Có thai khi bị cấm đi khỏi nơi cư trú, có được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai” ?

Hai bị can bị khởi tố và bị “cấm đi khỏi nơi cư trú”, trong thời gian bị áp dụng biện pháp ngăn chặn này, cả hai bị can có thai. Vấn đề đặt ra là họ có được hưởng tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai” khi xét xử hay không?

Ba quan điểm khác nhau

TAND huyện X thụ lý hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm số 20/TLST-HS ngày 11/ 4/ 2020. Hai bị can (cả hai bị can A và B đều là nữ) trong vụ án bị truy tố về tội “Đua xe trái phép” theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 266 BLHS 2015. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, căn cứ vào các quy định của pháp luật, Toà án quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với 2 bị can A và B như VKSND đã áp dụng trước đó.

Trong quá trình thực hiện Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, cả hai bị can đều nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên, trong thời gian này, A và B đã có thai. Thời điểm có thai được xác định diễn ra trong thời gian đang bị Viện kiểm sát áp dụng “Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú”. Ngày 11/6/2020, TAND huyện X đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án trên. Thời điểm này, bị cáo A đang mang thai, bị cáo B đã bị sảy thai. Tuy nhiên, trong phần tranh luận tại phiên toà, luật sư bào chữa cho hai bị cáo nêu quan điểm đề nghị VKSND và HĐXX áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai”  theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 51 BLHS năm 2015 đối với 02 bị cáo trên.

Hiện nay, có 03 quan điểm khác nhau đối với đề nghị của luật sư:

Một là, không chấp nhận đề nghị của luật sư. Bởi lẽ, quy định tại BLHS chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi người phạm tội là phụ nữ có thai, chứ không áp dụng tình tiết giảm nhẹ này trong trường hợp hành vi phạm tội của 02 bị cáo đã được hoàn thành.

Hai là, chấp nhận một phần đề nghị của luật sư. HĐXX sẽ áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai”  đối với A, không áp dụng đối với B vì tại thời điểm mở phiên toà, chỉ A là vẫn còn mang thai còn B đã bị sảy thai.

Ba là, chấp nhận đề nghị của luật sư. Lý do là trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, mặc dù hai bị cáo đều không mang thai nhưng trong quá trình bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, hai bị cáo đã mang thai. Việc bị cáo B sảy thai không làm thay đổi bản chất của vụ án, không vi phạm cam đoan của người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”.

Trong các quan điểm đã nêu trên, tác giả đồng tình với quan điểm thứ ba. Theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 51 BLHS 2015, tình tiết “Người phạm tội là phụ nữ có thai” là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Thực tế trong vụ án này, như đã phân tích ở quan điểm thứ ba, trong quá trình truy tố và xét xử, các bị can (bị cáo) đều đã có thai. Quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 của BLHS năm 2015 không phân biệt người phạm tội là phụ nữ có thai tại thời điểm phạm tội hay trong quá trình điều tra – truy tố – xét xử, hậu quả pháp lý của việc xảy thai. Do đó, đối chiếu với quy định của pháp luật, với mục đích là áp dụng pháp luật chính xác, đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị cáo và chính sách nhân đạo của nhà nước, việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai” cho hai bị cáo A, B là chính xác và cần thiết.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với đề nghị của luật sư trong vụ án này, rất mong nhận được sự quan tâm, góp ý cũng như quan điểm của độc giả, đồng nghiệp.

Kiến nghị

Để đảm bảo thống nhất việc áp dụng quy định pháp luật trên phạm vi toàn quốc, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC, các cơ quan chức năng sớm có quy định, hướng dẫn cụ thể về vấn đề áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai”; đặc biệt là quy định chi tiết về thời điểm có thai được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là phụ nữ có thai”, nếu người phạm tội sảy thai thì có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ hay không.

Bên cạnh đó, về vấn đề áp dụng tình tiết giảm nhẹ này đối với người thực hiện hành vi phạm tội cũng cần có quy định chặt chẽ hơn để tránh trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội là phụ nữ lợi dụng chính sách nhân đạo của nhà nước và pháp luật để giành “lợi ích” cho mình. Ví dụ như trong trường hợp của vụ án này, theo quy định của pháp luật, việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo là chính xác và cần thiết. Cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú” là phù hợp với quy định của pháp luật. Nhưng trong trường hợp tương tự, trong thời gian bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, nếu các bị can (bị cáo) cố tình quan hệ tình dục, thụ tinh nhân tạo để có thai…; cơ quan tiến hành tố tụng phải ghi nhận đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong quá trình giải quyết vụ án thì vô hình trung chính sách nhân đạo của nhà nước và pháp luật đã bị lợi dụng. Trong vấn đề này, tác giả cho rằng điều này là không phù hợp nên kiến nghị các cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn nữa.

 

Một bị cáo nữ tại phiên toà hình sự sơ thẩm. Nguồn: Nhật Trường – VOV ĐBSCL.

 

 

 

 

ĐỖ THÀNH THẮNG (TAQS Quân chủng Hải quân)