Đương sự có yêu cầu độc lập chia thừa kế nhưng không có đơn, không nộp tiền tạm ứng án phí

         Ngày 15/6/017, ông Nguyễn Văn Ánh nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông Nguyễn Văn Bi phải chia cho ông Ánh phần di sản thừa kế mà cha mẹ của ông và ông Bi chết để lại không có di chúc là 2.000m2 trong tổng số 8.000m2 đất hiện do ông Nguyễn Văn Bi đang quản lý. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án thông báo cho ông Nguyễn Văn Ca, Nguyễn Văn Dư là anh em ruột của ông Ánh, ông Bi biết yêu cầu khởi kiện của ông Ánh và đưa ông Ca, ông Dư vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tại phiên hòa giải, ông Ca, ông Dư có trình bày yêu cầu Tòa án buộc ông Bi phải chia thừa kế cho ông Ca, ông Dư mỗi người được hưởng là 2.000m2 đất. Quá trình giải quyết vụ án tiếp theo, ông Ca, ông Dư không làm đơn yêu cầu độc lập và không đồng ý chịu nộp tiền tạm ứng án phí. Giả sử ông Ca, ông Dư không thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm án phí thì giải quyết thế nào.

          Với tình huống trên, vấn đề xin được trao đổi là: Nếu ông Ca, ông Dư chỉ trình bày yêu cầu chia thừa kế nhưng họ không làm đơn yêu cầu độc lập và không đồng ý nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định thì Tòa án có xem xét giải quyết yêu cầu của ông Ca, ông Dư không? Thực tế đã có hai quan điểm như sau:

         Quan điểm 1: Mặc dù ông Ca, ông Dư không làm đơn yêu cầu độc lập và không đồng ý nộp tiền tạm ứng án phí nhưng Tòa án buộc phải xem xét giải quyết yêu cầu của họ vì có liên quan đến việc giải quyết vụ án và như vậy mới giải quyết toàn diện vụ án. Nếu yêu cầu của ông Ca, ông Dư có căn cứ và được Tòa án chấp nhận thì Tòa án sẽ buộc họ chịu án phí theo quy định pháp luật.

         Quan điểm 2: Tòa án sẽ không xem xét giải quyết yêu cầu của ông Ca, ông Dư, vì họ không thực hiện đúng nghĩa vụ của người khởi kiện (nghĩa vụ làm đơn khởi kiện (yêu cầu độc lập) và nộp tiền tạm ứng án phí) nên chưa đủ điều kiện khởi kiện.

         Theo quy định tại Điều 202 của BLTTDS năm 2015: “Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn.”

         Đối chiếu quy định của BLTTDS thì thấy rằng: [1] Về nghĩa vụ phải làm đơn khởi kiện: Cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện (khoản 1 Điều 189 của BLTTDS năm 2015); [2] Về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, …, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí (khoản 1 Điều 146 của BLTTDS năm 2015).

         Quan điểm tôi cho rằng quan điểm thứ 2 là hợp lý hơn. Bởi vì khi tham gia tố tụng các đương sự có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Đây là nguyên tắc được ghi nhận tại Điều 8 của BLTTDS năm 2015. Nếu như Tòa án đã giải thích một cách rõ ràng cho ông Ca, ông Dư biết quy định của pháp luật về việc phải làm đơn yêu cầu khởi kiện (yêu cầu độc lập) và phải nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật thì yêu cầu mới được Tòa án thụ lý và xem xét giải quyết trong cùng vụ án ma hai ông này vẫn giữ nguyên ý kiến như đã nói thì Tòa án có quyền không xem xét giải quyết yêu cầu của họ.

        Giả sử yêu cầu của ông Ánh được Tòa án chấp nhận thì đối với phần di sản thừa kế còn lại Tòa án sẽ giao cho ông Bi tiếp tục quản lý. Nếu ông Ca, ông Dư có tranh chấp thì Tòa án giải quyết một vụ án khác theo quy định tại khoản 2 Điều 73 của BLTTDS năm 2015: “… Trường hợp yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khởi kiện vụ án khác.

          Trên đây là tình huống trao đổi đã gặp trong thực tiễn, rất mong Quý đồng nghiệp, bạn đọc của Tạp chí Tòa án cùng trao đổi để thống nhất quan điểm áp dụng pháp luật khi gặp tình huống tương tự.

        Ảnh có tính minh họa

 

 

DƯƠNG TẤN THANH - Thẩm phán TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh