Bùi Văn A phạm tội gì?

A đi xe ôm của ông B. Đường xa nên có đoạn A cầm lái thay ông B. Khi dừng xe để ông B xuống lấy nước đổ vào lốc cho nguội máy thì A vọt ga chạy mất. A phạm tội gì?

Vào khoảng 13 giờ ngày 19/8/2019, Bùi Văn A, sinh năm 1998, thuê ông Ninh Văn B là tài xế xe ôm, đi từ thành phố H đến huyện Đ, TP. C. Sau khi hai bên thỏa thuận giá xong tiền thuê xe, ông B điều khiển xe mô tô nhãn hiệu wave RSX chở A ngồi phía sau. Khi đi được một đoạn thì ông B nói với A là không rành đường nên giao xe cho A điều khiển để đi cho nhanh. Đến đoạn đường thuộc quận T, ông B thấy xe bị nóng máy nên kêu A nghỉ một lát và lấy chai nước suối đổ vào lốc máy cho nguội. Sau đó, A tiếp tục điều khiển xe  chở ông B đến địa phận huyện Đ, thành phố C, A quan sát thấy 01 cái xô bên đường, nên  nhớ lại việc ông B lấy nước đổ vào lốc máy xe nên  nảy sinh ý định chiếm đoạt xe của ông B, nên A kêu ông B lấy cái xô của  người dân để gần mé kinh múc nước đổ vào lốc máy xe, ông B nghe theo lời A vừa đi xuống mé kinh thì A điều khiển xe đi mất. Ông B trình báo Công an và sau đó A bị bắt cùng tang vật.

Vấn đề xác định tội danh đối với Bùi Văn A, hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau, có quan điểm cho rằng A phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, lại có quan điểm cho rằng A phạm tôi “Cướp giật tài sản”. Chúng tôi cho rằng A phạm tội “Cướp giật tài sản mới thỏa đáng”.

Chúng ta phân tích các dấu hiệu về mặt khách quan của những tội danh nêu trên, để xác định tội  danh đối với Bùi Văn A.

Về mặt khách quan của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” thì người phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không sử dụng vũ lực mà chỉ lợi dụng tình trạng người quản lý tài sản không có khả năng ngăn cản để công khai chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội không cần tẩu thoát vì lợi dụng sự vướng bận của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, không thể đuổi bắt kịp. Sự vướng bận của chủ sở hữu, người quản lý tài sản có thể do chủ quan hoặc khách quan, như đang sửa điện trên cột điện, hoặc những hoàn cảnh khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn,…(không có biện pháp nào ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội hoặc nếu có thì không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị ngươi phạm tội lấy đi một cách công khai), những hoàn cảnh này phải là khách quan hoặc do người khác gây ra chứ không phải do người phạm tội gây ra. Đối chiếu với tình huống trên thì Bùi Văn A đã tự tạo ra hoàn cảnh để chiếm đoạt tài sản của ông B bằng cách nói kêu ông B đi lấy xô múc nước để có cơ hội chiếm đoạt tài sản. Do đó, hành vi của A không thỏa mãn tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Về mặt khách quan của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì người phạm tội phải dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể là người phạm tội đưa ra những thông tin gian dối, không đúng sự thật làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản nhầm tưởng mà tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản cho người phạm tội. Sau khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản một khoảng thời gian nhất định thì chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản mới phát hiện mình bị lừa đảo, chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản tự mình chuyển giao quyền quản lý tài sản hoặc quyền sở hữu về tài sản cho người người phạm tội, sau khi bị người phạm tội thực hiện hành vi gian dối. Trong trường hợp nêu trên, mặc dù trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của ông B, A đã có các hành vi gian dối là kêu ông B đi lấy xô nước để lấy xe chạy tẩu thoát, sự việc A kêu ông B múc nước để đổ vô lốc máy xe, đây không phải là hành vi gian dối vì trong quá trình di chuyển quảng đường xa thì lốc máy xe bị nóng và ông B cũng đã lấy nước đổ vào lốc máy,  A quan sát thấy được điều đó và đã kêu ông B lấy xô múc nước để đổ vào lốc máy, đó chỉ là thủ đoạn mà A dùng để dễ dàng tiếp cận tài sản và tạo ra sự thuận lợi thực hiện hành vi chiếm đoạt. Bùi Văn A lại thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của ông B một cách công khai và nhanh chóng. Do đó, A không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về mặt khách quan của tội “Cướp giật tài sản” thể hiện dưới 02 hình thức chính là: Hành vi chiếm đoạt công khai và hành vi nhanh chóng tẩu thoát. Hành vi của tội “Cướp giật tài sản” thường biểu hiện như giật lấy, giằng lấy tài sản đang trong sự quản lý của người khác rồi nhanh chóng tẩu thoát. Để mong muốn chiếm đoạt được tài sản của người khác, người phạm tội có sự chuẩn bị cũng như thực hiện một loạt các thủ đoạn xảo quyệt khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, như tìm cách tiếp cận  chủ sở hữu, người quản lý tài sản, tiếp cận tài sản, tạo ra sự sơ hở đối với chủ sở hữu, người quản lý tài sản để dễ dàng chiếm đoạt tài sản đó…

Trong tình huống nêu trên, A đã nhận biết việc chiếm đoạt tài sản của ông B ngay tại thời điểm chiếm đoạt tài sản. Ngay trước đó, A đã có hành vi để dễ tiếp cận chiếc xe là việc A kêu ông B xuống xe đi lấy cái xô múc nước nhằm tạo ra sự sơ hở của ông B về việc quản lý tài sản là chiếc xe máy. Có ý kiến cho rằng, ngay tại thời điểm ông B xuống xe để lấy xô múc nước thì ông B đã chuyển giao quyền chiếm hữu đối với chiếc xe cho A qua việc gửi giữ tài sản (A trông giữ xe cho ông B). Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi thì ông B không chuyển giao quyền sở hữu, quyền quản lý tài sản là chiếc xe mô tô cho A, ông B chỉ giao cho A điều khiển xe khi có ông B, Chiếc xe mô tô hoàn toàn không nằm ngoài tầm kiểm soát của ông B, nên không có việc buộc ông B phải giao xe cho A để trông giữ. Bản thân Bùi Văn A đã tạo ra và lợi dụng sự sơ hở của ông B để chiếm đoạt chiếc xe một cách công khai, nhanh chóng để lấy tài sản rồi rồ ga chạy mất để tẩu thoát. Do đó, Bùi Văn A phạm tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại Điều 171 BLHS 2015.

Đây là quan điểm cá nhân của tác giả, mong nhận được ý kiến đóng góp, chia sẻ quan điểm để xác định tội danh đối với Bùi Văn A.

Xe ôm công nghệ – Ảnh VN Ex

PHẠM QUỐC KIỆT (TAND huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ)