Vũ Văn Q không phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Bùi Đức Tùng, đăng ngày 13/8/2024, và các ý kiến trao đổi, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai cho rằng chưa đủ để cấu thành tội phạm nên Q không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Khoản 1 Điều 250 tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” BLHS quy định:“Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Theo đó, đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản do người khác phạm tội mà có, có thể là tài sản có được trực tiếp từ hành vi phạm tội, có thể là có được do đổi chác, mua bán bằng tài sản có được trực tiếp từ hành vi phạm tội. Về hành vi khách quan, có hai dạng hành vi là hành vi chứa chấp và hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là hành vi mua, bán, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp,… hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó.
Có thể thấy, tội danh này phải đáp ứng được tiêu chí “do người khác phạm tội mà có”, tức là hành vi của tội phạm ban đầu phải cấu thành tội phạm thì mới có thể được coi là tội phạm và là đối tượng tác động của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đối với tội danh này, yếu tố lỗi đặc biệt quan trọng. Đó là phạm tội với lỗi cố ý. Họ nhận thức rõ tài sản là do phạm tội mà có mà vẫn thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ và không hứa hẹn trước, không bàn bạc thỏa thuận trước (nếu có thì bị coi là đồng phạm với người phạm tội đó).
Ngoài ra, đối với trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội ban đầu mặc dù hành vi đã cấu thành tội phạm nhưng do chưa đủ tuổi nên không bị xử lý hình sự thì theo mục 8 Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03 tháng 4 năm 2019 có hướng dẫn như sau:
“Như vậy, theo quy định tại Điều 323 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn nêu trên thì mặt chủ quan của tội phạm này chỉ bắt buộc người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết tài sản đó do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa. Do vậy, trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng có đủ chứng cứ chứng minh được ý thức chủ quan của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ biết rõ các tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.”
Hướng dẫn trên cho rằng trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu TNHS nhưng có đủ chứng cứ chứng minh được ý thức chủ quan của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ biết rõ các tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tuy nhiên, trường hợp này không bị truy cứu TNHS do chưa đủ tuổi nhưng thực tế hành vi đó đã cấu thành tội phạm. Hành vi phạm tội khác biệt hoàn toàn so với hành vi vi phạm hành chính nên trong tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có phải đặt ra vấn đề về nguồn gốc của tài sản là “do phạm tội mà có”, không phải là do vi phạm hành chính mà có.
Trở lại vụ án, hành vi trộm cắp tài sản của T chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm do chưa đủ định lượng và khi T đem bán cho Q, Q có hỏi T về nguồn gốc số lõi đồng và T có nói cho Q biết số lõi đồng trên là do T vừa trộm cắp ở cột đèn điện chiếu sáng trên Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Ý thức của Q là biết rõ đây là tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, hành vi trộm cắp của T không phải là hành vi phạm tội bởi lẽ định lượng chưa đủ để cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 BLHS nên mặc dù Q có biết về nguồn gốc tài sản nhưng không bị xử lý về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến từ quý độc giả.
TAND huyện huyện Mang Yang, Gia Lai xét xử vụ án“Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” - Ảnh: Thu Thảo
Bài liên quan
-
Trần Đức C phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
-
Hành vi của Trần Đức C đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 BLHS
-
Trần Đức C phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
-
Trần Đức C có phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận