính của những người thuộc cộng đồng LGBT. Vì vậy, trong tương lai việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới cần được tiến hành song song với các hoạt động đánh giá tác động và nâng cao nhận thức để xã hội hiểu và đón nhận. Chúng ta phải linh hoạt để thích nghi với sự thay đổi hằng ngày của xã hội, cần phát triển đồng bộ về mọi mặt kinh tế – xã hội – văn hóa – giáo dục và phát triển cả tư duy, suy nghĩ của mình. Xã hội sẽ chấp nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới chỉ khi pháp luật tiên phong thừa nhận. Điều quan trọng cuối cùng là hôn nhân giữa những người đồng giới cần phải được chấp nhận, pháp luật phải đảm bảo sự bình đẳng cũng như quyền của tất cả công dân. Nên, pháp luật Việt Nam cần phải công nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính như Hà Lan và một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã thừa nhận./.

 

Hà Lan là quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, vào năm 2001 - Ảnh: TL

 

 

[1] Xem: Điều 1 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948

[2] Xem: khoản 1 Điều 16 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948

[3] Xem: khoản 2 Điều 23 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966

[4]Bao gồm: Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên bang Canada, Cộng hòa Nam Phi, Vương quốc Na Uy, Vương quốc Thụy Điển, Cộng hòa Bồ Đào Nha, Cộng hòa Iceland, Cộng hòa Argentina, Vương quốc Đan Mạch, Cộng hòa Uruguay, New Zealand, Cộng hòa Pháp, Anh và xứ Wales, Colonbia, Cộng hòa Đức, Úc, Phần Lan, Man Ta, Áo, Ecuador, Đài Loan, Costa Rica, Hoa Kỳ, Mexico, Đài Loan…

[5]Trương Hồng Quang  (2014), Quyền kết hôn của người đồng tính, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 4.

[7]  In this paper, hereinafter the term “homosexuals and transgender people” is used to refer to the entire population of lesbian women, gay men, bisexual women and men and transgender people (LGBTs).

[10] The Repercussions in the European Union of the Netherlands' Same-Sex Marriage Law Nicholas J. Patterson*,https://chicagounbound.uchicago.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1137&context=cjil, truy cập ngày 7/11/2021

[12]Dutch Legislators Approve Full Marriage Rights for Gays, https://www.nytimes.com/2000/09/13/world/dutch-legislators-approve-full-marriage-rights-for-gays.html, truy cập ngày 6/11/2021

[13] LGBT and Gender Equality Policy Plan of the Netherlands 2011 – 2015, https://rm.coe.int/16802f14e1, truy cập ngày 8/11/2015

[14] Xem: Điều 36 Hiến pháp năm 2013

[15] Xem: Khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

[16] Xem: khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014

NCS.ThS. ĐOÀN THỊ NGỌC HẢI (Nghiên cứu sinh Khoa Pháp luật Dân sự - Trường Đại học Luật Hà Nội)