Góp ý dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Trong phạm vi bài viết này tác giả nêu lên và phân tích những quy định pháp luật có liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nêu lên một số khó khăn, vướng mắc đồng thời đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện vấn đề này.

1. Về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo nghị quyết hướng dẫn: “1. Theo khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình thì Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”.

Tuy nhiên, theo tác giả cần bổ sung thêm trường hợp: Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự (người có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi) đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Hiện nay, tại Điều 23 BLDS 2015 bổ sung thêm trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Trước đây theo BLDS 2005, căn cứ vào khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà được phân ra nhiều mức độ khác nhau. Cá nhân khi đủ độ tuổi và không thuộc trường hợp mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì họ là những người có năng lực pháp luật đầy đủ, là người tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự bằng hành vi của họ và tự chịu trách nhiệm, tự thực hiện nghĩa vụ dân sự bằng hành vi của họ. Điều này không phù hợp và không đảm bảo yếu tố công bằng về quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong các quan hệ dân sự. Bởi trong trường hợp nếu cá nhân bị khuyết thiếu mà ảnh hưởng đến nhận thức và làm chủ hành vi của họ (ví dụ người già, người tàn tật có khả năng nhận thức không sáng suốt dẫn tới không làm chủ và thực hiện được hành vi) nhưng không thuộc trường hợp mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự mà phải thực hiện và chịu trách nhiệm như một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì rất bất hợp lý. Vì trên thực tế không phải mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân lúc nào cũng chỉ trong hai thái cực: hoàn toàn đầy đủ hoặc mất mà có rất nhiều người tuy khả năng nhận thức và làm chủ không đầy đủ nhưng chưa đến mức mất hoàn toàn năng lực hành vi dân sự nên việc bổ sung thêm đối tượng người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi là một điều cần thiết.

Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng gặp nhiều “hạn chế” trong việc thực hiện quyền của mình. Vì vậy, trong BLDS 2015, đã ghi nhận thêm người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thuộc diện được giám hộ- Đây được coi là điểm mới có giá trị, thể hiện được tính bao quát các trường hợp người được giám hộ, góp phần bảo vệ tốt hơn các chủ thể là người yếu thế trong các giao dịch dân sự.

Qua trên ta có thể thấy được quy định Điều 23 BLDS 2015 và khoản 2 Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định không thống nhất với nhau, bỏ sót trường hợp một bên vợ hoặc chồng là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự (hay nói cách khác là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi) đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.[1]

Do đó, trong trường hợp vợ hoặc chồng là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Hướng bổ sung này sẽ khắc phục được những thiếu sót trong quá trình áp dụng pháp luật và thống nhất giữa BLDS 2015 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Kiến nghị: Theo tác giả để tương tích với Điều 23 BLDS 2015 quy định về trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, nghị quyết nên hướng dẫn bổ sung khoản 2 Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình theo hướng như sau: “Theo khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình thì Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, hoặc người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”.

2. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích xin ly hôn

Tại Điều 4 của dự thảo nghị quyết hướng dẫn:

“1. Người vợ hoặc người chồng đồng thời yêu cầu Toà án tuyên bố người chồng hoặc người vợ của mình mất tích và yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn; nếu Toà án thấy chưa đủ điều kiện tuyên bố người đó mất tích thì bác các yêu cầu của người vợ hoặc người chồng.

2. Người vợ hoặc người chồng đã bị Toà án tuyên bố mất tích theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan. Sau khi bản án của Toà án tuyên bố người vợ hoặc người chồng mât tích đã có hiệu lực pháp luật thì người chông hoặc người vợ của người đó có yêu cầu xin ly hôn với người đó. Trong trường hợp này Toà án giải quyết cho ly hôn...”.

Thứ nhất, đối với khoản 1 Điều 4 của dự thảo Nghị quyết nên cần xác định lại cầu chữ quyền yêu cầu ly hôn của vợ hoặc chồng của người bị Toà án tuyên bố mất tích yêu cầu xin ly hôn theo đó : Người vợ hoặc người chồng có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố người chồng hoặc người vợ của mình mất tích và yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn;

Thứ hai, Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn “nếu Toà án thấy chưa đủ điều kiện tuyên bố người đó mất tích thì bác các yêu cầu của người vợ hoặc người chồng”.

Tác giả cho rằng trong trường hợp này cần phải hướng dẫn theo hướng: Nếu Toà án thấy chưa đủ điều kiện tuyên bố người đó mất tích thì Tòa án đình chỉ trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của người vợ hoặc người chồng. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và hướng dẫn tại mục số 9 Phần IV Văn bản Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số: 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/04/2017 của Tòa án nhân dân tối cao thì trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn, đối với trường hợp vợ hoặc chồng yêu cầu xin ly hôn với người mất tích thì phải sau khi quyết định của Tòa án tuyên bố người vợ/chồng mất tích có hiệu lực pháp luật thì Tòa án mới xem xét, giải quyết cho người chồng/vợ ly hôn. Do đó, trong trường hợp này nếu Toà án thấy chưa đủ điều kiện tuyên bố người đó mất tích thì Tòa án đình chỉ trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của người vợ hoặc người chồng.

Thứ ba, Về thủ tục tố tụng trong trường hợp Toà án giải quyết cho ly hôn với người mất tích.

Thực tiễn xét xử thường gặp nhiều trường hợp vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn mà có một bên là người bị Tòa án tuyên bố mất tích nay họ yêu cầu xin ly hôn. Khi Tòa án thụ lý giải quyết loại án này thường gặp khó khăn, lúng túng và có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất cụ thể: Theo quy định khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Quy định này chưa cụ thể về thủ tục hòa giải, xét xử đối với trường hợp yêu cầu ly hôn này. Theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 BLTTDS 2015 cũng không quy định về thủ tục hòa giải, không được hòa giải, hòa giải không được đối với trường hợp này. Do chưa có sự quy định cụ thể trong trường hợp này dẫn đến trong thực tiễn xét xử có nhiều cách hiểu khác nhau chưa được thống nhất. Dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau:[2]

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tòa án thụ lý giải quyết đối với trường hợp xin ly hôn với bên kia vợ hoặc chồng là người đã bị Tòa án tuyên bố mất tích thì Tòa án thụ lý vụ án và giải quyết vụ án theo thủ tục chung sau đó tiến hành niêm yết thông báo về phiên hòa giải, Quyết định xét xử cho đương sự là người bị tuyên bố mất tích tại nơi cư trú trước khi người bị Tòa án tuyên bố mất tích niêm yết 2 lần nếu đương sự không có mặt để tham gia phiên hòa giải thì Tòa án lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được với lý do đương sự đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt, sau đó tiến hành niêm yết các văn bản tố tụng khác để xét xử vắng mặt bị đơn.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Không đồng ý với cách làm của Tòa án trên, đối với trường hợp này Tòa án sau khi thụ lý vụ án không nên áp dụng rập khuôn máy móc mà cần vận dụng linh hoạt có thể áp dụng khoản 2 Điều 207 BLTTDS 2015 lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được với lý do: Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng do đó Tòa án không thể nào tiến hành hòa giải được vì người bị tuyên bố mất tích sẽ không thể liên lạc được và không thể nào tham gia hòa giải được, do đó Tòa án tổ chức hòa giải và tiến hành niêm yết các văn bản tố tung là không cần thiết và sẽ kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Theo ý kiến tác giả hiểu theo cách thứ hai là hoàn toàn hợp lý vì khi một người đã bị Tòa án tuyên bố mất tích tức là không còn khả năng liên hệ được với người đó và tất nhiên là người mất tích không thể tham gia hòa giải và đối với việc ly hôn với người bị Tòa án tuyên bố mất tích thì Tòa án cũng không cần thiết phải niêm yết các văn bản tố tụng nơi trước đây người mất tích đã cư trú bởi vì việc niêm yết các văn bản tố tụng này không hoàn toàn cần thiết và không có tính khả thi chúng ta đều biết khi người bị Tòa án tuyên bố mất tích là họ không thể liên lạc được với người thân và nơi cư trú của họ nay chúng ta niêm yết để triệu tập người mất tích về để tiến hành hòa giải điều này không hiệu quả và dẫn đến mất nhiều thời gian giải quyết vụ án, vụ án kéo dài gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Do đó, hiểu theo cách hiểu thứ hai là hoàn toàn hợp lý Tòa án nên lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được với lý do Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử để giải quyết nhanh chóng vụ án đảm bảo quyền và lợi ích, hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, sau khi xét xử xong Tòa án cần tống đạt Bản án theo thủ tục chung cho người mất tích để đảm bảo quyền kháng cáo theo quy định tại Điều 271 BLTTDS 2015.

3.Về thỏa thuận nuôi con

Tại Điều 5 của dự thảo nghị quyết hướng dẫn: “Khi giải quyết vụ án ly hôn nếu vợ chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con chung thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Trường hợp con đồng ý ở với cha hoặc mẹ mà người này không có điều kiện chăm sóc con thì Tòa án căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con để giao con cho người có điều kiện nuôi con tốt hơn trực tiếp nuôi dưỡng”.

Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết không bao quát đến trường hợp cả hai vợ chồng không ai yêu cầu Tòa án giải quyết nuôi con chung. Trong trường hợp này Tòa án cũng phải xem xét các bên không có yêu cầu nuôi con chung thì Tòa án phải xem xét quyết định giao con chung cho một bên cha hoặc mẹ nuôi dưỡng.[3]

Theo quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ: “1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”.

Và tại khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng: “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”, tức là quyền và nghĩa vụ đối với con luôn đặt ra với người làm cha, làm mẹ không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân của cha và mẹ còn tồn tại hay đã chấm dứt quan hệ vợ chồng hoặc chấm dứt quan hệ chung sống như vợ chồng hay chưa, cụ thể:

Như vậy, khi hai người không chung sống với nhau nữa thì cha, mẹ vẫn phải thực hiện quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và không phải trường hợp nào cha mẹ cũng xảy ra chuyện tranh giành nuôi con.

Kết luận: Tác giả cho rằng trong vụ án hôn nhân gia đình quan hệ con chung là quan hệ bắt buộc phải giải quyết trong vụ án Tòa án do có những tính chất đặc thù riêng chỉ có thể giao con cho một trong hai bên nuôi dưỡng con chung không phụ thuộc vào đương sự có yêu cầu hay không yêu cầu. Tòa án phải xem xét về điều kiện mọi mặt của một trong hai bên để giao con cho một bên nuôi dưỡng nhằm tạo điều kiện cho con phát triển tốt nhất.

4. Việc cung cấp địa chỉ của Nguyên đơn

Tại Điều 17 của dự thảo Nghị quyết hướng dẫn: “1. Trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, nếu thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ bị đơn vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chi, tin tức của bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu can thiết.

- Nếu Tòa án yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung”.

Theo tác giả tại Điều 17 của dự thảo Nghị quyết được xây dựng dựa trên căn cứ Công văn số 253/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của Toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn về việc giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn xét xử tác giả nhận thấy một số vấn đề cần làm rõ như sau:

Theo tinh thần Công văn số 253/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 nếu thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ bị đơn vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết.  Tuy nhiên, vấn đề làm sao để xác định căn cứ bị đơn vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn. Do không có hướng dẫn cụ thể dễ dẫn đến tùy tiện trong quá trình áp dụng pháp luật, hiện nay có nơi Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung theo tinh thần Công văn trên. Có nơi Tòa án không xét xử mà đình chỉ trả lại đơn khởi kiện cho đương sự do không thể nào xác định được “bị đơn vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước” và cho rằng do chưa thực hiện thủ tục yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Trường hợp đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm nhưng vẫn không có thông tin xác thực còn sống hay đã chết thì phải thực hiện thủ tục yêu cầu tuyên bố mất tích trước khi thực hiện việc yêu cầu xin ly hôn.

Quan điểm tác giả: Tác giả cho rằng để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên và trong “Vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài là một trường hợp đặc thù; quyền ly hôn là một trong các quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014[4]. Qua nghiên cứu thực tiễn tác giả nhận thấy nhiều Tòa án vẫn có thể thu thập được địa chỉ qua bưu phẩm gửi về, hoặc qua điện thoại, zalo, Face book, vv…, đây cũng được xem là một trong những căn cứ để xác định “bị đơn vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước”.

Do đó, Dự thảo Nghị quyết cần bổ sung hướng dẫn “căn cứ bị đơn vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước” chẳng hạn như: Thu thập qua bưu phẩm (có thể xác minh bưu điện), điện thoại, zalo, Face book, vv…Trong trường hợp không xác định được căn cứ bị đơn vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước, thì Tòa án mới phải hướng dẫn đương sự thực hiện thủ tục yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và thực hiện thủ tục yêu cầu tuyên bố mất tích theo quy định của BLTTDS năm 2015 trước khi thực hiện việc yêu cầu xin ly hôn.

 

Một phiên tòa xét xử về án HNGĐ tại Tòa án nhân dân huyện Kế Sách, Sóc Trăng. Ảnh: C.H


[1] Lý Văn Toán (2018), “Sự tương thích của bộ luật dân sự 2015 và luật hôn nhân gia đình năm 2014 về đại diện giữa vợ và chồng khi một bên có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi”, Tạp chí Kiểm sát (17), tr.43.

[2] Lý Văn Toán (2018), “Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được- Thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện pháp luật”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (3), tr.33.

[3] Lý Văn Toán & Vũ Thị Bích Hải (2021), “ Phải giao con cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, ngày đăng 08/03/2021, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/phai-giao-con-cho-cha-hoac-me-nuoi-duong

[4] Công văn số 253/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của Toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn về việc giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ.

Ths.NCS LÝ VĂN TOÁN (TAND huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) Ths. BÙI KHẮC HUỲNH (Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận)