Một số kinh nghiệm trong công tác hoà giải án dân sự

Trong giai đoạn hiện nay, hoà giải trong tố tụng dân sự ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc giải quyết tranh chấp tại Toà án. Đó là phương thức hiệu quả để đảm bảo quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự.

Hoà giải thành không chỉ giúp giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên toà xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước, tạo thuận lợi cho việc thi hành án mà còn hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị, nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Kết quả hoà giải còn có ý nghĩa làm rõ yêu cầu, tình tiết, quan hệ tranh chấp giữa các đương sự nhằm giải quyết đúng đắn vụ án trong trường hợp phải mở phiên toà xét xử, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Toà án.

Bên cạnh đó, hoà giải còn góp phần hàn gắn những rạn nứt, ngăn ngừa những tranh chấp trong tương lai giữa các đương sự. Đồng thời nâng cao ý thức pháp luật của người dân, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.

Do nhận thức sâu sắc về  ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hoà giải thành trong công tác giải quyết các loại án nên trong những năm vừa qua, TAND TP Tuyên Quang đã luôn chú trọng tới công tác hoà giải và xác định đây là một trong các nhiệm vụ, công tác trọng tâm của đơn vị nhằm phát huy, đề cao năng lực sáng tạo của cán bộ, công chức, khuyến khích các cá nhân đề ra những sáng kiến, cách làm hay và phương pháp hoà giải hiệu quả để từ đó nâng cao số lượng, chất lượng hoà giải thành.

Chính vì vậy, trong những năm vừa qua, TAND TP Tuyên Quang đã tiến hành hòa giải với tỷ lệ khá cao. Cụ thể, năm 2017, đơn vị hòa giải thành 278/400 vụ, việc, đạt 69,5%; năm 2018 hòa giải thành 463/575 vụ, việc, đạt 80,5%; năm 2019 hòa giải thành 402/523 vụ, việc, đạt 76,9%; năm 2020 hòa giải thành 494/621 vụ, việc, đạt 79,6%; năm 2021 hòa giải thành 498/575 vụ, việc, đạt 86,6%.

Qua thực tiễn thực hiện công tác Hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự trong những năm vừa qua, TAND TP Tuyên Quang đã rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, người chủ trì công tác hoà giải

Trước hết Thẩm phán phải nhận thức được ý nghĩa tầm quan của công tác hoà giải; đặc biệt quan tâm đến công tác hòa giải; xác định hoà giải là một biện pháp quan trọng không thể thiếu trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, là một thủ tục bắt buộc và phải tiến hành trước khi xét xử sơ thẩm, trên cơ sơ đó căn cứ vào tính chất vụ án, đối tượng khởi kiện để lựa chọn phương thức hoà giải phù hợp.

Quá trình hoà giải, Thẩm phán - Chủ trì phiên hoà giải phải giữ vai trò trung gian, vô tư, khách quan, công bằng, không áp đặt khi tiến hành hòa giải; điều hành việc hòa giải linh hoạt, mềm dẻo (lắng nghe ý kiến của các đương sự, giảm căng thẳng, tránh để các đương sự tổn thương tâm lý, bị xúc phạm,…); cử chỉ, tác phong, thái độ thể hiện sự thân thiện; sử dụng ngôn ngữ dễ nghe, dễ hiểu, kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ pháp lý và ngôn ngữ đời thường; phong cách giao tiếp thư thái, tự tin; sâu sắc nhưng chia sẻ; mềm dẻo, quyết đoán đúng thời điểm; vô tư và thân thiện; tập trung vào mâu thuẫn giữa các đương sự; không tập trung vào quan hệ, đặc điểm tốt, xấu của mỗi đương sự; tập trung vào lợi ích chung, không tập trung vào thái độ, cách cư xử của đương sự; không dùng ngôn ngữ tạo sự kích động cho đương sự; sử dụng linh hoạt nhiều loại câu hỏi để tháo gỡ hiệu quả mâu thuẫn, tranh chấp giữa các đương sự, kết hợp việc sử dụng lời nói với các tài liệu, chứng cứ và ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được mời tham gia phiên họp để thuyết phục đương sự.

Thứ hai, về  định hướng nội dung cần hòa giải

 Thẩm phán khi xem xét đánh giá nội dung quan hệ tranh chấp cần giải quyết trước tiên phải xác định được nội dung và các vấn đề cần hòa giải trong vụ án. Để giải quyết tốt nội dung này, Thẩm phán cần tìm hiểu nguyên nhân xảy ra tranh chấp, quan hệ pháp luật cần giải quyết để yêu cầu các bên đương sự cung cấp chứng cứ chứng minh.

Thẩm phán  muốn nắm bắt các vấn đề cơ bản và cần thiết của vụ án phải có sự chuẩn bị chu đáo nội dung trước cuộc hoà giải. Đó là việc giải thích viện dẫn chính xác các văn bản pháp luật, chính sách có liên quan đến vụ kiện, đồng thời giải quyết những vướng mắc trong tâm tư, tình cảm của các bên đương sự. Bên cạnh đó, người Thẩm phán phải có thái độ khách quan, không thiên vị nhằm định hướng các bên đương sự bàn bạc, thương lượng với nhau các vấn đề cần giải quyết.

Thứ ba, phối kết hợp giữa Toà án với chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở

Đây là công tác hết sức quan trọng, là tiền đề quyết định sự thành công của phiên hoà giải. Trong trường hợp cần thiết Thẩm phán phải phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể cơ sở khi giải quyết vụ án để tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, từ đó Thẩm phán nắm bắt một cách chi tiết cụ thể các tình tiết liên quan đến vụ kiện trên cơ sở đó đưa ra hướng hoà giải tích cực và hiệu quả. 

Thứ tư, về thời gian hoà giải

Cần chủ động đặt ra đối với các bên đương sự để bảo đảm tiến độ giải quyết vụ án, song phải căn cứ vào tính chất nội dung của các vụ án cụ thể, từ đó định ra khoảng thời gian phù hợp cho công tác hoà giải với phương châm “Kiên trì, không nóng vội, nhưng cũng không thể kéo dài”.

Việc bàn bạc thương lượng dù có đạt được thoả thuận hay không đều phải lập thành biên bản và biên bản phải phản ánh trung thực những diễn biến trong quá trình hoà giải. Những điểm bất đồng Thẩm phán tiếp tục nghiên cứu tìm biện pháp hoà giải lần sau. Tại phiên toà, Hội đồng xét xử một lần nữa cần giành thời gian và tạo cơ hội để các bên tự thoả thuận với nhau về việc giải quyết nội dung vụ án. Đây là nghệ thuật kỹ năng của các thành viên trong Hội đồng xét xử, cách xét hỏi để các đương sự hiểu biết lẫn nhau, hiểu biết về quy định pháp luật nhằm đi đến hòa giải được với nhau tại phiên toà.

Thứ năm, về địa điểm tổ chức hoà giải

 Ngoài công tác chuẩn bị nội dung các bước hoà giải, công tác chọn địa điểm để tổ chức hoà giải đối với một số vụ việc cũng có ý nghĩa quyết định đối với kết quả hoà giải. Nhiều vụ án dân sự cần đưa về nơi xảy ra tranh chấp hoặc nơi thường trú của các đương sự để phối hợp với các đoàn thể quần chúng, hoặc những người có uy tín ở cộng đồng địa phương cùng tham gia hoà giải. Như vậy vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các bên đương sự đồng thời tạo tâm lý thoải mái để họ ít mặc cảm hơn so với tổ chức hoà giải tại trụ sở Toà án.

Thứ sáu, các bước tiến hành hoà giải

Trước khi tiến hành hoà giải, Thẩm phán cần xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, qua đó tìm hiểu thái độ tâm lý, nhân thân của các đương sự; tiếp xúc, tác động tích cực, phân tích, giải thích đối với từng đương sự về tình tiết vụ án, tài liệu, chứng cứ, các quy định của pháp luật, án lệ, lẽ công bằng để các đương sự nhận thức được tính hợp pháp trong từng yêu cầu của họ, trên cơ sở đó thuyết phục các đương sự hòa giải. Đối với những vụ án có tính chất phức tạp thì chủ động tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức có chuyên môn về lĩnh vực tranh chấp; tiếp xúc, đề nghị những người có ảnh hưởng, có uy tín hoặc có khả năng vận động, thuyết phục đương sự hỗ trợ cho công tác hòa giải.

Trong quá trình hoà giải, Thẩm phán cần đặt ra kế hoạch cụ thể cho từng bước, hướng cho các đương sự những vấn đề cơ bản cần thoả thuận và dứt điểm từng nội dung; cần có thái độ trân trọng ghi nhận những vấn đề mà đôi bên đương sự nêu ra tại phiên hoà giải; giải thích thêm về pháp luật đối với những điểm chưa đạt được. Đồng thời động viên gợi mở các bên đương sự tiếp tục bàn bạc, thương lượng để các đương sự đi đến sự tự nguyện thoả thuận về những vấn đề cơ bản của sự tranh chấp và cả các điểm cụ thể mà các bên bất đồng quan điểm. Tuyệt đối phải tránh vội vàng, nôn nóng, làm tổn hại đến danh dự, tự ái cá nhân của các bên. Ngoài ra, Thẩm phán dùng tình cảm, uy tín, lẽ phải để thuyết phục các bên, tạo ra được thái độ thân mật, cởi mở và chân thành, từ đó đương sự tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án hoặc tự nguyện rút đơn khởi kiện.

Một phiên hòa giải của TAND TP Tuyên Quang

NGUYỄN TUẤN VINH (Chánh án TAND TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang)