Dự thảo Quy tắc đạo đức và ứng xử của Hòa giải viên tại Tòa án

Hòa giải viên tại Tòa án do Tòa án tuyển chọn, bổn nhiệm và chỉ định để tiến hành hòa giải, đối thoại, giúp các bên tranh chấp, khiếu kiện thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Do vậy, Hòa giải viên phải luôn tu dưỡng đạo đức,bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn; nêu gương về đạo đức và ứng xử; giữ gìn hình ảnh và nâng cao uy tín của mình để xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhà nước và nhân dân. Với mục đích xây dựng những chuẩn mực đạo đức và ứng xử cho đội ngũ Hòa giải viên tại Tòa án phấn đấu, rèn luyện và thực hiện, trên cơ sở của Hiến pháp, pháp luật, sau khi tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm trong nước về các quy tắc đạo đức và ứng xử đối với Thẩm phán, Luật sư, Hòa giải viên của các Trung tâm Hòa giải thương mại, nhóm các chuyên gia đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quy tắc đạo đức và ứng xử của Hòa giải viên tại Tòa án.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy tắc đạo đức và ứng xử của Hòa giải viên tại Tòa án (sau đây gọi tắt là Quy tắc) quy định những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của Hòa giải viên tại Tòa án (sau đây gọi tắt là Hòa giải viên).

2. Quy tắc là cơ sở để Tòa án thực hiện việc đánh giá về đạo đức, ứng xử của Hòa giải viên, là một trong những căn cứ để xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên.

Điều 2. Yêu cầu chung

1. Hòa giải viên phải là người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật.

2.Hòa giải viên phải vô tư, khách quan, tận tâm, độc lậpvà tuân theo pháp luật khi tiến hành hòa giải, đối thoại.

Điều 3. Tôn trọng quyền tự quyết của các bên

Hòa giải viên phải tôn trọng quyền tự quyết của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại, tôn trọng và tạo điều kiện để các bên được tự do bày tỏ ý chí, đưa ra các quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu kiện một cách tự nguyện;không  ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.

Điều 4. Bảo mật

1. Hòa giải viên có trách nhiệm thông báo tới các bên và những người khác tham gia hòa giải, đối thoại về nguyên tắc bảo mật trong hòa giải, đối thoại.

2. Hoà giải viên luôn  giữ bí mật với người thứ ba về bất cứ thông tin, tài liệu, trao đổi mà mình có được trong quá trình hòa giải, đối thoại.

3. Các tài liệu, thông tin, lời trình bày của các bên trong quá trình hoà giải, đối thoại không được sử dụng làm chứng cứ trong các thủ tục tố tụng khác sau này,trừ trường hợp có sự đồng ý của bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến hoặc theo quy định của luật.

Điều 5. Tận tâm và thấu hiểu

1. Hòa giải viên phải tận tâm với công việc, thực hiện nhiệm vụ với nỗ lực cao nhất để hoàn thành công việc được giao một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

2. Với vai trò hỗ trợ các bên tìm ra phương án, giải pháp thỏa thuận, thống nhất để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, Hòa giải viên phải thấu hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của các bên; phân tích và giải thích cho các bên về các vấn đề liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện một cách thấu đáo.

 Điều 6. Không xung đột lợi ích

1. Trong quá trình hòa giải, đối thoại, Hòa giải viêncần chủ động tránh để xảy ra xung đột về lợi ích. Nếu phát hiện có xung đột về lợi ích thì Hòa giải viên cần chủ động thông báo cho Tòa án và các bên tham gia hòa giải, đối thoại biết.

2. Hòa giải viên phải từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiếp tục thực hiện hòa giải, đối thoại trong trường hợp lợi ích của mình hoặc người thân thích  xung đột với lợi ích của các bên tham gia hòa giải, đối thoại.

Điều 7. Bảo đảm bình đẳng

1. Hòa giải viên có trách nhiệm bảo đảm sự bình đẳng để các bên thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình tham gia hòa giải, đối thoại.

2. Hòa giải viên không được đối xử bất bình đẳng, phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội.

Điều 8. Vô tư, khách quan

1. Hòa giải viên phải vô tư, khách quan,không vì lợi ích cá nhân, không có bất kỳ sự định kiến hay thiên vị bất cứ bên nào trong vụ việc.

2. Hoà giải viên phải từ chối thực hiện nhiệm vụ nếu là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại hoặc trong trường hợp thấy rằng có thể không vô tư, khách quan trong khi làm nhiệm vụ.

Điều 9. Độc lập và tuân theo pháp luật

1. Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại một cách độc lập,không chịu sự can thiệp, chỉ đạo, tác động của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại.

2. Khi tiến hành hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, không để các vụ việc quá hạn luật định mà không có lý do chính đáng.

Điều 10. Cẩn trọng

Trong suốt quá trình tiến hành hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên phải phân tích, suy xét tỉ mỉ, kĩ lưỡng trong mọi hoạt động; thận trọng trong từng lời nói, hành động.

Điều 11. Mẫn cán

1. Hòa giải viên phải tổ chức, sắp xếp thứ tự, phân bố thời gian thực hiện công việc một cách khoa học và hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất.

2.Hoà giải viên phải không ngừng tu dưỡng đạo đức; học hỏi, nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Điều 12. Đúng mực

1. Hòa giải viên phải có tác phong nghiêm chỉnh, thái độ ứng xử hòa nhã, đúng mực.

2. Hòa giải viên không được có những cử chỉ, lời nói làm cho các bên bị tổn thương, bị xúc phạm.

Điều 13. Không vụ lợi

1. Hòa giải viên không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghềnghiệp.

2. Hòa giải viên không được gợi ý, đòi hỏi, đặt điều kiện vềlợi ích vật chất, lợi ích khác đối với các bên tham gia hòa giải, đối thoại.

Điều 14. Giữ gìn hình ảnh và uy tín

1. Hoà giải viên phải luôn ứng xử phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội;giữ gìn hình ảnh và uy tín của bản thân.

2. Hòa giải viên phải tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định tại nơi cư trú./.

Ảnh minh họa: Hòa giải viên tại Tòa án

HÀ CHI