Vấn đề Tòa án tuyên không phạm tội - Bất cập và kiến nghị

Trong thực tiễn có nhiều vụ án Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội dẫn đến nhiều vấn đề pháp lý phát sinh và một số quy định BLTTHS và văn bản hướng dẫn về quy định Tòa án tuyên không phạm tội vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Quyết định tội danh là một quyết định quan trọng của bản án hình sự, trong thực tiễn xét xử việc xác định một hành vi có tội hay không có tội cần dựa vào sự đánh giá khách quan, toàn diện và đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. 

1. Các vi phạm dẫn đến Tòa án tuyên không phạm tội

Trong quy định của BLTTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định căn cứ để Tòa án tuyên không phạm tội, nhưng từ thực tiễn hoạt động xét xử và các báo cáo Viện kiểm sát thì có các dạng vi phạm sau:

1.1. Không có sự việc phạm tội xảy ra

BLTTHS quy định một trong những căn cứ không được khởi tố vụ án là “Không có sự việc phạm tội” (khoản 1 Điều 107). Tuy nhiên, trong những vụ án Tòa tuyên không phạm tội nêu trên có trường hợp CQĐT khởi tố và VKS truy tố khi tài liệu chứng cứ trong hồ sơ không chứng minh được là đã có sự việc phạm tội xảy ra, dẫn đến việc Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.

1.2. Hành vi bị khởi tố, truy tố không có tính nguy hiểm của tội phạm

Khoản 4 Điều 8 BLHS quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”, trong quá trình giải quyết vụ án thì hành vi tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng tính nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, chưa đến mức xử lý hình sự nhưng CQĐT và VKS vẫn khởi tố, truy tố, dẫn đến Tòa án tuyên không phạm tội.

1.3. Hậu quả nguy hại xảy ra do sự kiện bất ngờ

Điều 11 BLHS quy định: “Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Nhưng trong thực tế do đánh giá không đúng tính chất hành vi nên có trường hợp hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ vẫn bị khởi tố, truy tố, dẫn đến Tòa án tuyên không phạm tội.

1.4. Truy cứu trách nhiệm hình sự người không phải là đồng phạm

Điều 20 BLHS quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”, nghĩa là phải cùng động cơ mục đích thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng trong thực tế do đánh giá không đúng hành vi đồng phạm dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi không cùng chung ý chí với người phạm tội.

1.5. Hình sự hóa quan hệ dân sự

Tình trạng vay nợ tại các địa phương trong thời gian qua diễn ra phổ biến, nhiều trường hợp khó phân biệt ranh giới giữa hành vi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với giao dịch dân sự nên rất dễ dẫn tới tình trạng hình sự hóa quan hệ dân sự hoặc ngược lại.

1.6. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chiếm đoạt tài sản của chính người có quyền sở hữu, quản lý, sử dụng

Trong các tội phạm có tính chất chiếm đoạt tài sản thì việc xác định quyền sở hữu, quản lý, sử dụng đối với tài sản bị chiếm đoạt có ý nghĩa quan trọng để xác định có hay không có hành vi phạm tội, nhưng qua các vụ án Tòa án tuyên không phạm tội cho thấy có vụ các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, truy tố cả hành vi chiếm đoạt tài sản mà tài sản đó không phải là tài sản của người khác như luật đã quy định mà quy kết chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu chung vợ chồng, hoặc đang thuộc quyền quản lý, sử dụng của người bị truy tố dẫn đến Tòa án tuyên không phạm tội.

1.7. Quá trình thu thập chứng cứ có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, dẫn đến chứng cứ không có giá trị chứng minh

Nhiều trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội do quá trình thu thập chứng cứ có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, dẫn đến chứng cứ buộc tội không có giá trị chứng minh, do đó không đủ căn cứ kết tội bị cáo.

1.8. Không đủ căn cứ chứng minh lỗi của bị cáo

Điều 63 BLTTHS quy định cụ thể những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự, trong đó bắt buộc cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh người thực hiện hành vi phạm tội có lỗi hay không có lỗi, nhưng nhiều vụ án VKS khi truy tố không đủ chứng cứ hoặc tài liệu mâu thuẫn về việc kết luận lỗi của bị cáo, đặc biệt là lỗi dẫn đến tai nạn giao thông trong các vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, dẫn tới Tòa án đã tuyên bị cáo không phạm tội.

2. Bất cập, hạn chế và kiến nghị hoàn thiện

Theo quy định tại Điều 298 BLTTHS về Giới hạn của việc xét xử “1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.

3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.

Trong quy định về giới hạn xét xử về tội danh tồn tại hai vấn đề:

Một là Tòa án xét xử về tội danh theo quyết định truy tố của Viện kiểm sát

Hai là Tòa án được xét xử tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Như vậy, tại khoản 1 Điều 298 BLTTHS quy định về phạm vi xét xử của Tòa án theo quyết định truy tố về tội danh của Viện kiểm sát tức là Tòa án không được quyền xét xử các tội danh khác dù đó là tội danh nặng hay nhẹ hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố, nhưng tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS lại quy định việc Tòa án được xét xử tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố, như vậy, bản chất Điều 298 BLTTHS đang có sự mâu thuẫn.

Từ những sự phân tích nêu trên kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS về Giới hạn của việc xét xử “3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền tuyên bị cáo không phạm tội”.

Như vậy, khi Tòa án có căn cứ cho rằng bị cáo phạm tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định truy tố để đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ Tòa án theo quy định của Hiến pháp thì việc Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội với tội danh mà Viện kiểm sát truy tố là hoàn toàn phù hợp.

 

Tòa án nhân dân huyện Lộc Ninh, Bình Phước xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

TRẦN VĂN HÙNG (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4)