Một số vấn đề về sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện vụ án dân sự

Trong thực tiễn, nhiều trường hợp yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện cũng có những quan điểm khác nhau, do chưa có hướng dẫn thống nhất. Tác giả xin trao đổi về hai tình huống thường gặp.

Bất kỳ một cơ quan, tổ chức hay cá nhân (gọi là đương sự[1]) nào cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, thì có quyền tự mình hoặc thông qua đại diện để khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Vấn đề này được quy định tại Điều 186 BLTTDS năm 2015 “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Mặt khác quyền khởi kiện là một trong những nguyên tắc cơ bản được nêu tại Điều 4 BLTTDS năm 2015 “Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự”.

Theo đó BLTTDS năm 2015 xác định việc khởi kiện vụ án dân sự là quyền của đương sự. Tuy nhiên, khi đương sự thực hiện quyền khởi kiện, về hình thức là phải làm đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 189 BLTTDS năm 2015. khoản 4 Điều 189 BLTTDS năm 2015 quy định cụ thể về đơn khởi kiện.

Như vậy, Luật đã quy định rõ hình thức cũng như nội dung của đơn khởi kiện, nhưng quá trình vận dụng trên thực tế vẫn còn tồn tại những vướng mắc hạn chế nhất định. Trong phạm vi bài viết này tác giả sẽ nêu ra, cùng với hướng hoàn thiện để góp phần áp dụng giải quyết hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đương sự.

1. Trường hợp người khởi kiện viết không đúng nội dung chính của đơn khởi kiện

Theo khoản 4 Điều 189 BLTTDS năm 2015 quy định đơn khởi kiện phải có 9 nội dung (trong đó 4 nội dung bắt buộc và 5 nội dung không bắt buộc) mà đương sự khi làm đơn khởi kiện nộp cho Tòa án phải đáp ứng được. Trong đó phải đáp ứng ít nhất 4 nội đung chính bắt buộc, nếu không đáp ứng được các nội dụng này thì Tòa án yêu cầu đương sự sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 193 BLTTDS năm 2015. Tòa án sẽ ấn định cho đương sự một thời hạn nhưng không quá 1 tháng, trường hợp đặc biệt, Thẩm phán được sự phần công của Chánh án để xem xét giải quyết đơn khởi kiện của đương sự có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày, sau thời hạn này mà đương sự không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện cho họ theo điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015. Nhưng vấn đề đặt ra là trường hợp đơn khởi kiện của đương sự đã đáp ứng theo quy định tại khoản 4 Điều 189 nhưng nội dung khởi kiện không đúng thì Tòa án có yêu cầu đương sự sửa đổi, bổ sung đơn hay không? Hiện nay tồn tại hai quan điểm khác nhau về vấn đề này, cụ thể:

+ Quan điểm 1: Cho rằng trong trường hợp đương sự làm đơn khởi kiện không đáp ứng được quy định tại khoản 4 Điều 189, thì Tòa án mới yêu cầu đương sự sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; riêng đối với trường hợp đương sự viết đơn có đầy đủ các nội dung theo quy định, trong đó có nội dung không đúng thì không thuộc trường hợp sửa đổi, bổ sung đơn và cũng không thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện cho đương sự theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192. Do đó, trường hợp này Tòa án phải tiến hành thụ lý, giải quyết theo quy định chung.

+ Quan điểm 2: Trong trường hợp đơn khởi kiện của đương sự có các nội dung theo quy định, nhưng có nội dung không đúng thì Tòa án yêu cầu đương sự sửa đổi hoặc bổ sung đơn khởi kiện, nếu quá thời hạn mà Tòa án đã ấn định ví dụ là 15 ngày, nhưng đương sự vẫn không sửa đổi, bổ sung thì phải trả lại đơn khởi kiện cho đương sự theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192.

Ví dụ: Bà A chung sống với ông B vào năm 2005 nhưng hai người không có đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, sau khi cưới nhau hai người chung sống tại khu vực T, phường E, quận G, thành phố Cần Thơ. Trong quá trình chung sống thì phát sinh mâu thuẫn, đến năm 2007 thì ly thân với nhau, sau đó ông B về gia đình của cha mẹ mình (ấp Đông Thuận, xã H, huyện CĐ, thành phố Cần Thơ sinh sống), đến đầu năm 2017 bà A làm đơn khởi kiện xin ly hôn với ông B tại Tòa án có thẩm quyền và theo đơn bà A khởi kiện thì bà viết cư trú của ông B là khu vực T, phường E, quận G, thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, theo xác nhận của chính quyền địa phương thì ông B không còn cư trú tại khu vực T, phường E, quận G, thành phố Cần Thơ.

Có quan điểm cho rằng đơn khởi kiện của bà A đã có đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTTDS năm 2015, viết rõ nơi cư trú của bị đơn (ông B). Mặc dù chính quyền địa phương xác nhận ông B không còn cư trú tại nơi này nhưng đơn khởi kiện của bà A không thuộc trường hợp sửa đổi, bổ sung khởi kiện và cũng không thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện, do đó Tòa án phải tiến hành thụ lý giải quyết theo quy định.

Chúng tôi cho rằng, việc lý giải theo quan điểm như trên là chưa đúng và phù hợp với quy định của pháp luật, không thể “máy móc” cho rằng đương sự đã viết đủ các nội dung theo quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTTDS, mặc dù có nội dung chưa đúng là không thuộc trường hợp cần sửa đổi, bổ sung đơn và phải tiến hành thụ lý. Tại điểm e khoản 1 Điều 189 quy định “Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện”.

Như vậy, đối chiếu với ví dụ trên thì Tòa án phải yêu cầu bà A viết lại cho đúng nơi cư trú của ông B, ấn định cho bà A một khoảng thời gian nhất định, nếu quá thời gian ấn định mà bà A không thực hiện thì tiến hành trả lại đơn khởi kiện mà không được thụ lý.

Do vậy, đối với hai quan điểm trên thì quan điểm 2 là theo tác giả có cơ sở pháp lý và đúng quy định, trong trường hợp nội dung trong đơn khởi kiện có nội dung đương sự viết chưa đúng thì phải xem đó là trường hợp đương sự chưa thỏa mãn nội dung này và phải yêu cầu đương sự viết lại cho đúng, nếu họ không thực hiện thì trả đơn mà không được thụ lý, trừ trường hợp nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện. Tuy nhiên, để hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc khởi kiện thiết nghĩ TANDTC cần có Nghị quyết hướng dẫn thêm về các tiêu chí đánh giá các trường hợp sai về nội dung đơn khởi kiện để tránh trường hợp vận dụng tùy tiện không áp dụng thống nhất quy định pháp luật, từ đó sẽ tước đi quyền khởi kiện của đương sự.

2. Trường hợp vụ việc theo thẩm quyền cho Tòa án khác giải quyết thì đương sự có phải sửa đổi đơn khởi kiện không

Theo quy định tại khoản 1 Điều 41 BLTTDS năm 2015 thì sau khi thụ lý vụ việc dân sự mà nhận thấy vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mình thì phải chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền thụ lý, giải quyết và xóa vụ án đó trong sổ thụ lý. Vấn đề đặt ra là khi đó đương sự có sửa đổi đơn khởi kiện của mình mà cụ thể là sửa phần nội dung về phần tên Tòa án nhận đơn khởi kiện không? Đối với vấn đề này hiện nay cũng có hai quan điểm khác nhau:

+ Quan điểm 1: Cho rằng đối với trường hợp này đương sự không phải sửa đổi đơn khởi kiện của mình, bởi lẽ đơn khởi kiện của đương sự đã đủ các nội dung theo quy định, và có nội dung tên Tòa án nhận đơn khởi kiện và Tòa án này đã tiến hành thụ lý đúng theo quy định, sau đó phát hiện việc giải quyết thuộc thẩm quyền của Tòa án khác là sự định đoạt, quyết định của Tòa án không phải của đương sự nên đương sự không phải sửa lại đơn khởi kiện, mà cụ thể là sửa tên Tòa án nhận đơn khởi kiện.

+ Quan điểm 2: Không đồng tình quan điểm 1, quan điểm 2 cho rằng đương sự phải sửa đơn khởi kiện của mình, mà cụ thể là phải sửa tên Tòa án nhận đơn khởi kiện, về nguyên tắc Tòa án chỉ giải quyết trong đơn khởi kiện của đương sự, theo đơn khởi kiện của đương sự ghi Tòa án này thì Tòa án khác không thể thụ lý, giải quyết đơn khởi kiện được.

Đối với trường hợp này thì hiện nay TANDTC chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết giải quyết cụ thể. Tuy nhiên, qua hai quan điểm trên thì có lẽ quan điểm 1 phù hợp hơn. Bởi lẽ theo quy định tại Điều 10 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC:Khi xét thấy vụ việc dân sự đã được thụ lý không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân địa phương khác cùng cấp hoặc khác cấp, thì Tòa án đã thụ lý vụ việc dân sự ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xoá sổ thụ lý. Trong trường hợp đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí, thì Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự không phải trả lại tiền tạm ứng án phí cho đương sự mà tiền tạm ứng án phí đã nộp được xử lý khi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự”. Do vậy, không thể dựa vào lý do đương sự không khởi kiện tại Tòa án mình để yêu cầu đương sự sửa lại đơn khởi kiện về nội dung Tòa án nơi nhận. Hơn nữa, việc quyết định vụ việc này thuộc thẩm quyền của Tòa án sau khi thụ lý, nếu như Tòa án nơi nhận hồ sơ cho rằng vụ việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì sẽ phát sinh tranh chấp về thẩm quyền giải quyết vụ việc tại khoản 2, 3 và 4 Điều 41 BLTTDS năm 2015.

Trên đây là những ý kiến của tác giả đối với việc khởi kiện của đương sự khi quyền lợi bị ảnh hưởng. Mong rằng, qua việc đưa ra những vướng mắc và hướng hoàn thiện trên có thể giúp ích nhiều cho đương sự khi làm đơn khởi kiện nộp tại Tòa án có thẩm quyền, bởi việc khởi kiện là một phần quan trọng đầu tiên cho quá trình tố tụng giải quyết vụ án được nhanh chóng, nếu đơn khởi kiện rõ ràng khi nộp đơn khởi kiện đầu vào, thì không những tiết kiệm thời gian cho đương sự không phải đi lại nhiều lần để sửa đổi, mà còn cho cả Tòa án trong việc hướng dẫn cho đương sự, đặc biệt là quá trình giải quyết vụ án dân sự được nhanh chóng đúng quy định pháp luật.

 

Hội đồng xét xử TAND Quận 7 TP HCM xét xử vụ án "tranh chấp tài sản bán đấu giá" - ẢNH: THANH ĐÔNG

 


[1] Khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

THS. TRƯƠNG VŨ LINH (Tòa án nhân dân Tp Cần Thơ)