Hủy bản án hình sự sơ thẩm theo quy định của BLTTHS, bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) đã có nhiều quy định liên quan đến hủy bản án để điều tra lại, xét xử lại, trong thực tiễn giải quyết việc hủy bản án hình sự có nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó BLTTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế và có nhiều cách hiểu khác nhau.

1. Các dạng vi phạm dẫn đến vụ án hình sự bị hủy

Qua thực tiễn xét xử, cùng như tham khảo các báo cáo của Tòa án, Viện kiểm sát... chúng tôi thấy phổ biến một số dạng vi phạm sau đây:

1.1. Vi phạm nghiêm trọng các qui định của BLTTHS

a. Vi phạm về thẩm quyền giải quyết vụ án (Điều 110 BLTTHS)

Vi phạm này thể hiện ở hai dạng: Cơ quan tiến hành tố tụng xác định không đúng nơi xảy ra hành vi phạm tội dẫn đến điều tra, truy tố, xét xử sai thẩm quyền lãnh thổ, hoặc vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện thụ lý giải quyết.

b. Vi phạm trong việc hỏi cung, lấy lời khai, đối chất, nhận dạng (Điều 131, 132, 135, 137, 138, 139 BLTTHS)

Những vi phạm này được thể hiện cụ thể như: không đảm bảo sự tham gia khách quan của người bào chữa, người giám hộ theo quy định của BLTTHS, có những trường hợp hình thức biên bản thể hiện đúng quy định tố tụng nhưng thực chất thì các biên bản ghi lời khai, hỏi cung không có người giám hộ hoặc Luật sư tham gia mà sau đó họ mới ký vào để hợp pháp hóa các biên bản.

Một số trường hợp lập biên bản hỏi cung, ghi lời khai không thể hiện tính khách quan do biên bản được soạn thảo trên máy vi tính với những nội dung giống nhau đến từng dấu chấm, dấu phẩy; các biên bản viết tay thì thể hiện sao chép lại nội dung lời khai của người bị hại, nhân chứng, vi phạm này thường xảy ra ở các vụ án có số lượng đông bị hại và nhân chứng và lời khai của họ thường cùng một nội dung. Biên bản ghi lời khai không gạch chéo phần trống, hoặc không thể hiện rõ việc bị can đã được nghe lại hoặc được đọc lại xác nhận nội dung biên bản. Đặc biệt các biên bản ghi lời khai nhân chứng thường không thể hiện rõ nội dung vì sao biết được tình tiết đó mà khai ra theo quy định của Điều 67 khoản 2 BLTTHS do vậy khi nhân chứng có sự thay đổi lời khai thì không có cơ sở để đánh giá lời khai nào đúng, lời khai nào không đúng. Cũng không ít biên bản hỏi cung bị can, biên bản ghi lời khai bị hại, nhân chứng nhưng không có phiên dịch trong những trường hợp họ là người dân tộc.

Lời khai của bị can, bị cáo, bị hại, nhân chứng, người liên quan mâu thuẫn nhưng không đối chất làm rõ dẫn đến thiếu căn cứ buộc tội, phải hủy án.

Theo quy định tại Điều 138 BLTTHS “Trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì ĐTV tiến hành đối chất”, nhưng qua thực tế cho thấy nhiều vụ án Tòa án tuyên hủy để điều tra lại chính là do vi phạm các quy định tố tụng về nội dung.

c. Vi phạm tố tụng trong việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, khám xét, thực nghiệm điều tra, giám định (Điều 140, 150, 153, 155, 156 BLTTHS)

Vi phạm trong việc khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng xảy ra nhiều và thể hiện ở việc lập biên bản khám nghiệm hiện trường không đúng quy định, thu giữ vật chứng nhưng không lập biên bản niêm phong.

Vi phạm trong việc khám xét thể hiện ở việc không tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật.

Trong việc thực nghiệm điều tra, vi phạm thể hiện ở việc không tổ chức thực nghiệm tại hiện trường nơi xảy ra vụ án mà thực nghiệm ở nơi khác.

Trong giám định hoặc định giá tài sản cũng có nhiều vi phạm như không trưng cầu giám định hoặc giám định, định giá không đúng quy định; các loại vi phạm này thường xảy ra trong các loại tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe; xâm phạm sở hữu; tội phạm về quản lý kinh tế; xâm phạm về trật tự an toàn giao thông.

d. Việc điều tra, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ để làm căn cứ kết luận hành vi phạm tội, người phạm tội và các tình tiết khách quan của vụ án (Điều 63 BLTTHS)

Dạng vi phạm thể hiện cụ thể là chưa làm rõ hậu quả của tội phạm, hoặc chưa làm rõ tuổi của bị cáo hoặc người bị hại trong các vụ án mà bị cáo, bị hại còn ở tuổi chưa thành niên, đặc biệt là trong các vụ án “Hiếp dâm trẻ em”, bị hại, bị cáo được sinh ra ở khu vực phía Nam thường khai sinh quá hạn và không đúng với thời điểm thực tế bị cáo, bị hại được sinh ra. Nhưng khi tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ có mâu thuẫn thì các cơ quan tiến hành tố tụng không giám định độ tuổi để làm căn cứ khởi tố, truy tố cho chính xác mà vẫn kết luận điều tra truy tố, trong khi việc xác định tuổi của bị cáo, bị hại có ý nghĩa rất quan trọng trong xác định tội danh và quyết định đường lối xử lý.

Vi phạm trong xác định lý lịch tư pháp của người thực hiện hành vi phạm tội không chính xác xảy ra nhiều, dẫn đến việc khởi tố bị can, kết luận điều tra, truy tố và kết án không đúng tên người phạm tội.

đ. Vi phạm về giới hạn xét xử, việc xét hỏi, tranh luận, nghị án, ghi biên bản phiên tòa và phạm vi xét xử (Điều 196, 200, 207, 222, 238 BLTTHS)

Vi phạm về giới hạn xét xử thường gặp là VKS truy tố một tội danh nhưng Tòa án xử bị cáo về nhiều tội danh khác nhau.

Vi phạm về việc xét hỏi và tranh luận thường gặp là không công bố lời khai trong quá trình xét hỏi theo yêu cầu của VKS; tranh luận và xét hỏi đan xen nhau, không đúng quy định tại Điều 207 BLTTHS.

Vi phạm về việc nghị án và ghi biên bản phiên tòa thường gặp là nghị án một nội dung nhưng tuyên án một nội dung khác, nghị án tội này nhưng tuyên trong bản án tội khác (như nghị án tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” nhưng tuyên án tội “Mua bán trái phép chất ma túy”), biên bản nghị án không ghi điều luật hay khung hình phạt áp dụng, thậm chí có trường hợp không ghi cả mức hình phạt trong biên bản nghị án, nhiều trường hợp tên và số lượng thành viên HĐXX trong biên bản nghị án khác với tên và số lượng thành viên HĐXX trong bản án và biên bản phiên tòa khác nhau; có sự mâu thuẫn giữa biên bản phiên tòa và biên bản nghị án về số lượng và thành phần những người tiến hành tố tụng; những vi phạm nghiêm trọng này của Tòa án nhưng VKS các địa phương cũng không phát hiện kịp thời để kiến nghị, kháng nghị, những vi phạm đó làm ảnh hưởng rất lớn tới quyền của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác nên cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm tuyên hủy án để điều tra lại, xét xử lại.

Vi phạm về phạm vi xét xử phúc thẩm là trường hợp bị cáo rút toàn bộ kháng cáo tại phiên tòa nhưng không đình chỉ xét xử phúc thẩm.

e. Xác định sai tư cách người tham gia tố tụng hoặc không đưa đầy đủ người tham gia tố tụng vào quá trình giải quyết vụ án (Điều 51, 52, 53, 54, 55 BLTTHS)

Việc xác định sai tư cách tham gia tố tụng thường thể hiện như nhầm lẫn giữa nguyên đơn dân sự và bị hại; nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự với người có quyền, nghĩa vụ liên quan; nhầm lẫn giữa bị hại với người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Nhiều vụ án không đưa đầy đủ người tham gia tố tụng vào quá trình giải quyết vụ án như không đưa chủ phương tiện, Công ty bảo hiểm tham gia tố tụng trong các vụ án giao thông. Việc xác định sai tư cách người tham gia tố tụng hoặc không đưa đầy đủ người tham gia tố tụng vào quá trình giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng rất lớn tới việc giải quyết khách quan toàn diện vụ án, cũng như ảnh hưởng tới quyền nghĩa vụ của các đương sự, ví dụ khi xác định sai người bị hại thành người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan làm ảnh hưởng tới quyền kháng cáo về hình phạt của họ đối với bị cáo và làm thiệt hại cho họ khi quyết định về phần bồi thường.

1.2. Vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng các quy định của BLHS

a. Truy tố, xét xử không đúng tội danh

Những vi phạm này thường xảy ra ở những tội phạm có dấu hiệu đặc trưng gần giống nhau như giết người với cố ý gây thương tích, giết người trong trạng thái bị kích động mạnh với giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng với giết người tại khoản 2 Điều 93 BLHS... hoặc các tội phạm về kinh tế như tội lừa đảo và tội lạm dụng tín nhiệm, hoặc hành vi chỉ phạm vào một tội nhưng truy tố, xét xử về nhiều tội danh khác nhau.

b. Bỏ lọt tội phạm và người phạm tội

Đây là vi phạm xảy ra khá nhiều trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, được thể hiện ở việc các cơ quan tố tụng đánh giá chứng cứ không đúng, không đầy đủ, toàn diện, dẫn đến bỏ lọt hành vi phạm tội, bỏ lọt người phạm tội, nhất là bỏ lọt những hành vi đi liền với nhau cấu thành nhiều tội phạm khác nhau nhưng chỉ truy tố, xét xử một tội hoặc nhiều người đồng phạm cùng tham gia thực hiện tội phạm nhưng chỉ xử lý người chủ mưu, người thực hành, bỏ lọt các đồng phạm khác, như trong các vụ án giết người có đông đồng phạm tham gia, thường chỉ xử lý kẻ chủ mưu, thực hành còn những đồng phạm khác có vai trò giúp sức về tinh thần thì xử lý hành chính hoặc xử lý tội gây rối trật tự công cộng... Một số tội như “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” để “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có nơi xử hai tội, có nơi thu hút về một tội, đây cũng là những nội dung các VKS địa phương vướng mắc thỉnh thị nhưng chưa được quan tâm hướng dẫn để có nhận thức và áp dụng thống nhất.

c. Xác định sai khung hình phạt, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cho hưởng án treo, quyết định hình phạt, áp dụng biện pháp tư pháp không đúng

Việc xác định sai khung hình phạt thường gặp là bị cáo phạm vào khung tăng nặng nhưng truy tố hoặc xét xử ở khung nhẹ hơn.

Áp dụng tình tiết tăng nặng giảm nhẹ không đúng được thể hiện như bỏ sót các tình tiết tăng nặng, cho bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ không đúng qui định, áp dụng Điều 47 BLHS không đúng, đây cũng là những vi phạm xảy ra khá phổ biến trong xét xử các vụ án hình sự nói chung, các vụ án bị tuyên hủy nói riêng.

Cho hưởng án treo không đúng qui định cũng là những vi phạm xảy ra nhiều, vi phạm này thường bắt nguồn từ việc nhận thức và áp dụng không đúng các qui định của pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành, như nhận thức áp dụng sai các tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự… từ đó cho hưởng án treo cả những đối tượng chủ mưu, phạm nhiều tội cùng lúc hoặc phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, các đối tượng phạm tội có tính chất côn đồ, hoặc cho hưởng án treo đối với các bị cáo phạm các tội dư luận lên án, vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS về án treo.

Sử dụng tiền án của bị cáo để xác định là tình tiết định tội, đồng thời lại tiếp tục sử dụng tiền án đó để tính tái phạm đối với bị cáo, vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 49 BLHS. Các vi phạm khác trong việc quyết định hình phạt như không trừ thời gian bắt buộc chữa bệnh vào thời hạn chấp hành hình phạt tù (vi phạm Điều 44 BLHS). Trường hợp xử phạt tù có thời hạn nhưng thấp hơn mức thấp nhất của loại hình phạt tù có thời hạn.

Áp dụng biện pháp tư pháp không đúng thường liên quan đến việc xử lý vật chứng.

2. Bất cập, hạn chế và kiến nghị hoàn thiện.

2.1. Về căn cứ hủy bản án hình sự sơ thẩm để xét xử lại

Trường hợp “Có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 358 BLTTHS là căn cứ pháp lý để Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại. Thế nhưng, mặc dù tại điểm o khoản 1 Điều 4 BLTTHS đã giải thích khái niệm Có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử nhưng đây là giải thích chung không có quy định giải thích cụ thể các sai sót bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và cũng chưa đề ra tiêu chí phân biệt ranh giới giữa vi phạm nghiêm trọng với vi phạm chưa tới mức nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc hiểu cụ thể về vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm còn có những ý kiến khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử là việc Tòa án cấp sơ thẩm đã có những sai phạm về mặt thủ tục tố tụng dẫn đến việc giải quyết xét xử vụ án không tuân thủ những quy định của pháp luật tố tụng hành chính làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của đương sự vụ án.

Quan điểm thứ hai cho rằng “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử được hiểu là những vi phạm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật của vụ án không chính xác hoặc xâm phạm đến quyền tố tụng của những người tham gia tố tụng”.

Như vậy, việc BLTTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành không giải thích rõ cụm từ “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong xét xử” đã làm cho việc hiểu và áp dụng pháp luật gặp khó khăn, lúng túng, thiếu thống nhất giữa các địa phương, các cấp Tòa, ảnh hướng đến chất lượng trong phán quyết của bản án phúc thẩm.

2.2. Về căn cứ hủy bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại

Đối với trường hợp“Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được” tại điểm b khoản 1 Điều 358 BLTTHS.

 Chứng cứ, tài liệu được thu thập trong quá trình điều tra hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Luật định mà Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án. Trong BLTTHS, chứng cứ, tài liệu được xem là căn cứ quan trọng không thể thiếu để Tòa án giải quyết vụ án khách quan, chính xác và đúng pháp luật. Về nguyên tắc, các chứng cứ, tài liệu được sử dụng phải đáp ứng hết các tiêu chuẩn khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Khi vụ án được xét xử lại theo trình tự phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đã phát hiện sự tồn tại của các chứng cứ, tài liệu mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung ngay được thì Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ phải hủy bản án sơ thẩm.

Như vậy trong căn cứ này, chúng ta phải làm rõ nội dung thế nào là việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Hiện nay, BLTTHS chưa có quy định nào nhằm xác định việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được còn nhiều quan điểm và cách giải quyết khác nhau, cụ thể: Một là, nếu các chứng cứ đã tồn tại trong giai đoạn giải quyết sơ thẩm vụ án nhưng nó không xuất hiện vì do một trong các thành phần tham gia tố tụng cố tình che giấu không làm cho chúng xuất hiện cơ quan điều tra không thu thập được mặc dù đã áp dụng các biện pháp theo quy định và Tòa án cấp sơ cũng không thể phát hiện ra đến giai đoạn phúc thẩm mới phát hiện ra vậy đây có phải là vấn đề điều tra cấp sơ thẩm không đầy đủ hay không? Hai là trường hợp ngược lại, trong giai đoạn sơ thẩm, các thành phần tham gia tố tụng đã xuất trình giao nộp các chứng cứ này nhưng Tòa án đã không sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án đến khi giải quyết phúc thẩm Tòa án cấp phúc thẩm mới phát hiện ra và đây có thuộc trường hợp việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ không? Thiết nghĩ để hiểu chính xác, đầy đủ nhất tất cả các vấn đề trên là cần có sự hướng dẫn, giải thích.

3. Kiến nghị hoàn thiện

3.1. Về căn cứ hủy bản án hình sự để xét xử lại

Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về trường hợp hủy án để xét xử lại “Có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 358 BLTTHS. Theo chúng tôi về khái niệm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố như sau: Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩ là những vi phạm về mặt thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật, khách quan của vụ án không chính xác hoặc xâm phạm đến quyền, nghĩa vụ tố tụng của những người tham gia tố tụng. Để làm rõ được khái niệm này, chúng tôi nêu một số những vi phạm về thủ tục tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm bao gồm cả việc chuẩn bị xét xử và xét xử tại phiên tòa, cũng như một số việc cần phải tiến hành sau phiên tòa; những vi phạm cũng rất đa dạng song có thể nêu lên một số vi phạm thủ tục tố tụng thường xảy ra dẫn đến việc hủy bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại như sau:

Một là, vi phạm về thành phần hội đồng xét xử;

Hai là xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng;

Ba là không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng khi giải quyết vụ án;

Bốn là vắng mặt thành phần tham gia tố tụng quan trọng nhưng không có lý do chính đáng hoặc không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc các trường hợp vắng mặt theo luật định.

Năm là không thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa khi thuộc trường hợp phải từ chối, thay đổi theo quy định của BLTTHS;

Sáu là vi phạm về thủ tục tiến hành phiên tòa;

Bảy là bỏ sót chưa giải quyết triệt để hết các yêu cầu của người tham gia tố tụng;

Tám là việc nghị án không đúng.

Bên cạnh đó, một điều cần lưu ý, không phải tất cả các vi phạm pháp luật BLTTHS của tòa án cấp sơ thẩm đều là căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại mà những vi phạm pháp luật đó phải đến mức nghiêm trọng, tức là làm cho việc giải quyết đó thiếu khách quan, toàn diện, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Còn những vi phạm pháp luật mà không làm ảnh hưởng nghiêm trọng thì không coi là căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án và chuyển hồ sơ cho tòa án cấp xét xử sơ thẩm xét xử lại.

3.2. Kiến nghị hoàn thiện quy định về căn cứ hủy bản án hình sự để điều tra lại.

Cần có văn bản hướng dẫn đối với trường hợp hủy án để điều tra lại“Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được” tại điểm b khoản 1 Điều 358 BLTTHS, theo chúng tôi văn bản hướng dẫn như sau:

“Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được cần phải thỏa mãn hai điều kiện sau đây:

 1/ Các vấn đề được Tòa án cấp phúc thẩm phát hiện ra đã tồn tại ngay từ đầu khi thụ lý xét xử sơ thẩm nhưng do Cơ quan điều tra và thành phần tham gia tố tụng không biết đến sự tồn tại của chúng hoặc chúng chưa xuất hiện. Việc không biết các vấn đề này có thể là do nguyên nhân khách quan làm cho Cơ quan điều tra không thu thập được và các thành phần tham gia tố tụng không biết song cũng có thể do một số người tham gia tố tụng biết nhưng cố ý che dấu không cung cấp làm cho Tòa án sơ thẩm không thể biết được. Ngược lại cũng có thể do người tham gia tố tụng hoặc những người tiến hành tố tụng biết mà che dấu, bỏ qua không xem xét chúng, làm chúng không được tồn tại trong hồ sơ vụ án.

2/ Về mặt thời gian, các vấn đề được xem là việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được được Tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm phát hiện ra sự tồn tại và sự quan trọng của chứng cứ đó nhằm giải quyết triệt để vụ án. Việc Tòa án phát hiện ra có tồn tại chứng cứ mới có thể do quá trình Tòa án nghiên cứu hồ sơ vụ án, xem xét và phát hiện ra sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm không đánh giá các chứng cứ đó hoặc cũng có thể là do người kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phát hiện sự tồn tại các chứng cứ mới nhưng các chứng cứ này Tòa án không thể bổ sung, thu thập ngay tại phiên tòa được”.

Từ các lập luận trên theo chúng tôi để giải thích việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được thì phải căn cứ vào hai tiêu chí nguyên nhân chúng tồn tại, xuất hiện và thời điểm chúng xuất hiện đã làm thay đổi nội dung vụ án và khi Tòa án phát hiện ra chúng mà không thể bổ sung ngay được thì Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ ra quyết định hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.

 

Tòa án nhân dân huyện Tiên Phước, Quảng Nam xét xử vụ án hình sự -Ảnh: VP

 

 

 

TRẦN VĂN HÙNG (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)