Sự ảnh hưởng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm vụ án hình sự đến thẩm quyền của của Hội đồng xét xử

Cơ sở để phát sinh trình tự xét xử phúc thẩm chính là kháng cáo, kháng nghị của các chủ thể có thẩm quyền và nội dung kháng cáo, kháng nghị này có ảnh hưởng rất lớn đến việc ra quyết định của Hội đồng xét xử phúc thẩm.

Trong tố tụng hình sự, ngoài yêu cầu là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và chống oan, sai thì việc bảo đảm tối đa quyền của những chủ thể tham gia tố tụng cũng là vấn đề được các cơ quan tiến hành tố tụng chú trọng. Chính vì vậy, xét xử phúc thẩm với vai trò là cấp xét xử thứ hai cũng là cấp xét xử cuối cùng sẽ xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án và phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm để đưa ra quyết định có giá trị thi hành. Cơ sở để phát sinh trình tự xét xử phúc thẩm chính là kháng cáo, kháng nghị của các chủ thể có thẩm quyền và nội dung kháng cáo, kháng nghị này có ảnh hưởng rất lớn đến việc ra quyết định của Hội đồng xét xử phúc thẩm (HĐXXPT).

1. Kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm

Thứ nhất, về đối tượng kháng cáo, kháng nghị. Tại khoản 2 Điều 330 BLTTHS 2015 quy định “Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này. Căn cứ vào quy định này, có thể thấy được đối tượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm gồm: Quyết định tạm đình chỉ vụ án; Quyết định đình chỉ vụ án; Quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo; Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và Quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định tại Bộ luật này.

Thứ hai, thẩm quyền và phạm vi kháng cáo, kháng nghị:

Về thẩm quyền và phạm vi kháng nghị đã được quy định rất rõ tại Điều 336 BLTTHS 2015. Theo đó, Viện kiểm sát (VKS) có quyền kháng nghị toàn bộ quyết định hoặc bản án sơ thẩm. Đối với thẩm quyền và phạm vi kháng cáo  của các chủ thể đã được quy định rất rõ ở Điều 331 BLTTHS 2015.

Tuy nhiên, khi so sánh với khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015 vẫn còn một điểm chưa thống nhất. Ở khoản 1 Điều 331 BLTTHS 2015 quy định bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Tuy nhiên, tại Điều 357 BLTTHS 2015 quy định về kháng cáo theo hướng tăng nặng lại chỉ quy định “trường hợp VKS kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu”. Như vậy, để kháng cáo theo hướng tăng nặng thì người đại diện của bị hại không có quyền kháng cáo. Như vậy, quy định tại Điều 357 và Điều 331 BLTTHS 2015 là mâu thuẫn với nhau và không đảm bảo quyền kháng cáo của bị hại có người đại diện hợp pháp. Theo tác giả, nên bổ sung quy định về quyền kháng cáo của người đại diện của bị hại vào khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015.

2. Thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm

Điều 339 BLTTHS 2015 quy định: “Những phần của bản án, quyết định của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 363 của Bộ luật này. Khi có kháng cáo, kháng nghị đối với toàn bộ bản án, quyết định thì toàn bộ bản án, quyết định chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 363 của Bộ luật này.”

Như vậy, có thể thấy thấy thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm bị phụ thuộc vào phạm vi kháng cáo, kháng nghị. Những phần của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị sẽ có hiệu lực thi hành ngay sau khi hết thời hạn thời hạn kháng cáo, kháng nghị sẽ không được HĐXX xem xét vì đó không phải là đối tượng của xét xử phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 330 BLTTHS. BLTTHS 2015 được thông qua có nhiều điểm mới quy định về hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị phù hợp với quy định về nguyên tắc hai cấp xét xử.

BLTTHS 2015 được đánh giá là có nhiều điểm tích cực, khắc phục được những hạn chế của BLTTHS 2003. Tuy nhiên, vẫn có những điểm bất cập trong quy định về kháng cáo, kháng nghị làm ảnh hưởng đến giới hạn xét xử phúc thẩm, trao cho một số chủ thể có phạm vi kháng cáo quá rộng không phù hợp với địa vị tố tụng của họ và từ đó làm cho việc thực hiện thẩm quyền của HĐXXPT có nhiều điểm mâu thuẫn, bất cập đó là:

Thứ nhất: Tại khoản 1 Điều 331 BLTTHS 2015 quy định về quyền kháng cáo của bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại, cho phép những chủ thể này có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo tác giả là chưa hợp lý. Bởi vì trong quan hệ pháp luật hình sự, Nhà nước có quyền buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự, phải chịu hình phạt, người phạm tội có nghĩa vụ pháp lý phải thực hiện trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt[1]. Chính vì vậy trao cho bị hại quyền kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm tức là có cả kháng cáo về quyết định hình hình phạt và tại khoản 2 Điều 357 BLTTHS 2015 quy định cho bị hại có quyền kháng cáo về tăng hình phạt, áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn là không hợp lí. Mà quyền này phải do VKS với tư cách là đại diện cho Nhà nước thực hành quyền công tố thực hiện chỉ nên quy định quyền này cho bị hại và người đại diện hợp pháp trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của họ, vì trong trường hợp này, họ là chủ thể khởi động quyền công tố. Những chủ thể này chỉ được kháng cáo phần quyết định về mặt hình sự khi vụ án được khởi tố theo yêu cầu của họ theo quy định tại Điều 155 BLTTHS.

Bởi lẽ, khác với những trường hợp khác, những vụ án được khởi tố theo yêu cầu thì chính những chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố mới là chủ thể khởi động cho hoạt động tố tụng và hoạt động tố tụng chấm dứt khi những chủ thể này rút yêu cầu khởi tố một cách tự nguyện. Nên quan hệ tố tụng sẽ không được phát sinh nếu thiếu yêu cầu của những chủ thể này. Chính vì vậy, trao cho những chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự được kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án là hợp lý. Vì lý do đó, tác giả kiến nghị sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 331 BLTTHS như sau: “Bị cáo, người có quyền yêu cầu khởi tố vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 155 của Bộ luật này có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm”.

Thứ hai, về phần giới hạn xét xử phúc thẩm vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị được quy định tại khoản 3 Điều 357 BLTTHS: “Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.” Quy định này theo tác giả là không hợp lý bởi lẽ phần bản án không bị kháng cáo kháng nghị đã có hiệu lực và được thi hành. Nếu như phát hiện sai sót ở phần này thì phải được khắc phục ở giai đoạn giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Mặt khác, quy định này không phù hợp với nguyên tắc hai cấp xét xử cũng như bản chất của thủ tục phúc thẩm là xét xử lại quyết định, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bị kháng cáo, kháng nghị. Chính vì vậy, tác giả kiến nghị bỏ quy định tại khoản 3 Điều 357 BLTTHS cho phù hợp với tính chất của xét xử phúc thẩm và phù hợp với nguyên tắc hai cấp xét xử được quy định tại Điều 27 BLTTHS.

Thứ ba, có thể thấy thẩm quyền của HĐXXPT bị giới hạn bởi phạm vi của kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, nếu như kháng cáo, kháng nghị vượt quá thẩm quyền xét xử  sơ thẩm thì cũng không được cấp phúc thẩm chấp nhận.

Giả sử trường hợp, bị cáo Nguyễn Văn A bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội trộm cắp tài sản của nhà anh Trần C vào ngày 02/3/2019. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm, bị hại kháng cáo đề nghị áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” vì trước đó A đã có hai lần trộm cắp tài sản của C. Trường hợp này mặc dù có căn cứ để sửa bản án sơ thẩm theo hướng tăng nặng hình phạt đối với C vì có kháng cáo theo hướng tăng nặng, tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, những lần phạm tội trước đó chưa được điều tra, truy tố nên nếu HĐXXPT chấp nhận kháng cáo sẽ vượt quá giới hạn xét xử sơ thẩm. Trường hợp này, nếu có căn cứ thì chỉ có thể kiến nghị với chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Như vậy, dù kháng cáo, kháng nghị hợp lệ, không vi phạm quy định của pháp luật nhưng nếu vượt quá thẩm quyền xét xử sơ thẩm thì cũng không được chấp nhận.

Chính vì vậy, tác giả kiến nghị bổ sung quy định về nội dung của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm  tại khoản 2 Điều 332 và khoản 2 Điều 336 là “nội dung của kháng cáo, kháng nghị phải phù hợp với giới hạn xét xử sơ thẩm theo quy định tại Điều 298 BLTTHS”.

 

TAND cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch mua bán đất - Ảnh: Huy Hùng

 


[1] Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, nxb CAND, tr. 14.

HOÀNG ĐÌNH DŨNG (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4)